PSO - Chiều ngày 28/9/2024, đoàn công tác khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có chuyến viếng thăm, nghiên cứu và học tập môn Thực tế chính trị - xã hội cho học viên Cao học Chủ nghĩa xã hội khoa học 30.1 tại chùa Cây Thị (tỉnh Hà Nam).
Dẫn đầu đoàn công tác là PGS.TS Bùi Thị Kim Hậu, Trưởng khoa Chủ nghĩa xã hội học - Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cùng các Thầy, Cô giáo trong khoa, các học viên lớp Cao học 30.1 của khoa.
Trong buổi làm việc, đoàn đã được nghe Đại đức Thích Huệ Hạnh trao đổi về Lịch sử cơ sở thờ tự; phương châm của Phật giáo “Đạo pháp - Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”; sự tham gia của Chùa về công tác an sinh xã hội của địa phương.
Chùa Cây Thị ở Hà Nam là điểm đến tâm linh thu hút hàng vạn người dân và Phật tử về tham quan, chiêm bái dịp đầu năm.
Được biết, Chùa Cây Thị vốn được xây dựng hàng trăm năm trước và Chùa được trùng tu vào năm 1940 với 5 gian Chánh điện thờ Phật, và 3 gian nhà thờ Tổ. Ban đầu khi được trùng tu sửa chữa, các gian được làm bằng gỗ rất khang trang. Tuy nhiên, sau trận chiến chống càn tại núi Chùa năm 1954, với bom đạn của thực dân Pháp, ngôi chùa bị tàn phá. Sau đó ít năm các cụ trong làng lên núi tìm kiếm những gì còn sót lại và phục dựng chỉ còn 3 gian thờ Phật cho đến ngày nay.
Đại đức Thích Huệ Hạnh cho biết thêm, tên gọi xứ "Cây Thị" đã có từ cách đây tới 300 năm. Sách "Trương thế gia ký" ở từ đường Trương Công Giai, soạn năm Quý Sửu, niên hiệu Long Đức thứ 2 (năm 1733) đã từng nhắc tới địa danh này.
Đến tháng 12/2019, quần thể được đại trùng tu, nhưng vẫn giữ lại ngôi chùa cổ. Ngôi chùa cổ nằm trên lưng chừng núi, hai bên là dãy núi có hình thế tả thanh long, hữu bạch hổ. Theo sườn núi hướng lên đỉnh về phía Đông Nam, cách chùa cổ khoảng 100m là lăng mộ Thượng thư Trương Công Giai, bên dưới chân núi hướng Tây Nam cách chùa cổ khoảng 50m là đền thờ liệt sĩ Núi Chùa.
Sở dĩ Chùa có tên là Cây Thị vì cạnh ngôi chùa cổ có cây thị với niên đại gần 400 năm. Theo dòng lịch sử, ngôi chùa có thể bị thay đổi, nhưng cây thị vẫn trụ vững với tàn lá xum xuê như che mát, xoa dịu những lo toan, buồn phiền nơi thế giới trần tục của con người mỗi khi về chùa. Vì thế, cây thị không những có giá trị về lịch sử mà còn ẩn chứa một giá trị tâm linh rất lớn đối với dân làng nói riêng và toàn thể tín đồ Phật tử thập phương nói chung.
Để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, Thầy trụ trì và chư Tăng ở chùa, sau mỗi thời gian thuyết pháp đều trao đổi, chia sẻ, trích dẫn tất cả những lời kinh của Phật với Phật tử, và người dân nơi đây về bảo vệ môi trường: Không đốt vàng mã, thắp hương tại chùa, cùng nhau bảo vệ sự đa dạng sinh học nhằm giữ gìn sự cân bằng của hệ môi trường sinh thái.
Với lối kiến trúc hài hòa, gần gũi với thiên nhiên, kết hợp các nền văn hoá Á Đông độc đáo, và những giá trị lịch sử. Chùa Cây Thị không những là nơi Phật tử và du khách đến chiêm bái, mà đây cũng nơi mà các nhà Khoa học, nhà Nghiên cứu thường xuyên trở về để dần tìm ra những giá trị lịch sử cũng như văn hóa ở nơi đây.
Ban TT-TT chùa Cây Thị