PSO – Sáng ngày 14/7/2019 (nhằm ngày 12/06 năm Kỷ Hợi) nhận lời kiền thỉnh của Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Nguyện – Ủy viên HĐTS, Trưởng ban Từ thiện xã hội, Trưởng Phân ban Ni giới GHPGVN tỉnh Gia Lai, Thiền chủ hạ trường; Thượng tọa Tiến sĩ Thích Minh Nhẫn – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN, Phó ban Thông tin Truyền thông TƯ, Tổ trưởng Tổ Thông tin Tuyên truyền Văn phòng 2 TƯ Giáo hội, Tổng Biên tập kênh Phật sự Online, quang lâm về trú xứ An cư chùa Bửu Sơn, (17 A Nguyễn Trãi, phường Yên Đổ, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) để chia sẻ chuyên đề: “Sử dụng truyền thông mạng như một kênh Hoằng pháp” nhằm mục đích giúp chư Tăng Ni, Phật tử trau dồi thêm kiến thức về cách ứng dụng truyền thông để chuyển tải, lan tỏa Phật pháp.
Với sự có mặt hơn 30 hành gia an cư và đông đảo quý Phật tử, Thượng tọa Giảng sư đã nêu lên 4 vấn đề: Thuận lợi, Khó khan, Cơ hội và Nguy cơ thử thách đối với việc sử dụng truyền thông mạng để Hoằng pháp, để người làm truyền thông tuyệt đối lưu ý thực hiện, tránh được những kết quả trái chiều xảy ra không như mong muốn và mang lại hiệu quả cao.
Thượng tọa Giảng sư cũng gợi ý áp dụng bốn yếu tố này vào việc xây dựng một hệ thống giáo dục mầm non tại vùng núi Tây nguyên như Gia Lai, để các em hình thành được ý thức trách nhiệm trước những việc làm của mình trong quá trình sử dụng mạng xã hội.
Suốt gần ba giờ đồng hồ, TT.Thích Minh Nhẫn đã nhấn mạnh đến mục tiêu nghị quyết Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII đưa ra là áp dụng sự tiến bộ vượt bậc của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để Hoằng pháp, làm lợi ích cho nhiều người, làm lợi lạc cho số đông và góp phần định hướng đạo đức xã hội, tịnh hóa công dân mạng.
Như vậy, việc đưa thông tin không phải như trước đây chúng ta nghĩ là cầu danh, kêu gọi, mà là đang nêu cao tinh thần từ bi, trí tuệ của đạo Phật. Truyền thông thông tin Phật giáo là hiển thị một đời sống thật chứ không ảo tưởng như mọi người thường nghĩ. Bởi vì người làm truyền thông Phật giáo luôn lấy Tâm dẫn đầu và tuyệt đối tôn trọng sự thật.
Thượng tọa Giảng sư cũng chỉ rõ sự tai hại của truyền thông mạng nếu như người làm truyền thông không biết hết về kỹ năng sử dụng, cũng như không ước lượng được tầm nhìn đa chiều của cộng đồng mạng. Khi đăng tải bất kỳ một thông tin hay hình ảnh nào, với tuệ nhãn chúng ta nên luôn đặt câu hỏi và luôn suy nghĩ: việc này có thể hiện tinh thần từ bi trí tuệ hay không? có mang tính lợi ích số đông hay không? Có phụng đạo yêu nước không? …. Người làm truyền thông Phật giáo luôn “ẩn ác dương thiện”; chúng ta cùng nhau đưa những điều hay điều tốt, những hình ảnh đẹp để cộng đồng mạng cũng như Phật tử tiếp cận. Tuyệt đối không đăng tải, chia sẻ những vấn đề mang tính soi mói, những nhận định phiến diện, … . Như vậy rất cần lắm cho mạng xã hội những hình ảnh đẹp của khóa tu mùa hè, chương trình từ thiện, thuyết pháp …. Làm công tác truyền thông mạng là chúng ta đang trồng hoa đẹp để lấn đi cỏ dại.
Thượng tọa Giảng sư cũng đã dành thời gian để giải đáp những câu hỏi của chư Ni chúng và quý Phật tử nêu ra như: Có phải mạng xã hội đã trở thành quyền lực thứ năm hay không? Cách giải quyết như thế nào khi gặp sự cố khủng hoảng truyền thông mạng?….
Đúc kết buổi thuyết giảng TT.Thích Minh Nhẫn nói: Trong thời đại ngày nay, mỗi Tăng Ni, Phật tử đều có thể Hoằng pháp, đều có khả năng để làm công tác Truyền thông. Nếu hiểu biết đúng kỹ năng kỷ thuật thiện xảo thì một Tăng Ni hay Phật tử là một nhà báo nhân dân, chúng ta có thể chia sẻ những việc làm tốt, những điều hay, ý đẹp thì chúng ta đang là hoằng pháp viên, đang tạo công đức trong thời đại của kỷ nguyên số, công nghệ thông tin.
Cuối thời thuyết giảng, NT. Thích Nữ Hạnh Nguyện đã gửi lời cảm niệm tri ân sâu sắc tấm lòng của TT. Tiến sĩ Thích Minh Nhẫn dành cho Ni chúng Hạ trường Bửu Sơn và Phật giáo Tây nguyên – vùng đất đỏ xa xôi này.
Một số hình ảnh ghi nhận được:
TKN. Minh Túc – TTTT Phật giáo Gia Lai
The post Gia Lai: Thượng tọa Thích Minh Nhẫn thuyết giảng tại Hạ trường chùa Bửu Sơn appeared first on Phật Sự Online Tây Nguyên.