PSO – Rất tình cờ, tôi đọc được thông tin về lớp dạy tiếng Anh miễn phí trên trang Facebook của một người bạn. Hỏi ra, thật bất ngờ khi biết người mở lớp và trực tiếp giảng dạy là Sư cô Thích Nữ Minh Túc (chùa Bảo Sơn, đường Nguyễn Trãi, phường Yên Đổ, TP.Pleiku). Câu chuyện từ đây lại mở ra nhiều điều thiện, nhiều hành động từ tâm khác của Sư cô với tâm niệm vun đắp cho sự phát triển của cộng đồng.
Lúc đầu, khi tôi tìm đến, Sư cô từ chối nói về việc làm của mình vì cho rằng người tu hành không nên nói nhiều về bản thân. Sau quá trình thuyết phục, Sư cô mới đồng ý với mong muốn lan tỏa những hành động đẹp trong cuộc sống.
Lớp tiếng Anh miễn phí
18 giờ một ngày chủ nhật, tôi đến thăm cơ sở mầm non Từ Tâm Oanh Vũ (477 Lê Đại Hành, phường Yên Thế, TP.Pleiku) để tham gia một lớp học kỹ năng giao tiếp tiếng Anh do Sư cô Minh Túc trực tiếp giảng dạy. Trước cửa lớp học, Sư cô Minh Túc nở nụ cười hiền đón từng học viên vào lớp và không quên gửi lời chào bằng tiếng Anh.
Lớp học này có khoảng 15 học viên, gồm các giáo viên, bác sĩ, công chức và cả học sinh, sinh viên… có nhu cầu nâng cao năng lực ngoại ngữ. Hầu hết các học viên này đều có vốn từ vựng và ngữ pháp tiếng Anh cơ bản nhưng kỹ năng giao tiếp còn hạn chế. Buổi học ngày hôm ấy bắt đầu với chủ đề do Sư cô đặt ra: “Hãy giới thiệu về công việc hiện tại của bản thân”. Chị Nguyễn Thị Trang (công tác tại một cơ quan trên địa bàn TP.Pleiku) mạnh dạn xung phong giới thiệu. Dù có không ít đoạn bị “rối” vì quên một số từ vựng, nhưng điều mọi người ghi nhận chính là sự cố gắng và mạnh dạn thực hành tiếng Anh của chị. Chăm chú lắng nghe phần giới thiệu của các học viên, thỉnh thoảng Sư cô Minh Túc lại ghi chú vào mảnh giấy nhỏ một số lỗi phát âm để chỉnh lại cho học viên. Sau đó, sư cô chia lớp học thành từng nhóm khoảng 3 người để thực hành giao tiếp với nhau. Học viên có thắc mắc gì, Sư cô đều giải đáp tận tình. Sư cô Minh Túc cho biết: “Lúc đầu, mọi người khá rụt rè, không tự tin khi giao tiếp vì vốn tiếng Anh hạn chế. Nhưng cô khuyến khích các em nên tích cực thực hành giao tiếp, có thực hành thì mới biết được lỗi sai, một lần sai là một lần nhớ”.
Một buổi sinh hoạt tại trạm đọc miễn phí. Ảnh: T.B |
Mỗi buổi học của Sư cô đều có giáo trình cụ thể, chủ đề của từng buổi có thể là gia đình, quê hương, món ăn, địa điểm du lịch hay thời tiết… Đằng sau mỗi vấn đề, bằng vốn kiến thức của mình, Sư cô còn đem đến cho học viên những điều mới mẻ về cuộc sống. Ngoài Sư cô, thi thoảng giáo viên một số trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn thành phố cũng tới hỗ trợ, giúp các học viên nâng cao khả năng nghe, nói tiếng Anh. Các buổi học đều đặn tổ chức vào chủ nhật, từ 18 giờ đến 19 giờ 30 phút. Là học viên chuyên cần của lớp tiếng Anh giao tiếp, chị Nguyễn Thị Trang cho biết: “Khả năng giao tiếp tiếng Anh của tôi khá hạn chế nên tôi thường đến lớp học này để học từ Sư cô và các học viên khác. Sư cô rất tận tình, chỉ bảo cho tôi những kỹ năng thực sự bổ ích”.
Sau khi buổi học kết thúc, trong không gian tĩnh lặng, Sư cô Minh Túc nhấp ngụm trà nóng rồi kể về “duyên Phật” và “duyên nghề” bằng giọng trầm ấm: Sư cô trước đây là giáo viên tiểu học; năm 22 tuổi, vì có duyên với cửa Phật nên gác lại nghề giáo và xuất gia. Từ năm 1996 – 2002, Sư cô học chuyên ngành Phật học tại Trường Trung cấp Phật học Bình Định rồi học liên thông tại Học viện Phật giáo Việt Nam (TP.Hồ Chí Minh). Từ năm 2006 đến 2013, sư cô đi du học tại Ấn Độ.
Trong quá trình Sư cô đi du học, dù có kỹ năng viết và vốn ngữ pháp tiếng Anh khá tốt nhưng khả năng giao tiếp với người dân nước bạn còn hạn chế. Chính vì thế, Sư cô đã tự học và rèn luyện kỹ năng bằng cách thường xuyên bắt chuyện với người bản địa. Về nước với học vị Phó Tiến sĩ Giáo dục học, Tiến sĩ Phật học, sư cô tiếp tục gắn bó với chùa Bảo Sơn.
Hiểu được những hạn chế, khó khăn của mọi người khi học tiếng Anh, năm 2013, Sư cô đã xin ý kiến của trụ trì chùa Bảo Sơn để mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho những người có nhu cầu. Lớp học mượn 1 gian của nhà chùa để hoạt động. Đến năm 2016, khi chùa Bảo Sơn mở cơ sở mầm non Từ Tâm Oanh Vũ và Sư cô Minh Túc được tín nhiệm giữ chức Hiệu trưởng, lớp tiếng Anh được chuyển về đây. Lúc đầu, những người đến học chỉ là những Phật tử của chùa; dần dần, lớp ngày càng thu hút được nhiều đối tượng theo học.
Ngoài lớp dạy kỹ năng giao tiếp, Sư cô còn mở lớp bồi dưỡng tiếng Anh cho các em học sinh từ bậc tiểu học đến THPT vào mỗi buổi chiều thứ bảy, chủ nhật. Do học viên thuộc nhiều lứa tuổi và trình độ khác nhau, vì thế, Sư cô đã phân loại học sinh để soạn giáo trình phù hợp. “Biên chế” mỗi lớp khoảng 10 em để Sư cô có thể dễ dàng hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc của từng học sinh, củng cố kiến thức cơ bản rồi mới đến giáo án nâng cao.
Lan tỏa văn hóa đọc
Xong câu chuyện về lớp tiếng Anh miễn phí, Sư cô Minh Túc dẫn tôi lên tầng cao nhất của cơ sở mầm non Từ Tâm Oanh Vũ để tham quan trạm đọc miễn phí vừa được Sư cô và chị Khuất Thị Thu Hường – cố vấn dự án “Điểm đọc miễn phí” tại Gia Lai – khai trương vào đầu tháng 9/2019. Trạm đọc này có khoảng 1.000 đầu sách đủ các chủ đề: về các danh nhân thế giới, hạt giống tâm hồn, sách về Phật giáo, sách văn học, sách khoa học, sách thiếu nhi… Sư cô chia sẻ, trong số những cuốn sách này có nhiều quyển do Sư cô trực tiếp đến nhà sách lựa chọn, nhưng cũng có những cuốn được nhiều người đem tặng cho trạm đọc với mong muốn lan tỏa văn hóa đọc.
Đến với trạm đọc này, dễ dàng nhận thấy tâm huyết của Sư cô khi nhìn những cuốn sách được phân loại, sắp xếp gọn gàng trên những kệ sách bằng gỗ. Xen giữa từng kệ sách là những chậu cây mi ni xanh tươi tạo sự thoải mái cho người đọc. “Cuộc sống hiện đại, mọi người có rất nhiều kênh để giải trí như Facebook, ti vi… mà quên rằng đọc sách sẽ giúp chúng ta bồi dưỡng tâm hồn và nâng cao kiến thức. Cô mở trạm đọc này với mong muốn kết nối những người yêu sách, hình thành văn hóa đọc trong cộng đồng”- Sư cô Minh Túc chia sẻ.
Trạm đọc mở cửa tất cả các ngày trong tuần và sẽ có các tình nguyện viên trực để đảm nhận việc mượn, đổi sách. Cách mượn sách khá đơn giản, có thể đọc tại chỗ, nếu mượn về nhà thì người đọc phải cung cấp tên, số điện thoại, địa chỉ và hẹn ngày trả sách. Một cách khác là “lấy sách đổi sách”, tức là người đọc đem đến 1 cuốn sách để đổi 1 cuốn sách tại đây, khi đọc xong có thể đem đến trả và lấy sách của mình về. Dù trạm đọc mới khai trương nhưng đã thu hút rất nhiều người đến đọc và mượn sách. Em Lê Mai Thảo (lớp 11B1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai) cho biết: “Em thích đọc nhưng không có tiền mua sách thường xuyên. Trạm đọc này lại có rất nhiều sách hay nên em thường đến đây những lúc rảnh rỗi. Ngoài đọc sách, em còn được nghe Sư cô chia sẻ về nhiều điều hay trong cuộc sống”.
“Người mẹ” từ tâm
Đặc biệt, giữa cuộc trò chuyện hôm ấy, nếu không có một bé gái tầm 4 tuổi âu yếm sà vào lòng Sư cô Minh Túc thì tôi sẽ không thể biết thêm về tấm lòng cao cả, nhân hậu của vị Sư cô 47 tuổi này.
Hỏi ra mới biết đây là đứa trẻ không may. Mẹ của em mang thai khi mới 15 tuổi, vì không muốn bỏ đi sinh linh bé nhỏ này nên tìm đến nương nhờ Sư cô, xin một chỗ ở an toàn cho đến khi con chào đời rồi rời đi. Nhờ sự yêu thương, chăm sóc của Sư cô mà đứa trẻ sơ sinh ngày nào giờ đã trở thành 1 cô bé khỏe mạnh và xinh xắn.
Sư cô Thích Nữ Minh Túc luôn dành tình thương cho những trẻ em không may. Ảnh: T.B |
Ngoài bé gái trên, Sư cô Minh Túc còn cưu mang thêm 6 đứa trẻ không cha không mẹ. Mỗi em một hoàn cảnh, có em bị bỏ rơi trước cổng chùa Bảo Sơn hay trước cổng cơ sở mầm non, có em được người thân đem đến nhờ Sư cô nuôi giúp. Chúng đều được Sư cô chăm sóc với tất cả tình yêu thương, bởi với Sư cô, sự xuất hiện của những đứa trẻ ấy là cơ duyên với Phật. “Người mẹ” ấy đã đặt tên và đăng ký giấy khai sinh cho từng bé với mong muốn các con được đến trường, được vui chơi như bao đứa trẻ khác.
Không có kinh nghiệm nên việc nuôi dưỡng những đứa trẻ mới lọt lòng là điều không hề dễ dàng, nhưng với tình yêu thương vô hạn, Sư cô đã nỗ lực vượt qua. Cũng nhờ thuê thêm 1 bảo mẫu nên Sư cô đỡ vất vả phần nào. Vuốt tóc bé gái, Sư cô Minh Túc tâm sự: “Bận rộn với nhiều công việc trong ngày, nhưng mỗi khi nhìn thấy nụ cười trong trẻo, những cái ôm ấm áp của lũ trẻ, cô thấy cuộc đời mình thật may mắn và hạnh phúc”.
Tạm biệt Sư cô ra về, trong đầu tôi vẫn văng vẳng tiếng nhạc thiền và lời Sư cô vừa nói: “Mỗi cuộc gặp gỡ, mỗi việc làm trong cuộc sống này đều là tùy duyên …” Mong rằng, những hành động ý nghĩa của Sư cô sẽ tiếp tục lan tỏa, để có thêm nhiều tấm lòng nhiệt huyết chung tay xây dựng cuộc sống này ngày càng tốt đẹp hơn.
Thủy Bình
The post Gia Lai: Phóng sự “Từ tâm một tấm lòng” appeared first on Phật Sự Online Tây Nguyên.