PSO - Theo Luật Phật chế định giới tử Ni sau khi thọ bổn giới Tỳ-kheo Ni phải đến cầu Chánh pháp yết ma với Đại Tăng, khi ấy mới đầy đủ tư cách trở thành một vị Tỳ Kheo Ni. Ngoài việc thọ trì 348 giới, một Tỳ-kheo Ni suốt đời phải tuân thủ Bát Kỉnh Pháp do chính Đức Phật Thích Ca chế định khi nữ giới xin Phật xuất gia.
Thời Đức Phật tại thế, các tôn giáo, đạo giáo ở Ấn Độ đều không cho người nữ đi tu. Nhưng khi Đức Phật ra đời, 5 năm sau khi thành đạo, Ngài là người đầu tiên cho thành lập Ni đoàn. Người nữ đã được xuất gia vào trong giáo đoàn.
Trong quan niệm thời bấy giờ, nữ giới có địa vị thấp kém và không được tham gia việc tu tập. Việc thành lập Ni đoàn khi ấy là rất phi thường vì nó chấp nhận cho người nữ được tiếp thu một bản chất cao quý, một khả năng thấm nhuần trí tuệ thâm sâu ngang hàng với nam giới.
Tuy nhiên, không phải ngay từ đầu Đức Phật đã chấp thuận việc nữ giới xuất gia trở thành Tỳ-kheo. Bởi với trí tuệ Thế Gian Giải, Đức Phật nhận thấy người nữ xuất gia có những khó khăn. Nhưng phước lành thay, Tôn giả A Nan đã từ bi thỉnh cầu Đức Thế Tôn cho người nữ xuất gia và được Ngài chấp thuận.
Chính vì vậy, Theo Luật Phật chế định giới tử Ni sau khi thọ bổn giới Tỳ Kheo Ni phải đến cầu Chánh pháp yết ma với Đại Tăng, khi ấy mới đầy đủ tư cách trở thành một vị Tỳ Kheo Ni. Ngoài việc thọ trì 348 giới, một Tỳ Kheo Ni suốt đời phải tuân thủ Bát Kỉnh Pháp do chính Đức Phật Thích Ca chế định khi nữ giới xin Phật xuất gia.
Mỗi lần Đại giới đàn được tổ chức, Chư ni thường được Chư tôn đức Tăng giáo giới về Bát Kỉnh Pháp, và được chỉ dạy tận tình về nguyên do Phật dạy tám điều này. Đây không phải là điều áp đặt Chư ni phải thấp mình, chịu thiệt với Chư tăng, không phải chỉ là bổn phận mà còn là quyền lợi. Chư Ni với bản chất yếu đuối, nhiều nghiệp chướng,… chư Tăng phải có trách nhiệm bảo vệ, và chỉ dạy.
Trong mười hai thời, ngoài dứt các duyên, trong tâm không loạn. Vì tâm không loạn nên cảnh đến vẫn an nhàn. Mắt không vì sắc trần mà chạy theo,… thức không vì cảnh duyên mà phân biệt. Trong ngoài không giao thiệp gọi là ngăn dừng. Tuy gọi ngăn dừng mà chẳng phải ngăn dừng… Giữ giới như thế sẽ thấu tột đến cái “chân ngã” trong bốn đức Niết-bàn mà đức Phật đã chỉ dạy. Tuy có tên là “chân ngã”, nhưng không có tướng mạo như cái bản ngã tạm bợ. Thế thì có cái ta nào để tự cao tự đại, và cũng có cái ta nào để tự ty mặc cảm? Cho nên giữ mà thật ra chẳng có gì để giữ.
Đúng vậy, nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai. Nhìn được tướng không của các pháp, lại biết rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tính thì chần chờ gì mà không bắt chước ngài Thường Bất Khinh: Tôi không dám khinh các ngài vì các ngài đều sẽ thành Phật. Tất cả chúng sinh đều chẳng khinh, huống là những vị phát Bồ đề tâm, chọn theo bước chân của Phật!
Ban TT-TT Đại Giới đàn Đạt Thanh