PSO - Sáng ngày 16/10/2023, tại Hội trường A Trường Chính Trị (P. Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một), Ủy ban Nhân dân và Ban Tôn giáo tỉnh Bình Dương đã tổ chức Hội nghị phổ biến chính sách, pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo cho chức sắc, chức việc các tôn giáo và đại diện cơ sở tín ngưỡng tỉnh Bình Dương năm 2023.
Về phía Phật giáo có: HT. Thích Giác Sự, HT. Thích Thường Quang - đồng Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương; Hòa thượng Thích Huệ Thông – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Pháp chế Trung ương, Trưởng ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Bình Dương; TT. Thích Chơn Phát - Uỷ viên HĐTS, Phó BTS kiêm Trưởng ban Giáo dục Phật giáo tỉnh; TT. Thích Minh Vũ – Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh; TT. Thích Minh Lực – Phó ban Trị sự, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế GHPGVN tỉnh; ĐĐ. Thích Thiện Hưng - Phó ban Trị sự, Trưởng ban Thông tin Truyền thông PG tỉnh; Ni sư Thích nữ Từ Thảo – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Phân ban kiêm Trưởng ban Pháp chế Phân ban Ni giới TƯ, Phó BTS kiêm Trưởng ban Kinh tế Tài chánh GHPGVN tỉnh; TT. Thích Huệ Tín – Chánh Thư ký Ban Trị sự Phật giáo tỉnh; ĐĐ. Thích Đức Dũng – Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh; ĐĐ. Thích Huệ Nghiêm – Phó Thư ký kiêm Phó Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh; cùng chư Tôn đức thành viên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, BTS Phật giáo 09 huyện, thị, thành phố và trụ trì 210 cơ sở tự viện trong toàn tỉnh đồng về tham dự.
Đại diện chính quyền có: Bà Tiến sĩ Nguyễn Thị Định – Chuyên viên Cao cấp, Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra, Ban Tôn giáo Chính phủ; Ông Nguyễn Văn Minh - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương; ông Trần Đức Thịnh - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh; bà Trần Thị Kim Lan – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh; ông Huỳnh Phú Quý – Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương; ông Nguyễn Quốc Trí – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh; cùng các chức sắc, chức việc các tôn giáo đang sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương đồng tham dự.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ông Nguyễn Văn Minh cho biết: Bình Dương thuộc miền Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có diện tích 2.694,42km2, dân số 2.678.220 người (trong đó 52% là dân từ các tỉnh đến làm ăn sinh sống) phân bố ở 91 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố. Bên cạnh sự năng động về kinh tế, Bình Dương còn giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống đậm chất Nam bộ, đồng thời là tỉnh có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo với số lượng tín đồ, người có tín ngưỡng đông đảo và hệ thống cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo phong phú.
Những năm qua, Bình Dương có tốc độ phát triển kinh tế khá ấn tượng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thu nộp ngân sách thuộc tốp 5 tỉnh thành đứng đầu cả nước. Trong bối cảnh chúng ta vừa đẩy mạnh công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội sau đại dịch Covid-19, đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhưng thời gian qua, tỉnh Bình Dương thực hiện khá tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội với những con số rất ấn tượng. Trong 9 tháng năm 2023, GRDP ước tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ tăng 7,2%); trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 4,2%; dịch vụ tăng 6,9%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,8%. Đối với chỉ số SIPAS năm 2022 (sự hài lòng của người dân) Bình Dương đứng thứ 04 trong toàn quốc và năm 2023 quyết tâm đưa chỉ số cải cách hành chính đứng trong TOP 10 cả nước. Về hợp tác đa phương, Bình Dương là thành viên chính thức, là đối tác đáng tin cậy của 3 tổ chức quốc tế, bao gồm: Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Horasis và Hiệp hội Trung tâm Thương mai thế Giới (WTCA); đặc biệt, tỉnh Bình Dương đã được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh lọt vào TOP 7 - là một trong 7 cộng đồng có Chiến lược phát triển thông minh tiêu biểu thế giới trong 3 năm liên tiếp 2021-2023.
Tại Hội nghị, các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ đã được nghe bà Nguyễn Thị Định truyền đạt những nội dung cơ bản như: Thông tin về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta hiện nay; Quan điểm, chính sách, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; Một số quy định cơ bản của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và những khó khăn trong thực hiện quy định Pháp luật Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo; dự kiến các nội dung sửa đổi tại Nghị định thay thế NĐ số 162/2017/NĐ-CP …..phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Luật tín ngưỡng, tôn giáo; các quy định về đất đai, xây dựng, thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động tín ngưỡng.
Dịp này, bà Nguyễn Thị Định cũng lắng nghe và giải đáp các thắc mắc liên quan đến một số nội dung mà thời gian qua các chức sắc, chức việc các tôn giáo đang sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương rất quan tâm. Hội nghị đã góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức, nắm bắt được các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; cập nhật kịp thời các thông tin, văn bản liên quan để hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân đối với quê hương, đất nước.
Một số hình ảnh ghi nhận được tại hội nghị:
Ban TT-TT PG Bình Dương