(PSO) - Tổ đình Thiên Thai, tên chữ là Thiên Thai cổ tự, nằm ở phía Bắc chân núi Dinh Cố, có hình dáng như một chiếc nón khổng lồ úp trên cánh đồng Tam An tọa lạc tại ấp Phước Trung, xã Tam Phước, huyện Long Điền là một trong 7 điểm chùa của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được Ban Văn hoá TƯ GHPGVN chọn để khảo sát Kiến trúc Di sản Phật giáo.
Trong chuyến công tác vào trung tuần tháng 9/2022, đoàn công tác do TT. Thích Thọ Lạc – UV Thư ký HĐTS, Trưởng Ban Văn hoá TƯ GHPGVN làm trưởng đoàn cùng chư Tôn đức Tăng, Ni trong Ban Văn hoá TƯ và các tỉnh thành cùng các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học đã đến làm khảo sát tại ngôi tổ đình hơn 100 năm tuổi này.
Tổ đình Thiên Thai không những được nhiều người biết đến bởi cảnh quan, kiến trúc mà còn gắn liền với nhiều câu chuyện ly kỳ của người sáng lập nên, với chủ trương chấn hưng Phật giáo ở vùng Nam Bộ.
Người có công lao khai phá, xây dựng Tổ đình Thiên Thai là HT. Huệ Đăng, tên thật là Lê Quang Hòa, sinh năm (1873 – 1953) trong một gia đình nhà Nho ở làng An Dõng, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định.
Khi Ngài ở Huế tham gia phong trào “Hịch Cần Vương”, chống lại chế độ pháp thuộc. Sau đó vào miền Nam, đầu tiên Ngài đặt chân đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và đã dừng chân tại xã An Ngãi, huyện Long Điền, thành lập chùa Thiên Thai vào năm 1920. Ngài cũng chính là người đã dịch quyển kinh “Vu Lan Bồn” sang việt ngữ.
Năm 1901, Ngài được Bổn sư gửi đi tham học với Tổ Trí Hải ở chùa Thiên Thai Sơn Thạch tại Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Sau ba năm tu học tinh tấn, thông suốt các kinh, luật, luận, Ngài trở về chùa Long Hòa. Thấy đạo phong và trí huệ Ngài xứng đáng là người gìn giữ mối đạo tương lai, Tổ Hải Hội truyền trao Cụ Túc giới và ban pháp danh Thanh Kế, pháp hiệu Huệ Đăng.
Năm Ất Tỵ (1905), Tổ Hải Hội viên tịch ở chùa Long Hòa. Ngài về cư tang và lo xây dựng bảo tháp. Thời gian này, Ngài vào núi Dinh Cố khai phá thạch động làm nơi tĩnh tu. Ngài ở lại đây hai năm tĩnh tu thiền định, tụng kinh Pháp Hoa. Danh đức của Ngài vang khắp, thiện tín bốn phương sùng kính ngày càng đông, đồ chúng theo Ngài tu học càng nhiều.
Sau một thời gian vân du hoằng hóa ở các tỉnh Nam Bộ, Ngài cùng một đệ tử về ẩn tu ở hang Mai trên núi Dinh, sống khắc khổ để ẩn tu thiền định. Ngài bị quan tri phủ sở tại nghi ngờ tổ chức chống Pháp nên buộc phải rời hang Mai và trở lại thạch động Thiên Thai. Thạch động nhỏ hẹp, không phải là chốn già lam, nên Ngài nghĩ đến việc xây dựng chùa Thiên Thai ở chân núi Dinh Cố để tiếp tăng độ chúng, truyền bá chánh pháp. Đến năm 1920, Ngài cho khởi công xây dựng chùa Thiên Thai cách hang hơn một trăm mét.
Năm 1935, hưởng ứng phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam, cùng chiều hướng Hòa thượng Khánh Hòa lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học năm 1934, Hoà thượng Huệ Đăng cho thành lập "Thiên Thai Thiền Giáo Tông Liên Hữu Hội", thường được gọi tắt là "Thiên Thai Thiền Giáo Tông" trụ sở đặt tại chùa Thiên Thai. Đệ tử của Ngà nhiều người là cao Tăng tài đức như HT. Thích Minh Nguyệt - Chủ tịch ban liên lạc Phật giáo yêu nước; HT. Thích Thiện Hào - Phó chủ tịch HĐTS TW GHPGVN… .
Qua năm sau (1944), Ngài lại trở về chùa Thiên Tôn – Bình Định và đến ngày 11 tháng 7 năm Quý Tỵ (1953), Ngài ngồi kiết già, hướng mặt về Tây, niệm Phật và viên tịch. Bảo tháp Ngài được xây dựng trên núi Ông Đốc cạnh chùa. Công hạnh và đạo nghiệp rực rỡ của Ngài còn thể hiện qua trước tác nhiều thơ văn Nôm.
Các kinh điển được Ngài diễn Nôm thường tụng còn lưu truyền rộng rãi cho đến ngày nay: Kinh Vu lan nghĩa, Kinh Di Đà nghĩa, Bài Bát nhã Tâm kinh nghĩa, Tịnh độ chánh tông, Bài sám Thảo Lư.
Các công trình tổ đình Thiên Thai gồm: Tòa chánh điện, giảng đường (hậu tổ), nhà khách, bát quái đài, thạch động và khu vườn tháp. Trong đó, nổi bật là tòa chính điện hình tứ giác vuông, mỗi cạnh 15m. Mặt tiền của toà chính điện gồm 5 gian, ở giữa có 3 cửa ra vào xây theo lối cuốn vòm. Điện thờ Phật được thiết kế ở trung tâm bố trí 4 trụ đá ở bốn góc, giữa là một trụ đá nâng đỡ toàn điện thờ, tạo thành chữ “Ngũ”. Bốn góc có ngai thờ làm bằng gỗ rộng 1m, cao 2m, sơn son thếp vàng, chạm trổ, công phu những hình trang trí truyền thống như: Hổ phù, lửa tam muội, hai bên là hình Rồng cách điệu…
Phía sau tòa chánh điện là giảng đường (hậu tổ) gồm 5 gian bằng gỗ, kết cấu kèo đơn giản hình chữ A, mái lợp ngói vẩy rồng. Đầu các đòn bẩy có gắn trang trí hình rồng, chim thần cách điệu chạm trổ rất công phu. Ngoài ra, còn có Thạch động là nơi thanh tịnh tu hành và chính nơi đây Ngài đã hàn phục được hổ dữ trong ngôi thạch động này. Đặc biệt, chùa còn lưu giữ một số có các hoành phi, các cặp liễn sơn son thếp vàng và văn bia viết bằng Hán rất cổ kính. Với lối kiến trúc cổ kính, tổ đình Thiên Thai trở thành Di tích lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh vào năm 2008.
Thấy rằng, Tổ sư Huệ Đăng là một vị Sư yêu nước (tham gia Hịch Cần Vương); Một nhà tu hành đắc đạo (người thành lập ra Thiên Thai Thiền giáo Tông đầu tiên tại miền nam); Ngài lại có thể “hàng phục hổ dữ” trong hang Thạch động; Một nhà nho giáo uyên thâm (Ngài là tác giả dịch ra kinh Vu Lan Bồn).
Nhớ ơn người khai sáng, lễ tưởng niệm Tổ sư (giỗ Tổ Huệ Đăng) được tổ chức rất trang nghiêm tại Tổ đình Thiên Thai trong 2 ngày 10 và 11/7 (âm lịch) hàng năm với sự tham dự của đông đảo Chư Tăng Ni và hàng nghìn người dân địa phương cũng như du khách từ các tỉnh lân cận đổ về tham dự.
Thích Nữ Liên Thuận