PSO - Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Châu Á (ABS) lần thứ nhất, do Bộ Văn hóa Ấn Độ và Liên đoàn Phật giáo Quốc tế (IBC) tổ chức với chủ đề "Vai trò của Phật pháp trong việc củng cố Châu Á", đã thành tựu viên mãn với sự tham gia của chư Tôn đức Tăng Ni, chuyên gia, học giả và hành giả đến từ 32 quốc gia.
Hội nghị tổ chức hai diễn đàn song song, tập trung vào: Ứng dụng hiện đại của các giáo lý cơ bản của Đức Phật và Vai trò của Phật pháp trong phát triển bền vững, hài hòa xã hội và hợp tác quốc tế. Nhiều bài thuyết trình nổi bật với các ý tưởng sáng tạo, vượt ra khỏi khuôn khổ tôn giáo truyền thống, tìm cách áp dụng triết học Phật giáo vào thực tiễn để cải thiện xã hội. Sơ lược đôi nét về các bài tham luận tiêu biểu từ các diễn giả ở Hội thảo như sau:
Giáo sư Ceon Ramon (Đại học Washington, Mỹ) so sánh thời gian nhận thức tâm trí từ góc độ thần kinh học và thiền định, cho thấy sự tương đồng với thực hành thiền Phật giáo từ hàng thế kỷ trước.
Ông Shirendev Dorlig (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thiền Vipassana, Mông Cổ) chia sẻ kết quả tích cực từ các khóa thiền Vipassana tại nhà tù Mông Cổ, giúp cải hóa tội phạm nghiêm trọng.
TS. Jagbir Singh (Đại học Delhi) trình bày ảnh hưởng của Phật giáo đối với kiến trúc Trung Quốc từ thời nhà Hán, với sự ra đời của chùa Bạch Mã.
GS. TS. Shobha Rani Dash (Đại học Otani, Nhật Bản) giải thích sự kết hợp giữa các vị thần Hindu và tín ngưỡng Phật giáo trong văn hóa Nhật Bản, nổi bật là nữ thần Saraswati (Benzaiten).
PGS. Yalcin Kayali (Đại học Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ) nhấn mạnh vai trò của kinh Ánh Sáng Hoàng Kim (Suvarṇabhāsa Sūtra) trong văn hóa Phật giáo Uighur, góp phần lưu giữ di sản Phật giáo thế giới.
TT. TS. Polgolle Kusaladhamma (Sri Lanka) phân tích tác động của thiền chánh niệm đối với sức khỏe tâm lý và cảm xúc.
TS. Ugyen Tshering (Bhutan) trình bày mối liên hệ giữa Phật giáo và Chỉ số Hạnh phúc Quốc gia (GNH), nhấn mạnh vai trò của Phật giáo trong chính sách và giá trị xã hội Bhutan.
Ông Ruslan Kazkenov (Kazakhstan) nêu bật sự tương đồng giữa Phật giáo và tín ngưỡng Tengri (Tengrianism), đồng thời đề xuất tổ chức Hội nghị lần tới tại Kazakhstan.
Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Châu Á lần thứ nhất đã khẳng định vai trò to lớn của giáo lý Phật giáo trong việc giải quyết các vấn đề xã hội hiện đại và bảo tồn di sản văn hóa. Với sự tham gia của đại biểu từ 32 quốc gia, hội nghị không chỉ thúc đẩy hợp tác quốc tế mà còn mở ra nhiều hướng nghiên cứu và ứng dụng mới, đưa Phật giáo tiếp tục lan tỏa giá trị nhân văn và hòa bình trên toàn cầu.
Ban Truyền thông IBC - Thái Hà