“Nhất bát thiên gia phạn
Cô thân vạn lý du
Kỳ vi sinh tử sự
Khất hóa độ xuân thu”.
Một bát cơm xin từ ngàn nhà, là pháp hành có truyền thống tốt đẹp được truyền thừa từ ba đời chư Phật. Trong Luật Tứ phần có nêu: “Tứ y là gì? Là 4 chỗ nương tựa căn bản cho đời sống phạm hạnh, vị Tỷ-kheo y theo đây mà xuất gia, thọ giới Cụ túc, thành phẩm chất Tỷ-kheo. Bao gồm:
1. Tỷ-kheo sống y trên y phấn tảo (y thô xấu được kết từ vải vụn bị vứt bỏ).
2. Tỷ-kheo sống y trên sự khất thực (xin ăn hàng ngày).
3. Tỷ-kheo sống y nơi gốc cây mà ngủ nghỉ (ở dưới gốc cây).
4. Tỷ-kheo sống y nơi các loại thuốc hủ lạn dược (những loại thuốc bào chế đơn giản, rẻ tiền)”.
(Đại tạng, T1428, 四分律. Xem thêm: Thích Đỗng Minh (dịch) (2010), Luật Tứ phần, Thích Nguyên Chứng & Thích Đức Thắng hiệu đính và chú thích).
Pháp hành ấy được Đức Tổ sư Minh Đăng Quang - vị Tổ khai sáng Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam với phương châm “Nối truyền Thích Ca Chánh pháp” - thực hành liên tục và nghiêm mật. Quả thật như vậy, từ ngày lập giáo, Tổ sư Minh Đăng Quang trở thành một vị Khất sĩ với tâm nguyện hạ mình xin ăn để tu học, như Ngài từng nói: “Khất sĩ là học trò khó đi xin ăn để tu học”.
“Người Khất sĩ nghĩa là người xin học
Xin nuôi thân bằng vật chất hữu hình
Học nuôi tâm bằng các pháp vô hình
Lễ xin học sẽ viên minh toàn thiện”
Pháp hành khất thực là một cách nuôi mạng chơn chánh được Đức Tổ sư khẳng định trong Luật nghi Khất sĩ, phần Tứ Y pháp. Trong đó ghi rõ:
“1. Nhà sư khất thực: Phải lượm những vải bỏ đâu lại thành áo, nhưng có ai cúng vải, đồ cũ thì được nhận.
2. Nhà sư khất thực: Chỉ ăn đồ xin mà thôi, nhưng ngày hội, thuyết pháp, đọc giới bổn, được ăn tại chùa.
3. Nhà sư khất thực: Phải nghỉ dưới cội cây, nhưng có ai cúng lều, am nhỏ, bằng lá một cửa thì được ở.
4. Nhà sư khất thực: Chỉ dùng phân uế của bò mà làm thuốc trong khi đau, nhưng có ai cúng thuốc, dầu, đường thì được dùng”.
Đối với một vị Khất sĩ, đi khất thực là pháp hành không kém phần quan trọng trong việc hành trì Pháp Phật. Bởi như Tổ dạy, Khất sĩ là người học trò khó đi xin ăn để tu học. Theo đó, cái xin ở đây mang ý nghĩa rất cao thượng, xin có cái ăn để giữ vừa đủ sức mà dụng công tu học, chứ không phải là sự đi xin bình thường như người đói khổ đi tìm xin miếng ăn. Cũng có thể hiểu, cái xin ở đây là sự xin của những con người có chí xuất trần, muốn tìm cầu chân lý giác ngộ cho muôn loài.
“Pháp khất thực dạy người bố thí
Cùng dạy mình chơn lý không tham”.
Trong Chơn lý “Khất sĩ”, Tổ sư dạy: “Giáo lý ăn xin là sự chan hòa cho nhau, tức là công lý võ trụ, là Pháp bảo, hay chơn lý, triết lý nhiệm mầu (…) Có đi xin mới có từ bi hỷ xả, trí huệ thông minh, cõi lòng mát dịu, rộng mở bao la, lặng yên sạch sẽ”, hay: “Giáo lý ăn xin để dứt bỏ cái ta độc ác khổ não mà sống theo lẽ vô thường, tiến hóa như vầy: Ta sống giúp cho tất cả và tất cả sống giúp cho Ta…”.
Ngày nay, do một số tác động khách quan, pháp hành khất thực không còn được duy trì mỗi ngày như xưa. Tuy nhiên, với các khóa tu truyền thống của Tăng đoàn Khất sĩ diễn ra luân phiên thường kỳ, pháp hành khất thực theo đó cũng được tái hiện vào ngày đầu, trước giờ khai mạc mỗi khóa tu và ngày cuối, trước giờ bế mạc khóa.
Hành giả Khất sĩ với thân tướng trang nghiêm, thanh tịnh, trong chiếc y vàng phước điền, hai tay ôm bình bát đất, một tín vật linh thiêng của đức Như Lai.
Y bá nạp bức họa đồ thế giới
Vẻ muôn vàn đường lối bước vân du.
Bát khất sĩ bầu càn khôn vũ trụ
Chứa muôn loài vạn vật một tình thương.
Từng vị, từng vị Khất sĩ, nối tiếp nhau dịch chuyển giữa những con đường đầy nắng vàng, hay bên những cánh đồng xanh bát ngát, cho đến những con phố tấp nập xe cộ náo nhiệt. Song, đoàn Khất sĩ vẫn dũng tiến trầm mặc, hiên ngang, tạo ra nhiều xúc cảm thiêng liêng.
“Chân truyền Khất sĩ là đây
Bóng xưa với lại hình này dặm không…
Một ngày kia dưới nắng vàng
Bỗng trang nghiêm hiện một đoàn du Tăng…
Khắp vùng non biển quê ta
Đâu đâu chẳng hiện bóng hoa ưu đàm”
Những hình ảnh trang nghiêm, thanh tịnh, đẹp tuyệt vời ấy khiến các Phật tử phát khởi tâm cung kính, tin tưởng hàng Tăng bảo - đệ tử Đức Thế Tôn: Diệu hạnh là chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn; Trực hạnh là chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn; Như lý hạnh là chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn; Chánh hạnh là chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám vị. Chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn, đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời. Pháp hành ấy quả thật lợi mình và lợi người vậy.
Tin, ảnh: Thuận Phước, Minh Thái