PSO - Ngày 31/03/2024 (nhằm ngày 22/02/Giáp Thìn), đông đảo Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa đã vân tập về chùa Bằng - Linh Tiên tự (quận Hoàng Mai, Hà Nội) ngay từ sáng sớm để tham dự ngày tu bát quan trai theo lịch tu học hàng tháng.
Đúng 7h30′ sáng, Đại đức Thích Quảng Nghĩa - Ủy viên thường trực, Phó văn phòng Ban Hoằng pháp TW, Giáo thọ sư của Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc đã làm lễ niêm hương bạch Phật, yết Tổ và đăng đàn truyền giới cho các hành giả tu tập Bát Quan Trai giới trong ngày tu này.
Sau đó, đại chúng đã được nghe Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm chỉ dạy nội dung tu tập trong ngày tu này, cũng như một số hoạt động Phật sự sắp tới của Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc.
Tiếp theo, trong không khí trang nghiêm, dưới sự chủ lễ của chư Tôn đức Tăng bản tự, toàn thể đạo tràng đã lễ lạy Kinh Ngũ Bách Danh, hướng về kỷ niệm ngày khánh đản của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát 19/2 âm lịch.
Buổi trưa, đại chúng thực hiện nghi thức cúng Ngọ, dùng cơm chay trong chính niệm.
Đầu giờ chiều, đại chúng đã trang nghiêm vân tập nơi lễ đường, lắng nghe Thượng tọa Thích Minh Quang - Ủy viên Thư ký Ban Thường trực HĐTS, Phó Chánh VP1 TW GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Ninh Bình chia sẻ pháp thoại với chủ đề "Tài sản đích thực của cuộc đời".
Mở đầu bài giảng, Thượng tọa đã nhắc lại nội dung trong Kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật dạy: Tiền bạc, của cải là tài sản của năm nhà (lửa – nước – vua quan – trộm cướp - vợ chồng hoặc con cái phá tán). Tài sản vật chất nếu không giữ khéo sẽ bị giặc lửa đốt đi mất, giặc nước cuốn đi mất, bị xung vào công quỹ, bị trộm cướp lấy đi mất, bị vợ chồng hoặc con cái phá tán. Những thứ tài sản này là vô thường, không tồn tại vĩnh viễn. Còn đối với người đệ tử Phật, đi theo dấu chân Phật, học Phật thì cần hiểu biết, giác ngộ hơn những người chưa học Phật.
Trong Kinh Tăng Chi Bộ, phẩm Tài sản, Đức Phật dạy: Có 7 thứ tài sản đích thực. Đó là Tín – Giới – Tàm – Quý – Văn – Thí – Tuệ.
Qua đó, Thượng tọa cũng giải thích cho hàng Phật tử hiểu rốt ráo về giá trị của 7 thứ tài sản mà Đức Phật đã chỉ dạy trong Kinh.
Nói về Tín - niềm tin, mỗi người cần có niềm tin với Tam Bảo, với chính pháp, nhân quả và cuộc sống. Thiếu niềm tin thì cuộc sống của chúng ta sẽ chênh vênh. Người học Phật, người có trí tuệ biến việc to thành nhỏ, việc nhỏ biến thành không. Niềm tin là mẹ của mọi công đức. Đây là tài sản đầu tiên.
Người Phật tử giữ Ngũ Giới, Bồ tát giới, những lời răn dạy của chư Tôn đức giáo huấn. Giới là tài sản thứ hai của ta.
Tài sản thứ ba và thứ tư cần vun xới, giữ gìn, đó là Tàm – Quý, tức là Hổ - thẹn.
Tàm: Đối với thân miệng ý mà làm điều xấu ác, trót nói nghĩ làm việc xấu ác mà biết ăn năn hối lỗi gọi là Tàm. Ở đời ai cũng có lỗi, quan trọng là ta biết sửa, biết thay đổi.
Quý: Ta biết sợ hãi khi miệng nói, thân làm, tâm nghĩ đối với điều xấu ác. Ta thực tập: Nói lời hay, làm việc tốt, giữ tâm thiện, đời bình an.
Tài sản thứ năm: Văn – tức Nghe. Nghe pháp, lời Phật ý Tổ để thấm nhuần và thực hành theo. Khổng Tử có câu: “Nhân năng hoằng đạo. Phi đạo hoằng nhân”. Đạo là do người hoằng. Đạo tại nhân hoằng. Nếu chúng ta thực tập tốt thì đời sống của bản thân, gia đình và xã hội tốt đẹp biết bao. Hàng ngày hãy dành thời gian nghe văn Kinh thính Pháp.
Tài sản thứ sáu: Thí – Bố thí, cúng dàng Tài – pháp – vô úy thí. Đối với người đệ tử Phật thì bên cạnh Tài thí cần tăng cường Pháp thí và Vô úy thí.
“Bố thí cúng dàng đơn giản chỉ là phúc đức chứ chưa phải công đức. Mà tu tập giải thoát đó mới là công đức đích thực. Muốn có công đức thì phải tu hành. Một người mang vàng bạc châu báu nhiều như cát sông hằng, chất đầy như núi Tu Di để bố thí cúng dàng. Phúc đức đó cũng không bằng công đức của người nghe lời Phật dạy, thực hành giác ngộ. Sau 500 năm Đức Phật nhập diệt, người nào mà còn nghe, tin lời Đức Phật dạy và làm theo, người này mới là đệ nhất công đức. (Kinh Kim Cương). Người Phật tử mỗi tháng tham dự tu một ngày an lạc đó cũng là cách tích lũy công đức" - Thượng tọa nhấn mạnh.
Tài sản thứ bảy: Tuệ - Trí tuệ, hiểu biết để nhận biết được đúng sai, chính pháp – phi pháp. Nhờ có Tuệ giác mới thấy rõ, biết rõ sự thật bản thân và cuộc đời thì sầu não tan biến, phát sinh hỷ lạc.
Theo Thượng tọa, 7 thứ trên là tài sản đích thực của cuộc đời mỗi người. Vì vậy, hàng ngày ta phải chăm chút, tô bồi, khéo giữ gìn. Đây chính là tài sản đích thực của ta. Còn những tài sản khác bằng vật chất chỉ là vô thường mà thôi.
Đặc biệt hơn, trong bài giảng, Thượng tọa Giảng sư cũng đã giảng dạy cho hàng Phật tử hiểu hơn về nghi lễ cũng như cách thực hành nghi lễ Phật giáo cho đúng với chính pháp.
Thượng tọa chia sẻ "Nghi lễ cần có sự trang nghiêm. Việc thực hiện nghi lễ dù dài hay ngắn nhưng điều quan trọng cần có là sự trang nghiêm thành kính. Khi thực hiện nghi lễ không trang nghiêm thành kính thì hiệu quả không cao. Nghi lễ gồm có hai phần: Nội dung & Hình thức. Cần đủ cả hai phần này để khóa lễ được thành tựu".
Thượng tọa đã hướng dẫn đại chúng về cách tụng niệm, lễ lạy sao cho trang nghiêm và lợi lạc công đức. Qua đó, Thượng tọa sách tấn hàng Phật tử "Trân quý, giữ gìn sức khỏe; Trân quý thời gian; Tinh tiến không ngừng tu tập sửa mình ba nghiệp: Thân khẩu ý. Nói lời hay, làm việc tốt, giữ tâm thiện thì đời được bình an. Càng có điều kiện tiếp xúc với Phật pháp sớm càng tốt. Nghĩa trang không chỉ dành cho người già và bóng hoàng hôn. Có những người chưa được sinh ra, vừa được sinh ra như ánh ban mai vừa ló rạng cũng tắt lịm cuộc đời".
Sau thời pháp thoại ý nghĩa của Thượng tọa Giảng sư, đại chúng tiếp tục trì tụng Kinh Phổ Môn cầu nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, khép lại ngày tu tràn đầy hỷ lạc.
Diệu Tường