Tam Tạng Pali (Pali Tipitaka) là kinh-luật-luận bằng ngôn ngữ Pali cổ đại. Đây là pháp bảo do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni để lại cho nhân loại, nhằm chuyển khổ đau thành hạnh phúc an lạc cho cả giới xuất gia và tại gia.
Những lời dạy uyên nguyên, cao quý của đức Từ Phụ vẫn luôn được các hàng đệ tử Tăng tục của Ngài lưu truyền qua bao đời hậu thế. Trong kì kết tập Kinh điển lần thứ sáu tại Myanmar, Tam tạng Thánh điển Pāli đã được đối chiếu, tỷ giảo, sắp xếp lại hoàn chỉnh trở thành hệ thống giáo lý thống nhất bao gồm Kinh, Luật và Luận cho toàn thể Tăng đoàn Theravāda trên toàn thế giới, từ đây việc đọc, học và trùng tụng lại Tam tạng Thánh điển trở thành nhiệm vụ thiêng liêng cho tất cả Tăng Ni, đồng bào Phật giáo khắp nơi.
Với những ý nghĩa thiêng liêng đó, Sáng ngày 20/1/2024, tại chùa Quảng Nghiêm (phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) trang nghiêm diễn ra khóa trùng tụng Tam tạng Pali PL.2567 - DL.2024. Trên tinh thần hoà hợp đại chúng để cùng nhau ôn lại và truyền tải những lời dạy uyên nguyên cao quý của đức Phật, Khoá Trùng Tụng Tam Tạng lần này dành cho chư Tăng Tu nữ, đồng bào Phật tử nhằm tưởng nhớ đến công ơn đức Phật, chư thầy tổ đặc biệt là tưởng niệm đến cố Trưởng lão Hòa thượng Giác Chánh, đến dự có Thượng tọa Pháp Nhiên - trụ trì chùa Siêu Lý; Thượng tọa Thiện Đạt - trụ trì chùa Giác Quang; Thượng tọa Minh Đức – Phó ban Từ thiện Phật giáo TpHCM; Thượng tọa Tuệ Quyền - Trưởng ban Phật giáo Quốc tế tỉnh, trụ trì chùa Quảng Nghiêm, Trưởng ban tổ chức, cùng chư Tôn đức Tăng, Phật tử đồng tham dự.
Pháp hội được trang nghiêm diễn ra vào lúc 8g30 từ ngày 20 – 25/2/2024 PL.2567 - DL.2024 (nhằm ngày 11-16 tháng giêng năm Giáp Thìn)
Chia sẻ trong ngày khai mạc lễ trùng tụng Tam tạng Pali Việt, Thương tọa Tuệ Quyền - trụ trì chùa Quảng Nghiêm cho biết: “Công việc tu và học Tam Tạng và Chú giải Pali để bảo tồn trọn vẹn pháp học Phật giáo là bổn phận, trách nhiệm của mọi người con Phật , là bậc xuất gia cũng như các hàng tại gia cư sĩ. Chữ Pali là ngôn ngữ của Chư Phật, đối với chúng ta học Tam Tạng và Chú giải Pali cần phải hiểu rõ ý nghĩa trực tiếp hoặc gián tiếp qua ngôn ngữ riêng của mình.”
“Dòng chảy luân hồi đưa chúng ta đến thế giới này, trên dòng nước lũ của sinh tử, của tham sân si… và trong thế giới phải cạnh tranh để sinh tồn, không thể nào tránh được các phiền não trong thế gian. Cho nên chúng ta biết và nhận ra được và buông bỏ, trở về với chính mình, từ đó chuyên tâm tu và học giáo pháp của đức Phật theo tinh thần đạo đức Phật giáo.”
“Các chư tôn đức Tăng Tu nữ phải học rất nhiều - như học về Tứ diệu đế, Bát chánh đạo.... – Cư sĩ, Phật tử chúng ta không có nhiều thì giờ, do vậy nên tu và học những pháp ngắn gọn, những bài Tam tạng Pali ngắn, học những lời đức Phật dạy có thể ứng dụng hiện tiền… sao cho đi đúng hướng và có sự an lạc tức khắc. Nghĩa là, một phút tu, là hưởng một phút an lạc trọn vẹn.” Thượng tọa Tuệ Quyền nhấn mạnh.
Phân ban TTTT Phật giáo Nam tông Kinh T,Ư GHPGVN