Phật giáo ra đời đã đề ra những phương pháp tu tập mà nếu như cá nhân hay xã hội nào có thể thực hành theo thì đều đạt được hạnh phúc. Tư tưởng Phật giáo đó là những phương pháp, cách thức, giúp cho hành giả áp dụng vào đời sống hằng ngày. Tất nhiên, mỗi cá nhân tồn tại trong không gian và thời gian cụ thể nên Phật giáo cũng hướng đến từng cá nhân, với những phương pháp cụ thể tùy vào căn cơ của mỗi người nhằm hoàn thiện khả năng hòa nhập của cá nhân với xã hội; hoàn thiện nhân cách; mở rộng hiểu biết và tìm được lối đi của chính mình.
Đức Sa-môn Gotama
Dù người ở ngoài xã hội hay ở trong đạo cũng cần có người dẫn đầu toàn năng toàn trí. Người dẫn đầu của đạo Phật chính là Đức Sa-môn Gotama hay là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Các đệ tử xuất gia tu tập theo Ngài được gọi là Sa-môn Thích tử. Đức Phật đã rời bỏ đời sống giàu sang ở chốn hoàng cung, chấp nhận nếp sống kham khổ của một vị Sa-môn không nhà không cửa, không người thân quyến, quyết tâm tu dưỡng giới đức, tâm đức, tuệ đức, sống đời sống phạm hạnh. Sau khoảng 06 năm tu tập cũng đến ngày Ngài đạt được giác ngộ, năm Ngài 35 tuổi. Từ đó, Ngài được mọi người tôn quý gọi là “Sa-môn Gotama - bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác (Arahato Sammasambuddho)”.
Để người đời gọi là Sa-môn và tự nhận mình là Sa-môn thì vị ấy cần phải thực hành các pháp tác thành của Sa-môn mới có thể có danh xưng chơn chánh và xứng danh là “Sa-môn Thích tử”. Với đạo hạnh của Đức Thế Tôn được mọi người cung kính và xứng đáng thọ nhận bốn sự cúng dường, xuất gia không phải trở thành người vô dụng, trái lại việc đó đem đến lợi ích lớn, có thành quả lớn, và hơn thế chúng ta có thể hiểu thêm nhân phẩm đáng quý của đời sống Sa-môn như trong kinh Trung Bộ I, kinh Potaliya, số 54 viết: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn thật sự đã gợi ở nơi con lòng ái kính Sa-môn đối với các vị Sa-môn, lòng tịnh tín Sa-môn đối với các Sa-môn, lòng tôn kính Sa-môn đối với các Sa-môn”.
Trong Kinh Pháp Cú thuộc Khuddaka Nikaya, kệ số 388 dạy:
“Bāhitapāpoti brāhmaṇo samacariyā samaṇoti vuccati,
Pabbājayattano malaṃ tasmā pabbajitoti vuccati”.
Dịch Việt:
Dứt ác gọi Phạm Chí,
Tịnh hạnh gọi Sa-môn,
Tự mình xuất cấu uế,
Nên gọi bậc xuất gia.
(HT. Thích Minh Châu)
Trong tập thể, mỗi người đều có vai trò, trách nhiệm xây dựng tập thể vững mạnh, hài hòa với vận hành chung của xã hội, đem lại lợi ích cho cả tập thể và từng cá nhân. Để đạt đến những đến điều đó, mỗi hành giả trong Tăng đoàn có những bổn phận - các pháp tác thành cần thành tựu và chướng ngại cần phải vượt qua. Các pháp tác thành nên Sa-môn gồm trong pháp học – Tam tạng kinh điển và pháp học là Giới - Định - Tuệ. Bên cạnh đó, cần vượt qua những trở ngại lớn nhỏ luôn bủa vây lấy người tu hành mỗi giây mỗi phút, ở tận sâu trong tiềm thức hay thể hiện ra như mây mù che lối người đi đường để cản bước chân, che lối đi và làm người ta lạc lối trong đó, mù mờ về tương lai. Những chướng ngại đó là các thói quen xấu hàng ngày, là những triền cái hay lậu hoặc khó trừ, khó bỏ mà các Sa-môn đệ Thích tử phải nỗ lực hết mình để chiến đấu vượt qua.
Ba ngôi Tam bảo
Đầu tiên chúng ta cần tìm hiểu sơ lược về Phật-Pháp-Tăng, tức là ba ngôi Tam Bảo để hiểu hơn về đời sống phạm hạnh của Sa-môn cần phải trải qua những con đường nào hướng đến lộ trình giác ngộ tự tâm. “Phật” tiếng Pāli là ‘Buddha’ với căn là “Bud” nghĩa là sự hiểu biết, sự giác ngộ. Trí biết ấy là biết một cách sâu sắc về bản chất của vạn pháp không có “tôi” “ta”, vạn vật thay đổi vô thường biến hoại; hiểu biết về sự thống khổ do đâu, nguyên nhân thống khổ là do thiếu trí tuệ còn Phật thì trí tuệ tròn đầy. Thức ăn của thiếu trí tuệ là ái dục và chấp thủ. Trong Kinh Mi Tiên Vấn Đáp, đức vua Mi Lan Đà đã hỏi về sự tối thắng của đức Phật như thế nào, ngài Na Tiên đã trả lời như sau: “Phật là bậc tối thượng, tối thắng là vượt người, là vượt trời; là thầy của chư Thiên và loài người”.
Sa-môn là danh từ chung chỉ cho các tu sĩ hay đạo sĩ, người rời bỏ đời sống gia đình đi xuất gia, cạo bỏ râu tóc và khoác lên người chiếc áo cà sa. Vị Sa-môn sống bằng hạnh khất thực tức nhờ vào sự bố thí của người khác. Ngày đêm suy tư, tìm cầu con đường đưa đến chấm dứt luân hồi khổ đau, thành tựu quả giải thoát Niết bàn. Sa-môn ngoại đạo hay là Sa-môn Bà-la-môn được dùng chung cho tất cả người tu hành theo các trường phái ngoài Phật giáo ở Ấn Độ thời cổ. Người ngoại đạo gọi Đức Phật là Sa-môn Gotama (hay Gautama), và gọi đệ tử của Ngài là Sa-môn Thích tử. Từ đó, Đức Phật sử dụng danh từ Sa-môn nhưng theo nghĩa mới của Phật: “Sa-môn Thích tử” là người đoạn trừ tất cả ác pháp, thực hành mọi hạnh lành, chứ không phải vì xuống tóc, mặc áo cà sa, mà gọi là Sa-môn.
Danh từ Sa-môn, phiên âm từ tiếng Phạn Sa Ca Muộn Nẵng (Phạn: श्रमण śramaṇa; Pāli: शमण samaṇa), đời Diêu Tần dịch là Cần Hành, nghĩa là siêng tu những pháp lành, đi đến Niết bàn, đời Đường dịch là Cần Tức, nghĩa là người này siêng tu thiện phẩm, dứt các điều ác. Có khi gọi là Sa-môn Na, hoặc Môn. Ngoài ra, Sa-môn được định nghĩa trong các kinh đa dạng như sau:
Đại Phương Quảng Bảo Khiếp kinh chép: “Lìa hết các trói buộc, cho nên gọi là Sa-môn”. Kinh Bảo Tích chép: “Sa-môn nghĩa là tịch diệt, điều phục, thọ giáo, giới thân tịnh, như thật được giải thoát, lìa tám pháp ở đời, tâm vững vàng không lay động như đất, hộ trì ý mình người, không đắm nhiễm ở nơi các hình tướng, như đưa tay dao động ở giữa hư không, không bị ngăn ngại, thành tựu nhiều pháp như thế cho nên gọi là Sa-môn”.
Kinh Trường A-hàm (tập 1) viết: “Sa-môn là người xa lìa ân ái, xuất gia học đạo, chế ngự các căn, không nhiễm mê ngoại dục, có tâm từ đối với hết thảy, không làm tổn hại vật gì, gặp khổ cũng không buồn, gặp vui cũng không mừng, hay nhẫn như đất, nên gọi là Sa-môn”.
Sa-môn (Samana) được mọi người quý trọng và tin tưởng, nên Đức Phật rất quan tâm giáo dục hàng đệ tử xuất gia về lý tưởng và mục đích của đời sống Sa-môn. Ngài nhắc nhở các Tỳ kheo: “Sa-môn! Sa-môn! Này các Tỳ kheo, dân chúng biết các thầy là vậy. Nếu các thầy có được hỏi: “Các thầy là ai?”, các thầy phải tự nhận: “Chúng tôi là Sa-môn”. Này các Tỳ kheo, các thầy đã được danh xưng như vậy, đã tự nhận là như vậy, thì này các Tỳ kheo, các thầy phải tự tu tập như sau: “Những pháp môn xứng đáng bậc Sa-môn, chúng ta sẽ tu tập pháp môn ấy. Như vậy, danh xưng này của chúng ta mới chân chính và sự tự nhận này của chúng ta mới như thật. Và những thứ cúng dường mà chúng ta thọ hưởng như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh mới có được kết quả lớn, lợi ích lớn cho chúng ta. Chúng ta xuất gia không thành vô dụng, có kết quả, có thành tích”.
Hạnh Sa-môn
Thế nào là xuất gia làm Sa-môn có kết quả, có thành tích, không trở thành vô dụng? Theo lời Phật thì Sa-môn có nghĩa là: “Người làm cho dừng lại các ác, bất thiện pháp, những pháp này làm ô nhiễm, đưa đến tái sanh, đáng sợ hãi, đem lại khổ quả, đưa đến sanh, già, chết trong tương lai”.
Trong Kinh Lõi Cây, Đức Phật dạy có năm hạng người hướng đến xuất gia, do thấy khổ trên cuộc đời và khổ xảy ra cho bản thân mình. Vị này muốn chấm dứt khổ vĩnh viễn nên chọn con đường xuất gia, từ bỏ đời sống gia đình đi vào đời sống không gia đình.
– Hạng thứ nhất xuất gia một thời gian vì lợi dưỡng vật chất, được cung kính cúng dường, khiến tâm bị ô nhiễm, sanh tự mãn thích hưởng thụ.
– Hạng thứ hai cố gắng vượt qua lợi dưỡng và cung kính, thành tựu giới đức nhưng sanh tự mãn, khen mình chê người.
– Hạng thứ ba tiến đến chứng đắc các tầng thiền nhưng lại sanh tự mãn.
– Hạng thứ tư đạt tri kiến (thấy, hiểu) rồi sanh tâm tự mãn, cống cao.
– Hạng thứ năm nhìn sâu vào bản chất các pháp bằng cái nhìn thiền quán, đoạn trừ các lậu hoặc, đắc đạo quả giải thoát: Tâm giải thoát này chính là cứu cánh của đời sống phạm hạnh.
Bốn hạng người đầu vì tự mãn, cống cao nên sẽ khiến cho sự tu tập chững lại, hoặc mất đi dẫn đến những ác pháp bất thiện, còn hạng thứ năm vì nhìn được bản chất thật sự của các pháp biết cho mình một hướng tu tập để hướng đến những thiện pháp cuối cùng sẽ hoàn thành sở nguyện chứng đắc đạo quả giải thoát giác ngộ.
Trong mục số 18, theo Kinh Na-Tiên Tỳ kheo thuộc hệ thống Mahayana có nêu lên bốn hạng người đi tu theo hạnh Sa-môn: (1) Người vì nợ nần; (2) Người vì sợ quan quyền; (3) Người vì nghèo khó; (4) Người muốn dứt bỏ mọi khổ nhọc đời này, đời sau. Và Tỳ-kheo Na-Tiên cho biết, mình đi tu làm sa-môn là vì cầu Đạo.
Trong Đại Kinh Xóm Ngựa, Đức Phật thuyết về 7 pháp tác thành một vị Sa-môn khác như sau: 1. Biết tàm quý; 2. Thân hành thanh tịnh; 3 Khẩu hành thanh tịnh; 4. Ý hành thanh tịnh; 5. Mạng sống thanh tịnh; 6. Hộ trì các căn; 7. Chú tâm cảnh giác. Bảy nguyên tắc tác thành vị Sa-môn mang tinh thần giới luật đầu tiên, đề cao giới luật của Phật giáo. Bảy nguyên tắc là nền tảng để xây dựng đời sống phạm hạnh cho người xuất gia có chí hướng cầu giải thoát giác ngộ. Vì một vị xuất gia thành tựu những nguyên tắc này thì danh xưng Sa-môn của vị ấy mới chơn chánh, như thật, và vị ấy xuất gia không thành kẻ vô dụng. Ngược lại, người xuất gia không thực hành những nguyên tắc này thì danh xưng Sa-môn của vị ấy không chơn chánh, không như thật, mặc dù vị ấy có hình thức là người xuất gia, vị ấy sẽ trở thành kẻ vô dụng.
Hành giả tu tập chuyên tâm, ngày đêm học hỏi, nghiên cứu giáo lý, thông suốt về giáo pháp lẫn giáo nghĩa. Pháp học bao gồm Tam tạng Phật điển thông qua tiến trình tu tập “Văn-Tư -Tu”:
- Văn tuệ: Là phương pháp tu tập trí tuệ nhờ vào sự nghe hoặc trực tiếp nghiên cứu, tụng đọc giáo lý mà lãnh hội ý nghĩa, phát sanh trí tuệ.
- Tư tuệ: Là trí tuệ có được nhờ vào quá trình tư duy, xét đoán, trầm tư về những lời dạy của Đức Phật mà khai sáng thêm trí tuệ. Đây là giai đoạn tiếp theo văn tuệ, tư duy những gì đã được nghe, được đọc… Đó là tư duy về giáo lý Tứ đế, Thập nhị nhân duyên… liên hệ đến con người và sự vật.
- Tu tuệ: Là đem áp dụng trí tuệ đó vào cuộc sống mà tu tập và hành trì thông qua thiền định, để thể nghiệm và thể nhập sự thật của các pháp là vô thường, khổ và vô ngã. Thực hiện pháp hành thì có bảy bước thanh tịnh, nhằm phát sanh trí tuệ trong lúc tu tập Thiền quán là 16 tầng Tuệ Minh sát.
Dù các pháp tác thành vị Sa-môn Thích tử thật phong phú nhưng đều quy về mục tiêu tối cao là giác ngộ giải thoát cho nên trong kinh Đại Bát Niết Bàn khi được hỏi Đức Phật đã trả lời như thế này: “Này Subhadda, trong pháp luật nào không có Bát Thánh đạo, thời ở đây không có (đệ nhất) Sa-môn, ở đây cũng không có đệ nhị Sa-môn, cũng không có đệ tam Sa-môn, cũng không có đệ tứ Sa-môn… Này Subhadda, nếu những vị Tỳ kheo này sống chơn chánh, thời đời này không vắng những vị A-la-hán”.
Sa-môn phạm hạnh cần có tinh tấn là một trong năm sức mạnh (ngũ lực). Và các sức mạnh khác được giải thích như sau: Sức mạnh của tín (niềm tin) cần phải tìm thấy trong Bốn Dự Lưu phần. Sức mạnh của Tấn cần phải tìm thấy trong Tứ Chánh Cần. Sức mạnh của Niệm (ghi nhớ) cần phải tìm thấy trong Tứ Niệm Xứ. Sức mạnh của Định cần phải tìm thấy trong Tứ Thiền. Sức mạnh của Tuệ (hiểu biết thấu đáo) cần phải tìm thấy trong Tứ Thánh Đế. Sa-môn ví như hồ nước trong mát khéo xây cất ở ven đường, có thể giúp giải trừ cảm giác mệt mỏi và nóng bức, mang lại sự thoải mái, an lạc cho những kẻ bộ hành đường xa bị mệt mỏi và nóng bức.
Như vậy, vị Sa-môn phạm hạnh do siêng năng tu tập, hiện tại được mọi người kính nể. Khi thân hoại mạng chung được giải thoát, niết bàn. Do nhờ giới thanh tịnh, nên các pháp thanh tịnh được phát sanh, được tăng trưởng, chứng ngộ trí tuệ viên mãn và đạt được an lạc ngay trong hiện tại cũng như tương lai. Cảnh giới tái tục hoặc chứng quả vô sanh của người chứng tứ thánh quả hướng về Niết bàn giải thoát.
Như nước của trăm sông khi xuôi về thì hòa nhập thành một là biển cả mênh mông rộng lớn, nước của các sông kia cũng trở nên thuần một vị mặn mà. Cũng vậy, người trong thiên hạ tuy xuất thân từ những dòng tộc, hoàn cảnh, giai cấp khác nhau nhưng khi đã quy Phật xuất gia thì rũ bỏ hết mọi khác biệt, đều trở thành Sa-môn Thích tử chơn chánh, sống đời phạm hạnh, học và hành theo Chánh pháp với chung một mục tiêu duy nhất là giải thoát, Niết-bàn. Sa-môn Thích tử là người đã hoàn thiện chính mình hay đang trên con đường hoàn thiện, đã đoạn tận tất cả các ô nhiễm lậu hoặc nơi tâm trở thành bậc chân nhân. Tinh tấn nỗ lực đoạn trừ các tâm ô nhiễm ngủ ngầm trong tâm, hướng đến giải thoát mọi nhiễm ô, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết bàn.
Trong cuộc sống hằng ngày, nếu ta không nhận biết được tâm ta hiện khởi gì thì không thể trừ diệt được, vì thế nếu nói tu là sẽ giống tu mù, không biết nó sao đoạn tận lậu hoặc. Tu chính là sửa, sửa đổi những tập khí xấu thành tốt, thiện lành. Thấy điều gì là pháp bất thiện làm tâm dao động thì không nên làm, không làm nô lệ, nuôi dưỡng dục vọng của tâm tham, sân, si. Trên con đường tu tập cần trau dồi pháp học từ trí văn bằng cách học, nghe, tìm hiểu, tiếp thu và tiếp nhận giáo pháp của Đức Phật đúng Chánh pháp, sử dụng trí tư trong việc tu tập và pháp hành, thành tựu Tam vô lậu học (Giới - Định - Tuệ).
Chúng ta hãy kiên định trên con đường này như Phật đã khuyến khích. Chúng ta tin tưởng vào một tương lai tươi sáng của Phật giáo, vừa nhận thấy trách nhiệm trạch pháp quan trọng của tự thân, đó là minh định rõ ràng đâu là giáo lý của Phật, đâu là hố thẳm ngũ dục mình cần phải tránh xa. Vượt lên tất cả chướng ngại, chúng ta hãy nỗ lực tu hành và thực hiện bản nguyện của Phật: “Này các Tỳ kheo, các người cần phải du hành, vì an lạc cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc của chư thiên và loài người. Các người hãy thuyết giảng Chánh pháp tuyệt diệu trong ban đầu, tuyệt diệu ở chặng giữa, tuyệt diệu ở đoạn cuối, đầy đủ trong ý nghĩa và ngôn thuyết. Các người hãy đề cao đời sống phạm hạnh toàn diện và thanh tịnh”.
Mặc Nhiên
Chú thích và tài liệu tham khảo:
1. Thích Minh Châu (dịch) (2017), Trường Bộ kinh, tập I, II, Việt Nam: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Nxb. Tôn giáo.
2. Thích Minh Châu (dịch) (2017), Trung Bộ kinh, tập I,II, Việt Nam: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Nxb. Tôn giáo.
3. Thích Minh Châu (dịch) (2005), kinh Tăng Chi Bộ I,II,III, Việt Nam: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Nxb. Tôn giáo.
4. Thích Minh Châu (dịch) (2005). Kinh Tương Ưng Bộ I,II,III, Việt Nam: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Nxb. Tôn giáo.
5. Phạm Kim Khánh (dịch) (1998), Đức Phật và Phật Pháp, Việt Nam: Nxb. TP HCM, 1998.
6. Đức Hiền (biên soạn) (2017), kinh Pháp Cú (Phân tích từ ngữ Pāḷi), Việt Nam: Nxb. Tôn giáo.
7. Độ Sa-môn Thích Quảng (dịch) (2014), Phật Quang Đại Từ Điển, Nxb. Phương Đông.
8. Tuệ Sỹ (Việt dịch) (2014), kinh Trường A-hàm, Nxb. Tôn giáo.
9. HT. Giới Nghiêm (dịch) (2014), kinh Mi Tiên Vấn Đáp, Nxb. Tôn giáo.
10. Bhikkhu Anālayo, Nguyễn Văn Ngân (dịch) (2017), Satipaṭṭhāna Con đường thẳng tới chứng ngộ & Nguyên cứu đối chiếu với các bộ A-hàm, Nxb. Hồng Đức.