PSO – Sáng ngày 10/8/2019 (nhằm ngày 10/7 năm Kỷ Hợi) nhận lời mời của Ban Giám đốc Công viên Nghĩa trang Hoa Viên Bình An, (tọa lạc tại tổ 10, ấp An Viễn, xã Bình An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) HT.Thích Bửu Chánh – Ủy viên Thường trực HĐTS, Phó trưởng Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN, Phó trưởng Ban kiêm Chánh Thư ký BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai đã quang lâm chứng minh và thuyết pháp nhân dịp Đại lễ Cầu siêu mùa Vu lan Báo hiếu Phật lịch 2563 cho trên 1.000 Phật tử tham dự.
Buổi lễ còn có sự chứng minh tham dự của TT.Thích Thanh Phong – Ủy viên Thường trực HĐTS, Trưởng ban Kinh tế Tài chánh Trung ương GHPGVN; TT.Thích Giác Dũng – Phó ban Phật giáo Quốc tế TƯ GHPGVN và 100 chư Tăng thuộc tổ đình Vĩnh Nghiêm (TP.HCM).
Hoà thượng giảng sư đã trình bày nội dung Báo hiếu và Phương pháp Cầu siêu cho người quá vãng theo tinh thần Phật giáo Nam truyền.
Trong kinh tạng Nguyên thủy, bài học đầu tiên về chữ Hiếu chính là sự kính trọng, bởi nhận thức được sự cao quý của cha mẹ. Sự kính trọng là bước đầu giúp người con nhận thức được vị trí cao quý của cha mẹ, là tính chất cơ bản giúp người con luôn trong tâm thế yêu và kính để học hỏi và cung dưỡng.
Thứ đến, là người con hiếu nên tự ý thức được trách nhiệm cùng bổn phận của mình đối với cha mẹ, gia tài, truyền thống gia đình, và tổ tiên tâm linh. Phật dạy, “tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ; tôi sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ; tôi sẽ gìn giữ gia đình và truyền thống; tôi bảo vệ tài sản thừa tự; tôi sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời”. Đây là năm trách nhiệm và nghĩa vụ của một người con nên tạc dạ khắc ghi và thực hiện. Nghĩa là người hiếu hạnh phải làm được ba việc: bảo vệ được đời sống gia đình hiện tại ấm êm, hạnh phúc bằng phụng dưỡng cha mẹ hiện tiền; giữ gìn được sản nghiệp, và lưu giữ được truyền thống văn hóa tâm linh đậm bản sắc của gia đình, giòng tộc cho các thế hệ tương lai.
Người con hiếu phải biết hướng dẫn xây dựng lòng tin cha mẹ quay về nương tựa Tam Bảo, thực hiện cuộc sống hiền thiện đạo đức là bỏ ác làm lành, gây dựng cho cha mẹ có tinh thần nhân đạo, sống với chánh tri kiến từ bỏ tà ngụy.
Vậy nên, người con hiếu hạnh theo truyền thống Nguyên thủy có bốn việc cần nằm lòng để thực hiện. Một là sự tôn trọng và quý kính cha mẹ. Hai là sự tự ý thức trách nhiệm với ba vấn đề lớn gồm: phụng dưỡng cha mẹ để nuôi lớn hạnh phúc, gìn giữ sản nghiệp, và bảo vệ gia phong – văn hóa tâm linh gia tộc. Ba là đem lại niềm vui bằng việc cung dưỡng cả đời sống vật chất cũng như thức ăn tinh thần. Cuối cùng là hướng dẫn tu tập Phật pháp để tự mình có thể gỡ bỏ được mọi đau khổ là vậy.
Về nghi thức Cầu Siêu, Phật giáo Nguyên thủy từ thời Đức Phật không có nghi thức tụng kinh cầu siêu cho người chết; khi có người cư sĩ qua đời, thân nhân thỉnh chư Tăng về tư gia để làm phước cúng dường thực phẩm, rồi hồi hướng phước ấy đến người quá vãng. Hoặc giả các tỳ kheo có tụng kinh thì chỉ là tụng quán tưởng sự chết hay kinh giải về tướng vô thường, khổ, vô ngã v.v… tụng như vậy là nhằm mục đích thức tỉnh mọi người tu tập thiện nghiệp vì hiểu được bản chất của cuộc sống. Việc cúng dường đến Tăng trong các dịp lễ tang, lễ giỗ … nhằm mục đích là để tạo phước hồi hướng cho người quá cố, nhờ đó mà người đã chết sanh ở đâu cũng được an vui hoặc vơi bớt nỗi khổ đau, hình thức này được gọi nôm na là Cầu Siêu. Như vậy, các người con hay cháu chí hiếu là phải biết tu hành, làm các công đức thiện lành để cha mẹ còn sống hay ở suối vàng đều được hạnh phúc an lạc.
Kết thúc thời thuyết giảng, Hòa thượng Giảng sư chúc cho toàn thể Ban Giám đốc và các nhân viên tại Công viên Nghĩa trang Hoa Viên Bình An huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai luôn là những người con Hiếu thảo và trong cuộc sống luôn được 5 điều phước đức: Phước tướng sắc đẹp, Phước sức khỏe và tuổi thọ, Phước tài sản, Phước thuận duyên và Phước trí tuệ.
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận được:
CTV PSO
The post Đồng Nai: Hòa thượng Thích Bửu Chánh thuyết pháp trong lễ Cầu siêu tại Công viên Nghĩa trang Hoa Viên Bình An huyện Long Thành nhân mùa Vu lan PL.2563 appeared first on Phật Sự Online Miền Đông.