Đã hơn 2600 năm trôi qua con người vẫn nhớ vào một đêm rằm giữa khuya trăng sáng phủ trùng Thái tử Tất Đạt Đa nhìn kinh thành Ca Tỳ La Vệ dưới ánh trăng mơ màng, nhìn mặt vợ con lần cuối cùng. Thái tử đánh thức Xa Nặc người giữ ngựa Kiền Trắc thức dậy. Sau đó cả ba Tất Đạt Đa, Xa Nặc và ngựa Kiền Trắc lặng lẽ ra đi, đi mãi đến bờ sông Anoma. Câu chuyện đến đây nhưng còn chi tiết ít người biết. Mấy năm sau thường lang thang trở lại với sông Anoma nhìn về phía bên kia bờ sông nghĩ ngợi trầm ngâm. Bên kia sông là đồi núi chập chùng rừng xanh thẳm thưa dấu chân người. Nhưng đâu là bến giác bờ mê? Tại sao cùng một chuyến đi ba người, Xa Nặc lại ở lại? Thái tử tìm gì lại đi qua sông? Và cuộc hành trình còn có một bóng dáng nhỏ nhoi bị khuất lấp sau bóng người đi, đó là chú ngựa Kiền Trắc. Chú biết gì, tìm gì….?
Đó là nhận diện sự thật, tìm sự giải thoát, buông bỏ để trở về với chính mình, để đạt được chánh niệm tỉnh giác.
Tối ngày 29/3/2024, tại Thiền đường Bảo tháp - Thiền viện Phước Sơn (phường Phước Tân, Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã trang nghiêm khai mạc khóa thiền ‘kiền trắc’ theo dấu chân Phật. Hòa thượng Bửu Chánh - Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực ban Trị sự GHPGVN tỉnh, Trụ trì Thiền viện Phước Sơn, chủ trì buổi lễ và trực tiếp hướng dẫn khóa thiền.
Trong buổi khai mạc khóa thiền, Hòa thượng Bửu Chánh – chia sẻ: “khi tâm chúng ta biết buông bỏ, chính là giúp cho tâm hồn chúng ta được tĩnh lặng, cảm nhận được hạnh phúc, bình yên. Vì thế, thay vì phiền não bởi những việc nhỏ nhặt tầm thường ở trần tục, cứ suốt ngày so đo với người khác, xin thưa quý vị, hãy dùng thời gian quý báu của chúng ta để làm những việc có ý nghĩa hơn đó là đến chùa chuyên tâm rèn luyện đạo đức Phật giáo, tu học thiền vipassana, mà tu học thiền vipassana chính ta chúng ta đang theo chân đức Phật, theo chân Thái tử Tất Đạt Đa của hơn 2600 năm trước đã làm”.
“Như chúng ta đều biết về Thái tử Tất Đạt Đa, nhưng chúng ta không biết rằng Thái tử đã Buông bỏ sự sa hoa của hoàng cung nhìn tạo hóa mà thức tỉnh, nhận ra đâu là sự thật và tìm cầu giải thoát ở nơi rừng hoang vu vắng lặng”.
“Ở cuộc sống thường ngày của chúng ta, khi đã quên đi những người không đáng, buông bỏ những việc vô nghĩa. Cuộc sống thật ra không có gì là không buông xuống được, buông được mới có thể nhận được những điều mới, nhận ra chính mình và trở về với hơi thở ra vô, với chánh niệm tỉnh giác”.
“Vì trên cuộc sống giả tạm này, dù đường đi của chúng ta không thuận lợi, thì chúng ta chọn một hướng đi khác; kết giao nhầm người, thì tìm kiếm một người khác. Đừng chỉ vì một người hay một việc mà day dứt, tự mình cởi bỏ nút thắt giải thoát cho mình, khi chúng ta nhận ra được điều đó thì chính chúng ta đang thiền, đang thấy biết rõ ràng sự thật”.
“Thời gian trôi qua rất nhanh, đừng vì một chút tình cảm mà day dứt mãi, hay tập buông bỏ, trở về với thiền thực tập thiền hằng ngày, hằng giờ vào những lúc rãnh rỗi, ở công ty, ở nhà hoặc ở đâu đó mà chúng ta có thể thực tập được, đừng đặt nặng thời gian, mỗi lần 3 phút, rồi lâu dần thành thói quen thực tập thiền, lúc đó chúng ta đã là ‘kiền trắc’ theo dấu chân Phật” Hòa thượng nhấn mạnh.
Được biết khóa thiền ‘Kiền trắc’ theo dấu chân Phật được diễn ra từ ngày 29-31/3/2024, khóa thiền với 250 thiền sinh là các bạn trẻ đang là sinh viên, công nhân đang lao động, học tập ở Thành phố Biên Hòa và Thành phố Hồ Chí Minh.
Phân ban TT.TT Phật giáo Nam Tông kinh T.Ư GHPGVN.