Gửi con mùa Vu lan - Viết - Dương Giang Châu

Nghe đọc bài:

 GỬI CON MÙA VU LAN

 

Con gái, mẹ không định viết những dòng này, nếu không phải vì câu hỏi của em trai con: “Mẹ nhớ bà ngoại à?”. Mẹ không trả lời. Mẹ đơ ra ngắm những hạt mưa dệt kín không trung. Rồi mẹ ngước nhìn lên, ước nhìn thấy một ảnh hình mà mẹ sợ, rất sợ, một mai già nua, mẹ quên đi mất. Đó là bà ngoại của con. 

 

Em con lăng xăng chạy ra giá sách lấy bút màu. Nó hì hục tô tô vẽ vẽ hồi lâu, rồi rón rén đến bên, đặt bức tranh vào lòng mẹ. Nhìn bức tranh, mẹ mỉm cười, không hiểu. Em giải thích cho mẹ nghe, rằng đây là bà ngoại, bà ăn trầu môi đỏ như son. Bà đang nắm lấy tay mẹ dắt đi. Điều thú vị là cả bà và mẹ trong tranh đều mặc váy xinh đẹp lắm. Bên trên là bầu trời xanh, ông mặt trời tỏa ra những tia nắng ấm áp. Em hỏi: “Mẹ có thích không, con đã kiếm bà ngoại về cho mẹ đó!”. Rồi em không hỏi gì thêm, lặng lẽ vòng tay ôm lấy mẹ. Tay em ngắn quá, mẹ liền kéo em ngồi xuống, ôm em vào lòng. Mẹ và em cứ ngồi ngắm mưa như thế, trước hiên nhà – cơn mưa ngâu dai dẳng suốt từ cuối tuần chẳng dứt.

 

Mẹ nhớ…Là bởi mẹ vừa mơ thấy bà ngoại. Bà đứng bên giường mẹ rất lâu, khuôn mặt hiền hậu, đôi mắt đăm đắm cứ xót xa nhìn, rồi bà khẽ khàng ngồi xuống ôm lấy mẹ. Bà không nói gì, chỉ vuốt tóc và vỗ cho mẹ ngủ. Nhịp tay đều đặn, hệt như ngày xưa bà vỗ ru con. Cứ thế, vết đau trên cơ thể mẹ tan dần, tan dần. Thế thôi, mà mẹ ngủ rất ngon lành, sau bao đêm không tài nào chợp mắt. Tỉnh dậy, mẹ chới với tìm mà không thấy ngoại đâu. Và lạ, hình như mẹ bớt đau nhiều.

 

Bà ngoại của con là thế đó. Bất cứ lúc nào mẹ đau hay muộn phiền, bà đều trở về trong những giấc mơ của mẹ. Bà không nói gì, chỉ ôm lấy mẹ, hoặc mỉm cười thật hiền giống như ông bụt bà tiên trong truyện cổ. Nhưng mẹ nhận ra điều đó thì cũng đã muộn rồi...

 

Mẹ nhớ, hồi còn đi học như con, có một lần mẹ đã rất hư. Hôm đó, mẹ theo bà ra ruộng ngô rẫy cỏ. Mẹ vụng về lia chiếc rầm chết mấy cây ngô xanh mỡ. Bà ngoại tiếc xót quá mới quay ra dạy mẹ phải thế này, thế kia. Mẹ cãi bà, không chịu kém một câu. Lúc ấy, mẹ cứ cãi cho “sướng miệng”, kiểu như không cãi không chịu được. Mẹ còn nói thêm một câu rất hỗn: “Mẹ thì biết cái gì!”. Rồi mẹ quăng rầm đi, ngồi đó chơi không, kệ bà hì hụi làm việc một mình khi nắng đã đốt lên hừng hực.

 

Thực ra, lúc bấy, mẹ ý thức được như thế là hỗn láo. Nhưng không hiểu sao con quỷ xấu xa trong mẹ trỗi dậy, nó xúi mẹ cứ làm ngược lại. Tệ hơn, nó khiến mẹ có cảm giác “hả hê” vì “thắng” mẹ mình. Vậy mà, bà không đánh mắng, bà vẫn cặm cụi ngồi rẫy cỏ, rồi lắc đầu, thở dài, xem chừng rất đỗi buồn phiền: “Mẹ không nói được con nữa rồi!”. 

 

Lúc ấy, mẹ chỉ nghĩ giản đơn là bà quá hiền, mà thực, mẹ chưa từng gặp một ai hiền như ngoại trên đời. Rồi mẹ nghĩ thêm, chắc tại bà ham làm cho xong nên thôi kệ, mà mẹ đâu hiểu nổi là vì ngoại quá bao dung.

 

Mẹ càng hả hê hơn, ngồi đó, bứt lá cỏ bợ chơi, rồi eo ẻo hát như trêu ngươi ngoại. Một lúc sau, mẹ nghe thấy tiếng sụt sịt. Ngoại khóc. Tay ngoại vẫn lia cỏ, từng bụi cỏ bật tung lên đầy những đất. Không có tay lau nước mắt, ngoại đưa cánh tay áo lên quệt, quệt. Rồi bất giác, mẹ nhìn thấy tấm lưng áo của bà đẫm mồ hôi, nó vằn lên hàng ngàn những vết mốc xanh đen loang lổ. Mẹ ứa nước mắt. Mẹ thấy lòng rối bời. Mẹ im bặt không hát nữa. Mẹ nghẹn lại. Nhưng mẹ bối rối, mẹ không biết phải làm gì sau đó. Mẹ muốn nói lời xin lỗi bà, nhưng cái gì đó rất tệ đã ngăn mẹ lại. Mẹ cảm thấy mình thừa thãi.

 

Muộn, ngoại giục mẹ đứng lên thu lượm đồ để ra về. Mẹ chỉ biết răm rắp làm theo mà thấy tim mình có cái gì nằng nặng.

 

Dưới trời nắng như nung hôm ấy, mẹ cứ im lặng đi về cùng ngoại trên con đường làng ngoằn ngoèo, xa tít, không có bóng dáng bất kỳ ai. Mẹ muốn nói lời xin lỗi mà...mẹ không nói được. Mẹ đã giơ bàn tay nhỏ xíu đầy đất cát của mình lên trước, toan túm lấy vạt áo bạc phếch của ngoại để nói một câu gì. Nhưng rồi, bàn tay mẹ lại vụng về rụt lại. Vừa lúc, bà quay lại, hình như bà hiểu. Bà chợt mỉm cười, xòe tay ra, nắm tay mẹ kéo đi. Trong bàn tay đen đúa nhựa cỏ, thô ráp những vết chai của ngoại, bàn tay nhỏ bé của mẹ run lên vì xúc động. Chưa bao giờ mẹ thấy có một bàn tay nào ấm áp như thế.

 

Cảm giác đó vẹn nguyên trong mẹ tới tận hôm nay. 

 

Sau này, lớn lên một chút, mẹ nghĩ, ngoại sẽ chẳng nhớ gì chuyện cũ, bởi ngoại rất nhân từ. Dù vậy, mẹ vẫn luôn cố gắng làm được nhiều hơn để chuộc lại lỗi lầm. Và dù không ít lần, mẹ đã cố gạt đi, cố nghĩ đó là “chuyện nhỏ” nhưng nó thì không thế. Nó vẫn như một vệt đinh, theo thời gian lại ố những gỉ vàng. 

 

Và con thấy đấy, mẹ đã chẳng còn cơ hội nữa. Bà về trời đã sáu năm nay, và Vu lan nào cũng khiến mẹ thật buồn.  

 

Mẹ nghĩ, điều mẹ có thể làm hôm nay là viết cho con. Con có cả thế giới trong chiếc Smartphone, con có thể đắm say Black Pink hay thần tượng, con có thể yêu mến, tôn sùng bất kì ai khác...Chỉ cần con nhớ, con có một người mẹ, ở ngay bên con, trong một mái nhà.

 

Con gái, Vu lan lại gõ cửa rồi. Mẹ sẽ nhìn lên ngực trái của mình để sống. Mẹ luôn nhắc mình cố gắng, không làm đau đấng sinh thành lần nữa. Mẹ muốn ngoại mỉm cười, an nhiên nơi chín suối. Mẹ muốn ngoại không vướng bận âu lo như đóa hoa trắng muốt kia. Còn con, con hãy nhìn lên ngực mình, hãy nhìn lên bông hoa màu đỏ thắm. Mẹ mong con không giống mẹ, mong con không một lần phải ước “giá như”…


 

Download Android Download iOS
TP.HCM: Tưởng niệm lần thứ 25 Thiền sư Duy Lực – Tổ sư thiền Việt Nam

Sáng ngày 01/01/2025 (Nhằm mùng 2 tháng Chạp năm Giáp Thìn) tại chùa Phật Đà (Quận 3, TP.HCM) Môn đồ pháp phái Tổ sư thiền đã trang nghiêm làm lễ tưởng niệm lần thứ 25 cố Thiền sư Hòa thượng Thích Duy Lực, người sáng lập pháp môn Tổ sư thiền tại Việt Nam.

Đức tính của Bồ tát Quán Thế Âm trong tôn dung của người nữ

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt thì hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm trong thân tướng người nữ là phổ biến nhất, có lẽ đây là phương thức thờ phượng chính yếu của người Việt đối với đức Quán Thế Âm từ ngàn xưa.

TP.HCM: Lễ hằng thuận tại chùa Thiên Tôn

PSO - Ngày 30/12/2024 (nhằm ngày 30/11/Giáp Thìn), Ban Hướng dẫn Phật tử TP.HCM kết hợp chùa Thiên Tôn tổ chức lễ Hằng Thuận cho Phật tử Thanh Minh Trí, thế danh Nguyễn Hồng Sơn và Phật tử Hạnh Quang, thế danh Nguyễn Thị Bảo Châu.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online