Huyền Quang (1254 -1334), ngài được phong là đệ tam tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ông vừa là nhà trí thức đỗ đạt quan trường, làm quan ở viện nội hàn dưới triều Trần, vừa là người tinh thông Phật pháp, cũng là một thi nhân nổi tiếng. Tuy nhiên, ông đã từ quan, xuất gia tu hành, sống cuộc đời giản dị, đạo hạnh, hết lòng phụng sự giáo hội. Huyền Quang cùng với các vị nổi tiếng thời Trần như: Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ, Trần Nhân Tông, Pháp Loa… đã góp phần làm hưng thịnh Phật giáo Việt Nam thế kỷ XIII-XIV.
Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, thời kỳ Lý – Trần là giai đoạn phong kiến Việt Nam phát triển cực thịnh về mọi mặt từ chính trị, kinh tế, quân sự, cho đến văn hóa, tư tưởng hết sức phong phú, đa dạng. Trong đó, Phật giáo nổi lên như một ngôi sao sáng, rực rỡ nhất trong các giai đoạn lịch sử Phật giáo nước ta thời trung đại. Đây là giai đoạn Đại Việt từng bước khẳng định chủ quyền dân tộc, độc lập, thống nhất, giang sơn thu về một mối; không những thống nhất về kinh tế – chính trị, mà còn từng bước độc lập về văn hóa – tư tưởng. Phật giáo cũng góp phần không nhỏ vào giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng dân chúng và vua quan triều đại Lý – Trần.
Đặc biệt vào thời nhà Trần, Phật giáo đã vươn lên một tầm cao mới, hòa nhập vào lòng dân tộc với tinh thần “hòa quang đồng trần”, đoàn kết một lòng chống giặc Mông-Nguyên, bảo vệ xã tắc. Đây là giai đoạn Phật giáo khẳng định giá trị của mình trong sứ mệnh “phổ độ chúng sanh”. Điểm nổi bật là hình thành nên “Phật giáo nhất tông”, tức Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm, đứng đầu là Trúc Lâm Đại Đầu Đà Trần Nhân Tông. Tông phái thiền Trúc Lâm đã góp phần làm nên lịch sử Giáo hội Phật giáo thời Trần nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung phát triển và gắn bó mật thiết với dân tộc, đó là một nền Phật giáo “nhập thế tích cực” sâu sắc nhất. Phật giáo thời Trần gắn liền với tên tuổi của những nhân vật nổi tiếng phát xuất từ sơn môn Yên Tử như: Viên Chứng, Phù Vân, Bão Phác, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang… Trong đó, ba vị tổ Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang là đại diện tiêu biểu cho nền Phật giáo thời Trần phát triển và hưng thịnh. Đó là một nền giáo hội nhập thế, có liên hệ mật thiết với chính trị và xã hội. Tuy nhiên, nội dung bài viết này chỉ tập trung: Thứ nhất, tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của Huyền Quang; thứ hai, góp phần tìm hiểu về vấn đề bản thể luận, tu tập chứng ngộ và nhân sinh của tam tổ Huyền Quang.
CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP
Thiền sư Huyền Quang, còn có tên gọi là Lý Tái Đạo 李載道. Có tài liệu gọi là Lý Tải Đạo, Lý Đạo Tái hay Lý Đạo Tải. Trước nhất, chúng ta tầm nguyên về nguồn gốc của chữ “Tái-載” hay chữ “Tải-載”. Theo Hán-Việt Tự điển của Thiều Chửu thì chữ “載” có hai âm: Một âm là “Tái” có nghĩa là: “1. Chở, nói về người thì gọi là Thừa, nói về xe thì gọi là tái, như Tái dĩ hậu xa – lấy xe sau chở về; 2. Nâng. Sức nâng nổi đồ gọi là Tái; 3. Đầy rẫy, như oán thanh tái đạo – tiếng oan than đầy đường…” [1]; còn một âm nữa đó là: “Tải” có nghĩa là: “năm, nhà Hạ gọi là tuế; nhà Thương gọi là Tự; nhà Chu gọi là niên; nhà Đường, nhà ngô gọi là Tải” [2]. Do đó, theo ý kiến tác giả sử dụng chữ “Tái” đúng hơn là chữ “Tải”. Bởi vì, nghĩa của chữ “Tái” là chở, là đầy, chứa đựng… mang ý nghĩa thiết thực, còn chữ “Tải” nghĩa là năm, không phù hợp. Tuy nhiên theo tác giả Thích Phước Sơn, dịch là “Tải”, không phải là “Tái” [3]. Sư Huyền Quang còn một tên gọi nữa đó là Lý Đạo Tái – 李道載 [4]. Tác giả Nguyễn Thị Huế cũng cho rằng tên Ngài là Lý Đạo Tái [5]. “Huyền Quang tên thật là Lý Đạo Tái quê ở Hương Vạn Tải…”. Do đó, nhiều tài liệu liên quan đến Thiền sư Huyền Quang lại có nhiều cách gọi tên khác nhau; đồng thời về tên gọi thì giải thích theo cách hiểu dân gian, bởi “Tổ nghe một hiểu mười, có tài như Nhan Hồi Á Thánh, nên được gọi là Tải Đạo 載道”[6].
Cuộc đời của Thiền sư Huyền Quang 玄光 gắn liền với những vầng hào quang huyền bí, mang đậm tính cách truyền thuyết và huyền thoại dân gian khi mới sinh ra. Người dân Đại Việt khi xưa, mỗi khi có việc gì khó khăn, cầu tự, sinh con, thường hay đến chùa Ngọc Hoàng van vái cầu nguyện. Sách Tam tổ thực lục ghi rằng: “Mẹ tổ là Lê Thị, vốn là người đàn bà hiền đức, chiều chuộng chồng con, kính thờ cha mẹ chồng. Năm bà 30 tuổi mà chưa có con trai nối dõi, nên thường đến cầu nguyện chùa Ngọc Hoàng. Chùa này cầu nguyện thường được linh ứng” [7]. Một hôm, Lê Thị đến núi Chu Sơn hái thuốc, vừa tới chùa Ma Cô Tiên thì gặp lúc trời hè nắng gắt, bà liền nghỉ dưới bóng chùa… chợp mắt mơ màng, bà bỗng thấy một con khỉ lớn, đầu đội mũ triều thiên, mình mặc áo hoàng bào, ôm mặt trời hồng ném vào lòng bà. Sau đó, về nhà Lê Thị mang thai, đến năm Giáp Dần (1254), Lý Tái Đạo sinh ra, có tia sáng mờ ảo, mùi hương thơm phức, người ta gọi đó là đứa hài đồng có mùi hương thanh tịnh. Tương truyền trong giấc mơ của Thiền sư Tuệ Nghĩa, Đức Phật bảo ngài A Nan tái sinh trở lại làm Thiền sư Huyền Quang: “Ngươi hãy tái sinh làm pháp khí Đông độ, và phải nhớ lại duyên xưa”. Tuy nhiên, trước lúc Thiền sư Huyền Quang sinh ra, bà Lê Thị mang thai mười hai tháng mà bà không chuyển động được, nghi là mắc bệnh nên uống thuốc để phá thai nhưng thai vẫn không hư. Khi Huyền Quang sinh ra, tướng mạo lại là một đứa trẻ khôi ngô, cứng cáp. Đến tuổi đồng ấu, thể mạo dị thường, có chí của bậc trác việt vĩ nhân, cha mẹ đều yêu thương dạy cho học nghề. Theo sách Tam tổ thực lục, sư Huyền Quang sinh sống ở phía Đông Nam chùa Ngọc Hoàng, làng Vạn Tải, thuộc hạ lưu sông Bắc Giang. Đến năm Hồng Đức (1470 -1479), nơi này đổi thành huyện Gia Định, xã Vạn Tư.
Tổ tiên của Thiền sư Huyền Quang mấy đời đều làm quan, phục vụ triều đình thời Lý – Trần. Thỉ Tổ của ông là Lý Ôn Hòa, từng làm quan dưới triều Lý Thần Tông (1128-1138), giữ chức vụ là quan Hành khiển. Tổ phụ của thiền sư Huyền Quang là Tuệ Tổ cũng tham gia, cống hiến sức mình cho triều đình đánh đuổi giặc Chiêm Thành và đến đời Huyền Quang cũng nối chí hướng tổ tiên theo nghiệp khoa bảng ra làm quan phục vụ triều đình dưới thời vua Trần Thánh Tông.
Huyền Quang là người có khí chất thông minh, học giỏi, năm 20 tuổi đã đỗ thi Hương. Tuy nhiên, Lý Tái Đạo không được chọn ra làm quan vì triều đình lúc này chọn người đỗ đạt bậc đại khoa. Vì vậy phải đợi đến kỳ thi Hội, ngài mới thi đỗ thủ khoa, được chọn vào làm quan ở viện nội hàn và được vua Trần Thánh Tông chọn làm phò mã gả công chúa Liễu Nữ, cháu của An Sinh Vương, nhưng ông từ chối. Huyền Quang từng được vua chọn tiếp sứ giả phương Bắc, đối đáp lưu loát, trích dẫn nghĩa kinh một cách sâu sắc, văn chương hơn cả sứ Trung Quốc và các nước lân bang [8]. Mặc dù làm quan, nhưng tư tưởng, tinh thần của ông đã thấm nhuần tư tưởng Phật giáo. Theo sách Tam Tổ thực lục, Lý Tái Đạo làm quan khoảng 20 năm, đến 51 tuổi thì xin xuất gia cửa Thiền. Trong một lần cùng vua đến chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Phụng Nhãn, nhìn thấy Thiền sư Pháp Loa đang thuyết pháp, ông liền nhớ lại duyên xưa mà than rằng: “Làm quan thì lên đảo Bồng, đắc đạo đến Phổ Đà, trên cõi nhân gian là Tiên, cảnh giới Tây phương là Phật, phú quý vinh hoa nào khác lá vàng mùa thu, mây trắng ngày hạ, há nên lưu luyến mãi mãi!” [9]. Nhân đó, ông xin phép từ quan, xuất gia, lấy đạo hiệu là Huyền Quang.
Mặc dù ông xuất gia ở tuổi trung niên, nhưng lại là người có khí chất của một bậc tu hành chân chính, một vị lãnh đạo giáo hội tương lai. Huyền Quang được chọn làm phụ tá bên Tổ Trần Nhân Tông, cùng Trần Nhân Tông và Pháp Loa đi khắp nơi thuyết giảng Kinh Phật. Trần Nhân Tông còn ban cho Huyền Quang tòa trầm hương để giảng cho đồ chúng và giao trọng trách soạn các sách về Phật học như: Chư phẩm kinh, Công văn tập, Thích khoa giáo… Trần Nhân Tông thường nói: “Phàm sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn thì không thể thêm hay bớt một chữ nào”[10] . Sư Huyền Quang phụng mệnh vua trụ trì chùa Vân Yên, núi Yên Tử, sau đó Huyền Quang trụ trì chùa Tư Phúc ở núi Côn Sơn và xây dựng tòa tháp Cửu phẩm liên hoa, một tác phẩm nghệ thuật có giá trị về lịch sử và thẩm mỹ thế kỷ XIV. Năm 1317, Huyền Quang chăm sóc Thiền sư Pháp Loa ở viện An Lạc và được trao truyền y bát của Trần Nhân Tông từ tay đệ nhị Tổ Pháp Loa và trở thành vị đệ tam Tổ, tiếp nối thiền phái Trúc Lâm Yên tử.
Huyền Quang không những là một Thiền sư, một vị lãnh tụ của Giáo hội Trúc Lâm, mà còn là một thi sĩ nổi tiếng thời Trần, trong làng thơ Việt Nam nói chung. Các nhà phê bình như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú đều khen thơ ông chứa đựng chất trữ tình, “ý thơ tinh tế”, “lời thơ phóng khoáng”. Tác phẩm hiện còn lại bài phú Nôm vịnh chùa Vân Yên và thơ chữ Hán Ngọc Tiên tập. Ngoài những tập thơ, còn có các trước tác khác như: Chư phẩm kinh, tuyển tập các kinh thiết yếu hàng ngày, Công văn tập: các bài sớ văn, điệp dùng trong nghi lễ tán tụng, Thích khoa giáo: tập sách giáo khoa, thư từ tiếp sứ thần… Tuy nhiên, một số tác phẩm đã thất lạc.
Ngày 23 tháng Giêng năm Giáp Tuất (1334), Thiền sư Huyền Quang viên tịch tại chùa Côn Sơn. Đến ngày 24, người dân làng Vạn Tải mới hay tin, nên dân chúng ở đây lấy ngày này làm ngày kỵ giỗ của Thiền sư Huyền Quang. Kính trọng trước tài năng, đức độ phụng sự giáo hội của Thiền sư, vua Minh Tông ban lệnh xây tháp và cúng dường tịnh tài để lo việc tang sự, đồng thời ban thụy: Trúc Lâm thiền sư đệ tam đại, đặc phong tự pháp Huyền Quang tôn giả [11]. Thiền sư Huyền Quang trụ thế 81 tuổi, xuất gia năm 51 tuổi và làm quan được 20 năm.
TƯ TƯỞNG CỦA THIỀN SƯ HUYỀN QUANG
Về bản thể luận
Trong quan niệm về bản thể, Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng sĩ đã dùng nhiều khái niệm, phạm trù để chỉ cho bản thể, như: “thể”, “diệu thể”, “tâm”, “tâm thể”, “chân tâm”, “pháp tính”, “chân như”, “như như”, “Phật tính”… Còn ở vua Trần Nhân Tông thì ông đã dùng nhiều phạm trù “bản”, “tâm”, “giác tính”, “bồ đề”, “chân như”, “lòng trong sạch”, “gia phong”…, để nói về cái bản thể của vạn pháp. Thiền sư Pháp Loa đưa ra khái niệm “tính”, “chân tính”, “bản tính” là bản thể của vạn vật, không thể dùng ngôn ngữ (ngôn ngữ đạo đoạn), tư duy bình thường của con người mà nhận thức, bàn luận, phải trải qua quá trình tu tập thiền định, tịnh giới, thì mới kiến tính. Sư Pháp Loa viết “người học Phật pháp trước phải chú trọng đến vấn đề thấy tính -夫学佛之流先須見性” [12].
Trên cơ sở tiếp thu, kế thừa quan điểm của các bậc thầy trước đó, Thiền sư Huyền Quang đưa ra quan niệm riêng của mình về bản thể. Huyền Quang cho rằng trong vũ trụ, vạn vật rất phong phú, đa dạng, biến chuyển, thay đổi muôn hình vạn trạng, nhưng tất cả đều bắt nguồn từ một dòng chảy, đó là bản thể. Bản thể ở con người, theo ông đó là “tính ta”, “Bụt thực”, “chân như”, “Phật tính”. Bản thể là một thực tại duy nhất, chân thực, không sinh không diệt, xa lìa hai cực đoan tốt – xấu, nhân ngã, bỉ thử, không cấu, không tịnh… Đó là thể tính tròn đầy, mà người tu theo Đạo Phật dốc lòng hướng đến chứng ngộ Niết bàn. Con người vì bị mây vô minh, phiền não trần lao làm che mờ ánh sáng tuệ giác của chính mình. Nhưng thiền sư Bách Trượng người Trung Hoa từng nói: “Tâm mình nếu thông suốt, thì mặt trời trí tuệ tự nhiên mà sáng tỏa”. Huyền Quang cho rằng chân tính chính là bản thể, thì không thể nghĩ bàn, suy nghĩ, bàn luận; vì vậy con người cần phải có quá trình tu tập thiền định, “phản quang tự kỷ bổn phận sự”, tức là phải nhìn lại trong tâm mình, nhận biết có “tính thực” nơi mình, rũ bỏ mọi sự phồn hoa, “lấy chốn thiền môn làm cửa nhà”, dọn dẹp tham, sân, si trong tâm thì “Bụt thực” sẽ hiện tiền. Trong bài Phú vịnh chùa vân yên (詠雲煙寺賦), ông viết:
“Rũ không thay thảy ánh phồn hoa,
Lấy chốn thiền lâm làm cửa nhà,
Khuya sớm sáng chong đèn Bát nhã
Hôm mai rửa sạch nước ma-ha.
Lòng thiền vằng vặc trăng soi giại,
Thế sự hiu hiu gió thổi qua.Cốc được tính ta nên Bụt thực
Ngại chi non nước cảnh đường xa” [13].
Quan điểm của Huyền Quang rất rõ ràng, thể hiện sự riêng biệt trong nhận thức của ông về bản thể con người chính là “tính ta”, “Bụt thực”. Phật chính là tâm trong sáng, không tùy vết trong lòng và đó cũng là “bản thể” vốn có của vạn pháp xưa nay. Ông sử dụng ngôn từ “tính ta” hay “Bụt thực” rất gần gũi với ngôn ngữ dân gian người Việt. Chữ “Bụt” theo dân gian thường để chỉ “Phật”; “Phật” chính là “bản thể”, “bản thể” cũng chính là “Phật” hay “Bụt”. Khác với quan điểm của các vị tiền bối thường dùng từ Hán Việt như: “chân như”, “Phật tính”, thì Huyền Quang sử dụng từ mang nghĩa Việt để diễn tả bản thể theo cách hiểu của người Việt mà không làm mất đi ý nghĩa của nó.
Vấn đề tu tập chứng ngộ
Trong vấn đề tu tập, chứng ngộ của Huyền Quang, ông cũng đề cao vai trò của giới luật và thiền định là cốt lõi của quá trình tu luyện để chứng đạt giác ngộ thiền. Theo ông, giữ giới để ngăn ngừa sự xâm nhập của dục vọng vào tâm mình, ngăn chặn sự sinh khởi của tâm tham, sân, si, phiền não. Giới là nền tảng căn bản để đạt đến sự chứng ngộ Niết bàn; người tu hành muốn chứng đạo thì không thể không thụ giới. Trần Thái Tông cũng từng khuyên người tu hành phải lấy giới luật làm đầu. Trong Khóa Hư Lục, ông đã viết năm điều giới để khuyên người tu như: “Văn răn giới sát sinh, văn răn giới trộm cắp, văn răn giới ham sắc, văn răn giới vọng ngữ, văn răn giới uống rượu” [14]. Trần Thái Tông quan niệm giới là bước đầu để tiến đến thiền định và chứng đạo tuệ giác. Còn lối tu tập của Huyền Quang là “tiệm tu” sau đó là “đốn ngộ”, có nghĩa nếu muôn duyên, không vướng bận, không lo lắng điều gì, thì tâm hồn sẽ thanh tịnh, không bị ràng buộc, con người sẽ sống hồn nhiên, thanh thoát. Trong bài thơ Diên Hựu tự (延祐寺), Huyền Quang viết:
“萬缘不擾城遮俗
半點無憂眼放寬.
Dịch nghĩa:
Ngàn mối duyên không khuấy nhiễu là bức thành che niềm tục
Không còn lo lắng thì tầm mắt được mở rộng [15].
Lối tu này có phần khác biệt với quan điểm tu tập của thiền sư Pháp Loa, xem quá trình tu luyện để chứng đạt thì phải trải qua bốn bước: kiến tính 見性, tịnh giới 浄戒, thiền định 禅定, tuệ giác 慧覺. Nghĩa là phải thấy được bản tính chính mình, nhận diện chính xác, sau đó giữ gìn, ngăn chặn mọi sự xâm nhập của tài sắc, danh lợi, dục vọng, phiền não từ bên ngoài vào, đồng thời chuyên tâm tu tập thiền định để tâm mình ngày càng trong sáng, trí tuệ phát khởi.
Trong việc tu tập, Huyền Quang khuyên mọi người nhận thức rõ chân tướng của sự vật vốn có tính chất tương đối, bản chất của sự vật hiện tượng là vô thường, vượt qua sự phân biệt, đối đãi, giữa phải và trái, giữa tốt và xấu, thì khi đó sẽ không còn “nhị kiến”, không còn phân biệt giữa “ma” và “Phật”; “ma và Phật” chỉ là khái niệm, tên gọi, nếu chúng ta chấp vào đó sẽ đưa đến sự chấp thủ, khổ đau. Huyền Quang cho rằng nếu không còn phiền não, tham, sân, si thì “Phật” hay “ma” đều như nhau, chẳng qua là do con người phân biệt, vọng niệm. Ông viết:
參透是非平等相
魔宮佛國好生觀
Dịch nghĩa:
Hiểu rõ phải trái là như nhau
Thì cung ma cõi Phật chẳng khác gì! [16]
Huyền Quang còn thể hiện sự chứng ngộ, đạt đạo thông qua giai thoại đối đáp giữa đệ nhị Tổ Pháp Loa và Huyền Quang, nhằm kiểm chứng sự chứng ngộ đạo lý “thiền”; đó là một trong những phương pháp “dĩ tâm ấn tâm” bắt nguồn từ các thiền phái Trung Hoa như: Lục tổ Huệ Năng, phái Lâm Tế, phái Tào Động, phái Vân Môn… Các thiền sư Việt Nam cũng trên tinh thần đó, đối thoại, đối đáp, để tìm ra người “ngộ lý thiền”, đồng thời truyền “tâm ấn”, kế thừa dòng thiền. Trong giai thoại đối đáp giữa Pháp Loa và Huyền Quang bên giường bệnh, Pháp Loa đã nhận ra Huyền Quang là người có thể truyền trao y bát và tâm kệ của sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông để làm Tổ thứ ba, kế thừa dòng phái thiền Trúc Lâm Yên Tử. Trong Tam Tổ thực lục ghi rằng, một hôm Huyền Quang đến thăm bệnh Pháp Loa, ngài hỏi:
“Ngủ với thức là một chưa?”
Pháp Loa đáp: “Ngủ với thức là một, là khi y không bệnh”.
Ngài hỏi: “Bệnh với không bệnh đã là một chưa?”
Pháp Loa đáp: “Bệnh cũng chẳng can gì đến y, chẳng bệnh cũng chẳng can gì đến y” [17].
Qua đó cho thấy, quan niệm về hai mặt đối lập, sống – chết; ngã – sở; thật – giả; tốt – xấu, không gian – thời gian; tồn tại – không tồn tại, bệnh – không bệnh… chỉ là phương diện của một thực thể. Thực tại vốn không sinh không diệt, người nào nhận ra được thực tại tuyệt đối nơi chính bản thân thì đạt đạo, giác ngộ, giải thoát. Đối với người tu thiền nói riêng, người tu theo Đạo Phật nói chung, nếu chưa chứng ngộ thực tại hay bản thể thanh tịnh, mà Huyền Quang gọi là “tính ta”; “bụt thực”… thì những bàn luận về thực tại chỉ là lời nói suông, lý thuyết của một ngôn ngữ, có thể đưa người khác đến sự lầm lạc. Cốt lõi của Phật giáo là sự chứng ngộ thực tại, chứ không phải là thu thập kiến thức từ bậc thầy một cách giáo điều, máy móc.
Vấn đề nhân sinh
Trong cuộc đời mình, Huyền Quang đã trải qua bao thăng trầm từ lúc làm quan cho đến khi trở thành đệ tam Tổ Trúc Lâm, ngài gặp nhiều khó khăn, thế sự nhân tình, trong đó có câu chuyện về nỗi oan “Thị Bích”, thật giả khó phân, thói đời đen bạc, con người vì danh lợi tiền tài, đánh mất tình nghĩa; lúc khó khăn thì không ai đến thăm hỏi, nhưng khi đỗ đạt công danh, thân phận rõ ràng thì ai cũng muốn kết bạn, làm anh em. Huyền Quang nhận thấy sự giàu sang của con người như mây nổi bồng bềnh, còn ngày tháng thì như thoi đưa, nước chảy, thúc giục con người, sự già chết, vô thường, đè nặng trên đầu mỗi người. Trong bài Tặng sĩ đồ tử đệ, Huyền Quang viết:
富貴浮雲遲未到
光陰流水急相催
Phú quý phù vân trì vị đáo
Quang âm lưu thủy cấp tương thôi [18].
Vì vậy, ông đã có ý định từ quan, không muốn sống cuộc đời tranh giành địa vị chốn quan trường, chạy theo giàu sang, phú quý của nhân sinh. Ông sớm giác ngộ lý vô thường, duyên sinh, vô ngã của nhà Phật; muốn ẩn mình sống cuộc đời thoát tục nơi núi rừng, uống trà, hóng gió, ngồi thiền… với một tâm hồn thanh tịnh:
何如小隐林泉下
Chi bằng ở ẩn nơi rừng suối
一榻松風茶一杯.
Một chén trà đầy với gió thông.
Mặc dù, quan điểm của Huyền Quang muốn “quên mình, quên đời, quên hết tất cả” nhưng trách nhiệm gánh vác Giáo hội Trúc Lâm còn nặng trên vai, nhất là trách nhiệm giáo hóa nhân sinh, nối ngọn đèn Tổ, “truyền đăng tục diệm”, tiếp nối thiền phái Trúc Lâm. Huyền Quang là người có tài, giỏi về học thuật, thường giúp Trần Nhân Tông trong việc soạn sách, trước tác kinh sách Phật giáo; đồng thời phụ tá Pháp Loa suốt 22 năm trong việc quản lý giáo hội. Huyền Quang chính thức kế vị Pháp Loa chỉ có bốn năm; song, ông vẫn chèo lái con thuyền Trúc Lâm duy trì, hoạt động, phát triển và hưng thịnh ở cội nguồn Thiền phái vùng núi Yên Tử. Tuy nhiên, Huyền Quang luôn canh cánh trong lòng, sợ không làm tròn bổn phận, tự nghĩ mình tài hèn, sức mọn, không đủ sức phát triển giáo hội, mà còn làm cho hai ngài “Hàn Sơn, Thập Đắc” nổi giận. Ông muốn sống một cuộc sống ung dung, tự tại thanh nhàn, núi sông tĩnh mịch. Trong bài thơ Nhân sự Cứu Lan tự, ông viết:
德薄常慚繼祖燈
Đức mỏng hổ thẹn nối đèn tổ
空教寒拾起冤憎
Làm cho Hàn, Thập nỗi căm hờn.
爭如逐伴歸山去
Thôi thì theo bạn về non núi
曡嶂重山萬萬層.
Núi cao che khuất ngàn ngàn tầng [19].
KẾT LUẬN
Thiền sư Huyền Quang không những là một nhà tư tưởng lớn có danh tiếng thời Trần, tài giỏi, đức độ, học rộng, tinh thông Phật pháp, kế thừa nhị Tổ Pháp Loa lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm; mà còn là một nhà thơ của thế kỷ XIII -XIV. Ông đã để lại nhiều tác phẩm văn học, thơ thiền nổi tiếng như bài phú Vịnh chùa Vân Yên, Cúc hoa, Tảo thu, Nhân sự đề cứu Lan tự… góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn học nước nhà; đặc biệt là văn học Thiền Phật giáo thời Trần phát triển rực rỡ. Nhìn lại suốt 30 năm phục vụ đạo pháp, Huyền Quang đã đóng góp to lớn về sức lực, trí tuệ trong việc đào tạo, giáo dục thế hệ Tăng Ni; hơn nữa là duy trì thiền phái Trúc Lâm phát triển hưng thịnh, để lại dấu ấn khó phai theo thời gian. Đó vừa là chốn Tổ, là chiếc noi tinh thần của Tăng Ni, Phật tử, vừa là nơi sinh hoạt tư tưởng một thời hào khí Đông A.
Thượng tọa Thích Lệ Quang
Chú thích:
1] Thiều Chửu (1942), Hán -Việt Tự điển, Nxb. Đuốc Tuệ, tr.669
[2] Như trên.
[3] Thích Phước Sơn (dịch và chú) (1995), Tam Tổ thực lục, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr.79.
[4] Viện Văn học (1988), Thơ Văn Lý – Trần, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, tr.680
[5] Trần Thị Băng Thanh (chủ biên, 2001), Huyền Quang – cuộc đời, thơ và đạo, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, tr.22, 27
[6] Thích Phước Sơn (dịch và chú, 1995), Sđd, tr.79.
[7] Thích Phước Sơn (dịch và chú, 1995), Sđd, tr.78.
[8] Thích Phước Sơn (dịch và chú, 1995), Sđd, tr.80.
[9] Thích Phước Sơn (dịch và chú, 1995), Sđd, tr.129.
[10] Thích Phước Sơn (dịch và chú, 1995), Sđd, tr.81.
[11] Thích Phước Sơn (dịch và chú, 1995), Sđd, tr.89.
[12] Viện Văn học (1988), Sđd, tr.663
[13] Viện Văn học (1988), Sđd, tr.712
[14] Viện Văn học (1988), Sđd, tr.93
[15] Viện Văn học (1988), Sđd, tr.704
[16] Như trên.
[17] Thích Phước Sơn (dịch và chú, 1995), Sđd, tr.55.
[18] Viện Văn học (1988), Sđd, tr.697
[19] Viện Văn học (1988), Sđd, tr.688.
Tài liệu tham khảo:
1. Doãn Chính (2013), Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam từ thời kỳ dựng nước đến đầu thế kỷ XX, Hà Nội, Nxb. Chính trị Quốc gia -Sự thật.
2. Doãn Chính – Trương Văn Chung (2008), Tư tưởng Việt Nam thời Lý – Trần, Hà Nội, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật.
3. Doãn Chính, Trương Văn Chung, Nguyễn Thế Nghĩa và Vũ Tình (1998), Đại cương lịch sử triết học phương Đông cổ đại, Hà Nội, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật.
4. Thích Phước Sơn (1995), Tam Tổ thực lục, TP HCM, Viện nghiên cứu Phật giáo Việt Nam ấn hành.
5. Trần Thị Băng Thanh (2001), Huyền Quang- cuộc đời, thơ và đạo, Nxb. TP HCM.
6. Thiều Chửu (1942), Hán -Việt Tự -điển, Nxb. Đuốc Tuệ, Hà Nội.
7. Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Hà Nội, Nxb. Khoa học xã hội.