28/09/2024 14:33

Mối quan hệ giữa nghiệp và đạo đức Phật giáo

Nghe đọc bài:

Giáo lý Nghiệp và Đạo đức Phật giáo là những vấn đề quan trọng trong đời sống con người, mang tính cộng hưởng sâu rộng đến nền tảng đạo đức tâm linh của mỗi người trong xã hội. Người có đạo sẽ được an vui hạnh phúc; cộng đồng xã hội, quốc gia có đạo đức thì quốc gia đó thịnh lạc. Với tính chất quan trọng đó, vấn đề nghiệp và đạo đức được đức Phật đề cập rất nhiều trong các kinh như: Trung Bộ, Pháp Cú… Trong xã hội hiện nay, nhu cầu vật chất càng cao, đạo đức càng xuống dốc, con người sống giữa cảm giác bất an bởi những hành động sai trái. Xã hội bị đe dọa bởi những con người suy thoái đạo đức, tạo ra làn sóng xung đột giữa người với người. Việc tìm hiểu tương quan giữa giáo lý Nghiệp và Đạo đức Phật giáo giúp chúng ta ý thức hơn về những hành vi tạo tác, định hướng cho nhân loại một nếp sống đạo đức, góp phần cho xã hội tốt đẹp, kiến tạo thế giới hòa bình.

QUAN ĐIỂM VỀ NGHIỆP

Trong tiếng Phạn, nghiệp là sự tạo tác của thân, khẩu, ý. Nghiệp là hành động có ý thức, vì ý thức giữ vai trò chỉ đạo. Hành động nào mang ý thức tốt đẹp thiện lành sẽ mang lại kết quả tốt đẹp trong hiện tại và tương lai.

Kinh Saleyyaka của Đức Phật có dạy: “Này các gia chủ, nếu một vị hành đúng pháp, đúng chánh đạo, mong ước: “Ôi, mong rằng sau khi thân hoại mạng chung, tôi được sanh vào đại phú gia, vương tộc Sát-đế-lỵ!” Sự kiện này sẽ xảy ra, vị ấy sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào đại phú gia, vương tộc Sát-đế-lỵ”1.

Ngược lại, nếu thực hành trái chánh đạo thì sẽ sanh vào cõi dữ “Này các gia chủ, do nhân hành phi pháp, hành phi chánh đạo, này các gia chủ, mà như vậy, ở đây có một số loài hữu tình, sau khi thân hoại mạng chung phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục”2. Như vậy, nghiệp là hành động có sự tác ý, tạo ra sức mạnh thúc đẩy con người tạo tác qua ba nghiệp. Nếu hành động lành thiện sẽ đưa con người đến cõi lành an vui hạnh phúc, nếu là hành động sai quấy sẽ đưa con người đến cõi dữ, đọa xứ, ác thú, địa ngục.

Tùy theo sự vận hành của tâm mà chúng sanh tạo nghiệp theo hai hướng hoặc thiện hoặc ác, tùy theo sự khởi tâm mà hình thành nên các cõi thánh, phàm, luân hồi sanh tử hay giải thoát. Trong kinh Thập Thiện, Đức Phật bảo Long Vương: “Tất cả chúng sanh do tâm tưởng khác nhau, nên tạo nghiệp khác nhau, vì vậy mà có sự luân chuyển trong các cõi”.

Tuy nhiên, trước khi  Đạo Phật ra đời, những trường phái như Bà La Môn và Kỳ Na giáo đã có quan điểm về nghiệp. Bà La Môn cho rằng nghiệp là hành động mang tính nghi lễ, hình thức, còn Kỳ Na giáo lại cho rằng con người không được giải thoát vì sự trói buộc của nghiệp. Do đó, con người muốn giác ngộ cần diệt trừ nghiệp bằng cách tu tập khổ hạnh “Nếu xưa kia người có làm ác nghiệp, hãy làm cho nghiệp ấy tiêu mòn bằng khổ hạnh khốc liệt này…. Như vậy, chính nhờ sự thiêu đốt, sự chấm dứt các nghiệp quá khứ, sự không làm các nghiệp mới, do vậy không có sự tiếp tục trong tương lai”3.

Tu tập khổ hạnh là phương pháp tiêu trừ những ác nghiệp trong quá khứ. Theo quan niệm của họ, “Hạnh phúc không thể thành tựu nhờ hạnh phúc, hạnh phúc phải thành tựu nhờ đau khổ”4. Chỉ có tu tập khổ hạnh mới thiêu đốt nghiệp ác, là điều kiện cơ bản để con người đạt được hạnh phúc, hướng đến giải thoát giác ngộ.

Khác với Kỳ Na giáo,  Đạo Phật không chủ trương hạnh phúc có được nhờ tu tập khổ hạnh, cũng không phải nhờ hưởng thụ ngũ dục ở thế gian. Ðức Phật cho rằng, con người chỉ đạt được hạnh phúc và giải thoát khi người đó thành tựu giới, thành tựu thiền định và thành tựu trí tuệ. Giới là điều kiện cơ bản để hành giả có thể chế ngự những ham muốn tầm thường ở thế gian; Thiền định là phương pháp huấn luyện nhiếp phục tâm buông lung của con người, vì tâm buông lung không định tĩnh là điều kiện phát sinh pháp bất thiện; Trí tuệ là kết quả của sự thành tựu giới và thiền định, là khả năng phân biệt giữa pháp bất thiện và pháp thiện.

Trong kinh Đại Kinh Xóm Ngựa, Đức Phật đã dạy: “Này các Tỳ Kheo, như thế nào Tỳ Kheo là Sa Môn? Vị này đã làm cho dừng lại các ác, các pháp bất thiện, những pháp này ô nhiễm, đưa đến tái sanh, đáng sợ hãi, đem lại khổ quả, đưa đến sanh già chết trong tương lai. Như vậy, này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo là Sa Môn”5. Vì thế, Đức Phật không chấp nhận phương pháp tu tập khổ hạnh và đời sống hưởng thụ dục lạc, bởi nó không cải thiện khổ đau, không giúp ích gì cho việc thực hiện lý tưởng giải thoát.

ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO

Nói đến đạo đức là nói đến tính nhân bản, nhân cách của một con người. Đạo đức Phật giáo là nói đến cái chân thiện mỹ, là nếp sống hài hòa với muôn loài, hữu tình hay vô tình chúng sanh, không tranh đấu tạo sự chia lìa hay ly gián mà gần gũi sẻ chia. Trong Kinh Tăng chi bộ (1996, tr.647), Đức Phật khẳng định thiện và ác phân biệt cách xa nhau như đất với trời, như bờ bên này với bờ bên kia của đại dương, như hướng mặt trời lặn và mặt trời mọc.

Nếu xét về vật lý, khoảng cách giữa xa và gần thật rõ ràng, xa thì thật xa mà gần đích thực gần. Tuy nhiên, khoảng cách tâm lý xa gần giữa thiện và ác thì lại khó lường, tuy thiện và ác tính chất cách nhau rất xa nhưng trong tự thân mỗi người thì lẫn lộn. Con người sống ở đời luôn giao thoa giữa cái thiện và cái ác, vì vậy một con người muốn sống đời thuần thiện phải luôn đấu tranh vượt lên cái ác.

Chỉ cần một phút giây không chánh niệm là cái ác sẽ hiện tiền. Bởi tham, sân, si và phiền não luôn tiềm ẩn trong ta, do đó niệm ác sẵn sàng trỗi dậy bất cứ lúc nào. Thế nên phải nỗ lực tu tập hướng tới con đường hoàn thiện. Nhưng muốn sống được như vậy về cơ bản không được làm ác, vì tham, sân, si là căn bản của bất thiện pháp.

Trong kinh Đức Phật dạy: “Này chư Hiền, sát sanh là bất thiện, lấy của không cho là bất thiện, tà hạnh trong các dục là bất thiện, nói láo là bất thiện, nói hai lưỡi là bất thiện, ác khẩu là bất thiện, nói phù phiếm là bất thiện, tham dục là bất thiện, sân là bất thiện, tà kiến là bất thiện. Chư Hiền, như vậy gọi là bất thiện. Và chư Hiền, thế nào là căn bản bất thiện? Tham là căn bản bất thiện, sân là căn bản bất thiện, si là căn bản bất thiện. Chư Hiền, như vậy gọi là căn bản bất thiện…”6 và ngược lại là thiện.

Đức Phật còn dạy về căn bản của thiện từ hành động thân khẩu ý: “Này gia chủ, có ba loại thân hành đúng pháp, đúng chánh đạo, có bốn loại khẩu hành đúng pháp đúng chánh đạo, có ba loại ý hành đúng pháp đúng chánh đạo”7. Thân có ba là gì: 1) Không sát sanh, 2) Không trộm cắp, 3) Không tà dâm; Khẩu có bốn là: 1) Không nói dối, 2) Không nói thêu dệt, 3) Không nói lời độc ác, 4) Không nói hai lưỡi; Ý có ba là: 1) Không tham lam; 2) Không sân hận; 3) Không si mê. Tất cả chúng sanh có sự khác biệt về hình dáng, kiến thức, hoàn cảnh, chủng loại… đều do hành động của thân miệng ý tạo tác.

Nên trong kinh Pháp Cú, Đức Phật đã nói: “Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ tạo tác…”8 Người thực hành mười điều thiện này sẽ được lợi mình, lợi người trong hiện tại và vị lai. Những thiện nghiệp này có năng lực cải thiện con người, xây dựng đất nước và là nền tảng đạo đức hướng con người tiến lên bờ giải thoát giác ngộ. Có thể nói, không những sự phân biệt thiện và ác của đạo đức Phật giáo rất minh bạch mà lại còn nhất quán và liên tục, được tuyên bố và minh định bởi chính Đức Phật Thích Ca. Nội dung đạo đức Phật giáo thật sự là những giá trị vượt thời gian và không gian và trở thành khuôn mẫu ứng xử tốt đẹp nhất của con người, không kể là thời đại nào hay sống trên châu lục nào.

GIÁO LÝ NGHIỆP XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC CÁ NHÂN VÀ XÃ HỘI

Nghiệp là hành động, hành vi tạo tác từ thân khẩu ý, là nhân sẽ đi đến kết quả thiện hay bất thiện. Nếu một người đã thấy biết rõ về nghiệp, người đó sẽ ý thức hơn trong từng hành vi. Đây là lối sống đạo đức, họ sẽ biết tôn trọng lẽ sống, biết lựa chọn đời sống hạnh phúc an vui cho mình và mọi người xung quanh. Kinh Trung Bộ đã nói về tầm quan trọng của nghiệp như sau: “Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt có ưu”9. Cuộc sống của con người có sự khác nhau là do nghiệp mỗi người khác nhau.

Khi một người hiểu rõ nghiệp sẽ thận trọng hơn về tác nhân của nghiệp, phân biệt, khéo lựa chọn cái đúng loại trừ cái sai, hành động đi đôi với chánh kiến. Thấy biết đúng, hành động đúng là yếu tố dẫn đến hạnh phúc chân thật. Ví như, một người muốn có đời sống tương lai không rơi vào nghèo khổ thì ngay từ đầu, phải nỗ lực học tập nghề nghiệp chuyên môn, thâu thập kinh nghiệm.

Với tay nghề tinh xảo, vốn kiến thức chuyên môn là yếu tố quyết định công việc tốt cho người ấy trong tương lai. Quá trình học tập, thâu thập kinh nghiệm và công việc là mối quan hệ tất yếu giữa nhân – quả. Niềm vui trong công việc không ảnh hưởng đến hạnh phúc người khác, đó là thấy biết đúng đắn về nghiệp. Còn người không có ý thức về nghiệp sẽ ra sao? Ví như một người đam mê cờ bạc rượu chè, sự thiệt hại về tiền bạc hay những hành vi bất thiện xảy ra sau khi uống rượu là những kết quả không lành, không chỉ làm khổ mình mà còn khổ người khác, đó là hành vi thiếu ý thức về nhân quả nghiệp báo.

Một xã hội trật tự không thể thiếu đời sống đạo đức, mỗi thành viên có nếp sống tốt, biết thi hành bổn phận và trách nhiệm với gia đình và xã hội là yếu tố cơ bản để hình thành xã hội lý tưởng. Nhưng bản chất con người vốn sẵn tham – sân – si, nó là động cơ gây ra mọi rối loạn xã hội. Vậy, làm thế nào để ngăn chặn những hành vi bất hợp pháp xảy ra? Giáo dục một đời sống đạo đức tôn giáo là yếu tố quan trọng để giải quyết những xung đột ở thế gian. Giáo lý  Đạo Phật giúp con người loại bỏ tham – sân – si, muốn như vậy cần phải thực hành giới luật, tu tập thiền định và phát huy trí tuệ. Ở đây, tinh thần giới luật của  Đạo Phật là những nguyên tắc sống lành mạnh của một nếp sống cộng đồng, bao gồm các quy định đạo đức xã hội.

Mục đích thiền định giúp cho con người tập trung tư tưởng, vì Đức Phật cho rằng, một trong những nguyên nhân làm con người thất bại trong công việc là thiếu chú tâm cảnh giác khi làm việc. Do vậy, sự chú tâm giúp cho con người thành công trong việc làm, là nền tảng dẫn đến hạnh phúc. Trí tuệ là thấy biết đúng về mối tương quan nhân quả và hiểu rõ về nghiệp.

TÍNH NHÂN QUẢ CỦA THIỆN NGHIỆP VÀ ÁC NGHIỆP

Khi đã hiểu rõ giáo lý nhân quả nghiệp báo và lợi ích thiết thực của nó, chúng ta phải thực hành ngay bằng cách nỗ lực, bồi đắp trau dồi thiện pháp đã phát sanh và cố gắng khơi dậy những thiện pháp chưa phát sinh. Điều quan trọng là phải biết vận dụng tối đa thiện tâm của mình trong mọi hành động, nếu ta biết xoay hướng thiện tâm của mình đúng mức thì dù việc làm có vẻ bình thường kết quả vẫn to lớn. Trái lại dù việc làm to lớn nhưng với tâm niệm vụ lợi, ngã chấp, vị kỷ phát xuất từ tham, sân, si thì kết quả chẳng ích lợi gì cho mình và tha nhân.

Trong kinh Tăng Chi, Đức Phật đưa ví dụ: “Có người bỏ một nắm muối vào trong một chén nước nhỏ, nước trong chén ấy trở thành mặn và không uống được. Nhưng ví như có người bỏ một nắm muối vào sông Hằng, sông Hằng ấy không vì nắm muối này trở thành mặn và không uống được”10. Ngài đã khéo dùng hình ảnh ẩn dụ hạt muối để so sánh: một nắm muối nhỏ bỏ vào chén nước nhỏ sẽ làm nước trong chén hóa mặn không uống được, nhưng cũng một nắm muối ấy, nếu bỏ vào sông Hằng thì nước sông Hằng vẫn không mặn và có thể uống được.

Với người có tâm địa hẹp hòi như chén nước nhỏ, không tu tập tâm, giới, đức, một nghiệp ác nhỏ cũng đủ làm người đó khổ sở đến mức không chịu được.

Nhưng với một người có tu tập tâm, giới, đức, tâm địa rộng lớn như sông Hằng, một nghiệp nhân ác nhỏ sẽ ảnh hưởng không lớn, bởi nó không đủ sức chi phối thiện tâm và lệch lạc trong cái thấy biết về nhân quả nghiệp báo. Vì vậy, họ sẵn sàng đón nhận tất cả những gì xảy ra với tâm bình thản, tự tại. Có thể nói, kinh Hạt Muối cung cấp cho chúng ta bí quyết hạn chế, triệt tiêu nghiệp ác quá khứ và hoàn thiện ba nghiệp thân, khẩu, ý. Đây gọi là tự lợi hay còn gọi là hoàn thiện tự thân. Nên chúng ta không ngại phát huy đưa tinh thần tự lợi hòa nhập vào cộng đồng để người người thấm nhuần, nơi nơi lợi lạc, hay còn gọi là tinh thần lợi tha thiết thực.

Nhưng muốn được vậy, chúng ta phải huân tập thói quen thiện nghiệp cho thuần thục, trở thành phản xạ tự nhiên, hễ nói là nói lời thiện, làm thì làm việc thiện, nghĩ thì nghĩ điều thiện.

Ví như người ăn chay, ban đầu ăn hai ngày/tháng mà phải có sự nỗ lực của ý chí để chống lại cám dỗ của thức ăn mặn, nhưng sau quen dần cho đến giai đoạn trường trai thì họ rất hài lòng thành quả của mình. Nhưng với người xuất gia, việc ăn chay chẳng cần cố gắng và chẳng ai tự hào về việc ăn chay trường của mình, vì nó đã trở thành thuần thục tự nhiên. Thế nên, chúng ta phải quyết tâm tạo thói quen làm thiện nghiệp trở thành thuần thục, tự nhiên; chuyển hóa ác nghiệp trong quá khứ và kiến tạo huân tu thiện nghiệp ngay bây giờ.

PHƯƠNG PHÁP HÓA GIẢI NGHIỆP

Phật giáo tuy chủ trương mỗi người là chủ nhân và thừa tự của nghiệp, nhưng quyết không phải là nô lệ của nghiệp. Nhờ hiểu rõ nghiệp và cơ chế vận hành của nghiệp, con người có thể chuyển nghiệp quá khứ làm cho suy yếu lần lượt rồi chuyển hóa nó. Trong kinh, một người tạo ra các nghiệp ác nếu thật thà hối lỗi, cải tà quy chánh, tích cực làm điều thiện lành, dần dần những nghiệp thiện đó sẽ có khả năng chuyển hóa những nghiệp ác cũ trước đây. Như trường hợp của Angulimala, một tướng cướp đã giết nhiều người, về sau được Phật độ cho xuất gia và trở thành A La Hán. Trường hợp của Ambapali, một dâm nữ tài sắc và giàu có ở thành Vaisali cũng được Phật độ, về sau xuất gia làm Tỳ kheo ni, và trở thành A La Hán. Có thể thấy, nghiệp bất thiện của Angulimala và Ambapali cao như núi, sâu như biển nhưng vẫn chuyển hóa, xuất gia tu hành và trở thành bậc thánh.

Đức Phật dạy: “Chư Hiền, nếu trong khi quán sát, Tỳ Kheo thấy rõ rằng tất cả các ác, bất thiện pháp chưa được đoạn trừ trong nội tâm, thì chư Hiền, Tỳ Kheo ấy cần phải tinh tấn đoạn trừ các ác bất thiện pháp ấy. Chư Hiền, nếu Tỳ Kheo trong khi quán sát thấy rõ rằng tất cả các ác bất thiện pháp đã được đoạn trừ trong nội tâm thì chư Hiền, Tỳ Kheo ấy phải sống với tâm niệm hoan hỷ, ngày đêm tu học thiện pháp”11.

Khi đã đoạn trừ các ác bất thiện pháp thì cần phải tinh tấn tu tập thiện pháp, thiết lập chánh niệm, từng bước làm chủ ba nghiệp thân, khẩu, ý. Khi chánh niệm có mặt thì sẽ làm chủ được ba nghiệp bình tĩnh trong mọi tình huống của cuộc sống, chuyển hóa nội tâm, nuôi dưỡng lòng từ yêu thương, tha thứ, bao dung đối với tất cả mọi người. Đây là pháp hành căn bản cho tất cả mọi người hướng đến con đường cao thượng an vui giải thoát.

Tóm lại, Nghiệp và Đạo đức là quy luật tự nhiên, có mối quan hệ khăng khít với nhau. Một hành động thiện chính là sống đạo đức và ngược lại. Đạo đức Phật giáo chính là việc làm thể hiện tư cách đạo đức của mỗi cá nhân trong cuộc sống. Bất luận là người xuất gia hay tại gia, có tôn giáo hay không tôn giáo, đã là con người thì ai ai cũng đều mong muốn hạnh phúc, dẫu rằng mức độ ước muốn của mỗi người khác nhau. Để đáp ứng nguyện vọng thiết thực ấy, Đức Phật đưa ra nhiều pháp môn trong đó năm giới là pháp môn cơ bản nhất. Bởi nó phù hợp cho mọi căn cơ và trình độ. Đi xa hơn là Thập thiện nghiệp, thực hành những yếu tố đó là cơ sở để xây dựng một đời sống đạo đức ổn định. Vì thế, thấu hiểu giá trị của thiện nghiệp giúp con người hướng đến thực hành những điều thiện, là những điều cần thiết cho hạnh phúc con người và xây dựng nếp sống đạo đức để xã hội ngày càng hoàn thiện hơn.

Thích Nữ Trí Tuyền

Chú thích:

1. Thích Minh Châu, Kinh Saleyyaka, Trung Bộ I, VNCPHVN ấn hành 1992, tr.631.
2. Thích Minh Châu, , Kinh Saleyyaka, Trung Bộ I, VNCPHVN ấn hành 1992, tr.62
3. Thích Minh Châu, Trung Bộ I, Tiểu kinh Khổ Uẩn, VNCPHVN, 1992, tr.213.
4. Thích Minh Châu, Trung Bộ I, Tiểu kinh Khổ Uẩn, VNCPHVN, 1992, tr.215.
5. Thích Minh Châu, Trung Bộ I, Đại Kinh Xóm Ngựa, VNCPHVN, 1992, tr.610.
6. Kinh Trung Bộ I, Thích Minh Châu dịch, kinh Chánh Tri Kiến, VNCPHVN, tr.112-113.
7. Thích Minh Châu, Trung Bộ I, Kinh Saleyyaka, VNCPHVN ấn hành, 1992, tr.629
8. Kinh Pháp Cú, Thích Minh Châu, Nxb Tôn Giáo, 2000, tr.7.
9. Kinh Trung Bộ III, Thích Minh Châu dịch, kinh Tiểu Nghiệp phân biệt, VNCPHVN, tr.474.
10. Thích Minh Châu, Tăng Chi Bộ I, phẩm hạt muối, kinh hạt muối, VNCPHVN, 1996, tr.452.
11. ĐTKVN, Trung Bộ I, Kinh Tư Lượng, VNCPHVN ấn hành 1992, tr.229.

Tài liệu tham khảo:

1. Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ tập I, II, III, Viện NCPHVN ấn hành 1992.
2. Thích Minh Châu, Tăng Chi Bộ Kinh, Viện NCPHVN ấn hành, 1991
3. Kinh Pháp Cú, Thích Minh Châu, Nxb Tôn Giáo, 2000.
4. Thích Minh Châu, Tóm tắt kinh Trung Bộ, Nxb Văn Hóa Sài Gòn, 2010.
5. Đại đức Narada, Đức Phật và Phật pháp, Phạm Kim Khánh dịch, 1980.
6. Damien Keown, Dẫn luận về Đạo Đức Phật Giáo, Nxb Hồng Đức, Thái An dịch, 2016.
7. Đạo Đức Phật Giáo Trong Thời Hiện Đại, nhiều tác giả, VNCPHVN ấn hành, 1996.
8. Ledi Sayadaw, Chánh kiến và nghiệp, Pháp Thông dịch, Nxb Văn Hóa Sài Gòn, 2006.
9. Quảng Tánh, Lời Phật dạy trong kinh tạng Nikaya I,II,III, Nxb Hồng Đức, 2008.
10. Thích Chân Quang, Tâm lý đạo đức, Hà Nội, Nxb Tôn giáo, 2004.
11. Thích Minh Châu, Đạo đức Phật giáo và hạnh phúc con người, Hà Nội, Nxb Tôn giáo, 2002.
12. Thích Phước Toàn, Đạo Đức Phật Giáo Con Đường Và Sự Biểu Hiện, Nxb Hồng Đức, 2017.
13. Thích Thiện Siêu, Chữ Nghiệp Trong Đạo Phật, Nxb Tôn Giáo, 2002.
14. Thiền sư Pa-Auk Tawya Sayadaw, Vận hành của nghiệp, Pháp Thông dịch, Nxb Tôn Giáo, 2011.
15. Tỳ Kheo Hộ Pháp, Nghiệp và kết quả của nghiệp, Nxb Tôn Giáo, 2008.
16. Viên Trí, Phật giáo qua lăng kính xã hội, Nxb Hồng Đức, 2018.
17. Thích Tâm Minh, Trung Đạo Nhận Thức và Thực Hành, Nxb Hồng Đức, 2010.
18. Thích Chơn Thiện, Phật học khái luận, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1999.
19. Ấn Thuận, Phật giáo và cuộc sống, Thích Hạnh Bình dịch (2014), Nxb Phương Đông.

Download Android Download iOS
Yên Bái: Phân ban Phật tử dân tộc TƯ khởi công xây dựng 2 căn nhà Đại đoàn kết

Sáng ngày 12/10/2024 (10/9 Giáp Thìn), Phân ban Phật tử dân tộc Trung ương (PTDT TƯ) phối kết hợp với BTS GHPGVN tỉnh Yên Bái khởi công xây dựng 2 căn nhà Đại đoàn kết cho gia đình người đồng bào tại phường Hồng Hà, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái,

Đặc tính tư tưởng của thiền phái Lâm Tế ở Việt Nam

Với phương châm “tùy duyên nhi bất biến, bất biến nhi tùy duyên” Đạo Phật nói chung và Thiền phái Lâm Tế khi truyền vào Việt Nam cũng thể hiện rõ tinh thần đó. Sự tiếp biến văn hóa, sự tiếp nhận có chọn lọc đã làm cho Thiền phái Lâm Tế ở Việt Nam ăn sâu bám rễ và hòa quyện cùng văn hóa bản sắc dân tô

Yên Bái: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng khởi công xây dựng 7 ngôi nhà Từ Bi và trao 400 phần quà đến đồng bào bị ảnh hưởng bão lũ

Ngày 11/10/2024,phái đoàn Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lâm Đồng đã bắt đầu thực hiện chương trình “Chia sẻ khó khăn sau bão lũ” tại tỉnh Yên Bái, bằng hoạt động trao 400 phần quà đến đồng bào và khởi công xây dựng 5 căn nhà Từ Bi, với tổng kinh phí 700 triệu đồng.

Hà Nội: Chùa Quán Thế Âm tổ chức khoá tu mùa Thu “Tìm chút bình yên”

PSO - Tại chùa Quán Thế Âm (Sóc Sơn, Hà Nội) đã diễn ra hai ngày khoá tu mùa Thu từ ngày 5 - 6/10/2024 với chủ đề “Tìm chút bình yên“ cho 200 bạn sinh viên đến từ các trường Đại học khác nhau do sư Thầy Thích Diệu Quang - Trụ trì chùa Quan Thế Âm tổ chức.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online