MÙA NHỚ BÀ NGOẠI
Mỗi khi hoa phượng rực rỡ khoe sắc chói thắp lửa trời, bằng lăng dịu dàng áo tím giữ niềm tin thuỷ chung cho đôi lứa ở xa nhau, muồng hoàng yến e ấp trong áo vàng hoa giản dị, là tôi lại nhớ đến những ngày hè được ở cùng bà ngoại. Và mùa hè ấy luôn đồng hành nơi ký ức tuổi thơ, neo thời gian lại, ấp ủ trong tim tôi, song hành cùng tôi qua cây cầu nhân gian này.
Đó là mùa hè năm tôi thi chuyển cấp, từ lớp chín lên lớp mười, thương bà ngoại một mình buồn nên tôi xin bố mẹ đến ở với bà một vài tháng để ôn thi. Sáng nào cũng vậy, bà dậy rất sớm, trong lúc tôi quét dọn nhà cửa thì bà vệ sinh cá nhân, rồi mặc bộ quần áo nâu sồng giản dị, trải chiếu, ngồi kiết già trước bàn thờ tay lần tràng hạt, tay gõ mõ. Vốn theo bà đi chùa nhiều lần, chứng kiến nhiều buổi tụng kinh tập thể nên tôi rất ngạc nhiên khi không thấy bà để quyển kinh Phật lên giá đỡ sơn nâu trầm trước mặt, mà nhìn mà tụng như những người đệ tử nhà chùa khác, nhưng vẫn không tụng lầm chữ nào.
Không gian lúc này bỗng nhiên trở nên tĩnh lặng, thiêng liêng, thanh khiết , trang nghiêm vô cùng.
Trên bàn thờ, ảnh ngài Quán Thế Âm Bồ Tát tay cầm lộc bình, tay cầm nhành liễu, tọa thiền trên đài hoa sen nhân từ, đang chiêm nghiệm thế nhân độ thân địa ngục, ánh mắt uy nghiêm quán chiếu tam giới. Ánh mắt của Ngài như những tia mặt trời chiếu sáng thêm căn phòng nhỏ, càng làm cho bầu không khí hư ảo hơn. Bên cạnh là bình sen hồng chớm nở, thoảng dịu hương bay thanh lọc hồn người. Những lúc ấy, tôi cố gắng thật nhẹ nhàng giở từng trang sách để không phát ra tiếng động, sợ làm rối nhiễu sự tập trung của bà. Nhìn bà lúc này rất thoát tục, thanh cao, uy nghiêm như sư thầy đang giảng đạo pháp và phúc hậu như bà tiên bước ra từ cổ tích.
Tuy không hiểu gì và nghe cũng không rõ lời bà tụng nhưng tôi rất thích. Tự nhiên không cầu mà có, không chờ mà gặp, không mong mà thành, không ước mà được, cõi lòng tôi bỗng bình an tĩnh lặng đến lạ. Tôi như vừa được ở trong một khu rừng trăm hoa ngàn hương đua nhau tỏa rạng, như vừa được nghe khúc giao ca đón xuân về hợp xướng của đàn chim đại ngàn.
Trí tôi thấy nhẹ bẫng, hồn tôi lâng lâng trôi trong một suối nguồn thanh âm tinh khiết, thanh cao. Những nỗi lo bài vở, những nỗi lo về việc không thể giỏi bằng bạn bè, về việc bị phân biệt đối xử hay chưa có tiền đóng học phí, nhẹ hơn là bị bị bạn bè bắt nạt, tạm thời không còn luẩn quẩn trong lòng tôi nữa. Cái cảm giác như mình chưa bước vào thế giới của rắc rối và áp lực, thật tuyệt vời biết bao!
Sau đó hai bà cháu cùng nhau ăn sáng. Bà nhẹ nhàng giảng cho tôi nghe những luân lý ở đời, ý nghĩa của chữ tu và những đạo nghĩa của người Phật Tử, cũng như phải sống ra sao để sau này có thể trở thành một người tốt.
Bố mẹ là người mang nặng đẻ đau chắt máu tạo hình nặn ra và rạc thân nuôi tôi nên người. Còn bà ngoại chính là người gieo vào hồn tôi những mầm nhân cách. Bà ngoại tôi là một người đặc biệt. Bà có nụ cười rất thánh thiện, tiếng cười giòn tan âm vang khá xa. Những khi tôi đi học về mà bà đi vắng, thay vì gọi to như những người khác tìm người thân đi quanh xóm, thì tôi chỉ cần ra đầu khu tập thể công nhân nhà máy lắng tai một lúc là nghe được tiếng cười tươi giòn vô tư như trẻ con, trong như chuông khánh. Và chỉ cần đi theo âm vọng ấy là tôi đến được nơi có bà. Bà rất hay cười vì mọi người ai cũng muốn nghe bà cười.
Đi chợ, bà tìm hàng bà già và trẻ em ngồi bán mà mua. Sau khi trả giá và chọn được bó rau tươi nhất, bà lại trả tiền đúng giá ban đầu họ nói thách rồi bỏ bó rau xuống, cầm bó già nhất, sâu nhất hoặc những bó theo bà là khó bán hơn rồi kéo tay tôi ra về. Đến bữa trưa bà nhẹ nhàng giải thích cho tôi: “Bà trả giá và chọn rau để cho cháu biết đường mà mua bán sau này. Họ cũng nghèo như mình nhưng vất vả hơn mình nhiều, bà cho con họ thêm chút tiền mua bánh!
Mặc dù lương hưu của bà so mặt bằng chung thời ấy là cao nhưng rất ít khi bà để nhiều tiền
trong túi. Mỗi khi lấy lương bà đều chia ra ba phần, phần đầu chi tiêu sinh hoạt cá nhân, hai phần còn lại một để cho con cháu, một để cho mọi người.
Ai cho quà bánh, nếu không có tôi thì bà ăn một ít rồi đem đi chia cho con nít mấy nhà gần đấy trong khu tập thể. Có tôi bà để lại cho tôi một nửa rồi sai tôi đem đi chia. Vì vậy tất cả những đứa trẻ trong khu tập thể ngày ấy rất quý bà. Rảnh rỗi là chúng chạy sang nhà, tranh nhau kể chuyện trường lớp, rồi đấm lưng và nhổ tóc sâu cho bà.
Đi trên đường, thấy bất cứ đồ vật gì mọi người đánh rơi, cho dù là tiền, bà cũng không bao giờ nhặt và không cho tôi nhặt. Bà bảo để đấy cho người mất quay lại dễ tìm. Mỗi khi nấu ăn, bà bớt chút gạo bỏ vào cái hũ sành nhỏ, đợi có người ăn xin nào ghé qua thì đem ra cho họ.
Mỗi tháng bà ăn chay mười ngày nhưng bà vẫn đưa tiền bảo tôi muốn ăn gì thì mua. Nhưng tôi đòi ăn chay với bà. Tuy nhiên mới được ba ngày thì tôi đã nản và hỏi bà đến bao giờ mới được ăn mặn. Một thoáng buồn hiện lên trên khuôn mặt nhân từ, bà im lặng không nói gì cả. Tôi biết khi có chuyện không vui bà thường im lặng nên cũng không dám hỏi thêm. Một lúc sau bà bảo với tôi: “cháu không cần ăn chay nữa đâu! Làm việc gì cũng nên xuất phát từ cái tâm của mình, chứ đừng nên làm chỉ vì bắt chước mọi người. Nếu cháu ăn chay chỉ vì bà cũng làm vậy thì cháu sẽ không cảm nhận được giá trị mà việc ăn chay đem lại đâu. Cháu hiểu không?”
Bà tôi ít khi theo các khoá hội đi lễ các chùa xa, chùa lớn như các bà cùng tuổi. Tôi nhìn thấy họ ăn mặc đẹp, lễ vật trang trọng chuyện trò rôm rả kể cho bà nghe những chuyện vui buồn trong các chuyến đi cho bà nghe mà thắc mắc trong lòng tại sao bà không đi theo họ cho vui? Sau khi họ về, tôi đem thắc mắc ấy hỏi bà. Bà bảo chùa to hay nhỏ , đẹp hay xấu không quan trọng, quan trọng là cái tâm của mình. Tâm hướng Phật , làm thiện lánh ác, chỉ muốn đem lại niềm vui cho người khác thì ở đâu cũng được Phật chứng cho. Ngược lại, mang tâm sân si đố kỵ tranh giành, chấp niệm u mê ích kỷ tầm thường thì có đi trăm chùa ngàn am , cúng dâng bao nhiêu lễ vật sang quý cũng chỉ vô ích thôi. Không Trời Phật nào độ cả. Vậy nên mới có câu “ một bái xa bằng ba bái gần” cháu à! Tất cả đều do tâm mà ra. Tâm thiện thì luôn có Phật ở bên. Tâm ma thì quỷ đi cùng. Chữ tu trong đạo Phật nghĩa là sửa đổi , hoàn thiện con người mình tốt hơn mỗi ngày. Đơn giản vậy thôi nhưng mấy người đủ trí tuệ để nhận ra cái xấu của mình và đủ bản lĩnh để khắc chế nó. Cháu hiểu không?”
Đến tận bây giờ tôi vẫn không quên được lời bà dạy ngày ấy. Cứ như mới hôm qua bà còn ngồi bên, giảng cho tôi nghe vậy. Bây giờ, Bà tôi đã theo ông về thế giới không đêm ngày, xứ sở của mây trắng, nơi thời gian dừng lại rồi.
Tuy nhiên những ngày tháng bên bà luôn ở lại cùng tôi. Bà mãi bên tôi trong những buổi chợ khi tôi chọn bó rau xấu nhất đem về, mặc cho bao người chê không biết mua bán. Bà bên tôi khi đi đường, nhắc nhở tôi đừng tham những thứ không thuộc về mình… Và mỗi khi hoa phượng gọi hè trở lại, thì nỗi nhớ bà bao giờ cũng cồn cào da diết trong tôi hơn các mùa khác. Vì vậy nên tôi đặt tên cho mùa hè là mùa nhớ bà ngoại!