PSO - Nhằm nâng cao khả năng chuyên môn, nghiệp vụ báo chí Phật giáo, tại Chùa Phật Quang Phổ Chiếu (ấp Tân Hưng, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất), hơn 150 chư Tôn đức Tăng Ni Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo các tỉnh, thành, quý cư sĩ Phật tử và thành viên Ban Biên tập PSO được lắng nghe sự chia sẻ về phương thức viết tin, chụp hình và quay phim cho hoạt động Phật sự trên điện thoại smartphone thông minh, cũng như những phẩm chất cần thiết của nhà truyền thông Phật giáo vào sáng ngày 18/9/2023 (nhằm ngày 04/8 ÂL).
Mở đầu buổi tập huấn, Phật tử Minh Triết - Trưởng phòng Thời sự đã chia sẻ, hướng dẫn chư Tôn đức, quý cư sĩ Phật tử tham gia khóa Tập huấn và Trao tài khoản Biên Tập viên về phương thức viết tin cho các sự kiện Phật giáo tại địa phương.
Phật tử Minh Triết - Trưởng phòng Thời sự hướng dẫn phương thức viết tin các cho sự kiện Phật giáo tại địa phương
Tin tức là một thể loại thông dụng nhất trong báo chí đặc biệt là báo điện tử và trang tin điện tử. Nó phản ánh nhanh những sự kiện thời sự có ý nghĩa trong đời sống xã hội với ngôn ngữ cô đọng, ngắn gọn, trực tiếp và dễ hiểu. Tránh diễn đạt dài dòng, từ và ý bị lặp lại. Tin gắn liền với sự kiện, góc nhìn sự kiện phải trung thực, chính xác và khách quan và được chuyển tải đầy đủ thông tin của sự kiện đang diễn ra. Bên cạnh đó, phải lựa chọn, chắt lọc các dữ kiện, các chi tiết nào cần đưa tin.
Tiếp đến, Phật tử Minh Trực – Trưởng phòng Trực tuyến chia sẻ “Kỹ thuật chụp ảnh và quay phim truyền thông Phật giáo bằng điện thoại smartphone thông minh”. Khi các phóng viên quay phim phải theo thứ tự khung hình toàn, trung và cận. Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực truyền thông cho Kênh Truyền hình Phật Sự Online, Phật tử Minh Trực chịu trách nhiệm livestream các sự kiện trọng đại của Giáo hội đã tận tụy hướng dẫn cho chư Tôn đức Tăng Ni, quý cư sĩ Phật tử cách lấy góc ảnh cho phù hợp, bố cục của ảnh cho hợp lý và quan trọng là nội dung chủ đạo mà bức ảnh cần chuyển tải.
Phật tử Minh Trực – Trưởng phòng Trực tuyến chia sẻ “Kỹ thuật chụp ảnh và quay phim truyền thông Phật giáo bằng điện thoại smartphone thông minh”
Sau khi các học viên được lắng nghe sự chia sẻ của nhị vị Phật tử chịu trách nhiệm của PSO, quý học viên hiểu rõ hơn trong việc viết tin, chụp ảnh và quay phim để lan tỏa một sự kiện Phật sự nơi địa phương ngày một sinh động, giúp cho ngành truyền thông Phật giáo tại tỉnh, thành ngày càng phát triển vững mạnh, lan tỏa đến độc giả những giá trị, hình ảnh tốt đẹp về các hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo địa phương nói riêng.
Bên cạnh đó, TT. Thích Minh Nhẫn - Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó ban Thường trực Ban Thông tin Truyền thông T.Ư, Tổng Biên tập kênh Phật Sự Online, Trưởng ban Tổ chức khóa tập huấn đã nhắc lại lời chỉ dạy của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Tăng sự Trung ương GHPGVN đó là truyền thông Phật giáo, cần giữ tâm khi làm truyền thông Phật giáo với “Tâm trong, trí sáng, ngòi bút thép”; “Ẩn ác - Dương thiện” làm cho từ bi trí tuệ của đạo Phật được lan tỏa và là một kênh hoằng pháp.
TT. Thích Minh Nhẫn - Trưởng ban Tổ chức khóa tập huấn đã chia sẻ về chủ đề "“chủ trương - quan điểm của Phật Sự online đăng tin và biên tập”
Qua buổi chia sẻ, Thượng toạ cho biết: Việc hiểu biết và sử dụng phương tiện truyền thông để truyền tải giáo pháp của Đức Phật đến với mọi người là một phương pháp truyền bá đạo pháp được xem là hiệu quả nhất trong thời đại cách mạng 4.0 hiện nay và mục đích cuối cùng của truyền thông Phật giáo là công tác hoằng truyền giáo pháp, chuyển hóa khổ đau, đem đến sự bình an hạnh phúc và thịnh vượng cho người đọc người nghe.
Chiều cùng ngày, Đại đức Thích Minh Ân - Ủy viên HĐTS, Phó chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội, Phó tổng Biên tập PSO đã chia sẻ về “Những phẩm chất cần thiết của nhà truyền thông Phật giáo”. Đây là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng cho sự phát triển, lan tỏa thông tin đến với cộng đồng. Để trở thành nhà truyền thông thì sự đam mê, nhiệt huyết, năng động và học hỏi không ngừng là yếu tố quan trọng hàng đầu. Bởi lẽ có đam mê mới giúp con người ta đi đến cái đích của sự thành công. Bên cạnh đó, xã hội ngày càng phát triển và thay đổi, do đó mỗi cá nhân phải biết học hỏi tiếp thu những điều hay, cái mới để trau dồi vốn kiến thức của bản thân. Tố chất hay phẩm chất cho nghề này rất đa dạng vì do lĩnh vực và phạm vi hoạt động lớn, tiếp xúc với nhiều tầng lớp xã hội.
Đại đức Thích Minh Ân chia sẻ về “Những phẩm chất cần thiết của nhà truyền thông Phật giáo”
Tham dự khóa Tập huấn lần này, hơn 150 chư Tôn đức Tăng Ni Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo và cư sĩ Phật tử các tỉnh, thành cũng như thành viên Ban Biên tập PSO có cơ hội giao lưu, học hỏi thêm kinh nghiệm mới mẻ từ sự chia sẻ của chư Tôn đức lãnh đạo PSO, chư huynh đệ đang làm việc trong ngành truyền thông Phật giáo, như được tiếp thêm “lửa”, nhiệt huyết để khi trở về Phật giáo địa phương phụng sự với tâm cống hiến không mệt mỏi.
Sau đây là một số hình ảnh được ghi nhận: