Hoà thượng Chủ tịch phát biểu định hướng hội thảo “Phật giáo vùng Nam bộ: Sự hình thành và phát triển”

PHÁT BIỂU ĐỊNH HƯỚNG 

Hội thảo: “Phật giáo vùng Nam bộ: Sự hình thành và phát triển

Tôi rất hoan hỷ tham dự hội thảo: “Phật giáo vùng Nam bộ: Sự hình thành và phát triển” do Hội đồng Điều hành HVPGVN tại TP.HCM tổ chức hôm nay, ngày 10/01/2020, với sự phối hợp của Trường Đại học KHXHNV, ĐHQG.HCM nhằm khởi đầu cho chuỗi sự kiện chào mừng Đại lễ kỷ niệm 40 năm GHPGVN được hình thành và đồng hành với đất nước Việt Nam. Trong dòng chảy thời gian và hoàn cảnh lịch sử, đạo Phật đã có mặt tại vùng đất Nam bộ vào những năm đầu thế kỷ XVII bằng sự kiện Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng xây dựng chùa Thiên Mụ. Trong quá trình mở mang vùng đất phương Nam, các Chúa Nguyễn đều là những người sùng kính đạo Phật, điều này đã tạo sự thuận lợi cho việc phát triển Phật giáo xứ Đàng Trong. Vào khoảng giữa thế kỷ XVII, Phật giáo Đàng Trong xuất hiện nhiều danh Tăng trong nước và từ Trung Hoa theo đoàn di cư phản Thanh, phục Minh đến xứ Đàng Trong, để truyền bá Phật pháp. Điều này đã tạo nên một luồng sinh khí trong đời sống tu hành của người học Phật, đồng thời đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng trong đời sống tâm linh cho cư dân vùng đất mới. Trong khoảng thời gian này, sự xuất hiện của hai Thiền sư Thạch Liêm (dòng Tào Động) và Nguyên Thiều (dòng Lâm Tế) đã tạo cho Phật giáo xứ Đàng Trong phát triển trong sự kế thừa các dòng thiền, các chi phái đã góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú cho Phật giáo Nam bộ và tồn tại cho đến nay. Tính đa dân tộc, đa ngôn ngữ, đa văn hóa đã làm cho vùng Nam bộ Việt Nam có đời sống vật chất và tinh thần đa dạng, phong phú. Qua hội thảo này, tôi đề nghị các nhà Phật học và các nhà nghiên cứu cùng suy gẫm và nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa những vấn đề trọng yếu của Phật giáo vùng Nam bộ. Thứ nhất, về phương pháp nghiên cứu, Phật giáo vùng Nam bộ không chỉ được tiếp cận từ góc độ tôn giáo, lịch sử và khảo cổ học mà cần được khai thác qua phương diện văn hóa học, dân tộc học và nhân học để thấy rõ quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo vùng Nam bộ cũng như những tác động và ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống xã hội, văn hóa và tinh thần của các cộng đồng Việt Nam, Trung Quốc và Khmer ở vùng Nam bộ. Tôi cho rằng cách tiếp cận liên ngành này sẽ giúp chúng ta phác họa bức tranh toàn cảnh về Phật giáo vùng Nam bộ. Do vậy, hội thảo về Phật giáo vùng Nam bộ lần này nên được nhìn nhận là điểm khởi đầu thú vị, hơn là sự cứu cánh trong chính nó. Nói cách khác, HVPGVN tại TP.HCM nên tiếp tục tổ chức các hội thảo tiếp theo và biên soạn các sách chuyên khảo về Phật giáo vùng Nam bộ bao gồm cơ sở khoa học, chuẩn xác về niên đại, truyền thừa có cơ sở lý luận, nền tảng triết học, văn hóa tổ chức, văn hóa ứng xử nhằm làm nổi bật những nét đặc trưng của Phật giáo vùng Nam bộ. Thứ hai, về trường phái Phật giáo, vùng Nam bộ là sự tiếp biến, dung hợp của Phật giáo Bắc tông người Việt, Phật giáo Bắc tông người Hoa, Phật giáo Nam tông người Việt và Phật giáo Nam tông người Khmer. Trong quá trình mở rộng cương thổ ở Nam bộ, cộng đồng người Việt, người Hoa, người Khmer đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng đặc thù. Trong lịch sử khẩn hoang Nam bộ, ba cộng đồng người nêu trên đã mang Phật giáo đến vùng đất mới. Điều này góp phần tạo nên diện mạo của Phật giáo vùng Nam bộ, hội đủ các truyền thống Phật giáo Đại thừa (Việt Nam và Trung Quốc) và Phật giáo Thượng tọa bộ (Việt Nam và Khmer). Các nền tảng triết lý, đạo đức và văn hóa của Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Thượng tọa bộ đã ảnh hưởng tích cực đến đời sống tinh thần của người dân vùng Nam bộ gồm văn hóa, phong tục tập quán, lối sống, tín ngưỡng và các sinh hoạt xã hội. Nói cách khác, sinh hoạt văn hóa và đời sống tinh thần của người dân Nam bộ phản ánh diện mạo văn hóa Phật giáo dưới hình thức tiếp biến, dung hợp, cộng tồn như một chỉnh thể bất khả phân ly. Thứ ba, về giáo phái Phật giáo, Phật giáo vùng Nam bộ còn là mảnh đất trù phú, nơi ươm mầm, phát sinh các hệ phái Phật giáo. Hệ phái Phật giáo Hoa tông được hình thành vào nửa cuối thế kỷ XVII theo dấu chân của Trần Thượng Xuyên và Mạc Cửu cùng nhóm di thần phản Thanh, phục Minh Trung Hoa đến tị nạn chính trị ở Chân Lạp, đã mang Phật giáo Trung Hoa đến mảnh đất mới này. Trong quá trình kế thừa và phát triển, các tổ chức Giáo hội, tổ chức hội và các hệ phái, sơn môn thể hiện sự phong phú, đa dạng đáp ứng được các giá trị và nhu cầu tu học, tín ngưỡng tâm linh cho đa số bộ phận cư dân vùng đất Nam bộ. Đặc biệt là tinh thần yêu nước, đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc bảo vệ tổ quốc qua các giai đoạn của lịch sử. Thứ tư, vùng Nam bộ là tiền đề phát sanh các tôn giáo mới. Vùng Nam bộ với bối cảnh đa văn hóa và đa tín ngưỡng, làm nơi phát sinh các phong trào tôn giáo mới gồm các tôn giáo có nguồn gốc từ Phật giáo và các tôn giáo chịu ảnh hưởng từ Phật giáo. Nếu học thuyết phương tiện, tinh thần khai phóng và tự do tư tưởng của Phật giáo làm phát sinh các trường phái, hệ phái giáo phái Phật giáo thì sự tiếp biến văn hóa và tính dung thông trong đạo Phật đã tạo tiền đề cho sự ra đời của một số tôn giáo nội sinh ở vùng Nam bộ. Nói cách khác, chính văn hóa Phật giáo đã trở thành mảnh đất tinh thần phì nhiêu cho sự hình thành, phát triển và đóng góp của các phong trào tôn giáo mới tại vùng Nam bộ. Thực tế này cho thấy Phật giáo là mạch sống của vùng Nam bộ cần phải duy trì như một di sản văn hóa, mặt khác, cần tiếp tục đổi mới cách hành đạo nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của con người thời đại. Thứ năm, về phong trào Phật giáo dấn thân. Một trong các đặc điểm quan trọng của Phật giáo vùng Nam bộ là Phật giáo dấn thân (engaged Buddhism), còn gọi là “Phật giáo nhân gian” (人間佛教) theo cách gọi của người Trung Hoa. Sự ra đời của các phong trào Phật giáo dấn thân tại vùng Nam bộ bắt nguồn từ nhu cầu cải cách toàn diện phương thức tổ chức và hành đạo nhằm phát triển Phật giáo, đáp ứng nhu cầu hiện đại của quần chúng nhân dân. Bên cạnh việc duy trì truyền thống triết lý, giới luật và hành trì, Phật giáo nhập thế phải hội đủ tính hiện đại và tính thực tiễn trong sứ mệnh phụng sự nhân sinh. Chủ trương “trộn lẫn cùng thế tục, hòa cùng ánh sáng” của các thiền sư đời Trần, hay học thuyết “Phật pháp không lìa pháp thế gian” của Lục Tổ Huệ Năng đã được chuyển thể thành tinh thần  “Phật giáo đồng hành với dân tộc” của các phong trào chấn hưng Phật giáo trong thế kỷ XX, trong đó, sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981 như hình thái tiêu biểu của Phật giáo nhập thế. Sự nhập thế của GHPGVN được thể hiện rõ ở chính sách “hộ quốc an dân”, các hoạt động an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, bài trừ mê tín, bảo vệ môi trường, xây dựng hòa bình, song song với việc đa dạng hóa cách phụng sự nhân sinh qua các chiều kích giáo dục, hoằng pháp, văn hóa và quan hệ quốc tế. Đây là các cánh cửa giới thiệu, dẫn dắt các thành phần xã hội gồm giới chính trị, giới doanh nhân, giới trí thức, giới trẻ và giới bình dân… đến với Phật giáo, trải nghiệm triết lý Phật, đạo đức Phật, nhằm khép lại khổ đau, mở ra hạnh phúc. Thứ sáu, các đặc điểm của Phật giáo vùng Nam bộ bao gồm tính tự do tư tưởng, tính thực tiễn, tính cộng tồn, tính dung hợp, tính dân tộc, tính quần chúng, tính hội nhập nhưng không làm mất đi bản chất giác ngộ, giải thoát của Phật giáo truyền thống. Nhờ tính tự do tư tưởng và thoáng mở, Phật giáo vùng Nam bộ trở thành tôn giáo có nhiều trường phái, hệ phái, giáo phái với các pháp môn tu tập đa dạng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của các cộng đồng dân tộc và thành phần xã hội khác nhau. Nhờ tính thiết thực hiện tại, cách hành đạo của các Tăng Ni ở vùng Nam bộ đạt được tính khế lý, khế cơ, lấy con người làm trọng tâm, lời giảng sát sườn với cuộc sống, giúp người nghe dễ áp dụng trong cuộc sống. Nhờ tính dung hợp và tích hợp, Phật giáo vùng Nam bộ dễ dàng thích ứng với bối cảnh xã hội, chính trị, văn hóa ở vùng đất mới trong quá trình Nam tiến của dân tộc, nhờ đó, có thể cộng tồn trong hòa bình với các tôn giáo có trước và tôn giáo mới. Nhờ tính dân tộc, Phật giáo vùng Nam bộ đề cao chủ nghĩa yêu nước. Trong thời chiến tranh, các tăng sĩ sẵn sàng “cởi áo cà sa khoác chiến bào” trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, nhằm giành lại độc lập chủ quyền dân tộc và góp phần phát triển đất nước trong thời bình. Nhờ tính quần chúng, Phật giáo vùng Nam bộ hướng đến đối tượng phụng sự là “số đông” bao gồm các tộc người, bất luận màu da, giới tính, tuổi tác, vị trí xã hội. Số đông ở vùng đất mới chính là quần chúng bình dân. “Mang lại lợi ích cho số đông” là chủ trương hành đạo thiết thực của Phật giáo vùng Nam bộ. Nhờ tính hội nhập, một mặt Phật giáo vùng Nam bộ tham gia tích cực vào các phương diện đời sống, thể hiện tính trách nhiệm xã hội và đóng góp các giá trị cao quý cho đất nước và con người Việt Nam. Bằng chủ trương hội nhập, Phật giáo vùng Nam bộ đã góp phần phát triển đất nước theo hướng bền vững. Thứ bảy, các thách thức cần vượt qua. Bên cạnh những đóng góp to lớn nêu trên, Phật giáo vùng Nam bộ đang đối diện trước các thách thức lớn của thế giới hiện đại bao gồm tính thế tục và tính toàn cầu hóa, bên cạnh chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Cùng với toàn quốc, vùng Nam bộ đang chuyển mình hội nhập khu vực và thế giới, trước nhu cầu phát triển tột bật của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tính thế tục hóa có mặt tích cực là tạo ra sự dung tục do tác động bởi chủ nghĩa tiêu thụ trong nền kinh tế thị trường. Điều này đòi hỏi các nhà Phật học cần cam kết giữ gìn tinh thần “bất biến” để trong tiến trình nhập thế, việc phụng sự nhân sinh của Tăng Ni vẫn thể hiện được tính thiêng liêng. Tính toàn cầu hóa đã tạo ra sự bùng nổ kinh tế thị trường, tác động toàn diện đến mọi phương diện của cuộc sống con người, mang văn hóa, tôn giáo, phong tục tập quán và lối sống phương Tây vào đất nước Việt Nam. Để tiến trình toàn cầu hóa không tạo ra sự “xâm thực văn hóa” của các nền văn hóa và tôn giáo phương Tây đối với Việt Nam và Phật giáo Việt Nam thì các nhà Phật học, văn hóa học và dân tộc học cần đề cao, giữ gìn và truyền bá ý thức bảo tồn các bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung, bản sắc văn hóa Phật giáo Việt nam nói riêng. Thay mặt Hội đồng Trị sự GHPGVN, tôi mong rằng các nhà Phật học và các nhà nghiên cứu qua hội thảo “Phật giáo vùng Nam bộ” này rút ra các bài học mà tiền nhân đã sử dụng trong tiến trình hình thành và phát triển vùng Nam bộ trong hơn 3 thế kỷ qua. Tôi rất mong mọi người hãy sẵn sàng nhận diện những thách thức tìm ẩn mà vùng Nam bộ cần phải khắc phục, vượt qua. Trên tinh thần đó, tôi tán dương tập thể các nhà Phật học và các nhà nghiên cứu đã góp phần tạo nên sự thành công của hội thảo này. Tôi cầu chúc hội thảo của chúng ta thành công mỹ mãn.

Chùa Minh Đạo, ngày 01/12/2020

Hoà Thượng Thích Thiện Nhơn

 
Download Android Download iOS
TP.HCM: Tổ đình Giác Lâm tưởng niệm 197 năm ngày Tổ sư Viên Quang viên tịch (1827-2025)

Ngày 2-1-2025 (nhằm ngày mùng 3 tháng Chạp năm Giáp Thìn), tại Tổ đình Giác Lâm (Q.Tân Bình), chư tôn đức đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm 197 năm ngày Tổ sư Tổ Tông Viên Quang viên tịch.

Đức tính của Bồ tát Quán Thế Âm trong tôn dung của người nữ

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt thì hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm trong thân tướng người nữ là phổ biến nhất, có lẽ đây là phương thức thờ phượng chính yếu của người Việt đối với đức Quán Thế Âm từ ngàn xưa.

Bình Thuận: Phân ban Thanh thiếu nhi Phật tử tỉnh dã ngoại núi Tà Cú và lễ Tam bộ nhất bái lần thứ 2

PSO - Trên tinh thần đó, nhận được lời thỉnh mời của giám đốc TTC World - Tà Cú, chư Tôn đức Phân ban Thanh thiếu nhi Phật tử tỉnh Bình Thuận và chủ nhiệm các Câu lạc bộ trực thuộc như: Tuổi trẻ Quảng Đức, Ngọc Minh, Thiện Hoà, Đại Giác, Bửu Sơn, Sen Biển, Hướng Đạo, v.v… đã được tham quan và thực hiện nghi thức Tam bộ nhất bái từ cổng tam quan chù

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online