PSO - Sáng ngày 18/01/2024 ( nhằm ngày mùng 8 tháng Chạp năm Quý Mão), Ban Trị sự GHPGVN thành phố Hải Phòng trang nghiêm thành kính tổ chức Đại lễ kính mừng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo PL. 2567 – DL. 2024 tại chùa Nam Hải – Trụ sở Ban Trị sự GHPGVN thành phố Hải Phòng.
Quang lâm tham dự buổi lễ có Hòa thượng Thích Quảng Tùng – Phó Chủ tịch HĐTS TƯ GHPGVN, Trưởng ban Ban từ thiện – xã hội GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN thành phố Hải Phòng, Trưởng Ban tổ chức đại lễ; Thượng tọa Thích Tục Minh – Ủy viên Dự khuyết HĐTS TƯ GHPGVN, phó Chánh thư ký, chánh văn phòng BTS GHPGVN thành phố Hải Phòng; Thượng tọa Thích Tục Lương – Ủy viên BTS GHPGVN thành phố Hải Phòng, phó trưởng BTS GHPGVN quận Lê Chân, cùng đại diện chư Tôn đức Tăng Ni và đông đảo Phật tử các đạo tràng trong thành phố.
Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Quảng Tùng đã chia sẻ cho toàn thể đại chúng hiểu về ý nghĩa của ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo và ý nghĩa của 8 tướng thành đạo. Theo đó, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một vị Phật trong lịch sử. Ngài sinh năm 624 trước Công Nguyên tại vườn Lâm Tỳ Ni, Nepal, nhập Niết Bàn năm 544 trước Công Nguyên tại Câu-Thi-Na (Kusinagara), Ấn Độ, thọ 80 tuổi. Đức Phật Thích Ca thị hiện thành Phật ở cõi Ta-bà (dương gian), từ lúc đản sinh cho đến ngày nhập diệt niết bàn đã thị hiện viên tròn đủ tám tướng trọng đại. Điều này được ghi chép chân thực trong kho tàng sử liệu Phật giáo:
+ Tướng thành đạo thứ nhất: Đâu suất giáng thần
+ Tướng thành đạo thứ hai: Đại Bồ Tát nhập thai mẹ trong hình tướng Voi trắng sáu ngà.
+ Tướng thành đạo thứ ba: Đức Phật đản sinh đi 7 bước hoa sen nở.
+Tướng thành đạo thứ tư: Xuất gia tướng.
+ Tướng thành đạo thứ năm: Đức Phật chiến thắng ngũ ma ( Hàng ma tướng).
+ Tướng thành đạo thứ sáu: Tiến trình chứng ngộ trong đêm Phật thành đạo.
+ Tướng thành đạo thứ bảy: Đức Phật chuyển pháp luân
+ Tướng thành đạo thứ tám: Đức Phật nhập niết bàn.
Sở dĩ Ngài thị hiện ra các tướng như vậy để cho giống với tất cả mọi người bình thường và trong kinh Phạm Võng đã nói rất rõ, Ngài đã thị hiện 8 ngàn lần ở cõi Sa Bà. Trong 49 ngày thiền định dưới cội cây Bồ đề, Ngài đã quán sát 12 nhân duyên, giác ngộ thành Phật dưới cội cây bồ đề. Đồng thời, Hòa thượng cũng khuyến tấn các Phật tử cố gắng tu học để sau này được thành Phật như Ngài theo đúng lời Phật dạy.
Trước khi kết thúc buổi lễ chư Tôn đức cùng toàn thể đại chúng đã dâng hương, bạch Phật, tụng kinh tám điều, kinh chuyển pháp luân và tụng bài kinh “ Ý nghĩa Phật thành đạo”, cầu nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc và cầu nguyện cho Phật pháp được trường tồn.
Sau đây là hình ảnh ghi nhận:
Thành Trung