Hà Nội: Thiền sư Ottamathara và Tăng đoàn Thabarwa (Myanmar) tham dự lễ giỗ Tổ chùa Pháp Vân

PSO - Tỏ lòng thành kính tri ân công đức Sư Tổ khai sáng chốn Già Lam, nhân ngày húy kỵ Tổ Sư Chùa Pháp Vân và kỷ niệm lần thứ 1743 năm viên tịch của Sơ Tổ thiền sư Việt Nam Khương Tăng Hội, chư Tăng, Phật tử Chùa Pháp Vân, Q. Hoàng Mai, Hà Nội, cùng nhân dân địa phương trang nghiêm tổ chức lễ tưởng niệm và cầu nguyện cho chốn tổ được hưng long, Phật Pháp trường tồn, thế giới hòa bình, nhân dân an lạc vào sáng ngày 22/10/2023 (nhằm ngày 8 tháng 9 năm Quý Mão).

Tham dự buổi lễ có Thiền sư Ottamathara và Tăng đoàn Myanmar khoảng 50 vị cùng khoảng 30 Tăng ni Việt Nam đang tham dự Khóa Thiền Vipassanā ứng dụng tại chùa Pháp Vân và khoảng hơn 1500 Phật tử khắp nơi vân tập. Cũng trong buổi lễ niệm ân ấm cùng tình đạo hữu còn có sự hiện diện của chư Tăng theo truyền thống Kim Cang thừa của Ấn Độ; HT Thích Phước Hoan, Úc Châu; Ni sư Han Phille - Hàn Quốc; TT. Thích Minh Tuân, Ủy viên Thường Trực giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lai Châu, Chánh Văn Phòng; Ủy viên Ban Kinh Tế Tài Chính Trung ương; Trưởng Ban Kinh Tế Tài Chính Phật giáo tỉnh Lai Châu; Trụ trì Thiền Viện Di Đà, Thường Tín, Hà Nội; Ông Trần Khánh Dư, Nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính Phủ, hiện là Giám đốc Trung tâm Bảo Tồn Di Sản Văn hóa Tôn giáo…; nhiều chức sắc, lãnh đạo các ban ngành cũng đến dự gửi hoa dâng lễ.

Buổi sáng cùng ngày, Ông Trần Khánh Dư về tại Thiền đường tầng 5 thăm, giao lưu Pháp thoại với Thiền sư Sayadaw Ashin Ottamathara và Hội chúng trong niềm tuệ tri sâu sắc. Ông Khánh Dư gắn bó trên 30 năm với công tác Phật giáo từ năm 1981 khi Giáo Hội Phật giáo Việt Nam ra đời thống nhất ba miền Bắc – Trung – Nam, trong tôn chỉ và mục đích hành động. Ông chia sẻ: (1) rất tâm huyết với các thiện sự của tôn giáo Phật vốn song hành cùng dân tộc trên 2000 năm; (2) tán thán khóa đặc biệt chuyên sâu về Thiền Vipassanā vốn xuất hiện từ thời đức Phật, được giảng dạy bằng chính các Thiền sư theo truyền thống Nguyên thủy Phật giáo chuyên pháp hành; (3) nêu điểm chung và riêng của Phật giáo Việt Nam, cho thấy sự phong phú các hình thức pháp tu không nằm ngoài yếu chỉ lời Phật; (4) khẳng định  ngay từ ban đầu Phật giáo Việt Nam đã sớm tiếp cận với cả Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa một cách dung hợp, sáng tạo mà vẫn “tùy duyên bất biến”; (5) bày tỏ quan điểm, thời hiện đại, việc hội nhập là cần thiết để phát triển; (6) nhấn mạnh tinh thần hợp tác bất hại của Phật giáo Việt Nam cũng như Phật giáo Quốc Tế đã cho thấy rõ quan điểm từ bi, vô ngã, linh động, kham nhẫn, vô trụ của Phật giáo vì lợi ích chung của cộng đồng, của chúng sanh; (7) tri nhận người tu chân chánh luôn có các pháp lạc riêng,  thể nhập cảnh giới riêng để hòa dòng đời “như ong hút nhụy hoa”.

Thiền sư Ottamathara và Tăng đoàn Myanmar bày tỏ, qua các pháp thoại chia sẻ của nhiều vị khách mời, Tăng đoàn ngày càng hiểu hơn về Phật giáo Việt Nam, văn hóa Phật giáo Việt Nam, thủ đô Thăng Long xưa, vùng phía Bắc của đất nước. Thiền sư cảm niệm ông Khánh Dư với những hiểu biết sâu rộng và kinh nghiệm qua công tác quản lý Phật giáo; Ngài Thiền sư tặng lưu niệm bức tượng Phật tạc theo phong cách Phật giáo Nguyên thủy trong nhân duyên trân quý.

Chùa Pháp Vân – Hà Nội (trước gọi là Long Hưng), nằm trong hệ thống chùa thờ Tứ pháp, thời gian hình thành hiện chưa rõ. Nhưng theo bia cổ, việc trùng tu có từ thời vua Thành Thái (tức hơn 100 năm trước); đợt trùng tu lớn hơn vào năm 2010 (nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội). Hiện TT. TS Thích Thanh Huân, Uỷ viên Thư ký HĐTS TƯ GHPGVN, Phó Chánh VP TW GHPGVN, Phó Ban Phật giáo Quốc Tế; đang đảm nhận Trụ trì. Lễ giỗ Tổ già lam Pháp Vân hàng năm từ khoảng 08-09/10 – 15/09 âm lịch (trùng với những ngày Nguyên thủy Phật giáo chuẩn bị ra Hạ); theo truyền thống húy kị, tông môn tứ chúng thường vân tập về chùa để cùng tụng kinh suốt một tuần.

Chùa đổi tên như hiện nay vì là nơi thờ thần Pháp Vân (một trong tứ Pháp theo tín ngưỡng người Việt: Pháp Vân (Mây), Pháp Vũ (Mưa), Pháp Lôi (Sấm), Pháp Điện (Chớp). Tín ngưỡng thờ Tứ Pháp xuất hiện từ đầu Công nguyên từ vùng Luy Lâu Thuận Thành Bắc Ninh - nơi đầu tiên của đạo Phật du nhập vào nước ta. Đây là sự sáng tạo của người Việt, Phật giáo được Việt hóa gần gũi với văn hóa bản địa với nền nông nghiệp lúa nước, vùng châu thổ sông hồng. Chùa Pháp Vân – Q. Hoàng Mai, Hà Nội, mang trong mình văn hóa Phật giáo Việt Nam với tính dung hợp ngay từ đầu khi Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào Việt Nam qua câu chuyện Khâu Đa La và Man Nương.

Thiền học Phật giáo Việt Nam có trước Phật giáo Trung Quốc và Thiền học Trung Quốc gần ba thế kỷ. Phật giáo Việt Nam được truyền trực tiếp từ Ấn Độ bằng đường biển. Thiền Sư Khương Tăng Hội là Tổ Sư Thiền tại Việt Nam, cũng là Sơ Tổ Thiền Trung Quốc theo dòng Thiền Việt Nam, Ngài đặt nền tảng cho văn hóa Phật giáo Việt. Cha là người Bắc Ấn, mẹ người Việt. Ngài sớm giỏi tiếng Phạn, Hán, Tam giáo, đồ vỹ, thiên văn, địa lý, v.v… Đất Luy Lâu của Giao Chỉ ghi lại nhiều dấu ấn về sự tu học của Ngài, nhất là ở chùa Diên Ứng (chùa Dâu/ chùa Pháp Vân) tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Truyền thống tu tập của Ngài khương Tăng Hội phát triển đến đời Trần thì hòa nhập cùng các Thiền phái như Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường, v.v… đến hợp nhất trong Thiền phái Trúc Lâm.

Mâu Tử được cho là có quan hệ thân thiết với Thiền sư Tăng Hội. Ngày đó, các bộ kinh như: An Ban Thủ Ý, Ấm Trì Nhập, Pháp Cảnh, Đạo Thọ, Niệm Xứ, Tứ Thập Nhị Chương; Đạo Hành Bát Nhã, Lục Độ Tập…đều được Phật giáo Việt Nam vận dụng, nhưng nhìn chung nghiêng về truyền thống Đại Thừa và ăn chay; chưa có Tỳ khưu ni, sử dụng Y Tăng-già-lê (áo tràng đến đầu đời Đường mới xuất hiện). Như vậy để thấy rằng, truyền thống tu tập Tổ sư của chùa Pháp Vân vốn có dấu ấn rất thân thiện với Phật giáo Nguyên thủy ngay từ ban đầu. Chùa Pháp Vân tại Luy Lâu chuyên thực tập thiền học. Đến thế kỷ thứ 6, Thiền sư Tỳ Ny Đa Lưu Chi (người gốc Ấn Độ) có công xây dựng Thiền tông rõ hơn, Thiền sư Quán Duyên (chùa Pháp Vân) thuộc hệ phái thiền Tăng Hội; thời Lý chùa được quan tâm nhiều hơn.

Tại Trung Quốc, Sơ Tổ sáng lập Tổ Sư Thiền là Bồ Đề Đạt Ma, TK VI từ Ấn Độ qua; trong khi đó, Tổ Khương Tăng Hội ở Giao Châu, TK III đã viết kinh An Ban Thủ Ý. Tinh thần Phật giáo Nguyên thủy, Thiền Tứ Niệm xứ khá sâu trong phương pháp tu tập của Ngài Tăng Hội: An Ban (Phạn: Ànàpàna) là thở vào thở ra; Thủ Ý: nắm giữ tâm Chánh Niệm. An Ban Thủ Ý là Quán Niệm hơi thở; giữ hơi thở Chánh Niệm, ý thức ra vô... Ngài còn nhấn mạnh quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên pháp, để loại trừ phiền não chấp trước.  Tư tưởng của Ngài Tăng Hội hướng theo Đại Thừa, tiên phong cho Hoa NghiêmDuy Thức, mang tính thực tiễn; song song vẫn hành Tứ niệm xứ trong kinh Nguyên thủy.

Hiện nay, trong xu hướng toàn cầu hóa, Phật giáo thời hiện đại hội nhập và phát triển, TT Thích Thanh Huân tiếp tục tinh thần của Tổ Thầy, TT trong hoằng pháp dung hợp Thiền – Tịnh – Mật, thông Tam giáo đồng nguyên, lấy tinh thần Lục hòa đoàn kết làn nền tảng, nhiệt tâm đón tiếp các Thiền sư/ giảng sư cả ba miền cũng như trong và ngoài nước, kết hợp đạo đời như hoa sen trong bùn, “Phật giáo tại thế gian bất ly thế gian giác”, vừa chuyên tu vừa phụng sự nhân sinh tốt đời đẹp đạo, Mật – Luật – Giáo song hành, Trí đức Phước huệ song tu,… đã đưa chùa Pháp Vân không ngừng mở rộng ảnh hưởng trong địa bàn và tâm thức quần chúng, được đông đảo các giới yêu mến.

Chùa Pháp Vân – Hà Nội sau khi được xây dựng lại lớn hơn so với chùa cũ, rộng hơn 7000 m; hiện đang đón rất nhiều các đạo tràng Phật tử, các chùa trong cả nước, các tổ chức hội đoàn mang tính phúc lợi xã hội an sinh thường xuyên về sinh hoạt. Tăng đoàn Thiền sư Ottamathara – Myanmar đang có chuyến hoằng pháp hành thiền suốt ba tháng từ 01/08/2023-1/11/2023 dl dưới sự thỉnh mời của TT Thanh Huân và sự bảo hộ cho phép của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương cũng như sự đồng thuận của các cấp Giáo Hội.

Trùng với thời gian ba tháng hành thiền của Tăng đoàn Myanmar là lễ húy kị Tổ Thầy khai sáng chùa Pháp Vân và tưởng nhớ công lao của Ngài Khương Tăng Hội. Buổi giao lưu, cầu nguyện, tri ân thắm tình đạo vị giữa ba truyền thống Phật giáo (Nguyên thủy – Đại thừa – Kim Cang thừa), chư Tăng người Việt tại Hải ngoại, lại càng mang ý nghĩa Quốc Tế rộng lớn, dung hợp, đoàn kết hệ phái tông môn vùng miền; thể hiện Phật giáo luôn chung tay vì hòa bình, tiến bộ an vui của nhân loại.

Trước các biến cố chiến tranh, thiên tai, họa hoạn, sóng thần, bão lũ, dịch bệnh, nghèo đói… sự dấn thân hành Bồ - tát đạo của chư Tăng Ni Phật tử khắp năm châu trong ngôi nhà chung của lời Phật dạy lại càng có giá trị to lớn, như đức Phật khuyến tấn hàng đệ tử: “Này các Tỳ kheo, hãy lên đường thuyết pháp vì hạnh phúc, vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người.” (Kinh Đại Bổn, Trường Bộ Tập 1, Đại tạng kinh Việt Nam).

Sau đây là hình ảnh ghi nhận được:

TV Viên Giác

Download Android Download iOS
TP.HCM: Công an Thành phố thăm và chúc Tết Ban Thường trực HĐTS và Văn phòng 2 TƯGH

PSO - Sáng ngày 17/1/2025 (nhằm ngày 18 tháng Chạp năm Giáp Thìn), phái đoàn Công an TP.HCM do ông Nguyễn Mai Chương làm trưởng đoàn đã đến thăm và chúc Tết Ban Thường trực Hội đồng Trị sự và Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (TƯGH) tại Thiền viện Quảng Đức (294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, Quận 3).

TP.HCM: Tổ đình Giác Lâm tưởng niệm 197 năm ngày Tổ sư Viên Quang viên tịch (1827-2025)

Ngày 2-1-2025 (nhằm ngày mùng 3 tháng Chạp năm Giáp Thìn), tại Tổ đình Giác Lâm (Q.Tân Bình), chư tôn đức đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm 197 năm ngày Tổ sư Tổ Tông Viên Quang viên tịch.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online