PSO - Ngày 27/11/2024 (nhằm ngày 27 tháng 10 năm Giáp Thìn), tại Trung tâm Văn hóa tượng Phật Niết-bàn – Tổ đình Hội Khánh (P.Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương đã tổ chức Lễ Giỗ lần thứ 95 Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - nhà Nho yêu nước, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tham dự lễ giỗ có: Ông Nguyễn Lộc Hà - UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Trưởng Ban Tổ chức Lễ giỗ; Bà Trương Thị Bích Hạnh - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Bà Nguyễn Trường Nhật Phượng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương; Thượng tá Võ Chung Ba – Phó trưởng Phòng An ninh Nội địa Công an tỉnh; bà Nguyễn Thu Cúc – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND TP. Thủ Dầu Một; cùng đại diện các sở, ban ngành lãnh đạo chính quyền và đông đảo người dân thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đồng tham dự.
Về phía Ban Trị sự PG tỉnh có sự hiện diện của: HT.Thích Huệ Thông – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Pháp chế T.Ư, Trưởng ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Bình Dương, Phó BTC Khóa Bồi dưỡng; HT. Thích Thiện Duyên – Ủy viên HĐTS, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh; TT. Thích Chơn Phát - Ủy viên HĐTS, Phó BTS kiêm Trưởng ban Giáo dục Phật giáo tỉnh Bình Dương; ĐĐ. Thích Thiện Hưng - Phó ban Trị sự, Trưởng ban Thông tin Truyền thông PG tỉnh; TT. Thích Minh Chí - Trưởng ban Nghi lễ PG tỉnh Bình Dương, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP. Thủ Dầu Một; ĐĐ. Thích Huệ Minh – Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh; ĐĐ. Thích Huệ Nghiêm – Phó Thư ký kiêm Phó Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh; cùng chư Tăng Ni, Phật giáo tỉnh Bình Dương đồng tham dự.
Lễ giỗ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã diễn ra với các nghi thức cúng chính kỵ, gồm: Lễ dâng vật phẩm, lễ dâng hương lên bàn thờ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Bình Dương và các đại biểu, chư Tôn đức Tăng Ni, người dân quê hương Bình Dương đã thành kính dâng phẩm vật, dâng hương, mặc niệm bày tỏ tấm lòng tôn kính, biết ơn sâu sắc của nhân dân Bình Dương đối với công lao, đạo đức, nhân cách cao cả của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - người đã có công truyền bá tư tưởng yêu nước cho các tầng lớp nhân dân trong cả nước nói chung và nhân dân tỉnh Bình Dương nói riêng.
Phát biểu tại lễ giỗ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà nhấn mạnh, noi theo gương yêu nước, thương dân của cụ Phó bảng, quyết tâm thực hiện kỳ được ước mong thiêng liêng của cụ và của Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm cho nước ta được độc lập, dân ta được tự do, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Bình Dương không tiếc máu xương, vai kề vai cùng cả nước, đã đánh đuổi xâm lược, góp phần giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Gần 50 năm qua, trong công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tỉnh Bình Dương đã giành được nhiều thành tựu to lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, từng bước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Năm 2024, tuy tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức trước diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới. Ngay từ đầu năm, lãnh đạo tỉnh đã sớm dự báo và quyết liệt chỉ đạo, lãnh đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và đạt được nhiều kết quả tích cực. Hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương long trọng tổ chức Lễ giỗ lần thứ 95 của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nhằm thể hiện tấm lòng tôn kính, biết ơn sâu sắc của nhân dân cả nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng tri ân công lao cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - người đã có công dưỡng dục Chủ tịch Hồ Chí Minh; cụ cũng đã dùng trí lực, nhân cách văn hóa gây dựng phong trào yêu nước tại địa phương, góp công vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Dịp này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương đã tổ chức Triển lãm ảnh tư liệu với chuyên đề “Cuộc đời và sự nghiệp cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc”; giới thiệu sách về cụ Phó bảng, về lịch sử vùng đất và con người Bình Dương, Tái hiện hình ảnh cụ Nguyễn Sinh Sắc bốc thuốc trị bệnh cho dân; trưng bày, triển lãm mâm phẩm vật, thuốc nam.… nhằm giáo dục truyền thống yêu nước “uống nước nhớ nguồn” và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là một nhà nho yêu nước thương dân, đã sinh thành, giáo dục cho dân tộc Việt Nam một lãnh tụ vĩ đại, cho thế giới một “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất” - Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ năm 1910, sau khi từ quan, cụ vào các tỉnh phía Nam, đi rất nhiều nơi, gặp nhiều người ở Bình Thuận, Sài Gòn, Thủ Dầu Một, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp…và sang tận Campuchia để truyền bá tư tưởng yêu nước thương dân, trong vai một đồ nho đi trị bệnh cho dân nghèo.
Khoảng cuối năm 1923, do bị mật thám Pháp theo dõi, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từ Thủ Đức, Sài Gòn cũ, nay là quận Thủ Đức, TP.HCM đi đến nhà của Gaston và Lê Đức ở tỉnh Thủ Dầu Một - nay là thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Sau đó cụ Nguyễn Sinh Sắc đến chùa Hội Khánh để gặp người đồng chí của mình là Phan Đình Viện tức cụ Tú Cúc. Cụ Phan Đình Viện quê Hà Tĩnh, tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục nên bị Pháp truy lùng, phải trốn vào Nam và ở chùa Hội Khánh từ năm 1922. Cụ Nguyễn Sinh Sắc hội ngộ với cụ Tú Cúc và Hòa thượng Từ Văn, vị trụ trì thứ 6 chùa Hội Khánh, một nhà sư uyên thâm Phật học và có tinh thần yêu nước. Cùng chung lý tưởng bảo vệ quê hương Tổ quốc, họ đã cùng nhau khởi xướng nhiều hoạt động cứu nước tại chùa Hội Khánh này. Từ cuộc gặp gỡ đó, họ đã quy tụ được những nhà yêu nước tại địa phương như: ông Khôi, ông Nhẫn, thầy Ký Cội, Giáo Thọ Qưới, thầy Từ Tâm v.v...
Ngoài chùa Hội Khánh, trước đây theo bước chân lưu lạc của mình, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từng xây dựng những tổ chức yêu nước cứu quốc ở các nơi mà cụ từng sinh sống, như: ở chợ Gạo, Vĩnh Kim, Sớm Dầu (Tiền Giang), chùa Hòa Khánh, chùa Giồng Thành và nhiều nơi khác.
Do ảnh hưởng uy tín của Hòa thượng Từ Văn khá lớn ở trong vùng nên họ quyết định thành lập Hội Danh dự yêu nước tại chùa Hội Khánh. Mục đích Hội là thông qua các buổi thuyết giảng giáo lý chấn hưng Phật giáo, các lớp dạy chữ Nho, dạy bốc thuốc… để truyền bá tư tưởng yêu nước. Trong thời gian ở tại chùa Hội Khánh, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc còn đi đến các vùng lân cận như Tân Khánh, Tương Bình Hiệp để truyền bá Hội Danh dự yêu nước, đàm đạo về Y thuật, Phật học… Những hoạt động yêu nước, tấm lòng nhân hậu, thương người của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân nơi đây.
Để hoạt động truyền bá tư tưởng yêu nước được hiệu quả và che mắt mật thám Pháp, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã mượn những buổi thuyết pháp về đạo Phật để nói về lòng yêu nước và khuấy động phong trào cứu nước. Cụ cũng là người nghiên cứu về Phật giáo rất kỹ.
Thời gian hoạt động của Hội Danh dự yêu nước không bao lâu thì bị thực dân Pháp phát hiện. Cụ Phó bảng phải rời chùa Hội Khánh về khu vực miền Tây tiếp tục hoạt động. Nơi cụ đến ở đầu tiên là khu vực tỉnh Tiền Giang, sau chuyển xuống làng Hòa An, sống tại chùa Hòa Long, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Tại đây, cụ Phó bảng lại thành lập, khởi xướng phong trào yêu nước trong dân chúng …
Ngày 27-10 năm Kỷ Tỵ (tức ngày 27/11/1929), Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc mất tại chùa Hòa Long, thọ 67 tuổi.
Trước đó, Ông Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Bình Dương; ông Nguyễn Văn Đông- UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy đã đến dâng hương tưởng niệm, với lòng biết ơn vô hạn đối với công lao, đạo đức, nhân cách cao cả của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Ban TT-TT PG Bình Dương