PSO- Sáng ngày 13/12/2020 (29/10 năm Canh Tý) tại chùa Sắc Tứ Long Sơn (số 20 đường 23/10 – TP. Nha Trang), GHPGVN tỉnh Khánh Hòa đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 712 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) - Sơ Tổ thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam nhập Niết Bàn (01/11 năm Mậu Thân)
Buổi lễ diễn ra dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Minh Thông – Ủy viên HĐTS, Phó Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh; Hòa thượng Thích Nguyên Quang – Ủy viên HĐTS, Phó Ban Trị sự GHPGVN tỉnh; cùng chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni trú trì các tự viện và chư Phật tử trên địa bàn TP. Nha Trang về tham dự. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, vua Trần Nhân Tông được ghi nhận là một trong những vị lãnh đạo thiên tài, anh hùng của tộc dân. Đối với đạo pháp, vua Trần Nhân Tông là một vị vua duy nhất trên thế giới từ bỏ ngôi vị để đi tu và đạo đắc, thống nhất được Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ và hình thành tổ chức giáo hội Trúc Lâm, được xem là đặc trưng của truyền thống Phật giáo Việt Nam. Qua những cống hiến của Đức vua Trần Nhân Tông đối với dân tộc và đạo pháp, dân nhân và Tăng Ni, Phật tử tôn vinh Ngài là Vua Phật Việt Nam. Lịch sử đã ghi lại: Trên đỉnh núi Yên Sơn, cách biệt với kinh kỳ nhưng Phật Hoàng vẫn rõ được triều chính, nhiều lần về triều khuyên bảo vua Anh Tông tu dưỡng tâm tính, kìm bớt lòng dục, xa rời tửu sắc, gìn giữ chân tâm… xứng đáng là bậc Quân vương chân chính. Ngài còn biết rõ được biên cương phương bắc, phương tây và phương nam, có được những quyết sách lớn lao và đúng đắn nhằm gìn giữ tình bang giao giữa các nước láng giềng và Đại Việt, giữ vững nền an ninh chính trị nước nhà. Trên non Yên Tử, Ngài hoàn thiện hệ thống giáo lý của Pháp phái Trúc Lâm; Giáo lý Trúc Lâm đã trở thành nền tảng tư tưởng và đạo đức của thời đại hoàng kim triều Trần, giai đoạn Phật giáo là Quốc Đạo. Trần Nhân Tông vị anh quân Dựng nước giữ nước tiến dần vào Nam. Ngộ Phật lý thành Phật Hoàng Việt Nam Phật giáo muôn ngàn tiếng thơm…Việc ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông không chỉ là một sự kiện Phật giáo mà còn có nhiều ý nghĩa nhân văn, thể hiện đạo lý, truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
Trong không khí trang nghiêm thành kính, toàn thể Đạo tràng đốt nén tâm hương, dâng lời tưởng niệm chân thành, một lòng thành kính cúi đầu đảnh lễ Lịch đại Tổ Sư, phát nguyện phụng trì Phật pháp, phát huy chân lý Đạo nhà, giữ gìn Tổ ấn vàng son, làm rạng rỡ vang danh chốn Tổ huy hoàng tráng lệ, non sông gấm vóc thiên thành, một cõi vững bền muôn thuở.Thích Tâm Như, Ban TT-TT Khánh Hòa