PSO - Nhận lời cung thỉnh từ Ban thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Thuận, chiều ngày 29/11/2023 (nhằm ngày 17/10/Quý Mão), TT. Thích Phước Nguyên – Phó Tổng Thư ký HĐTS kiêm Chánh Thư ký Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN đã quang lâm tham dự và triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX (nhiệm kỳ 2022 - 2027) tại Khóa Bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh tổ chức.
Mở đầu cho buổi thuyết trình, Thượng toạ đã trình bày ngắn gọn 12 Nghị quyết của Đại hội, trong đó Thượng toạ đã nhấn mạnh 4 điều:
1. Nhất trí thông qua phương hướng, nhiệm vụ gồm 12 mục tiêu và giải pháp thực hiện thành công chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ IX ( 2022- 2027);
2. Nhất trí thông qua bản Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sửa đổi gồm: Lời nói đầu, 14 chương, 87 điều;
3. Đại hội kêu gọi Tăng Ni, cư sĩ, tín đồ Phật tử Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài tinh tấn tu tập, thực hành lời dạy của Đức Phật. Luôn luôn nêu cao khẩu hiệu: Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển;
4. Đại hội kêu gọi Tăng Ni, cư sĩ, tín đồ Phật tử Việt Nam ở trong nước và nước ngoài chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; xây dựng nền văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam tiến đến, đậm đà bản sắc truyền thống dân tộc, xây dựng hệ giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Ngoài những điều trên, Thượng toạ còn nhấn mạnh mục tiêu thứ 2 trong 12 mục tiêu, phương hướng hoạt động Phật sự nhiệm kỳ IX: Nâng cao năng lực quản trị hành chính và điều hành hoạt động Phật sự của Giáo hội. Xây dựng Giáo hội số theo xu hướng thời đại. Kiện toàn và hoàn thành các trung tâm điều hành điện tử của 02 Văn phòng Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự GHPGVN các địa phương.
Tiếp đến, Thượng toạ đã đề cập vai trò lãnh đạo của vị trụ trì qua việc quản trị, nêu rõ khái niệm và các yếu tố của quản trị. Thượng tọa đã chia sẻ 4 yếu tố quan trọng của quản trị để Tăng Ni nắm rõ:
1. Hoạch định: xác định rõ mục tiêu của tổ chức, xây dựng kế hoạch cụ thể và các biện pháp để thực hiện mục tiêu, kế hoạch đã đề ra. Tăng Ni trụ trì cần lên kế hoạch cho tự viện cụ thể theo từng năm, từng quý, từng tháng; từ việc tổ chức các khóa tu đến các sinh hoạt trong tự viện. Ngoài ra, Tăng Ni còn phải có mục tiêu, kế hoạch cá nhân: hành trì tu tập, nghiên cứu nội điển và học hỏi kiến thức xã hội để tạo phương tiện đem đạo vào đời;
2. Tổ chức: thiết kế cơ cấu của tổ chức, giao việc phù hợp với nhân sự. Vị trụ trì khi xác định các công việc, cần phân bổ cho người có khả năng xử lý công việc tốt nhất, giao cho họ quyền quản lý công việc đó; nhờ điều đó mà vị trụ trì sẽ hoàn thành nhiều Phật sự hơn;
3. Lãnh đạo: là chức năng chỉ huy, động viên, phối hợp nhân sự, khả năng giải quyết các vấn đề trong tổ chức, đưa tổ chức ngày càng phát triển. Đây là chức năng mà mỗi Tăng Ni cần rèn luyện, ngoài ra còn rèn luyện các kỹ năng mềm, năng lực tư duy, Tăng Ni cũng cần phải lãnh đạo tự thân bằng nguồn lực vốn có: giới luật, 37 phẩm trợ đạo....
4. Hệ thống tuân thủ: để đảm bảo công việc thực hiện như kế hoạch dự kiến cần có nguyên tắc, qui định và kiểm soát công việc cụ thể thì mới đưa tổ chức vào quỹ đạo đúng mục tiêu đã đề ra. Vị trụ trì ngoài việc tuân thủ giới luật thiền môn, Hiến chương Giáo hội, còn phải tuân thủ pháp luật Nhà nước.
Kết thúc buổi thuyết trình, Thượng tọa hi vọng qua buổi chia sẻ này, Tăng Ni trụ trì toàn tỉnh sẽ nắm vững Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc của nhiệm kì này; từ đó nỗ lực hoàn thành để góp phần phát triển Phật giáo tỉnh nhà nói riêng, Phật giáo toàn quốc nói chung.
Ban TTTT PG tỉnh Ninh Thuận