PSO - Sáng ngày 01/12/2023 (nhằm ngày 19/10/Quý Mão), tại Chùa Sùng Ân (phường Phủ Hà – Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) - trụ sở Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Thuận, HT. Thích Thọ Lạc - Ủy viên Thường trực HĐTS, Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN đã quang lâm từ lời cung thỉnh của chư Tôn đức Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh và triển khai các đề án: “Pháp phục - Ngôn ngữ - Nghệ thuật và Biểu tượng Văn hóa Phật giáo” tại Khóa Bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh tổ chức.
Trước khi triển khai các đề án, Hòa thượng đã trình bày các yếu tố của văn hóa Phật giáo để Tăng Ni có thể hiểu một cách cụ thể về khái niệm, đặc trưng, thực trạng và định hướng văn hóa Phật giáo.
1. Khái niệm văn hóa Phật giáo: Giới - Định - Tuệ là nền tảng tu học của Tăng Ni, ăn chay vì lòng từ bi,... đây là phong cách của Phật giáo, là văn hóa Phật giáo. Có 2 loại: văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.
a. Văn hóa vật thể: những gì có thể nhìn bằng mắt (chùa, tượng, pháp khí, pháp phục, kinh sách,....)
b. Văn hóa phi vật thể: đạo đức, đạo hiếu, phong cách, pháp môn hành trì,...
2. Đặc trưng Văn hóa Phật giáo: pháp phục, tụng niệm, bài trí thờ tự, ngôn ngữ...mỗi vùng miền khác nhau nên đặc trưng văn hóa vùng miền cũng khác nhau. Tuy vậy, mục đích cuối cùng của Phật giáo là làm chủ chính mình, an lạc, giải thoát, ban vui, cứu khổ, đem hạnh phúc đến với nhân loại.
3.Thực trạng văn hóa Phật giáo Việt Nam:
- Kiến trúc: chưa có căn cứ và tiêu chuẩn nhất phân biệt kiến trúc chùa Việt Nam và các nước;
- Pháp phục: chưa được thống nhất, pháp phục Tăng Ni Việt Nam theo phong cách của Trung Quốc và Campuchia;
- Ngôn ngữ: chưa có nghi thức tụng niệm thống nhất giữa các vùng miền cũng như quốc tế;
- Di sản: kiến trúc chùa cổ không còn phù hợp với tín ngưỡng trong hiện nay vì kiến trúc chùa cổ thấp, không gian hẹp, thờ nhiều tượng; ngày nay nhu cầu tu học của tín đồ ngày càng tăng nên kiến trúc chùa cũng thay đổi.
4. Định hướng: thống nhất các đề án đã đưa ra; Trong 04 đề án, đã được phê duyệt 02 đề án, 02 đề án còn lại vẫn đang nghiên cứu để đưa ra giải pháp tối ưu nhất. 02 đề án đã được Hòa thượng Chủ tịch HĐTS GHPGVN quyết định, ấn ký vào ngày 14/04/2021 và cho phép công bố chính thức tới Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh thành đó là:
- Quyết định: 76/QĐ - HĐTS về việc Phê duyệt nội dung khóa tụng hàng ngày sử dụng trong nghi lễ của GHPGVN;
- Quyết định: 77/QĐ- HĐTS về việc đăng ký Bản quyền tác giả cho tác phẩm và thực hiện phát huy pháp phục Phật giáo Việt Nam.
Hòa thượng đã nêu lên quan điểm văn hóa Phật giáo và văn hóa Dân tộc Việt Nam luôn dung hòa, dung hợp như bóng với hình, như nước với sữa. Suốt chiều dài lịch sử hơn 2000 năm, Phật giáo đã đồng hành và có sức ảnh hưởng rất lớn với dân tộc Việt Nam. Với phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa Phật giáo tức là phát triển các giá trị văn hóa Dân tộc Việt Nam. Văn hóa Phật giáo Việt Nam tạo nên sự trang nghiêm của Phật giáo Việt Nam.
Ngoài các ý nghĩa trên, Phật giáo Việt Nam còn có các biểu tượng: trụ kinh (bài kinh: Chuyển pháp luân, bài kinh: Lõi cây) và bánh xe chuyển pháp luân. Còn có các biểu tượng khác đang được nghiên cứu và đề xuất: biểu tượng Phật đản, Vu Lan.
Kết thúc buổi thuyết trình, Hòa thượng khuyến tấn Tăng Ni cùng đồng hành, phối hợp với Ban văn hóa Trung ương lan tỏa các giá trị văn hóa Phật giáo và xây dựng văn hóa Phật giáo Việt Nam thống nhất với các đề án đã đưa ra. Hòa thượng khuyến khích Tăng Ni đóng góp ý kiến cho các công trình nghiên cứu văn hóa Phật giáo Việt Nam hoàn thiện hơn.
Ban TTTT PG tỉnh Ninh Thuận