Trong Phật giáo, Tăng sự là một việc làm tối quan trọng của chư Tăng, mà Tăng sự hợp pháp, thành tựu hay không cũng đều do nơi chỗ có “kết giới - sīmā”. Vì vậy mà muốn cho tăng sự trong sạch hợp pháp thì cần phải có sīmā đúng phép là không bị hư hỏng. Mà nếu sīmā bị hư hỏng thì tất cả Tăng sự (saṅghakamma) đều hư hỏng. Bởi thế cho nên chỗ kết giới sīmā cần phải thận trọng kỹ lưỡng để tránh những sự đáng tiếc xảy ra khi hành Tăng sự. Sáng ngày 18/2/2024, tại Điểm sinh hoạt Tôn giáo - Đạo tràng Tịnh Giác tổ chức Lễ khánh thành và kết giới Sima Chánh điện Đạo tràng Tịnh Giác
Quang lâm chứng minh có Hòa thượng Giác Giới – Giám đốc Trung tâm Pali Viện Nghiên cứu Phật học TpHCM, Trụ trì chùa Viên Giác; Hòa thượng Thiện Nhân - Chứng minh Ban Trị sự Phật giáo thành phố Thủ Đức; Hòa thượng Pháp Chất - Trụ trì Thiền viện Nguyên Thủy; Hòa thượng Chánh Minh - Trụ trì chùa Bồ Đề; Thượng tọa Quang Minh - Trụ trì chùa Phật Bảo; Thượng tọa Tuệ Quyền - Trưởng ban Phật giáo Quốc tế tỉnh; Thượng tọa Pháp Đăng – Phó Trưởng ban Thường trực ban Trị sự Phật giáo huyện Định Quán; Thượng tọa Thiện Đạt - Trụ trì chùa Giác Quang; Thượng tọa Minh Đức – Phó ban Từ thiện Phật giáo TpHCM; Đại đức Thiện Lộc – Tri sự Đạo tràng Tỉnh Giác; cùng chư Tôn đức trụ trì các tự viện các tỉnh, thành và Phật tử đồng tham dự.
Điểm sinh hoạt Tôn giáo - Đạo tràng Tịnh Giác được khởi công xây dựng năm 2022 đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dựng. Chánh điện của chùa xây dựng theo kiến trúc tân cổ điển, với chiều ngang 13 m, chiều dài 22 m và chiều cao 9 m, diện tích 300 m2, với kinh phí xây dựng do Phật tử đóng góp. Chánh điện của chùa đưa vào sử dụng nhằm phục vụ cho các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng Tôn giáo.
Ngoài ra, chùa còn xây dựng các công trình phụ như: Tăng xá, trai đường ( xây dựng năm 2020) với kiến trúc văn hóa tân cổ điển, nhằm bảo đảm cho Phật tử đến sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa và phục vụ khách đến tham quan, lễ Phật.
Điểm nhấn của Lễ khánh thành là sự khang trang, tôn nghiêm của chánh điện mới. Bên trong ngôi chánh điện, tượng Phật được các nghệ nhân khắc họa theo tư thế thiền định trang nghiêm và thanh tịnh. Các bức tường trong và ngoài chánh điện được trang trí bằng những hình ảnh phù điêu, họa tiết rất sinh động kể về lịch sử đức Phật Thích Ca Mâu Ni… với ý nghĩa hướng Phật tử noi theo gương của Đức Phật mà buông bỏ tham ái, trở về với chính mình chuyên tâm tu học thiền vipassana đạt chánh niệm tỉnh giác.
Phân ban TTTT Phật giáo Nam tông Kinh T.Ư. GHPG VN