Hiện nay, ở hải ngoại có nhiều tổ chức chống Cộng cực đoan và cuồng tín. Những người chống Cộng thường lợi dụng vào những sơ sót trong nước, liền tấn công chính sách tôn giáo của Việt Nam. Để tránh những tình trạng đã từng xảy ra trong vòng 40 năm qua, Dự thảo “Thông tư hướng dẫn” của Bộ Tài chính cần phải kịp thời điều chỉnh những điểm bất cập và bổ sung những điều khoản cần thiết. Theo đó, những người chống phá đất nước Việt Nam không còn lý do chống đối chính phủ Việt Nam, chính sách pháp luật & tôn giáo Việt Nam.
BẤT BÌNH ĐẲNG TÔN GIÁO
TRONG “THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN CỦA BỘ TÀI CHÍNH
VỀ QUẢN LÝ TIỀN CÔNG ĐỨC”
Kính thưa Ban soạn thảo “Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý tiền công đức” của Bộ Tài chánh Ngày 28/4/2021, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi các ban ngành trung ương của Giáo hội, gồm Ban trị sự GHPGVN 63 tỉnh thành, gửi công văn góp ý Bộ Tài chính về vấn đề này. Trong bài này, tôi đề cập ba vấn đề chính của “Thông tư hướng dẫn” này. 1. TÓM TẮT VỀ DỰ THẢO THÔNG TƯ a) Về tên gọi của Thông tư Thông tư này có tên gọi là “Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội” số công văn 2021/TT-BTC. Thông tư này có 7 điều, gồm 7 trang, được phổ biến rộng rãi, nhằm xin ý kiến quần chúng trước khi Dự thảo được thông qua và có hiệu lực pháp lý. b) Chức năng của Thông tư Về chức năng thì “Thông tư hướng dẫn” này có chức năng tổ chức thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP, ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ, quy định về quản lý và tổ chức lễ hội và hòm công đức. Dĩ nhiên Thông tư hướng này phải cần điều chỉnh lại, để phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước, về các hoạt động tôn giáo nói chung và tiền dâng cúng tại các cơ sở tôn giáo thuộc di tích và có chức năng tổ chức lễ hội. c) Nhận xét chung Đứng từ góc độ luật pháp, bản thân tôi tán thành sự tăng cường quản lý nhà nước về các hoạt động chi thu, gồm tiền tài trợ cho các di tích và lễ hội. Điều này giúp cho sự minh bạch hóa về việc quản trị nguồn tài chính chi thu đối với di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh thành; các di sản văn hóa thế giới có mặt tại Việt Nam. Đứng từ góc độ pháp luật, dự thảo “Thông tư hướng dẫn” có một số điều không phù hợp với việc quản lý lễ hội và di tích tôn giáo, trong đó có các cơ sở tôn giáo gồm chùa Phật giáo hay nhà thờ Công giáo, Tin Lành. Do đó, tôi kiến nghị Bộ Tài chính xem xét và kịp thời điều chỉnh để tránh đi những điều bất cập. Bất cập lớn nhất của Dự thảo Thông tư là cách sử dụng các khái niệm đã tạo ra sự bất bình đẳng tôn giáo đối với Phật giáo, tôn giáo đã có hơn 2000 năm gắn bó với dất nước và con người Việt Nam bao gồm lịch sử dựng nước, bảo vệ đất nước và phát triển đất nước. Đang khi có tôn giáo mới xuất hiện tại Việt Nam trong vòng một trăm năm, thậm chí có tôn giáo mới có mặt vài chục năm trở lại đây thì không bị phân biệt đối xử đó. Tôi cho rằng nhóm biên soạn Dự thảo Thông tư này có những thiếu sót rất nghiêm trọng trong vấn đề nêu trên. Nhận thức được những điểm bất cập đó, đặc biệt ở góc độ phân biệt đối xử tôn giáo đối với đạo Phật, trong Thông tư của Bộ Tài chính về quản lý tiền công đức, vào ngày 17/6/2021, TT. Thích Đức Thiện với tư cách Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN đã ra công văn số 157/HĐTS-VP1 gửi Bộ Tài chính và các ban ngành có liên hệ, nhằm kiến nghị nên có sự thay đổi và khắc phục tình trạng bất bình đẳng tôn giáo trong thông tư nêu trên. Trong suốt gần 4 thập niên qua, đây là Dư thảo Thông tư bị phản ánh nhiều nhất từ phía Phật giáo. Ngoài công văn của Hội đồng Trị sự nêu trên, còn có HT. Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh và HT. Thích Huệ Thông, Phó Tổng thư ký GHPGVN, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương đã gửi công văn góp ý. Ngoài ra, còn có hơn hai mươi công văn đến từ hơn 20 Ban trị sự GHPGVN cấp tỉnh thành góp ý điều chỉnh Dự thảo Thông tư này. Trong vài ngày tới, tôi biết các Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh khác sẽ có văn bản góp ý về Dự thảo này để giúp Ban soạn thảo Dự thảo này hoàn chỉnh nội dung của Thông tư hướng dẫn. Nhân đây, tôi tha thiết kêu gọi chư tôn đức Tăng Ni, hiện là trụ trì các ngôi chùa có di tích cấp quốc gia, di tích cấp tỉnh thành, nơi có tổ chức các lễ hội, được xem là đối tượng áp dụng của Thông tư này, nên gởi các công văn góy ý Bộ Tài chính kịp thời điều chỉnh Dự thảo Thông tư. Tôi cũng tha thiết kêu gọi các cư sĩ trí thức, những người yêu mến đạo Phật nên có tiếng nói và gửi kiến nghị về Bộ Tài chính. Nội dung góp ý phải mang tính xây dựng, không nên đả phá, chỉ trích. Địa chỉ gởi về Bộ Tài chính: 28 Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email của Bộ Tài chính: support@mof.gov.vn. II. SỰ BÌNH ĐẲNG TÔN GIÁO TRONG DỰ THẢO THÔNG TƯ Đây là điều thể hiện tính không hợp hiến, không hợp pháp của Dự thảo Thông tư. Hiến Pháp 2013, điều 24, khoản 1 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, như theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.” Khái niệm “các tôn giáo” bao gồm đạo Phật, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo và các tôn giáo khác đều phải bình đẳng trước pháp luật. Do đó, “Thông tư hướng dẫn” Bộ Tài chính cần phải thể hiện rõ tinh thần bình đẳng giữa các tôn giáo trước pháp luật. Hiến pháp 2013, điều 5, khoản 2, cũng khẳng định rõ: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển. Nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.” Đây là một phần Hiến pháp Việt Nam khẳng định chủ trương bình đẳng giữa tôn giáo trước pháp luật. Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính phải được xây dựng trên nền tảng của Hiến pháp Việt Nam. Trên tinh thần của Hiến pháp 2013, tôi xin nêu ra hai bất bình đẳng chính trong Thông tư Hướng dẫn. 2.1. Bất bình đẳng tôn giáo qua khái niệm “tiền công đức” 2.1.1. Không nên áp đặt khái niệm Phật giáo Chúng ta đều biết khái niệm “tiền công đức” là của Phật giáo bao gồm Phật giáo chánh thống và các nhánh phái Phật giáo. Các tôn giáo nhất thần và đa thần không sử dụng khái niệm “tiền công đức.” Các nhánh phái đạo Phật như Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ Cư sĩ v.v... hiện được Luật pháp Việt Nam thừa nhận là các tôn giáo độc lập cũng sử dụng khái niệm “tiền công đức.” Trong “Thông tư Hướng dẫn”, khái niệm “tiền công đức” xuất hiện với tần xuất khủng 15 lần, đang khi các niệm tương đương trong các tôn giáo không hề có mặt trong Thông tư hướng dẫn. Tôi xin nêu ra như sau: Phần tiêu đề và căn cứ của thông tư xuất hiện hai lần; điều 1.1.a xuất hiện một lần; điều 2.2, 2.4, 2.5 xuất hiện ba lần; điều 3.2 xuất hiện một lần; điều 4.1.c xuất hiện một lần; điều 5, 5.1, 5.2c xuất hiện ba lần; điều 6.2, 6.2a, 6.2b xuất hiện năm lần. Nếu làm một so sánh nhỏ với các khái niệm tương tự của các tôn giáo khác như “tiền lễ”, “tiền khấn”, “tiền dâng” chúng ta dễ dàng nhận ra sự bất bình đẳng về việc sử dụng khái niệm “tiền công đức”. Những khái niệm tương đương trong các tôn giáo khác hoàn toàn không xuất hiện trong “Thông tư hướng dẫn” của Bộ Tài chính. Đây có thể là sự thiếu kiến thức của Ban soạn thảo về các khái niệm tương đương “tiền công đức” trong các tôn giáo, đã dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giữa các tôn giáo trong Thông tư hướng dẫn. Từ đó, dẫn đến tình trạng nếu Thông tư được thông qua thì việc thực hiện quản lý “tiền công đức” đó chỉ dành cho các cơ sở tôn giáo của đạo Phật thôi, còn các tôn giáo khác được miễn trừ. Đó là sự bất bình đẳng tôn giáo rất nghiêm trọng trong Thông tư hướng dẫn. Công giáo Việt Nam có một số khái niệm tương đương “tiền công đức” của đạo Phật như “tiền quyên góp” khi tín đồ đi lễ nhà thờ; “tiền rổ” (tiền được bỏ vào một cái thùng hay cái rổ để quyên góp trong nhà thờ); và “tiền xin lễ” hoặc “bổng lễ” nghĩa là các tín hữu Công giáo phải dâng tiền cúng nhà thờ đối với 7 bí tích quan trọng gồm bí tích rửa tội, bí tích thêm sức, bí tích mình thánh chúa, bí tích giải tội, bí tích xức dầu thánh, bí tích truyền chức thánh và bí tích hôn phối. Khi các giáo dân đến xin lễ trong nhà thờ thì giáo hội Công giáo ở mỗi quốc gia, tỉnh thành có quy định “tiền xin lễ” hoặc “bổng lễ” rất cụ thể với số tiền rất rõ ràng. Xin đơn cử một ví dụ, tại Đức, ngoài tiền quyên góp là “tiền rổ” hay “tiền xin lễ” giáo hội Công giáo tại đây được luật pháp Đức chấp nhận, còn quy định “các tín hữu Công giáo phải dâng cúng 10% lợi tức thu nhập hàng tháng cho giáo hội Công giáo”. Các nước khác thuộc Liên minh châu Âu quy định các tín hữu dâng cúng cho giáo hội Công giáo 4-6% tiền lợi tức thu nhập. Đức được xem là quốc gia quy định các tín hữ dâng tiền cúng đối giáo hội cao hơn các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu còn lại. Cuối tháng, số phần trăm tiền lợi tức mà các tín hữu phải cúng cho giáo hội Công giáo được chuyển trực tiếp vào tài khoản của giáo hội Công giáo. Các tín đồ của Tin Lành ở Châu Âu cũng có đóng thuế tương tự cho giáo hội của họ. Số tiền dâng cúng cho giáo hội Tin Lành cùng với những khoản cúng khác được gọi chung là “tiền dâng cúng”. Trong Hồi giáo tại Việt Nam và trên toàn cầu, có khái niệm “tiền Zakat”. Đây là trụ cột thứ ba trong bốn trụ cột quan trọng trong Hồi giáo. Tín đồ đạo Hồi tại Việt Nam và trên toàn cầu phải đóng 10% lợi tức thu nhập của mình cho đạo Hồi vào ngày cuối tháng. Tại Việt Nam hiện nay, tiền mà các tín hữu Công giáo phải dâng cúng 10% được phớt lờ. Mặc dù Công giáo có quy định, nhưng việc ứng dụng không chặt chẽ, không xem phải bắt buộc như những quốc gia khác tại Châu Âu, châu Mỹ, châu Úc. Cộng đồng Phật giáo Việt Nam đặt ra vấn đề, tại sao “Thông tư hướng dẫn” của Bộ Tài chính không sử dụng các khái niệm của Công giáo, Tin lành giáo, Hồi giáo tương đương với “tiền công đức” của Phật giáo; mà chỉ sử dụng khái niệm “tiền công đức” ? Việc sử dụng khái niệm “tiền công đức” trong tình huống này thể hiện tính thiếu cẩn trọng của Ban soạn thảo và thể hiện sự bất bình đẳng tôn giáo đối với đạo Phật trong Thông tư hướng dẫn. 2.1.2. Thay thế khái niệm “tiền công đức” thành “tiền dâng cúng” Trên nền tảng những điều vừa trình bày, tôi kính kiến nghị Bộ Tài chính, đặc biệt Ban soạn thảo “Thông tư hướng dẫn” hãy thay đổi cụm từ “tiền công đức” thành “tiền dâng cúng”. Khái niệm “Tiền dâng cúng” không có trong bất cứ tôn giáo nào tại Việt Nam nhưng lại bao hàm việc dâng cúng của các tín đồ cho các tôn giáo mà họ đi theo. Việc thay đổi khái niệm “tiền dâng cúng” trong “Thông tư hướng dẫn” sẽ giúp các chức sắc, chức việc, các tín đồ của các tôn giáo tại Việt Nam sẽ không có cảm giác rằng “Thông tư hướng dẫn” này chỉ áp dụng một cách bất công đối với tôn giáo của mình, như Hiến pháp Việt Nam 2013 đã quy định “Tất cả tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật”. Việc dùng từ Phật giáo “tiền công đức” trong “Thông tư hướng dẫn” tự động tạo ra sự phân biệt đối xử đối với Phật giáo, đang khi các tôn giáo khác thì không được đề cập tương tự. Đây là điều Ban soạn thảo “Thông tư hướng dẫn” nên tránh. Đạo Phật có công lao bảo vệ đất nước, phát triển đất nước trong suốt 2100 năm qua. Do vậy, đạo Phật không thể bị phân biệt bất công so với các tôn giáo khác trong “Thông tư hướng dẫn” nêu trên. 2.2. Bất bình đẳng tôn giáo qua khái niệm “hòm công đức” Khái niệm thứ hai thể hiện sự bất bình đẳng tôn giáo đối với đạo Phật trong “Thông tư hướng dẫn” của Bộ Tài chính là “hòm công đức”. Trong Thông tư hướng dẫn, có 9 lần xuất hiện cụm từ “hòm công đức” bao gồm: Điều 5.1.a xuất hiện ba lần; điều 5.2 xuất hiện 6 lần, rất đáng ngạc nhiên. Dù không muốn đánh giá vấn đề nêu trên từ góc độ cố ý, nhưng cộng đồng Phật giáo khó chấp nhận đây là sơ suất của Ban soạn thảo “Dự thảo Thông tư” của Bộ Tài chính. Để tránh tình trạng phân biệt đối xử với Phật giáo, tôi đề nghị đổi cụm từ “hòm công đức” thành “hòm tiền dâng cúng”. Khái niệm “hòm công đức” là của Phật giáo chánh thống và các nhánh phái Phật giáo. Tương tự, các khái niệm “hòm tiền rổ”, “hòm tiền xin lễ”, “hòm bổng lễ”, “hòm tiền zakat” của các tôn giáo khác không hề xuất hiện trong “Thông tư hướng dẫn” của Bộ Tài chính. Việc soạn thảo một “Thông tư hướng dẫn” mà chỉ sử dụng khái niệm Phật giáo, lấy khái niệm Phật giáo làm nền tảng; đang khi không sử dụng các khái niệm tương đương trong các tôn giáo khác là bất công, bất bình đẳng đối với Phật giáo. Nếu “Thông tư hướng dẫn” này được thông qua bởi Quốc hội Việt Nam và có giá trị hiệu lực thì Phật giáo sẽ là nạn nhân bị ứng xử bất bình đẳng về quản lý tiền công đức và hòm công đức. Đây là điều phản cảm, không nên xảy ra. Khi soạn thảo Thông tư hướng dẫn, Ban soạn thảo đã không nghiên cứu đến nơi đến chốn các khái niệm tương đương trong các tôn giáo, để chọn ra các “khái niệm trung tính” mang tính phổ quát, không phải là khái niệm đặc thù của tôn giáo nào, nhằm đảm bảo tính bình đẳng tôn giáo trước pháp luật. Tôi xin trích điều 5.2 của “Thông tư hướng dẫn” mà theo tôi không phù hợp với luật pháp Việt Nam: “Hòm công đức được niêm phong và sử dụng tối thiểu 2 loại khóa, chìa của mỗi khóa được giao cho cơ sở quản lý di tích và Trưởng ban di tích quản lý độc lập.” Đoạn văn này, nếu được thông qua và áp dụng thực tiễn sẽ dẫn đến tình trạng hiểu rằng chỉ có các “hòm công đức” tại cơ sở Phật giáo mới bị quản lý thôi, trong khi các cơ sở các tôn giáo khác không bị quản lý, vì các tôn giáo khác không hề có khái niệm “hòm công đức”. Theo đoạn nêu trên, “hòm công đức” của Phật giáo bị quản lý tối thiểu bằng hai chìa khóa. Một ổ khóa của Cơ sở quản lý cơ sở di tích và một ổ khóa của Trưởng ban di tích quản lý độc lập. Đây chính là vấn đề “một cổ hai tròng” chỉ áp dụng bất công đối với Phật giáo, trong khi các tôn giáo khác thị không được đề cập trong đối tượng áp dụng của Thông tư hướng dẫn. Điều đáng nói là ở điều 5, khoản 2b của “Thông tư hướng dẫn” hoàn toàn không phù hợp với điều 5 khoản 7 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực vào năm 2018, trong đó quy định như sau: “Nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tự nguyện tặng cho.” Điều tối kỵ nhất trong pháp luật là luật này mâu thuẫn với luật khác đã có trước đó. Nếu “Thông tư hướng dẫn quản lý tiền công đức” lại mâu thuẫn với Luật Tín ngưỡng tôn giáo thì khi áp dụng vào thực tiễn, đương nhiên có nhiều điều rắc rối phát sinh, bao gồm kiện tụng tại pháp đình. Đó là điều Ban soạn thảo cần khắc phục. Tương tự, tôi xin trích điều 5, khoản 1, Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2018 về việc quản lý, sử dụng tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo: “Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo bao gồm tài sản được hình thành từ đóng góp của thành viên tổ chức; quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn khác theo quy định của pháp luật.” Ở điều trên, Luật Tín ngưỡng tôn giáo quy định rất chuẩn: “Cho phép các tổ chức, cơ sở tôn giáo, nhà tu hành được nhận tiền dâng cúng và tài sản dâng cúng của các cá nhân và tồ chức trong nước cũng như nước ngoài.” Tương tự, theo điều 211, Bộ luật Dân sự năm 2015, các tổ chức, cơ sở tôn giáo, nhà tu hành được nhận tiền dâng cúng và tài sản dâng cúng. Dựa vào những điều vừa trình bày trên, tôi kính kiến nghị Ban soạn thảo “Thông tư hướng dẫn” cần so sánh với những điều luật khác trong Luật Dân sự và Luật Tín ngưỡng tôn giáo, để điều chỉnh thích hợp, tránh tình trạng thể hiện sự bất bình đẳng tôn giáo đối với đạo Phật, qua hai khái niệm “tiền công đức” và “hòm công đức”. Tôi xin lập lại, cụm từ “tiền công đức” nên đổi lại là “tiền dâng cúng” và cụm từ “hòm công đức” đổi thành “hòm tiền dâng cúng”. Trong các văn bản pháp quy, không nên sử các khái niệm, thuật ngữ chỉ riêng dùng trong đạo Phật, đang khi ngoài đạo Phật, tại Việt Nam còn có nhiều tôn giáo nhất thần và đa khác khác. Còn gì bất công cho bằng khi các khái niệm của các tôn giáo khác không bị đá động tới trong Thông tư hướng dẫn, mà chỉ có các khái niệm của đạo Phật. III. SỰ KHÁC NHAU GIỮA “TIỀN QUYÊN GÓP VÀ TIỀN DÂNG CÚNG CHO CƠ SỞ TÔN GIÁO, NHÀ TU HÀNH” VỚI “TIỀN TÀI TRỢ CHO DI TÍCH, HOẠT ĐỘNG LỄ HỘI” 3.1. Nên bổ sung “phần định nghĩa” hay “phần giải thích” các khái niệm trong Thông tư hướng dẫn Ban soạn thảo “Thông tư hướng dẫn” cần phân biệt sự khác nhau giữa “tiền quyên góp và tiền dâng cúng cho các cơ sở tôn giáo và nhà tu hành” với “tiền tài trợ cho các di tích và các lễ hội”. Việc không rạch ròi các khái niệm này có những nội dung khác biệt sẽ dẫn đến các ngộ nhận đáng tiếc và khi áp dụng trong thực tiễn, sẽ nảy sinh nhiều tranh chấp về phương diện pháp lý. Tôi có nhận xét chung là “Thông tư hướng dẫn về quản lý tiền công đức” của Bộ Tài chính” nói riêng và nhiều luật của Việt Nam nói chung hoàn toàn không có mục “định nghĩa các khái niệm” (definitions) hay còn gọi là “giải thích các khái niệm” (interpretations) trong các Luật và Dự luật bằng tiếng Anh ở các nước phương Tây gồm Mỹ, Canada, Úc, Châu Âu. Phần định nghĩa các khái niệm đóng vai trò rất quan trọng trong các văn bản pháp quy, thể hiện tính nhất quán, không thể bị ngộ nhận và hiểu sai được. Rất tiếc hầu như các Luật và Dư luật của Việt Nam hiện nay thiếu phần “định nghĩa” hay “giải thích” các khái niệm, nên dẫn đến nhiều điểm bất đồng và tranh chấp khi Dự luật chính thức được thông qua và có hiệu lực thi hành trong thực tế. Tôi kiến nghị Bộ Tài chính nên tham khảo các Dự luật của nước ngoài, đặc biệt là những nước đi trước chúng ta về lãnh vực này để sớm bổ sung phần định nghĩa các khái niệm, nhằm tránh tình trạng ngộ nhận đáng tiếc như là dự thảo Thông tư hướng dẫn. 3.2. Nên bổ sung vào Thông tư hướng dẫn Trong các công văn kiến nghị gửi Bộ Tài chính thì công văn của TT. Thích Đức Thiện. Tôi xin trích ra đây và kính đề nghị Ban biên soạn cần bổ sung các điều và khoản dưới đây để “Thông tư hướng dẫn” được hoàn chỉnh hơn. 3.2.1. Nên bổ sung điều 1, khoản 6, mục a: “Tiền dâng cúng, tài sản dâng cúng cho cơ sở tôn giáo, nhà tu hành để hoạt động tôn giáo, xây dựng cơ sở vật chất và nuôi dưỡng, bảo đảm sinh hoạt cho nhà tu hành thì thuộc quyền quản lý của người đứng đầu/ ban quản trị cơ sở tôn giáo đó.” Trên thực tế, có cơ sở tôn giáo có di tích văn hóa và hoạt động lễ hội, nhưng cũng có các cơ sở tôn giáo dù có di tích, nhưng không có hoạt động lễ hội. Do thiếu phần định nghĩa trong phần “Thông tư hướng dẫn” nên nội dung bị sót và không đề cập đến. Từ đó khi áp dụng cụ thể, chắc chắn có nhiều ngộ nhận và tranh chấp pháp lý. Trong tôn giáo, người đứng đầu cơ sở được mô tả bằng các danh xưng rất khác nhau. Ví dụ, trong Phật giáo, người có vai trò quản trị hành chánh cao nhất trong ngôi chùa là trụ trì. Cũng có chùa có Ban Trụ trị hoặc Ban quản trị. Khi các cơ sở tôn giáo này và người đứng đầu các cơ sở tôn giáo theo Hiến pháp Việt Nam được quyền tiếp nhận các khoản dâng cúng cho họ và cho cơ sở tôn giáo mà họ đang điều hành. Việc Bộ Tài chính dự kiến quản lý các khoản dâng cúng này là điều không phù hợp, thậm chí trái Hiến pháp Việt Nam và luật pháp Việt Nam. 3.2.2. Nên bổ sung điều 1, khoản 6, mục b: “Tiền dâng cúng, tài sản tài trợ cho việc bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị của di tích thì thuộc quyền quản lý của Ban Quản lý di tích.” Điều đề nghị bổ sung này phân biệt rất rõ rằng tiền dâng cúng và tài sản dâng cúng này là nhằm bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy các giá trị của di tích. Do vậy, các khoản dâng cúng này phải do Ban quản lý di tích chịu trách nhiệm quản lý theo đúng quy định của luật pháp. Thông thường Ban quản lý di tích luôn có người đại diện của chính quyền cấp tỉnh/ huyện và người đại diện của Khu di tích. Việc chi thu tiền dâng cúng và tiền tài trợ đối với di tích phải được Ban quản lý di tích quản trị minh bạch và chính xác. 3.2.3. Nên bổ sung điều 1, khoản 6, mục c: “Tiền dâng cúng, tài sản tài trợ cho hoạt động lễ hội thì thuộc quyền quản lý của Ban tổ chức lễ hội” Lý do là tại các di tích lớn luôn có Ban quản lý lễ hội bên cạnh Ban quản lý di tích. Mỗi năm, Ban tổ chức lễ hội có thể tổ chức một vài lễ hội, đang khi Ban quản lý di tích phải làm công việc quản lý di tích suốt 365 ngày/ năm. Do đó, để chuyên môn hóa nhằm làm hiệu quả hóa, cần có Ban quản lý di tích và Ban tổ chức lễ hội trong di tích đó. Ban tổ chức lễ hội phải được giao trách nhiệm quản lý “tiền dâng cúng” của bá tánh hầu phục vụ cho lễ hội được tốt đẹp hơn. 3.2.4. Nên bổ sung điều 1, khoản 6, mục d: “Thông tư này không áp dụng đối với các khoản “tiền dâng cúng” (tặng cho) các tổ chức, cơ sở tôn giáo, nhà tu hành.” Phần này xác định rõ đối tượng áp dụng và giải thích rõ việc không áp dụng “tiền dâng cúng” này đối với các tổ chức, cơ sở, nhà tu hành. Nếu không định nghĩa rạch rồi trong phạm vi và đối tượng áp dụng trong “Thông tư hướng dẫn” sẽ dẫn đến tình trạng khi các tín đồ tôn giáo dâng cúng tiền cho giáo sĩ, chức sắc, chức việc; hay các vị trụ trì trong Phật giáo làm sinh hoạt phí, hay đóng góp cho việc bảo tồn, phát triển cơ sở tôn giáo… đều bị Bộ Tài chính quản lý. Đó là điều không thích hợp với Hiến pháp Việt Nam. 3.2.4. Nên bổ sung điều 1, khoản 7: Các cơ sở tôn giáo dù là di tích lịch sử cấp Quốc gia, cấp tỉnh không tổ chức lễ hội, không sử dụng kinh phí và ngân sách nhà nước trong việc tổ chức lễ hội, không đặt thùng dâng cúng tại di tích thì không áp dụng về quản lý tài chính theo Thông tư này.” Dĩ nhiên, các di tích và lễ hội sử dụng nguồn ngân sách nhà nước thì phải báo cáo thu chi minh bạch để tránh tình trạng biến của công trở thành của riêng, vừa phạm pháp, vừa tổn thất nguồn ngân sách nhà nước. Tại miền Trung và miền Nam, có các cơ sở tôn giáo dù có di tích, nhưng không tổ chức lễ hội như ở miền Bắc. Do thiếu phần định nghĩa về khái niệm và đối tượng áp dụng trong “Thông tư hướng dẫn” đã không rạch ròi điều đó. Có nghĩa Ban soạn “Thông tư hướng dẫn” chịu ảnh hưởng từ văn hóa miền Bắc, chứng kiến các sinh hoạt, lễ hội miền Bắc, nhưng không hề để ý để các di tích và các lễ hội ở miền Trung và miền Nam, vốn là nơi ít hoặc không tổ chức lễ hội tại di tích. Có nhiều di tích không sử dụng kinh phí của nhà nước, cũng không có thùng dâng cúng. Vậy mà, theo nội dung “Thông tư hướng dẫn” này, các di tích đó bị quản lý về tiền công đức và hòm công đức. Rất là vô lý ! Tôi cho rằng việc bổ sung vào “Thông tư hướng dẫn” 4 khoản 6.a, 6,b, 6.d, 6,d và khoản 7 sẽ làm cho phần giải thích về đối tượng áp dụng được rõ ràng, không nhầm lẫn. Việc không rạch ròi về vấn đề này sẽ dẫn đến tình trạng “Thông tư hướng dẫn” mâu thuẫn với Hiến pháp Việt Nam, Luật Dân sự, Luậtuật Tín ngưỡng tôn giáo, như tôi đã nói ở phần trên. Ban tổ chức lễ hội tại các di tích dĩ nhiên khác với Ban quản lý di tích. Ban quản lý lễ hội có thể được Ban quản lý di tích bầu chọn, nhưng có hoạt động độc lập trong từng lễ hội cụ thể. Nếu nhóm biên soạn “Thông tư hướng dẫn” kịp thời khắc phục các khiếm khuyết về tình trạng bất bình đẳng tôn giáo đối với đạo Phật, tôi tin rằng “Thông tư hướng dẫn” này sẽ đảm bảo quyền sở hữu riêng của cơ sở tôn giáo và các nhà tu hành theo quy định của Hiến pháp Việt Nam, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Dân sự và các bộ luật khác tại Việt Nam. Kết luận Hiện nay, ở hải ngoại có nhiều tổ chức chống Cộng cực đoan và cuồng tín. Những người chống Cộng thường lợi dụng vào những sơ sót trong nước, liền tấn công chính sách tôn giáo của Việt Nam. Để tránh những tình trạng đã từng xảy ra trong vòng 40 năm qua, Dự thảo “Thông tư hướng dẫn” của Bộ Tài chính cần phải kịp thời điều chỉnh những điểm bất cập và bổ sung những điều khoản cần thiết. Theo đó, những người chống phá đất nước Việt Nam không còn lý do chống đối chính phủ Việt Nam, chính sách pháp luật & tôn giáo Việt Nam. Phật giáo là tôn giáo đồng hành với dân tộc Việt Nam trong việc bảo vệ và phát triển đất nước trong suốt 21 thế kỷ qua, sẽ không bị ứng xử bất công theo Thông tư hướng dẫn. Tôi kính mong Ban soạn thảo tham khảo lại về những vấn đề nêu trên, nhằm điều chỉnh kịp thời. Theo đó Dự luật Hướng dẫn thông tư sẽ không tạo ra hiểu lầm cũng như những tranh chấp pháp lý khi có hiệu lực thi hành. Chân thành cảm ơn sự lắng nghe và điều chỉnh kịp của Ban soạn thảo để thể hiện nguyên tắc “các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật”.TT. Thích Nhật Từ Nguồn: daophatngaynay.com