PSO - Sáng ngày, 01/12 (nhằm ngày 01/11/Giáp Thìn) tại Văn phòng Ban trị sự (Chùa Bửu Quang, Phường 1, TP. Sa Đéc) Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp trang nghiêm lễ tưởng niệm 716 năm Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn (1308 -2024).
Quang lâm tham dự lễ tưởng niệm có Chư tôn đức Ban chứng minh, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp, 11 Ban ngành trực thuộc, 12 Ban Trị sự Phật giáo các huyện thành phố, quý đại biểu đại diện các đoàn thể Tỉnh, Thành phố và Phường sở tại cũng về tham dự buổi lễ.
Tại buổi lễ Hòa thượng Thích Phước Thông - Thành viên Hội Đồng Chứng minh GHPGVN, Chứng minh BTS GHPGVN Tỉnh cung tuyên tiểu sử Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông; “Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308), tên húy là Trần Khâm, là một trong những nhân vật lịch sử tiêu biểu của Việt Nam. Ngài không chỉ là vị hoàng đế thứ ba của nhà Trần mà còn là một thiền sư lỗi lạc, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm – một dòng thiền độc đáo của Việt Nam. Sinh năm 1258, Trần Nhân Tông sớm bộc lộ tài năng và được nuôi dạy để kế vị ngai vàng. Năm 1278, Ngài chính thức lên ngôi vua. Trong thời gian trị vì, đất nước Đại Việt dưới thời Ngài đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, văn hóa. Tuy nhiên, sau khi giao lại ngai vàng cho con trai, Ngài quyết định từ bỏ cuộc sống vương giả quyết chí tu hành, chuyên tâm nghiên cứu và truyền bá Phật giáo. Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông mất năm 1308 tại Am Ngọa Vân, núi Yên Tử. Cuộc đời và sự nghiệp của Ngài để lại một dấu ấn sâu sắc trong lịch sử Việt Nam, vừa là một vị vua anh minh, vừa là một bậc giác ngộ, góp phần xây dựng nền văn hóa Phật giáo Việt Nam…”
Thượng tọa Thích Tĩnh Triệt cung tuyên văn tưởng niệm Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn; “tri ân Đức vua Trần Nhân Tông - Sơ tổ đã khai sáng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, phái thiền Việt Nam đầu tiên công nhận là di sản văn hóa muôn đời cho nhân thế, là niềm vinh dự, tự hào của Phật giáo Việt Nam. Đồng thời, thành kính nguyện thực hành: Giữ gìn tinh thần đoàn kết hoà hợp dân tộc, độc lập Tổ quốc; nêu cao tinh thần phóng khoáng, bao dung trong cộng đồng dân tộc và xã hội, đoàn kết các tôn giáo, để cùng tồn tại và phát triển, thực hiện hữu hiệu phương châm “tốt đời đẹp đạo”, tạo dựng một thiên đường Cực lạc tại nhân gian trong lòng người bằng triết lý Thiền là sống với tâm từ bi chan chứa mọi loài, trong kiếp hiện tại và mai sau”.
Ông Võ Ngọc Thành - Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQVN Tỉnh Đồng Tháp đại diện chính quyền phát biểu: “Cuộc đời cao đẹp của Phật hoàng Trần Nhân Tông, Sơ Tổ Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam là một tấm gương sáng cho thế hệ mai sau về những đóng góp to lớn cho dân tộc và Phật giáo Việt Nam…”.
Tại buổi lễ, chư Tôn đức Giáo phẩm Phật giáo và chánh quyền thành kính dâng hương tưởng niệm, đảnh lễ trước di ảnh Đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông, tưởng niệm, tri ân những công lao cao dày của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông đối với Đạo pháp và Dân tộc; đồng kính nguyện thực hành gìn giữ tinh thần đoàn kết dân tộc, độc lập Tổ quốc, nêu cao tinh thần phóng khoáng, bao dung trong cộng đồng dân tộc và xã hội, đoàn kết các tôn giáo để cùng tồn tại và phát triển.
Huệ Nghiêm – Ban TTTT Phật giáo Đồng Tháp