PSO - Sáng ngày 10/8/2024 (nhằm ngày 07/7/Giáp Thìn), tại Hội trường chùa Sùng Ân (phường Phủ Hà, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh tổ chức buổi tọa đàm Phật pháp với chủ đề “Chữ Hiếu trong đạo Phật”.
Quang lâm chứng minh và tham dự có HT. Thích Hạnh Thể - Ủy viên HĐTS, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, Chứng minh buổi tọa đàm; TT. Thích Hạnh Huệ - Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh; HT. Thích Thiện Niệm - Trưởng Ban Nghi lễ GHPGVN tỉnh; TT. Thích Thông Huệ - Phó Trưởng Ban Trị sự kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tăng sự GHPGVN tỉnh; TT. Thích Minh Tánh - Phó Trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức; TT. Thích Tâm Ngọc - Phó Trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế GHPGVN tỉnh; TT. Thích Hạnh Tú - Trưởng Ban Văn hóa GHPGVN tỉnh; ĐĐ. Thích Thông Ngộ - Phó Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, Phó Hiệu trưởng kiêm Chánh Thư ký Ban Giám hiệu trường TCPH Ninh Thuận; cùng chư Tôn đức Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh.
Về phía chư Ni có NT. Thích nữ Mỹ Đức, NT. Thích nữ Mỹ Thái - đồng Chứng minh Phân ban Ni giới GHPGVN tỉnh; NS. Thích nữ Đức Hải - Phó Trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng Phân ban Ni giới GHPGVN tỉnh; NT. Thích nữ Liên Thắng - Nguyên Trưởng Ban Kinh tế Tài chính GHPGVN tỉnh; cùng chư Tôn đức Ban Thường trực Ban Trị sự các huyện và thành phố, Ban Tổ chức, Trụ trì các Tự viện và hơn 200 Phật tử trên toàn tỉnh đồng về tham dự.
Trước khi bắt đầu buổi tọa đàm, ĐĐ. Thích Thông Ngộ - Phó Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã công bố Quyết định chuẩn y nhân sự bổ sung của Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh.
Sau phần công bố Quyết định từ Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, TT. Thích Hạnh Huệ - Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã trao Quyết định đến các thành viên Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh.
Tiếp theo, TT. Thích Minh Tánh - Trưởng Ban Tổ chức đã phát biểu khai mạc buổi tọa đàm: “Hạnh hiếu đã bao đời gắn bó với người dân Việt, và đã tồn tại với nếp sống của người Việt Nam hơn hai ngàn năm lịch sử. Cho đến hôm nay, vẫn luôn hòa quyện với người dân Việt hơn bao giờ hết. Hơn thế nữa, khi hạnh hiếu đến với đạo Phật đã mang một di sản thật đậm nét nhân văn bất hủ trong ý nghĩa: Tâm hiếu tức tâm Phật, hạnh hiếu tức hạnh Phật”.
Nhân dịp này, Ban Tổ chức đã vinh dự đón nhận những lẵng hoa tươi thắm từ Ban Trị sự GHPGVN tỉnh và các ban ngành Phật giáo tỉnh nhà.
Ban đạo từ tại buổi lễ, HT. Thích Hạnh Thể bày tỏ niềm hoan hỉ khi thấy được Phật giáo tỉnh nhà ngày một khởi sắc; Hòa thượng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hiếu hạnh, đây chính là lõi sống nhân văn của dân tộc Việt. Đồng thời, Hòa thượng đã nhắc lại hạnh đại hiếu của Đức Phật cùng các vị Thánh đệ tử của Ngài, từ đó khơi gợi lại công ơn thù thắng của hai đấng sinh thành và khuyến tấn hàng Phật tử luôn gìn giữ, phát huy tinh thần tri ân - báo ân. Kết lời, Hòa thượng kì vọng qua buổi tọa đàm này, Phật giáo tỉnh nhà sẽ đúc kết, thể hiện và lan tỏa được những giá trị nhân văn cao quý về hạnh hiếu nhân mùa Vu Lan này.
Bắt đầu buổi tọa đàm là phần chia sẻ đầu tiên của TT. Thích Thông Huệ với đề tài: “Lễ hội văn hóa tình người”. Thượng tọa chia sẻ: Lễ hội là một hoạt động văn hóa, tinh thần của nhân dân được hình thành trong quá trình lịch sử, ngày Vu Lan đã trở thành một lễ hội văn hóa truyền thống, là ngày đền ơn đáp nghĩa không chỉ riêng cho những người con Phật mà chung cho cả dân tộc Việt Nam. Vì sao gọi Vu Lan là Lễ hội văn hóa tình người? Vu Lan báo hiếu là một trong những ngày lễ văn hóa đã in sâu trong tâm hồn mỗi người dân Việt, bởi vì trong lễ này không chỉ là báo ân sanh thành dưỡng dục của cha mẹ mà là lễ hội có ý nghĩa đặc biệt, hướng con người biết tri ân, báo ân ông bà tổ tiên, ân chư vị tổ sư, ân sư trưởng, ân chúng sanh, ân các anh hùng liệt sĩ, ân tổ quốc. Đây là lễ hội mang đậm nét truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.
Phiên tọa đàm thứ hai, là chia sẻ của ĐĐ. Thích Nguyên Huấn - Trưởng Ban Pháp chế GHPGVN tỉnh với đề tài: “Vu Lan - Mùa hiếu hạnh”. Đại đức chia sẻ: Tình thương của cha mẹ dành cho con cái chẳng thể nào đong đếm, chẳng ngôn ngữ nào diễn đạt trọn vẹn. Tình yêu thương ấy bao la, rộng lớn như biển sâu, như núi cao. Nên chúng ta không biết còn cha còn mẹ là một diễm phúc, là một món quà quý, là hạnh phúc tuyệt trần để chúng ta hưởng thụ, thì đó là một thiệt thòi rất lớn. Bên cạnh đó, để đại chúng hiểu rõ công ơn khó nhọc của cha và mẹ, Đại đức cũng phân tích rõ ý nghĩa của chín chữ cù lao (sinh, cúc, phủ, súc, cố, dục, trưởng, phục, phúc).
Tiếp đến là phần tọa đàm của TT. Thích Hạnh Tú với đề tài: “ Hoa hồng mùa báo hiếu”. Thượng tọa đã trình bày ý nghĩa và xuất xứ hoa hồng: Hoa hồng không chỉ tượng trưng cho lòng chân thành, son sắc, tình yêu đôi lứa, mà còn theo quan điểm Phật giáo và đặc biệt trong dịp lễ Vu lan thì hoa hồng tượng trưng cho sự thành kính, trân trọng, biết ơn, hiếu thảo của con cái đối với bậc sinh thành, dù cho họ còn hay không còn trên cõi đời này. Và trong lễ Vu Lan của người Việt Nam có nghi thức “Bông hồng cài áo”, nghi thức này được xuất hiện vào khoảng thập niên 60, do Thiền sư Thích Nhất Hạnh đề xuất. Thiền sư Nhất Hạnh thấy việc cài hoa trên ngực áo để tưởng nhớ mẹ, việc này mang ý nghĩa sâu sắc đậm chất tình người, nên Ngài đã áp dụng nghi thức bông hồng cài áo vào ngày lễ Vu lan.
Phiên tọa đàm thứ tư là chia sẻ của cư sĩ Võ Tấn Khanh - Giảng viên trường TCPH Ninh Thuận, với đề tài “Hiếu tâm và Vu Lan”. Ông đã chia sẻ về cuộc đời của mình, qua những năm tháng có mẹ và nỗi nhớ mẹ khi bà không còn trên cõi đời, bằng những tình cảm thương kính mà không bút mực nào tả hết được: “Những ngày cuối đời, cơ thể tàn úa quắt queo, mẹ nằm co quắp. Nhìn mẹ, tôi không cầm nổi nước mắt. Ngày mẹ mất, lo đám xong, mẹ đã yên nghỉ chỗ nằm, tối hôm đó về, tôi quỳ trước bàn linh, úp mặt, mặc cho nước mắt tuôn trào”.
Phiên tọa đàm thứ năm là chia sẻ của NT. Thích nữ Mỹ Đức về đề tài: “Hiếu đạo vô tận của Bồ tát Địa Tạng”. Hiện nay, chính là thời điểm mà chúng ta nên mở rộng hiếu đạo theo tinh thần của Bồ tát Địa Tạng, thực hành hiếu đạo vô tận của Ngài. Thực sự, mọi người đều có thể học theo tinh thần của Bồ tát Địa Tạng, bởi mình vì người thì người sẽ vì mình, dùng tài thí để xua tan nỗi khổ trong đời sống của mọi người, dùng pháp thí cứu giúp sự đói khát về tinh thần cho mọi người, dùng sự tôn kính người già, tôn trọng người hiền để thay thế sự cao ngạo và thành kiến; dùng tâm từ bi thương yêu, bảo hộ để thay thế sự cay nghiệt và thiếu tình cảm; dùng sự giúp đỡ khoan dung để thay thế sự thù hận và đối địch. Điều này sẽ khiến cho mọi người đều lấy tâm tri ân và báo ân để gỡ bỏ sự đau khổ của cá nhân. Mọi người cùng phục vụ xã hội, tạo phúc cho quần chúng, cùng nỗ lực cho tiền đồ của nhân loại.
Phiên tọa đàm thứ sáu với đề tài: “Nguồn gốc và ý nghĩa của lễ Vu Lan” qua phần chia sẻ của NS. Thích nữ Liên Tuyền - Trưởng Ban Kinh tế Tài chính GHPGVN tỉnh. Ni sư chia sẻ: Lễ Vu Lan bắt nguồn từ câu chuyện cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ của Đại đức Mục Kiền Liên. Ngài là một trong hai đại đệ tử đáng kính của Phật Thích Ca. Sau khi đạt được chính quả, Ngài dùng phép thần thông và biết rằng mẹ mình là bà Thanh Đề đang phải chịu kiếp ngạ quỷ nơi địa ngục vì nhiều nghiệp ác đã gây ra lúc sinh thời. Quá đau lòng trước tình cảnh ấy, Mục Kiền Liên đã quay về gặp Đức Phật mong tìm cách cứu mẹ.
Phiên tọa đàm cuối với đề tài: “Chữ hiếu trong học đường” do Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thanh Nhị: Trong học đường đối với người thầy, hiếu là giáo huấn, bảo ban cho thế hệ trẻ kiến thức và lẽ sống. Thầy không những dạy chữ mà còn dạy người cho trò. Hiếu là trách nhiệm của người thầy trong việc truyền đạt kiến thức và rèn luyện nhân cách cho trò. Hiếu là sự hy sinh thầm lặng của người thầy nuôi dưỡng trí tuệ và vun bồi đức hạnh cho trò theo từng lứa tuổi, từng hoàn cảnh để trò lớn khôn. Hiếu là sự yêu thương, tôn trọng, bao dung của thầy dành cho trò khi còn ở trong trường và mãi về sau.
Kết thúc phần tọa đàm Phật pháp là Lễ Khánh tuế và cài hoa hồng tưởng nhớ tứ trọng ân. Đối trước chư Tôn đức chứng minh, Ban Tổ chức đã dâng lời tác bạch mừng khánh tuế và cử hành nghi thức bông hồng cài áo.
Đáp từ tại buổi lễ, TT. Thích Hạnh Huệ đã chúc mừng buổi toạ đàm thành công viên mãn. Bên cạnh đó, Thượng toạ đã gợi nhớ lại về ý nghĩa tứ trọng ân, đồng thời tán dương công đức chư Tôn đức Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh đã tổ chức buổi toạ đàm đầy ý nghĩa, nhân văn sâu sắc.
Kết thúc buổi tọa đàm “Chữ Hiếu trong đạo Phật” đã thành tựu viên mãn, buổi tọa đàm khép lại, nhưng tâm Hiếu hạnh của người con Phật giờ đây đã được lan tỏa khắp nơi đến với mọi người nhất là trong mùa Vu Lan này.
Một số hình ảnh ghi nhận được:
Ban Thông tin - Truyền thông GHPGVN tỉnh Ninh Thuận