PSO - Chiều ngày 27/10/2023, Ban Hoằng pháp Trung ương khu vực phía Nam, chư Tôn đức Phân ban Đào tạo giảng sư, Ban Điều hành và Tăng, Ni giảng sinh khóa XI, XII Trung, Cao cấp Giảng sư trong chương trình Hội thi thuyết giảng đã cùng tham dự buổi Thiền trà với sự chứng minh và ban đạo từ của đức Trưởng lão HT. Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.
Tham dự buổi thiền trà có: TT. Thích Minh Nhẫn - Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Hoằng pháp TƯ, Trưởng ban Điều hành đào tạo Giảng sư khu vực phía Nam, Trưởng ban Tổ chức; TT. Thích Phước Nghiêm - Uỷ viên Thường Trực HĐTS, Phó Ban Hoằng pháp Trung ương, Phó Trưởng ban Điều hành đào tạo Giảng sư; HT. Thích Minh Thiện - Ủy viên HĐTS, Phó Ban Hoằng pháp TƯ; HT. Thích Nhật Hỷ, TT. Thích Trí Chơn - đồng Ủy viên HĐTS, Phó Ban Hoằng pháp TƯ, Phó ban Điều hành Phân ban đào tạo Giảng sư; TT. Thích Quảng Tiến - Ủy viên HĐTS, Phó Chánh Văn phòng 2 TƯ; ĐĐ. Thích Minh Ân - Uỷ viên HĐTS, Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Ban Hoằng pháp TƯ, Phó Trưởng ban Điều hành đào tạo Giảng sư; TT Thích Quảng Pháp - Ủy viên Thường trực Ban Hoằng pháp TƯ, Phó Ban Điều hành phân ban đào tạo Giảng sư; TT. Thích Quảng Lực - Ủy viên Ban Hoằng pháp TƯ; NS. Thích Nữ Phụng Liên - Ủy viên Thường trực Ban Hoằng pháp TƯ, Thành viên Ban Điều hành Phân ban đào tạo Giảng sư, chư Tôn đức Ban Điều hành phân ban đào tạo giảng sư cùng trên 180 vị Tăng, Ni sinh khóa XI, XII Trung, Cao cấp giảng sư tham dự.
Thay mặt Ban Tổ chức, TT. Thích Minh Nhẫn đã báo cáo đến Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN về kết quả Hội thi thuyết giảng có: 9 vị Giảng sinh đăng ký và 9 vị đều đạt kết quả xuất sắc hoàn thành phần thuyết giảng của mình. Đồng thời, cầu thỉnh đức Hòa thượng có lời đạo từ đến toàn thể Tăng, Ni 2 Khóa Cao – Trung cấp Giảng sư để lấy đó làm hành trong bước đường hoằng pháp độ sinh.
Trong không gian trầm lắng, Đại chúng an trú trong chánh niệm thiền tọa, Trưởng lão HT. Thích Thiện Nhơn có lời sách tấn đến chư Tôn đức Tăng, Ni: “Thật là một diễm phúc, hôm nay trong bầu không khí trang nghiêm, đoàn kết tràn đầy niềm hoan hỷ và sự tin tưởng và sự phát triển bền vững của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thông qua ngành Hoằng pháp TƯGH. Đặc biệt, là chư vị giảng sư, giảng sinh sẽ mang giáo pháp của Đức Phật, trang trải và truyền thông vào tâm thức của tất cả đồng bào Phật tử các giới trong nước và ngoài nước. Giúp cho đồng bào Phật tử hiểu rõ, tin tưởng và thực hành đúng theo lời dạy của Đức Phật để đạt được sự an lạc của Nội tâm và sự giải thoát nội tại ngay trong cuộc sống những phiền não khổ đau trong đời này. Và gieo trồng căn lành cho đời sau mãi mãi gặp được ngôi tam bảo, tiếp tục tu hành giải thoát và thành tựu đạo quả vô thượng bồ đề. Với tất cả niềm tin đó, Giáo hội PGVN cũng như chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội vô cùng hoan hỷ, thấy được sự thực hiện hoằng pháp của Ban Hằng pháp TƯ trong những nhiệm kỳ qua. Đặc biệt là đầu nhiệm kỳ IX, 2022-2027, đã thực hiện nhiều chương trình Hoằng pháp, nhất là tiếp tục Đào tạo 2 lớp Cao – Trung cấp giảng sư để có nhân tài và người kế thừa chánh pháp của đức Như Lai, qua sự truyền thông giáo lý của Đức Phật đến tất cả mọi tầng lớp xã hội và các đối tượng nghe pháp trong hiện tại và tương lai được phần lợi ích. Làm được như vậy, chính là đền đáp công ơn của Đức Thế Tôn. Trong kinh Tăng Nhất A Hàm, Đức Phật nói: “này các Tỳ Kheo, hãy đi truyền bá khắp mọi nơi, hãy đi mỗi nơi một người, không đi một nơi hai người để truyền bá những lời của đức Như Lai một cách không mệt mỏi, một cách trung thực và bằng ngôn ngữ của từng thời đại, để giúp cho chúng sinh đạt được sự giải thoát, an vui trong cõi đời này. Làm được như vậy chính là đền đáp công ơn của đức Thế Tôn”. Và sau này Tổ Trần Thái Tông cũng đã nói: “Thuyết pháp giả mãn Phật chi nguyện”. Thuyết pháp là làm mãn nguyện của đức Như Lai bởi vì sao? Bởi vì đức Phật ra đời muốn cho tất cả mọi người đều được thấm thuần giáo pháp của đức Phật và được thành tựu tri kiến, giải thoát như đức Phật đã đạt được. Cho nên, đối với người làm công tác hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sinh, chính là đền đáp công ơn đức Phật, làm thỏa mãn ý nguyện, mong muốn của đức Như Lai. Qua đó, cho nên vấn đề giảng kinh, thuyết pháp là một trách nhiệm nặng nề của tất cả hàng đệ tử xuất gia, đặc biệt là các vị giảng viên, giảng sinh và giảng sư của ngành Hoằng pháp TƯGH, là người mang truyền giáo pháp của Đức Phật đến với tất cả mọi người thắm nhuần tinh thần của đức Phật bằng tin thần giải thoát. Cho nên, người xưa từng nói:
“Tầng già vỗ cánh tung bay
Mai về chốn cũ liền tay gọi đàn
Lời vàng truyền bá đến đâu
Gieo trồng công đức càng sâu căn lành…””.
Qua lời sách tấn của đức Hòa thượng, Đại cúng càng nhận thấy trách nhiệm quan trọng của người làm công tác Hoằng pháp trong thời đại mới – thời đại của kỷ nguyên số, đòi hỏi và thách thức nhiều thứ mà một vị giảng sư cần phải trang bị cho mình.
Sau đó, Đại chúng cùng lắng tâm nghe quý Tôn đức Tăng Ni, chia sẻ về những kinh nghiệm trong quá trình hoằng pháp độ sanh, những thuận lợi, khó khăn vướn mắc hiện nay, nhất là việc hoằng pháp trên nền tảng online mạng xã hội…
Trong không gian trầm lắng, thắm tình đạo vị, đại chúng cùng dùng trà và chia sẻ, sách tấn nhau trong bước đường hoằng pháp độ sanh, báo Phật ân đức.
Tin, ảnh: Tuệ Tánh, Đồng Chơn, Hoàng Út