PSO - Hơn 2.000 có mặt trên đất Việt, Phật giáo được biết đến là tôn giáo của dân tộc, tôn giáo của bình đẳng, từ bi và trí tuệ. Thế nhưng, trong trang sử hào hùng ấy, Phật giáo từng có lúc gặp “thương tổn”; biến cố Phật giáo năm 1963 chính là bức tranh đau thương nhất, phác họa rõ nét bức thông điệp hòa bình, từ bi và bất bạo động của Phật giáo.
Sáng ngày 11/8/2023 (nhằm ngày 25/6/Quý Mão) tại chùa Đức Hòa – VP BTS Phật giáo thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đã diễn ra lễ tưởng niệm lần thứ 60 Thánh tử đạo Thích Nữ Diệu Quang vị pháp thiêu thân (1963 - 2023).
Quang lâm dâng hương tưởng niệm có Hoà thượng Thích Nhựt Thông; Thượng toạ Thích Nhuận Đức - UV Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, Trưởng BTS GHPGVN TX.Ninh Hòa; chư Tôn đức Tăng Ni trong Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, thị xã Ninh Hoà; chư tôn đức Ni thuộc Ni viện Diệu Quang, TP.Nha Trang; Phân ban Ni giới tỉnh và thị xã Ninh Hoà; chư tôn đức Ni huyện Vạn Ninh, huyện Diên khánh cùng môn phong tổ đình Vạn Thạnh. Tp.Nha Trang, đông đảo Phật tử trong thị xã về tham dự.
Trước lễ chính thức tại chùa Đức Hòa, chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử đã về tại Tượng đài Thánh tử đạo Thích Nữ Diệu Quang (thị xã Ninh Hòa) để dâng hoa và làm lễ tưởng niệm.
Sau nghi thức niêm hương bạch Phật cầu gia bị, phút nhập từ bi quán, Ni sư Thích Nữ Nguyên Tú đã cung tuyên tiểu sử cố Ni trưởng Thích Nữ Diệu Quang.
Theo đó, cố Ni trưởng Thích Nữ Diệu Quang thế danh Ngô Thị Thu Minh, sinh ngày 11-01-1936 tại xã Phù Cát, huyện Hương Trà, Thừa Thiên – Huế. Thân phụ là cụ ông Ngô Đình Hòe, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Nghĩa.
Vốn là một Phật tử thuần thành, nhận biết cuộc đời là giả tạm, năm 21 tuổi, Ni trưởng đã tìm đến cửa Phật và được Ni trưởng Thích Nữ Như Hoa, trụ trì chùa Vạn Thạnh (Nha Trang) thâu nhận làm đệ tử. Năm 27 tuổi thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Từ Nghiêm (Sài Gòn).
Pháp nạn 1963, hưởng ứng phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo, noi theo gương Bồ Tát Thích Quảng Đức, Ni trưởng đã phát nguyện tự thiêu, nhưng không được chư Tôn đức chấp nhận.
Khi Phật giáo bị đàn áp khốc liệt, sáng ngày 15/8/1963 (26/6 Quý Mão) tại khu đất trống cạnh trường Hòa Xuyên gần ga xe lửa Ninh Hòa, Người đã tẩm xăng châm lửa tự thiêu nguyện cầu Phật pháp trường tồn.
Tinh thần nhập thế ấy đã vượt lên chủ nghĩa cá nhân để hòa vào tình yêu non sông, yêu những bản sắc tinh anh của Phật giáo. Ngã xuống để lá cờ Phật giáo được dương cao, ngã xuống để hận thù, đau thương được chuyển thể trong biển lửa từ bi và trí tuệ. Từ đó, thắp lên niềm tin chân lý cho hàng triệu tín đồ Phật tử Việt Nam cùng tiếp nối; nhất là anh linh 8 vị Thánh tử đạo hai miền Nam, Trung thuở ấy – những đóa sen bất tử tinh khiết giữa những hố bom, vũng đạn.
Tròn 60 mùa Phật Đản trôi qua, những bậc chân nhân “vô úy” một thời thắp lên ngọn đuốc “vị tha” trong lịch sử đạo pháp và dân tộc. Ngọn lửa ánh sáng của Ni trưởng Diệu Quang mãi là ngọn đuốc thiêng liêng, là sự điểm tô gương hy sinh cao cả của chư Thánh tử Đạo. Người là đóa hoa sen tươi thắm bất nhiễm, thanh tịnh phụng sự chúng sanh, đền ơn chư Phật.
Ban đạo từ tại buổi lễ, Thượng toạ Thích Nhuận Đức nói về tinh thần ôn cố tri tân, đền ơn và báo ơn và nhắc các Tăng Ni, Phật tử ghi nhớ sự hy sinh cao cả của chư vị Thánh tử đạo đã đốt thân để bảo tồn Phật pháp. Kỷ niệm lần thứ 60, ngày Thánh tử đạo Thích Nữ Diệu Quang vị pháp thiêu thân là ngày để Tăng Ni và Phật tử ôn lại
truyền thống xả thân vì đạo. Ôn lại 60 năm lịch sử của phong trào đấu tranh bất bạo động Phật giáo để rút ra những bài học về dấn thân, phụng sự nhân sinh trên tinh thần vô ngã, vô úy, từ bi, trí tuệ và vị tha. Đây là con đường phụng sự chúng sinh được đức Phật chỉ dạy, mà tất cả đệ tử Phật cần noi theo.
Trong âm thanh trầm hùng của ba hồi chuông trống Bát-nhã, chư Tôn đức chứng minh đã châm ngọn lửa thiêng, tất cả đại chúng đều cúi đầu đảnh lễ trước di ảnh của cố Ni trưởng Diệu Quang.
Hạnh Trí - Ban TTTT Phật giáo Khánh Hoà