Xã hội Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập, phát triển và giao lưu trên mọi phương diện. Những biến đổi xã hội trong thời gian qua đã tác động rất nhiều đến tư tưởng, lối sống, đạo đức của toàn bộ xã hội nói chung, đặc biệt thế hệ trẻ nói riêng.
Thế hệ trẻ là nguồn nhân lực đầy tiềm năng cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đó cũng là mô hình con người Việt Nam ở xã hội tương lai. Mô hình con người này có đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đất nước, đem lại rạng ngời, vẻ vang cho dân tộc, một phần phụ thuộc vào nền giáo dục của chúng ta hiện nay. Có thể nói giáo dục, định hướng nhân cách thế hệ trẻ toàn thiện cả về thể chất, năng lực, phẩm chất là mối quan tâm không chỉ của gia đình, nhà trường mà của toàn xã hội.
1. Một số yếu tố ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ ngày nay
Tâm lý lứa tuổi
Thế hệ trẻ là những người đang phát triển mạnh mẽ về thể chất và tinh thần, có thể nói đây là thời kỳ sung mãn nhất của cuộc đời. Sự phát triển thể chất cùng với sự hoàn thiện về hoạt động trí não đã dẫn đến sự năng động, ưa hoạt động, thích xông pha, thích giao tiếp, không ngại khó và thích khám phá cái mới của thế hệ trẻ. Tuy nhiên, sự thiếu trải nghiệm cuộc sống cùng đức tính thiếu nhẫn nại của lứa tuổi đã vô tình đưa những đặc điểm trên trở thành yếu tố chủ quan, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tự giáo dục, rèn luyện để chiếm lĩnh những giá trị tích cực của xã hội, khiến họ dễ bị lôi kéo, kích động và tha hóa.
Giáo dục gia đình
Gia đình chính là nơi thế hệ trẻ được chăm lo cả về thể chất, trí tuệ, đạo đức, là chiếc nôi nuôi dưỡng và giáo dục hình thành nhân cách đầu tiên tiên của mỗi người. Tuy nhiên, dưới tác động của nếp sống xã hội hiện đại, giáo dục gia đình cũng bị biến đổi ít nhiều. Một bộ phận cha mẹ mải mê chạy theo nền kinh tế thị trường nên việc chăm lo giáo dục con cái chưa được chú trọng và đầu tư đúng mức. Không ít cha mẹ lo nuôi con nhiều hơn đầu tư cho việc dạy chữ, dạy người. Cũng có các bậc cha mẹ rất coi trọng việc giáo dục con cái phát triển toàn diện, song do kiến thức và năng lực hạn chế nên hiệu quả của việc giáo dục còn thấp. Những điều này đã tác động không nhỏ đến sự hình thành đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ ngày nay.
Kinh tế, xã hội
Kinh tế, xã hội là yếu tố tác động mạnh mẽ cả trực tiếp, lẫn gián tiếp đến đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ. Nền kinh tế hàng hóa cùng với các quan hệ thị trường phát triển kéo theo các mối quan hệ giao tiếp trong xã hội bị chi phối bởi tư duy hàng hóa, quan niệm hàng hóa; khiến con người trở nên thực dụng, đua đòi, ham mê vật chất,… Xã hội hội nhập, thông thương quốc tế bên cạnh những tiến bộ, tích cực cũng kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực. Đó là khi tiếp nhận các thông tin mới vào Việt Nam nếu không có sự phân tích, chọn lọc sẽ khiến thế hệ trẻ tiếp nhận các giá trị không phù hợp với bản thân, gia đình và xã hội. Ví dụ sự thâm nhập lối sống phương T ây, đề cao chủ nghĩa cá nhân, hạ thấp giá trị cộng đồng đã tác động mạnh vào đạo đức, lối sống, làm lệch lạc nhân cách của một bộ phận thế hệ trẻ hiện nay là một điển hình.
Văn hóa truyền thống dân tộc
Với lịch sử ngàn năm văn hiến, văn hóa truyền thống dân tộc là nơi lưu giữ, bảo tồn những giá trị tốt đẹp, tích cực và là nền tảng ứng xử của người Việt Nam. Ngày nay văn hóa truyền thống là yếu tố luôn được đề cao cần phát huy trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Tuy nhiên, đứng trước sự lựa chọn giữa những giá trị: cái mới và cái cũ, bề nổi và chiều sâu, sự tiện ích và mô phạm, tính hiện đại và truyền thống,… thế hệ trẻ cần phải được định hướng, tác động mới mong phát huy tối đa yếu tố truyền thống văn hóa đến sự hình thành đạo đức, lối sống thế hệ trẻ.
Có thể nói, trong xã hội hiện đại có rất nhiều yếu tố tác động đến đạo đức, lối sống, nhân cách thế hệ trẻ, nhưng những yếu tố được nêu ra ở trên có tầm ảnh hưởng lớn, rõ nét hơn hết.
2. Những hụt hẫng của thế hệ trẻ trong xã hội hiện đại
Khi nói về hụt hẫng, tác giả muốn nhấn mạnh đến sự hoang mang, thiếu vắng, thiếu hẳn một cái gì đó không như mong đợi. Cụ thể, ở đây đó là những hụt hẫng về sự định hướng giá trị vào tương lai và sự khác biệt giữa lý thuyết với thực tế cuộc sống xã hội; sự hụt hẫng về niềm tin vào bản thân, gia đình, xã hội và những giá trị tâm linh. Những hụt hẫng đó là có thật và đặt thế hệ trẻ trước sự đắn đo, bâng khuâng giữa những cặp nhị nguyên như: tâm linh hay vật chất, hiện đại hay truyền thống, lý tưởng hay thực dụng, vị tha hay vị kỷ, tình cảm hay trí óc…
Sức ép mạnh mẽ từ các yếu tố tâm sinh lý lứa tuổi, gia đình, kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa khiến thế hệ trẻ không biết phản ứng như thế nào cho thích hợp, để rồi họ bị căng thẳng, trầm cảm, thậm chí là tự kỷ. Họ rất cần ít nhất một điểm tựa chắc chắn, an toàn để có đầy đủ sức mạnh, nghị lực và niềm tin đối đầu với cuộc sống phía trước.
Phật giáo Việt Nam, hơn 2.000 năm du nhập và tồn tại trên đất nước Việt Nam, vào mỗi thời kỳ lịch sử có những vai trò, vị trí khác nhau, song Phật giáo vẫn luôn khắng khít, keo sơn, đồng hành cùng dân tộc Việt Nam. Phật giáo cùng với các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc đã trở thành điểm tựa tâm linh vững chãi góp phần tạo nên đạo đức, lối sống của người Việt Nam qua bao thế hệ.
Vì thế, có thể nói với các giá trị tư tưởng, triết lý từ bi, hỷ xả, đề cao trí tuệ của Phật giáo đã trở thành món ăn tinh thần quý giá của dân tộc Việt Nam.
Nếu biết vận dụng cho thế hệ trẻ, sẽ là một trong những phương hướng thích hợp giúp họ không bị lạc đường, mà còn hướng đến Chân, Thiện, Mỹ; hình thành nhân cách toàn thiện về năng lực, phẩm chất; có đạo đức, lối sống lành mạnh; góp phần vào sự thích ứng nhanh với những biến đổi xã hội trong hiện tại và tương lai.
3. Khóa tu mùa hè, liều thuốc tăng lực cho thế hệ trẻ ngày nay
Từ góc độ giáo dục, giáo dục Phật giáo không chỉ là việc dạy và việc học mà còn là quá trình chuyển hóa nội tâm, cải tạo cái xấu, thay thế, bồi dưỡng và phát huy cái tốt, trang bị cho mỗi cá nhân những nhận thức, chính kiến, niềm tin chân chính và những phẩm chất tâm linh cao thượng để mỗi người có thể làm hành trang tư lương cho đời sống an lạc, hạnh phúc cá nhân, gia đình, học đường và cộng đồng xã hội.
Xuất phát từ các cơ sở đó, các khóa tu mùa hè được ra đời tại chùa Hoằng Pháp (thành phố Hồ Chí Minh) và dần lan rộng khắp các tỉnh thành trong thời gian qua. Mục đích các khóa tu không chỉ tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho thế hệ trẻ sau một năm học cam go, đầy thử thách để bước tiếp vào năm học mới; mà còn hướng đến góp phần đào tạo nên một con người toàn thiện, tự do, có đạo đức, trí tuệ, sống có lý tưởng, suy nghĩ hợp lý, thích ứng được với bối cảnh xã hội.
Thông qua các khóa tu này các em sẽ tăng trưởng thiện tâm và khơi dậy ở con người năng lực tỉnh thức để tiếp xúc và chuyển hóa mọi tác động tiêu cực từ môi trường nội tâm bên trong và môi trường xã hội bên ngoài. Điều này có ý nghĩa thiết thực, đáp ứng mong muốn chính đáng của thế hệ trẻ ngày nay, giúp họ thật sự hài hòa giữa đời sống tinh thần và vật chất.
Nói cách khác, với thế hệ trẻ hiện nay, tác dụng của các khóa tu mùa hè có thể góp phần giúp họ trở nên những con người tự lập, có năng lực, phẩm chất, ý chí; có khả năng biết lựa chọn nghề nghiệp lương thiện để sinh tồn; có am hiểu giáo lý đạo Phật để tư duy, phát huy và thực hành trong đời sống hàng ngày; có tinh thần cầu tiến; biết sống hòa hợp, tương ái trong các mối quan hệ gia đình, bạn bè và xã hội.
Tóm lại, đó là một người toàn thiện cả ba phương diện từ bi, trí tuệ và dũng mãnh. Theo thuật ngữ Tâm lý học hiện đại đang dùng là người toàn diện nhân cách cả ba phương diện nhận thức, tình cảm và hành động.
Từ bi
Theo nghĩa đen là cứu khổ, ban vui. Người ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo phải sống hết lòng vì mọi người, không thản nhiên trước nỗi khổ của kẻ khác, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để đem lại niềm an vui chính đáng cho người khác. Không chỉ dừng lại ở nghĩa đen đó.
Từ bi theo tinh thần Phật giáo còn được đề cao ở việc giao tiếp người với người phải bằng tình thương không phân biệt. Tình thương này đặt trên mối quan hệ bình đẳng để đón nhận, cảm thông và chia sẻ. Coi đối tượng được giúp với sự trân trọng chứ không phải một người đứng ở vị trí cao ban bố xuống người bất hạnh bên dưới. Theo đó, từ bi của đạo Phật là liều thuốc kháng sinh chống lại bệnh chủ nghĩa cá nhân, mưu cầu cá nhân, nếp sống vị kỷ, bất chấp thủ đoạn,…
Đây là nguyên tắc sống cơ bản mà thế hệ trẻ cần được vun đắp và thực hành thường xuyên nhằm đem lại lợi ích cho bản thân và xã hội.
Trí tuệ
Từ bi không chưa trọn vẹn. Nếu có từ bi mà thiếu trí tuệ con người sẽ rơi vào nhận thức cảm tính, dễ sai lầm và mù quáng. Thế nên từ bi cần kết hợp với trí tuệ, để được soi đường, chỉ lối đúng đắn, hiệu quả. Thế hệ trẻ, lứa tuổi đang phát triển mạnh mẽ về trí óc, nên rất dễ dàng học hỏi, tiếp thu những vốn quý, kinh nghiệm xã hội.
Song, quan trọng là học gì và học như thế nào. Nếu học bừa, học cái xấu, cái không hay, khi đó gọi là thiếu trí tuệ. Đạo Phật hướng con người đến sự học hỏi chân lý, sự thật, đúng Chánh pháp. Đó là nỗ lực học tập, rèn luyện kỹ năng lắng nghe, tư duy, suy nghiệm lời dạy của các bậc thầy tri thức, bậc thầy tâm linh, tri thức nhân loại.
Từ sự học hỏi kinh nghiệm nhân loại tích lũy thành vốn hiểu biết chính mình, biến nó thành lăng kính sâu sắc soi chiếu trước tác động ngoại cảnh và nhận ra đâu là chân lý, sự thật, tích cực. Giáo dục trí tuệ theo tư tưởng Phật giáo đã trở nên cấp bách trong xã hội hiện nay.
Dũng mãnh
Từ bi và trí tuệ là hai phương diện thuộc về phẩm chất bên trong (tình cảm, nhận thức). Sự phát triển nhân cách con người luôn đòi hỏi tính hoàn thiện về tất cả mọi mặt; trong đó, việc phát triển về mặt tư duy nhận thức là một điều kiện hết sức quan trọng. Nó vừa là sản phẩm của hoạt động thực tiễn của con người, vừa là công cụ để con người định hướng hành vi của mình trong cuộc sống.
Dũng mãnh là phương diện bộc lộ từ bi, trí tuệ của con người, biểu hiện thành hành vi bên ngoài rõ ràng nhất. Cần nhận ra rằng dũng mãnh không phải là nóng vội, xốc nổi, chỉ biết tiến mà không biết lùi, lăn xả vào nguy hiểm. Dũng mãnh đúng nghĩa nhà Phật luôn gắn liền với tình thương và trí tuệ, tức là sự can đảm, tinh tấn, không yếu đuối sợ sệt, ươn hèn, thối chí, vượt thắng những chướng ngại, khai quang con đường phải đi và vững vàng bước tới. Đó chính là quá trình đấu tranh nội tâm để bảo vệ cái thiện, cái lợi ích chung cho đến sự tự tại trước thất bại để vững chí bước tiếp hay sự quả quyết tiến thoái đúng lúc. Đó mới là tinh thần dũng mãnh mà thế hệ trẻ cần học hỏi ở giáo dục Phật giáo.
Chúng tôi rất đồng tình với quan điểm của các nhà nghiên cứu Phật học khi quý vị này cho rằng tinh thần Bi - Trí - Dũng như ba chân của một chiếc kiềng, tạo nền tảng vững chắc cho thế hệ trẻ tự tin trên mọi nẻo đường, trong mọi hoàn cảnh, hòa đồng vào xã hội mà không bị những tà nghiệp tham-sân-si, các dục vọng tham lam, chủ nghĩa cá nhân mê hoặc.
Có thể nói, đạo Phật có đầy đủ các món ăn tinh thần như một liều thuốc tăng lực có khả năng đáp ứng nhu cầu tinh thần thế hệ trẻ ngày nay. Việc kế thừa, cải tạo, tiếp biến những điểm tương đồng, hợp lý, tích cực trong Phật giáo và áp dụng những phẩm chất ấy một cách linh hoạt, mềm dẻo nhằm hoàn thiện nhân cách thế hệ trẻ là rất cần thiết. Song, để thế hệ trẻ tiếp cận, nếm trải được những liều thuốc tăng lực này, nhất thiết phải có mô hình, chương trình và phương pháp giáo dục phù hợp, thiết thực. Có thể nhận định rằng các khóa tu mùa hè trong thời gian qua đã chứng minh được tính thiết thực và hiệu quả ấy.
Xu thế hội nhập, phát triển là tất yếu và hiện đại hóa xã hội là điều hiển nhiên nhằm thích ứng với tiến trình toàn cầu hóa hiện nay. Các nhà giáo dục Phật giáo Việt Nam những năm gần đây đã xây dựng các khóa tu mùa hè với từng chủ đề, mô hình, chương trình, phương pháp nhằm giáo dục tư tưởng Bi, Trí, Dũng đến thế hệ trẻ như là điều cấp bách, thiết thực hiện nay. Tuy nhiên, các mô hình, chương trình này mới chỉ giới hạn trong con em theo đạo Phật, chưa được phổ biến toàn diện trên thế hệ trẻ ở lứa tuổi trung học. Và để được phổ biến rộng rãi đến các trường phổ thông là quá trình lâu dài, phức tạp, song xu hướng này rõ ràng là tất yếu, cần thiết để định hướng nhân cách toàn diện cho học sinh.
Tại các cơ sở Phật giáo, hiện nay đã hình thành một vài mô hình, chương trình khóa tu mùa hè thu hút đông đảo giới trẻ tham gia như: khóa tu mùa hè, khóa tu sinh viên - học sinh, khóa tu gieo hạt từ tâm, các câu lạc bộ thiện nguyện, câu lạc bộ giáo lý dành cho thanh thiếu niên, Gia đình Phật tử… Một vài trong số đó thật sự hấp dẫn thế hệ trẻ, tạo hiệu ứng tích cực và vì thế cần được hoàn thiện, nhân rộng và tổ chức hiệu quả hơn nữa. Chúng ta tin chắc rằng cùng với quá trình hiện đại hóa đất nước, Phật giáo cũng sẽ hiện đại hóa (tùy duyên bất biến) và các nhà giáo dục Phật giáo sẽ tạo ra nhiều sân chơi bổ ích, mô hình giáo dục hiệu quả dưới hình thức khóa tu mùa hè đặt trên nền tảng bi, trí, dũng; góp phần giúp thế hệ trẻ có thêm những món ăn tinh thần, liều thuốc tăng lực nhằm phát triển toàn diện nhân cách. Và trong một tương lai gần tinh thần giáo dục Phật giáo này sẽ được vận dụng vào các nhà trường phổ thông.
4. Kết luận
Thế hệ trẻ trong xã hội hiện đại đang mất cân đối và hụt hẫng giữa đời sống vật chất và tinh thần một phần cũng vì nhu cầu tâm linh chưa được chú trọng đúng mức. Thế nên khi xã hội càng phát triển thì sự khủng hoảng của thế hệ trẻ càng đáng báo động. Chúng ta ai cũng mong muốn con em mình trở nên những công dân tốt, toàn thiện về đạo đức, năng lực, có lối sống lành mạnh. Chúng ta có thể dành cho con em, thế hệ trẻ rất nhiều thứ về vật chất. Thế nhưng chúng ta lại thiếu đi một điểm tựa cần thiết cho chúng (có thể ngay cả người lớn chúng ta cũng đang thiếu một điểm tựa). Đó là niềm tin vào cuộc sống được xây dựng trên cơ sở tình thương, trí tuệ và sự dũng mãnh.
Hãy hướng thế hệ trẻ đến với các khóa tu mùa hè để họ phát triển toàn diện nhất. Bởi giáo dục Phật giáo sẽ giúp họ có niềm tin chân chính vào sự hoàn thiện bản thân, con người và cuộc sống (Bi); có đầy đủ sự tỉnh thức, kỹ năng tiếp nhận những giá trị tích cực và loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc sống (Trí); và cuối cùng là sự nhẫn nại, bình thản nhưng cũng đầy nghị lực, ý chí, tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng vượt khó để thành công (Dũng).
Thích Không Tú