Tại buổi lễ, chư Tôn đức và đại diện chính quyền địa phương cũng có những lẵng hoa tươi thắm chúc mừng Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu PL2563 – DL2019.
Trong niềm hoài cảm sâu lắng về hai đấng sinh thành, đại chúng đã cùng lắng đọng tâm tư nghe NSND Lan Hương đọc bài cảm niệm vu lan, trong tiếng đàn bầu sâu lắng, chất chứa những tâm tư trĩu nặng, từng lời cất lên như đang đánh thức những trái tim tạm ngủ say trước vòng xoay cuộc đời mà quên đi ân tình sâu nặng của hai đấng sinh thành.
Những câu văn xúc động, nghẹn ngào của Nghệ sĩ Lan Hương như những lời sám hối khiến đâu đó xuất hiện những gương mặt đượm buồn, ánh nhìn chất chứa những nỗi nhớ niềm thương tới đấng sinh thành, và cả những giọt nước mắt hối hận lăn dài trên má, những tiếng nấc nghẹn ngào cứ khẽ cất lên vì những lỗi lầm dù vô tình hay cố ý mà ta đã phạm phải làm tổn thương cha mẹ.
Một trong những phần quan trọng nhất của buổi lễ đó chính là nghi thức cài hoa hồng. Trong dòng cảm xúc về cha về mẹ, những bông hồng đã được nâng niu, trân trọng cài lên ngực những người con hiếu thảo. Giây phút thiêng liêng, lắng đọng mà tất cả mọi người con Phật đều ước mong khi ngày báo hiếu trở về, đó là giây phút được cài lên ngực những đoá hồng tươi thắm, để ý thức mình còn diễm phúc có mẹ cha bên cạnh.
Mùa Vu lan Báo hiếu, cũng là lúc Chư Tôn đức Tăng, Ni thêm một tuổi đạo sau khi kết thúc 3 tháng an cư kiết hạ. Đây chính là dịp để hàng Phật tử noi theo gương Tôn giả Mục Kiền Liên, bày tỏ lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ, lòng quý kính chư Tôn đức Tăng Ni - những bậc thầy khả kính đã hy sinh trọn cả đời mình để phục vụ chúng sinh, làm tốt đạo đẹp đời. Toàn thể đạo tràng đã trang nghiêm và thành kính dâng lời tác bạch cúng dường phẩm vật lên chư Tôn đức Tăng, Ni bày tỏ tấm lòng chí thành chí kính, ngõ hầu đáp đền thâm ân tái tục trong muôn một.
Trong buổi lễ, trên tư tưởng “thượng cúng dàng hạ bố thí”, với tinh thần từ bi của đạo Phật, kết hợp với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của người Việt, nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu, Đại Đức trụ trì cũng có những phần quà gửi tặng tới các em nhỏ học giỏi và có hoàn cảnh khó khăn tại trường tiểu học và trung học cơ sở trị trấn Gôi.
Nhân dịp này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có lời đạo từ tới toàn thể đại chúng. Hòa thượng cho biết: "Lễ vu lan báo hiếu vốn xuất thân từ 1 trong 10 người đệ tử lớn nhất của đức Phật đó là Thánh Tăng tôn giả Mục Kiền Liên được đức Phật công nhận là “thần thông đệ nhất”. Lễ vu lan nặng tình hiếu đạo chuyển tải tinh thần uống nước nhớ nguồn, nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ. Lễ vu lan đã hòa cùng dòng chảy văn hóa lịch sử của Việt Nam. Tinh thần “tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật” của Phật giáo đã hòa nhập vào dòng chảy văn hóa của người Việt là tri ân, báo ân nói chung và biết ơn cha mẹ nói riêng, để rồi nghi lễ truyền thống của Phật giáo hợp lại với văn hóa của dân tộc Việt trở thành mùa lễ hội Vu Lan của dân tộc Việt Nam”.
Hòa thượng nhấn mạnh “Trong đạo Phật chủ yếu nhắc là giáo dục con người, trọng tâm của giáo dục con người để trở thành một con người hoàn thiện trước nhất phải biết tới công ơn của cha mẹ. Trong suốt 45 năm thuyết Pháp của Đức Phật được ghi lại trong Tam Tạng thánh giáo đều đề cao chữ Hiếu”. Qua đó, Hòa thượng cũng đã chia sẻ cho đại chúng hiểu về tinh thần Hiếu đạo của Đức Phật trong nhiều kiếp quá khứ cũng như trong kiếp hiện tại sau khi đã trở thành Bậc Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác, được tôn kính là bậc Thế Tôn của thế gian, bậc thầy của ba cõi, cha lành của bốn loài. Đức Phật chính là một tấm gương hiếu hạnh sáng ngời nhất qua trở về hoàng cung thăm vua cha tới 3 lần, khi vua cha mất Ngài đích thân khiêng linh cữu của vua cha. Ngoài ra đối với Mẫu hậu - Thánh Mẫu Maya, Ngài đã lên cung trời Đao Lợi để thuyết pháp cho mẫu thân nghe. Đối với Di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề - người đã nuôi Ngài từ lúc 7 ngày tuổi đến khi trưởng thành, Ngài đã nhận lời thỉnh cầu của đức Di mẫu và công chúa Da Du Đà La, thành lập lên giáo đoàn Ni mà ngày nay tất cả các vị Ni giới, tức là các vị Sư nữ đều tôn kính phụng thờ theo tinh thần của đức Di mẫu xuất gia làm Tổ của các vị Ni.
Tinh thần hiếu đạo của đạo Phật truyền vào Việt Nam, người Việt Nam tổ tiên dạy con cháu rằng: trong trăm điều phúc không phúc nào lớn bằng con cháu biết hiếu kính cha mẹ và ông bà, lúc sinh thời phụng dưỡng chăm sóc, nghe lời dạy bảo, giữ gìn truyền thống gia đình, lúc quá cố phụng thờ và tiếp nối truyền thống. Ngược lại trong trăm điều tội, không tội nào nặng bằng tội bất hiếu. Do đó mà ngày lễ Vu Lan đã ăn sâu vào trong lòng dân tộc “Cúng quanh năm không bằng rằm tháng bảy”. Ông cha ta tin tưởng rằng vào dịp lễ này các hương linh ông bà, cha mẹ, tổ tiên quá vãng được nhờ Phật lực gia trì, nhờ công đức chư Tăng trong mùa an cư mãn hạ mà được siêu sinh thoát hóa. Nhưng đối với những người còn cha mẹ, Đức Phật dạy rằng “Không có tiền bạc nào quý bằng khi còn cha mẹ hiện tại, hãy biết trân quý”, bởi cha mẹ là vật báu, là tài sản quý giá nhất.
Nhân đây, Hòa thượng đã tán thán công đức phụng sự đạo Pháp của Đại đức trụ trì Thích Hạnh Bích, bởi “Hôm nay tuy rằng cách lễ Vu Lan chính thức đã 5 ngày, tức là hôm nay vào ngày 20 tháng 7 âm lịch, nhưng Đại đức Thích Hạnh Bích - trụ trì chùa Tiên Sơn (chùa Cao) thị trấn Gôi – huyện Vụ Bản đã tổ chức lễ vu lan trong không khí trang nghiêm tại cơ sở chùa mới dưới chân núi cho gần gũi với dân cư hơn. Điều này nói lên tinh thần phụng sự đạo Pháp và phổ độ Phật pháp trong nhân gian của Đại đức Thích Hạnh Bích bấy lâu nay. Với tuổi trẻ trí nguyện lớn, với đạo hạnh tu tập, Đại Đức đã trụ trì hàng chục năm tại ngôi chùa nơi đây, bên cạnh đó còn dấn thân lên vùng miền Tây Bắc của chúng ta, tỉnh Thái Nguyên để cùng chư Tôn đức Phật giáo tại địa phương và các nơi thành lập và hoằng truyền Phật pháp. Đó là một tinh thần đáng trân trọng và khích lệ”.
Sau đó, Hòa thượng cũng bày tỏ niềm hoan hỷ trước nghi thức dâng trà vừa rồi. Theo Hòa thượng, nghi lễ đó đã “truyền tải tinh thần hiếu kính cha mẹ, biết ơn, vâng lời cha mẹ, biết ơn thầy cô, chăm ngoan học hành cho các thế hệ, đây là một tinh thần giáo dục rất cao trong cộng đồng. Hôm nay chúng tôi và chư Tăng Ni có mặt ở đây rất vui mừng trong nghi lễ này. Thứ nhất, Đại Đức đã vượt qua 1 điều đặc biệt là thời gian bởi vì miền Bắc chúng ta quan niệm sau rằm là hết Vu Lan, nhưng Đại Đức tổ chức ngày hôm nay để nói lên rằng: Vu lan báo hiếu không phải chỉ trong tháng 7 mà người con phải hiếu kính cha mẹ trong suốt cả năm 365 ngày đó là vượt qua yếu tố về thời gian. Thứ hai, Đại Đức đã tổ chức lần đầu tiên nơi chùa có không gian chật nên Đại Đức đã dùng nơi không gian ngôi chùa mới dưới chân núi này để gần với cộng đồng dân cư hơn, đó là vượt qua về yếu tố không gian tất cả chỉ nhằm mục đích truyền tải tinh thần của Phật giáo, giáo dục con người, xây dựng con người hoàn thiện nhân cách mà trước nhất là phải biết hiếu kính cha mẹ để phù hợp với tinh thần mà trong Tam Tạng Thánh Giáo đức Phật đã dạy".
Qua đây Hòa thượng cũng tán thán công đức của chư Tôn đức Tăng Ni bởi “trong mùa an cư các vị tối nay vẫn còn kham nhẫn để vượt qua giới luật trong buổi tối không được ra khỏi trường để vì chúng sinh mà phục vụ vì Đức Phật chế “quyền phương tiện”. Hòa thượng cũng tán thán các vị lãnh đạo từ huyện, thị trấn cho tới nhân dân đồng bào Phật tử, các em học sinh của 2 trường học đã về dự lễ.
Cuối cùng, Hòa thượng mong rằng “ mãi về sau, tinh thần, lời dạy của đức Phật, lời dạy ông bà tổ tiên, chúng ta sẽ thấm nhuần và lan tỏa tinh thần tri ân và báo ân tới các vùng sâu và sống có ích cho cuộc đời. Báo ơn của chúng ta là mong làm sao mọi người được bình đẳng như nhau. Ngày hôm nay, trong nghi lễ trang trọng này, Đại đức đã tặng quà cho các em khuyết tật, các em có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, cũng như động viên các em học sinh giỏi để chúng ta cầu mong cho thế hệ mai sau, cầu mong cho đất nước chúng ta càng ngày càng phát triển ổn định, hòa bình, mưa thuận gió hòa và đất trời bình yên”.