Trong thời đại số, điện thoại đã trở thành người bạn đồng hành quen thuộc của nhiều bạn trẻ trong cả học tập lẫn giải trí. Sau những giây phút căng thẳng, việc tìm kiếm sự xoa dịu từ những thú vui trên màn hình dường như là điều hiển nhiên, đặc biệt là khi những thước phim ngắn cho bạn thấy “mọi thứ” trên đời. Tuy nhiên, giữa những niềm vui hấp dẫn và chớp nhoáng, nhiều bạn trẻ vẫn chọn cách tạm rời xa màn hình để bước vào không gian tĩnh lặng của những khóa tu ngắn ngày – nơi họ tìm thấy bình yên và cảm giác kết nối với cộng đồng.
Các khóa tu dành cho sinh viên thường kéo dài từ 1-2 ngày, được tổ chức định kỳ tại các chùa, tùy theo địa điểm mà các khóa tu diễn ra hàng tuần hoặc cách vài tuần. Một ngày tu tập bắt đầu bằng bữa sáng chay. Sau đó, các bạn sẽ nghe thuyết pháp, thực hành chánh niệm thông qua một buổi thiền. Sau những giờ tu học, tu sinh có thời gian nghỉ trưa, tham gia các hoạt động đội nhóm. Trong khóa tu “Một ngày để yêu thương” vào cuối tháng 3, tại chùa Diệu Pháp (Bình Thạnh), nhiều bạn trẻ đã có một dịp thấu hiểu hơn về bản thân mình.
Bình yên là giá trị không thể đo đếm
Tách mình ra khỏi muộn phiền hàng ngày, tiếp cận giáo lý Phật pháp và nương tựa vào sự chỉ dẫn của Phật – đó là lý do Võ Ngọc Minh Thư ( lớp 11, Trường THPT Cao Vân – Cơ sở 3) tham gia khóa tu “Một ngày để yêu thương”. Đây là lần thứ hai Minh Thư tham gia tu tập, với mong muốn tìm lại sự bình yên giữa những căng thẳng từ học tập và bất ổn trong các mối quan hệ xung quanh.
Minh Thư chia sẻ: “Trong giờ thiền trà, em được sư thầy nhắc rằng không phải lúc nào mình cũng có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Dịp đến chùa này đã cho em cơ hội được gặp gỡ các em nhỏ, các bạn, các anh chị. Em biết mình nên cởi mở và sống trọn vẹn với hiện tại, vì em cảm nhận được sự quý mến mà mọi người dành cho em dù chỉ mới gặp gỡ”.
Nguyễn Thị Anh (sinh viên năm hai ngành Nhân học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cũng là một khóa sinh của “Một ngày để yêu thương” cho biết, đây không phải là lần đầu cô tu học. Những ngày đầu bước vào môi trường đại học, khi lịch trình chưa quá căng thẳng, cô đã tranh thủ tham gia khóa tu “Trở về nhà” diễn ra trong 2 ngày tại Lâm Đồng vào cuối năm 2023. Chuyến đi tu tập ấy là một bước ngoặt giúp cô mạnh dạn và cởi mở hơn. Thị Anh nói rằng cô không cảm thấy cô đơn trong chuyến đi ấy vì đã kết nối với những người bạn cùng “tần số”: “Khóa tu đã mang lại cho mình những người bạn mới. Mình không nghĩ một khóa tu với chi phí rẻ cho sinh viên lại có thể cho mình nhiều trải nghiệm quý giá đến thế”.
Mỗi người tiếp thu giáo lý Phật pháp theo cách riêng, nhưng tựu trung, khoảng thời gian tham gia khóa tu là lúc các bạn trẻ kết nối với chính mình, nhận thức và biết ơn những gì mình đang có. Thị Anh nói: “ Mình vốn là người vô tư và đơn giản, nên đôi khi mình không cảm nhận quá sâu sắc những giáo lý Phật giáo. Nhưng bù lại, điều mà mình nhận được là sự tĩnh tâm và bình yên, giống như bỏ lại mọi ồn ào để có cho mình những giây phút thư thái”.
Với Thị Anh, động lực ban đầu khi đi tu tập là vì nghĩ rằng nó có thể giúp ích cho ngành học liên quan đến Tôn giáo của mình. Dù đến với khóa tu vì những lý do khác nhau, nhưng điểm chung của những người trẻ này là họ đều tìm thấy sự cân bằng trong tâm hồn, những mối quan hệ gắn kết và một khoảng lặng cần thiết giữa nhịp sống hối hả.
“Ngắn ngày” nhưng không “ngắn hạn”
Một ngày tách mình khỏi những guồng quay thường nhật để cảm nhận và biết ơn những gì mình đang có, tận hưởng giây phút hiện tại là mục đích chính của các khóa tu. Nhưng liệu một ngày ngắn ngủi có đủ để “chữa lành” cho một người hay không? Sự tỉnh thức có thể kéo dài hay chỉ là khoảnh khắc thoáng qua? Câu trả lời phụ thuộc vào ý chí của mỗi người.
Khánh Ly (sinh viên năm hai, ngành Toán ứng dụng, Đại học Tôn Đức Thắng) chia sẻ: “ Trước đây, có thể mình đã quá vội vàng hoặc chưa dành đủ sự quan tâm cho những người thân yêu. Mình nghĩ, có cảm thấy an lạc và học hỏi được gì hay không còn tùy thuộc vào mỗi người. Nếu chỉ tham gia mà không thực hành những gì đã học, thì có thể hiệu quả sẽ không kéo dài. Nhưng nếu mình thực sự duy trì thói quen tỉnh thức thì khóa tu có tác động lâu dài và ý nghĩa hơn”.
Trong buổi Trà thiền pháp vị thuộc khuôn khổ khóa tu “Một ngày để yêu thương”, Đại đức Ngộ Trí Dũng đã có cuộc gặp gỡ tu sinh với chủ đề Sống tỉnh thức trong thời đại 4.0. Thầy chia sẻ: “ Tôi lựa chọn chủ đề này vì nó cần thiết. Đây không phải là một vấn đề mênh mông hay thâm sâu, mà nó rất gần gũi với các bạn trẻ”. Thầy nhận thấy rằng nhiều bạn trẻ ít dành thời gian thực tập chánh niệm, thay vào đó, phần lớn thời gian được sử dụng để làm bạn với điện thoại. “Nếu không thực tập chánh niệm, nếu không sống ở hiện tại, ta sẽ không thấy được những vẻ đẹp trong đời. Mọi thứ hiện diện trong cuộc đời mình đều rất màu nhiệm, đều có giá trị riêng cho sự hiện hữu đó”.
Đặc biệt, Thầy nhấn mạnh sự quan trọng của việc không để bản thân lạc mất trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại: “Đôi lúc mình có thể lỗi hẹn với một ai đó, nhưng có một thứ các bạn không thể lỗi hẹn – đó là sự sống của chính mình. Sống trong thất niệm, không biết mình đang sống, chính là tự lỗi hẹn với cuộc đời”. Thực tập chánh niệm không chỉ mang đến sự bình yên mà còn giúp mỗi người tìm thấy hạnh phúc ngay trong những điều giản dị nhất.
"Đôi lúc mình có thể lỗi hẹn với một ai đó, nhưng có một thứ các bạn không thể lỗi hẹn – đó là sự sống của chính mình”. |
Cũng theo Đại đức Ngộ Trí Dũng, việc tu tập và chánh niệm không dừng lại khi kết thúc một khóa tu: “ Mỗi ngày dành ra 5 - 10 phút để trở về cảm nhận cuộc sống. Thực tập chánh niệm là khi bạn biết ơn những thứ mình đang có, ý thức được những việc mình đang làm. Sự thực tập này ta có thể làm ở mọi lúc mọi nơi, không phải vào chùa mới có thể làm được”.
Sống tỉnh thức không phải là một điểm đến, mà là một hành trình. Nó không yêu cầu ta phải từ bỏ công nghệ hay những tiện ích hiện đại, mà đòi hỏi ta học cách sử dụng và làm việc với chúng một cách tỉnh táo. Nếu tỉnh thức là một ngọn lửa, thì chính sự thực hành hàng ngày sẽ là nhiên liệu giúp nó cháy mãi.
Dư Thư