Từ đây, Thượng tọa đã giải thích và phân tích cho đại chúng hiểu rõ về niềm tin chân chính, có 10 điều Đức Phật dạy chớ vội tin, đó là: đừng vội tin một vấn đề khi vấn đề đó phù hợp với truyền thuyết, chớ vội tin vào một điều mà điều đó phù hợp với truyền thống, chớ vội tin vào một điều gì mà điều đấy được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền, chớ tin vào những điều mà điều đấy được ghi chép vào trong sách, chớ vội tin vào một điều mà điều đó phù hợp với lập trường của mình, chớ vội tin vào một vấn đề mà vấn đề đó dựa trên một lý thuyết siêu hình, chớ vội tin vào một vấn đề mà vấn đề đó chưa đủ chứng cứ, chớ vội tin vì điều đó phù hợp với định kiến của mình, chớ vội tin vào một vấn đề mà vấn đề đó được một sức mạnh quyền uy ủng hộ, chớ vội tin vào những lời thuyết giảng của các nhà truyền giáo hay đạo sư của các vị.
“Khi nghe giảng hay đứng trước một vấn đề nào đó, các vị phải có trí tuệ, quán sát, suy tư, kiểm nghiệm lời dạy đó là thiện lành, là đạo đức hay không, được người trí tán thán hay không. Nếu sống và thực hành theo điều đó được an lạc, lợi ích thì các vị nên đặt niềm tin kiên cố vào điều đó. Đức Phật dạy người tu hành cần tin vào khả năng giác ngộ của chính mình, Đức Phật chỉ ra con đường và dạy chúng ta làm thế nào để đạt được tính giác của mình. Sự khác biệt giữa chúng sinh với Phật là: Phật là bậc đã xa lìa được tham sân si, những phiền não, nhiễm ô. Đối với chúng sinh thì những phiền não, nhiễm ô còn tác động, ảnh hưởng. Cho nên chúng ta chưa đạt được tính giác. Những tính giác vẫn còn tiềm ẩn trong chúng ta. Tin “Phật, Pháp, Tăng”, tin Phật là nhân vật lịch sử có thật, một bậc vĩ nhân, một bậc giác ngộ. Ngài đem giáo pháp để dạy cho chúng sinh và Ngài hy vọng mỗi chúng sinh sẽ đạt được như Ngài. Tin vào Pháp, tin vào lời dạy của Đức Phật phù hợp với căn cơ, đạo lý, trình độ với mọi người, lời dạy của Đức Phật phù hợp với lối sống tu tập và chúng ta nương vào đó sẽ đạt được an lạc, hạnh phúc trong đời này và cả trong đời vị lai. Tin vào Tăng, là đoàn thể đệ tự xuất gia theo Đức Phật, sống với tinh thần lục hòa, là người truyền bá giáo lý của Đức Phật. Chư Tăng là người tiếp nối, gìn giữ mạng mạch Phật pháp. Đó là vai trò của chư Tăng, nên chúng ta phải tin vào tăng. Ta phải phân biệt rõ tác hại của niềm tin sai trái, phải hiểu rõ lợi ích của niềm tin chân chính. Niềm tin như hạt giống nảy mầm, người sống không có niềm tin như hạt giống đã chết không có sự sống. Khi đặt niềm tin vào vấn đề nào đó, khi nghe một vấn đề nào đó, chúng ta cần có sự quán sát, suy tư kiểm nghiệm. Khi chúng ta sống, thực hành theo thấy lợi ích, an lạc và thiện lành, được bậc trí tán thán, thì chúng ta đặt niềm tin kiên cố bất động vào đó. Tin vào Tam Bảo, tin vào Đức Phật là nhân vật có thật và đã tìm ra con đường đúng, đi theo con đường đó sẽ đạt được giác ngộ. Tin vào giáo pháp lời dạy của Ngài trong 45 năm thuyết pháp để lại lời dạy đó liên quan đến đạo đức, lối sống. Tin vào chư Tăng – những vị giữ vai trò tồn vong của Phật pháp. Tin vào khả năng giác ngộ, giải thoát của mỗi người như tinh thần kinh Pháp Hoa, Đức Phật đã dạy “Đức Phật là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”.
Qua đó, Thượng tọa giảng sư mong rằng người Phật tử sẽ hiểu rõ những lợi ích của niềm tin đúng đắn, chân chính, có niềm tin kiên cố vào Phật pháp và thường thực hành lời dạy của đức Phật để có được lợi ích an lạc.
Sau hơn một giờ đồng hồ, buổi chia sẻ pháp thoại của Thượng tọa Thích Giác Hiệp đã kết thúc trong niềm hoan hỷ vô biên của toàn thể đạo tràng có mặt tại chùa Bằng hôm nay.
Tiếp theo, dưới sự chủ lễ của Hòa thượng trụ trì cùng chư Tôn đức Tăng, toàn thể đại chúng tiếp tục trì tụng Kinh Dược Sư bằng tất cả sự chí thành chí kính của những người con Phật, hồi hướng cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân dân ấm no hạnh phúc.
Buổi trưa, hàng Phật tử cùng nhau thiền hành về trai đường, thực hiện nghi thức cúng Ngọ, dùng cơm chay trong chính niệm, tỉnh thức.
Đến đầu giờ chiều, đại chúng tiếp tục trì tụng kinh Dược sư, sau đó dâng biểu tạ đàn, cúng chúc thực, bá thí âm linh cô hồn để kết thúc Pháp hội. Thật đúng với lời Kinh Dược Sư chỉ dạy, Tài Pháp nhị thí, lợi ích chúng sinh.
Diệu Tường