PSO - Hoà cùng không khí ngày vía Đức Quán Thế Âm xuất gia 19/9 AL, một trong những ngày lễ Phật giáo quan trọng, mang nhiều ý nghĩa to lớn về mặt tôn giáo, tinh thần và văn hóa. Sáng 21/10/2024 (nhằm ngày 19/9 năm Giáp Thìn), dưới sự hướng dẫn của Sư Thầy Thích Diệu Quang, đạo tràng Phật tử chùa Quan Thế Âm (thôn Thế Trạch, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã trang nghiêm tổ chức lễ vía Bồ Tát Quán Thế Âm.
Sau thời lễ 500 lễ danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm để bày tỏ lòng thành kính của người Phật tử, lan toả những giá trị tốt đẹp của đạo Phật, và những người thực hành thành tâm sẽ có được sự an lạc, phước lành.
Tiếp đó, đạo tràng cũng đã thực hiện nghi thức phóng sanh. Phóng sanh là nhằm thả đi nỗi khổ, trao về sự sống. Một hành động nhỏ nhưng chứa đựng lòng từ bi lớn, giúp muôn loài tìm lại tự do và bình an. cùng nhau gieo duyên lành, lan tỏa yêu thương đến mọi loài.
Chùa cũng làm lễ thế phát xuất gia cho Phật tử Bùi Cẩm Tú đã phát tâm tu tập trở thành tu tập. Lễ xuất gia là buổi lễ mang ý nghĩa cao cả khi Phật tử sau thời gian rèn luyện, thực tập tại chùa và phát khởi tín tâm xin Thầy trụ trì nhận làm đệ tử và thế phát xuất gia, chính thức trở thành môn đồ.
Xuất gia (tiếng Phạn là Pravrajya) là một khái niệm quan trọng trong đạo Phật, mang ý nghĩa từ bỏ cuộc sống thế tục để theo đuổi con đường tu tập, giải thoát khỏi những khổ đau và vòng luân hồi sinh tử. Người xuất gia là người từ bỏ gia đình, người thân, bạn bè, những ràng buộc vật chất và ham muốn thế tục để sống đời phạm hạnh, thanh tịnh, chuyên tâm tu học theo giáo pháp của Đức Phật.
Người xuất gia phải tuân thủ các giới luật, sống trong sự kỷ luật nghiêm ngặt, dành thời gian cho việc tu tập và hành thiện. Mục đích cuối cùng của việc xuất gia là giác ngộ, giải thoát hoàn toàn khỏi ràng buộc của thế gian, đạt đến sự an lạc, hạnh phúc tuyệt đối.
Xuất gia có 3 nghĩa: Xuất thế tục gia, xuất phiền não gia, xuất tam giới gia.
Khép lại một ngày vía ý nghĩa, với một buổi thiền trà giữa thầy và trò của Sư Thầy Thích Diệu Quang cùng đạo tràng Phật tử. Thiền trà có thể giúp ta nhận rõ chính mình rõ ràng hơn và liên kết với đời sống tâm linh sâu sắc. Trong yên lặng chúng ta có thể soi rọi nội tâm, để thấy những cảm xúc ẩn khuất của bản thân, bằng cách chia sẻ những trải nghiệm tâm linh với người đối ẩm có hoàn cảnh văn hoá khác nhau, chúng ta có thể kết nối với họ, một cách thân ái nhất, vượt lên trên sự ngăn cách của tự ngã, và biên giới do con người tạo ra.
Trung Thắng