Lào Cai: Ghé thăm làng Nủ giữa những hoang tàn đổ nát

PSO - Những ngày qua, “làng Nủ” thuộc xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai là một trong những mảnh đất đau thương, khiến triệu triệu trái tim người con đất Việt cùng hướng về cầu nguyện. Cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất cho các nạn nhân trong trận lũ quét của cơn bão số 3 được bình an, người mất sớm được tìm thấy và an nghỉ. 

Một vùng trời tang thương:

Theo chân đoàn thiện nguyện của Chùa Long Hưng - Đông Anh Hà Nội, tôi trở về thăm hỏi và tặng quà hỗ trợ bà con tại xã Phúc Khánh. Đặt chân đến làng Nủ, tôi không khỏi bàng hoàng chua xót, khi tận mắt chứng khiến ngôi làng từng rộn rã tiếng cười trẻ thơ, bình yên, thơ mộng với những mái tranh đơn sơ, những cánh đồng lúa chín vàng óng, nay chỉ còn là vùng đất hoang tàn, đổ nát, tất cả đều bị chôn vùi dưới những lớp đất đá khổng lồ.

Hình ảnh bé Phúc lầm lũi đi tìm mẹ trong vô vọng, hay gương mặt thất thần của anh Thới, anh Bóng trước nỗi đau mất đi 5 người thân cùng một lúc và nỗi đau xót không thành lời của gia đình 10 nạn nhân xấu số vẫn còn đang mất tích, tất cả hòa quyện lại tạo nên một vùng trời tang thương, tàn khốc đến ám ảnh. 

Sinh ra và lớn lên từ miền Nam, tôi chưa từng trải qua thiên tai bão lũ, tôi đã quá quen với sự bình yên, với những cánh đồng xanh mướt. Đứng trước cảnh tượng hoang tàn này, tâm hồn tôi như bị xô đẩy giữa những cơn sóng dữ của nỗi đau và bất lực.

Tôi đứng chôn chân, nhìn những lớp đất đá chồng chất, những ngôi nhà từng là mái ấm hạnh phúc của bao người, giờ chỉ còn là tàn tích, là ký ức đau thương của cuộc đời. Cơn lũ cuốn đi không chỉ những mái nhà, mà còn cuộc đời, là hy vọng và ước mơ của người dân nơi đây. Tiếng khóc ai oán của những người con làng Nủ vẫn vang vọng giữa núi rừng đại ngàn, như con dao nhọn cứa vào trái tim những người có mặt và tôi đã không thề kìm lòng mà khóc nấc lên. 

Là người đệ tử Phật, tôi hiểu thế gian là vô thường, cõi nước mong manh, dễ vỡ, nhưng tôi không thể không cảm thấy đau lòng và xót xa trước nỗi đau của đồng bào mình. Những lời dạy của Phật về vô thường hiện lên trong tâm trí, một lần nữa nhắc tôi hiểu rằng, sự sống quá đỗi mong manh, hạnh phúc đều có thể mất đi bất cứ lúc nào. 

Bài học tỉnh thức từ nỗi đau làng Nủ:

Lũ quét xảy ra khi một tiếng nổ lớn, vang lên như sấm động, làm rung chuyển ngọn núi Con Voi. Chỉ trong phút chốc, cơn đại hồng thủy với dòng nước lũ đen đặc cùng đất đá từ trên núi ào xuống, tạo thành dòng chảy khổng lồ đổ về bản. Lũ ào xuống, cuốn trôi và nhấn chìm làng Nủ trong nháy mắt, san phẳng nơi sinh sống của 37 hộ dân với 158 nhân khẩu, biến bản làng vốn bình yên trở thành bình địa ngập tràn bùn đất, gỗ đá…

Cảnh tượng hoang tàn, đổ nát, mùi bùn đất bốc lên tanh nồng là hiện thực đau xót khiến tôi nghĩ đến sức mạnh tàn khốc của thiên nhiên. 

Dưới cái nhìn của người học Phật, tôi biết rằng mọi thứ đều có nguyên nhân và kết quả. Sự vô minh của con người khi không biết yêu thương, giữ gìn đất mẹ, tàn phá thiên nhiên và sự thiếu trách nhiệm với môi trường đã tạo nên nghiệp lực dẫn đến sự khổ đau hôm nay. Không chỉ làng Nủ mà còn nhiều vùng đất khác nữa sẽ phải hứng chịu hậu quả đau lòng từ thiên tai, bão lũ, khi chúng ta không biết trân trọng và bảo vệ thiên nhiên.

Sự sống mong manh, con người nhỏ bé, không thể chống đỡ trước cơn cuồng nộ của tự nhiên. Những nỗ lực, những ước mơ, những cuộc đời đang sống bỗng chốc bị vùi lấp trong tích tắc. Đó là sự thật nghiệt ngã mà chỉ khi đứng giữa cảnh tượng này, tôi mới cảm nhận được rõ ràng.

Trong từng bước chân, tôi nghe thấy tiếng khóc thầm của đất, của cây cỏ và của những con người đã mất mát. Mỗi tấc đất nơi đây đều mang trong mình một câu chuyện, một ký ức mà thời gian không thể xóa nhòa. Khi tôi nhìn vào gương mặt thất thần, ánh mắt chăm chú dõi theo đội cứu nạn với mong muốn tìm được thi thể người thân của những người dân nơi đây, tôi thấy sự kiên cường nhưng cũng thấy nỗi tuyệt vọng. Họ là những người mang trong mình nỗi đau mà tôi chưa từng trải nghiệm. Tôi muốn ôm họ, muốn chia sẻ, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Những thực phẩm, nước sạch mà chúng tôi mang đến chỉ là những thứ tạm thời, không thể nào bù đắp cho những mất mát vô hình trong tâm hồn họ. 

Tôi, một người chưa từng biết đến nỗi lo âu mỗi mùa mưa bão, giờ đây như thức tỉnh trước sức mạnh của thiên nhiên. Tôi chợt hiểu rằng, miền Trung, miền Bắc không chỉ là những vùng đất xa lạ, mà đó còn là nơi chứa đựng biết bao tâm hồn, cuộc sống của đồng bào mình. Những người dân nơi đây đã trải qua bao gian nan, thử thách, đối diện với sự tàn phá của thiên tai hết lần này đến lần khác. Họ không chỉ mất đi tài sản, mà còn mất cả những người thân yêu, những người bạn, những mảnh đời mà họ từng gắn bó. 

Tôi thầm nguyện cầu chư Phật, chư Bồ tát gia hộ cho những linh hồn đã khuất được siêu thoát, nguyện cầu thần linh, thổ địa phù hộ sớm tìm thấy những người vẫn đang bị vùi lấp dưới lớp đất đá kia, để họ không còn phải nằm lạnh lẽo, đơn độc giữa núi rừng và cũng để an ủi phần nào nỗi đau cho người ở lại. Cầu mong sao những người còn sống sớm vượt qua nỗi đau này.

Từ khi đặt chân đến làng Nủ, chứng kiến nỗi đau của đồng bào, sự bất lực tràn ngập tâm hồn tôi. Làm sao để giúp họ? Làm sao để ngăn chặn những bi kịch tương tự xảy ra trong tương lai? Làm sao để mọi người có thể sống an lành, hạnh phúc dưới cùng một bầu trời, trên cùng một dải đất chữ S này? 

Tôi chợt nhận ra, sự phát triển bền vững không thể chỉ dừng lại ở những khu vực ít chịu thiên tai, mà phải là sự an toàn và ổn định cho tất cả mọi người.

Giáo lý của Đức Thế Tôn đã giúp tôi hiểu rằng, thiên tai, nghiệp quả là những điều mà chúng ta không thể tránh khỏi. Nhưng khi ta biết sống chan hòa với thiên nhiên, bảo vệ tài nguyên rừng, ôm ấp đất mẹ, đất mẹ và đại ngàn sẽ ôm ấp và bảo vệ cho ta. 

Đã đến lúc chúng ta phải hành động mạnh mẽ hơn để ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu, khai thác triệt để tài nguyên thiên nhiên, nỗ lực trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ các tầng địa chất, bảo vệ môi trường sống xung quanh…

Cùng nhau hạn chế sử dụng túi nilon, cốc và các vật dụng dùng một lần, sử dụng các đồ dùng có khả năng tái chế, tiết kiệm nguồn điện và nước, trồng nhiều cây xanh, thu gom và phân loại rác thải. Đây đều là những việc làm nhỏ bé mà tôi và bạn có thể thực hiện hàng ngày, góp phần bảo vệ môi trường, ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu, giảm thiểu mọi tác nhân xấu gây nên thiên tai, bão lũ. 

Tôi tin rằng, chứng kiến những mất mát và thấu cảm nỗi đau của đồng bào mình trong đợt lũ vừa qua, chúng ta đều tự rút ra cho mình những bài học sâu sắc. Đặc biệt là bài học về tinh thần Dân tộc, sự đoàn kết, sẻ chia, tương thân tương ái của dân và quân ta trong suốt những ngày qua đã đủ để tôi và bạn cảm thấy ấm áp, tự hào vì mình là người Việt Nam.

Bước ra từ những nỗi đau khó có thể phai mờ, nhưng người dân làng Nủ đã vô cùng kiên cường, gượng dậy sau thảm họa. Đây là minh chứng cho sức mạnh phi thường của con người, khi chúng ta không thể thay đổi được thực tại tàn khốc mà thiên nhiên đã mang đến, nhưng chúng ta có thể chữa lành những đau khổ bằng tình thương và sự sẻ chia của con người. 

Trở về sau chuyến thăm làng Nủ, lòng tôi tràn đầy nỗi niềm và trăn trở. Tôi tự hứa với mình sẽ sống tốt hơn, sẽ biết yêu thương và chia sẻ nhiều hơn. Chúng ta không thể thay đổi những gì đã qua, nhưng chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, để không còn ai phải chứng kiến cảnh bản làng bị vùi lấp, không còn ai phải chịu đựng nỗi đau chia cắt. Bởi vì, chúng ta đều là những người con của đất mẹ Việt Nam, cùng chung một niềm đau, một ước mơ về hạnh phúc và bình yên.

Sư cô Huệ Như

Download Android Download iOS
TP.HCM: Tổ đình Giác Lâm tưởng niệm 197 năm ngày Tổ sư Viên Quang viên tịch (1827-2025)

Ngày 2-1-2025 (nhằm ngày mùng 3 tháng Chạp năm Giáp Thìn), tại Tổ đình Giác Lâm (Q.Tân Bình), chư tôn đức đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm 197 năm ngày Tổ sư Tổ Tông Viên Quang viên tịch.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online