Nỗi lòng người con - Viết - Nguyễn Diệp Anh Phú (Pháp danh: Thích Hạnh Hoằng)

Nghe đọc bài:

Nỗi lòng người con

 

Theo thời gian cùng những nhân duyên tốt lành, giờ đây con đã được nương mình nơi cửa Thiền, được học qua những lời dạy của Bậc giác ngộ, con bỗng thấy có một sự tương đồng từ lời dạy ấy với truyền thống và nếp sống của dân tộc Việt Nam ta. Có lẽ do thế mà đạo Phật đã bám rễ và tồn tại trên đất Việt cho đến tận ngày nay. 

 

Trong lời Phật dạy thì chữ “Hiếu” luôn được Ngài chú trọng giảng dạy và khuyên mọi người thực hành. Đối với hàng Phật tử thì những lời dạy này chắc hẳn không còn xa lạ gì nữa, cũng có thể nói đây là điều mà ai cũng hiểu, ai cũng biết nhưng mấy ai cảm nhận sâu sắc khi chưa thật sự mất đi người thân thương của mình. 

 

Bản thân con, tuy cũng được học, cũng hiểu chút ít nhưng đó cũng chỉ là cái hiểu trên mặt con chữ, hiểu về lý thuyết chứ vẫn chưa cảm nhận được hết. 

 

Người ta có thể dễ dàng nhìn thấy và cảm nhận được tình cảm của người mẹ vì tình cảm đó thường được thể hiện ra bên ngoài nhưng hầu hết ít ai có thể nhìn thấy được sự yêu thương của người cha, nhất là khi ta ngày một lớn lên thì thứ tình cảm đó sẽ càng được giấu kín hơn nữa. Con còn nhớ rất rõ rằng, cách đây hơn 5 năm về trước có một chú Phật tử trung niên hỏi con rằng: “Thưa Thầy, tôi thấy quý Thầy và mọi người thường nói về tình Mẹ thương con, không thấy ai nói đến tình cha. Nhưng theo thầy vậy là người cha không có thương con hay sao?”. Con đã mỉm cười và nói rằng: “Thưa chú theo ý của thầy nghĩ, không phải là người Cha không thương con mà do người cha thương con một cách kín đáo không thể hiện ra ngoài nên mọi người mà đặc biệt là người con không thể nhìn thấy được” chú liền mỉm cười và gật đầu đồng thuận. Mặc dù trả lời như vậy, vẫn biết và vẫn hiểu cũng như có thể nói với mọi người như vậy nhưng thật lòng tận sâu bên trong sao con vẫn chưa thể cảm nhận được tình cảm của người Cha nhỉ?

 

Hồi nhỏ, lại thường hay trách ba, tại sao ba lại làm khổ mẹ, lại hay la rầy tụi con, tại sao cứ uống say vào là lại nhắc đến những chuyện cũ tích xưa kia,... những lời trách móc, căm hờn về Ba cứ thế, cứ thế tuôn trào. Tại ba nên mẹ mới khóc, chúng con mới phải khó xử (nên bênh vực mẹ hay nghe lời ba), vì ba nên gia đình mình không có được những ngày vui trọn vẹn,... Rồi một ngày kia, sau bao ngày tu học, con trở về từ mái trường, lúc này mẹ không có ở nhà, chỉ có mình ba ở nhà thôi, con chào một tiếng: “Thưa ba con mới về”, nhẹ nhàng lên phòng, 15 phút sau, ba cầm một hộp cơm chay lên nói: “Ăn đỡ đi, mẹ không có nhà, cũng không có ai nên không có nấu gì kịp” rồi ba đi xuống với dáng đi đã yếu hơn trước. Ôi! Sao mình cũng thấy nao nao lòng, bước xuống nhà, ba đang nằm võng, con cất tiếng hỏi: “Lúc này Ba có khoẻ không, ăn uống được không?”, cầm lấy bàn tay của ba, đôi bàn tay đã nổi gân và đầy đen đúa, ba nói: “Đâu có sao vẫn khoẻ mà”, “Khoẻ gì nay Phổ thấy ba yếu nha”, “Không sao, bình thường có gì đâu. Khi nào ông bà kêu thì đi thôi”, ba mình đang nói gì vậy nhỉ, mình cũng không nghĩ nhiều dặn dò thêm vài câu rồi trở lên phòng. Ai đâu ngờ, đây cũng là lần cuối con được cầm tay của ba, được nói chuyện với ba. 

 

Hơn tháng sau, lúc đó con đang ở trường thấy trong lòng có gì khó chịu, đến tối nhận được tin “Ba nhập viện rồi út”. Ồ! Sao lại thế nhỉ? Mình vừa gặp ba mới hơn tháng mà. Khoan đã, bình tĩnh, giờ thì mình chưa về được chuẩn bị thi học kì rồi, thôi thì hằng ngày tụng kinh hồi hướng cầu nguyện cho ba vậy. Có kết quả rồi, ba bị tai biến liệt nửa người rồi, giờ bị thụt lưỡi tuy không nói được nhưng vẫn nghe và hiểu hết. Với sự tư vấn từ các bác sĩ, con quyết định khuyên gia đình nếu không ổn thì đưa ba về nhà khi vẫn còn tỉnh táo, đến tối thì ba về đến nhà. Nghĩ cũng lạ quá, khi ở bệnh viện thì lại mê man, vừa về đến nhà là mắt mở, tỉnh táo hẳn ra. Tuy không về nhưng con cũng được nhìn và nói chuyện với ba qua điện thoại, nhìn kìa khi vừa nghe giọng con là nước mắt ba liền rớt xuống, giây phút đó làm con cũng không kiềm được bất giác nước mắt con cũng tự rơi. Giờ thì việc ba ra đi khi nào cũng chỉ còn là thời gian vì hiện tại ba đã không còn ăn uống được gì, sức khỏe ngày càng yếu. Nhưng trong sâu thẳm con vẫn biết, ba vẫn còn “chấp” nhiều lắm, vì ba vẫn chưa chấp nhận sự thật này, vẫn còn trách móc những người có lỗi với ba nhưng biết sao được nghiệp mỗi người tự phải thọ nhận. 

Gia đình mình cũng đã làm hết khả năng để cho ba được ra đi thanh thản nhưng ba vẫn chưa buông bỏ được oán giận trong lòng. Mãi cho đến khi nghe được lời xin lỗi của cả nhà, với lời khuyên chân thành của mẹ thì ba cũng đã nhẹ lòng ra đi. Chiều hôm ấy, lòng con lại thấy khó chịu, cả buổi trưa không an giấc, đúng thật việc gì đến cũng đã đến, “Út ơi, ba mất rồi”, “Ưhm, út biết rồi”, lặng người một lúc con mới có thể biết mình phải làm gì, mặc dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước vì biết rằng việc này sẽ đến thôi. 

 

Trở về nhà, khi trời đã chập tối, cả căn nhà vang lên tiếng niệm Phật từ chiếc máy trên phía trên đầu giường, mọi người đang chuẩn bị khâm liệm. Còn gì đau đớn hơn khi chính mình lại đứng ra làm lễ Nhập mạch và Thành phục cho người thân của mình. Cố nén nỗi đau ấy, cho đến ngày di quan hỏa táng. Ba à, nỗi đau này con đã cố giữ nhưng khi nhìn thấy cỗ quan tài từ từ hạ xuống nơi đài hỏa táng, bất giác khoé mắt lại cay cay và rồi một giọt nước mắt nhẹ rơi, lăn dài trên má. Vĩnh biệt Ba của con an nghỉ Ba nhé!!! 

 

Trong đầu cứ nghĩ mình không có cảm tình với Ba, vì ba đã làm khổ mẹ, làm khổ gia đình, làm cho gia đình không có được sự hạnh phúc trọn vẹn,... vô vàn những lời trách móc nhưng nào con có biết đâu “tình Cha” muôn đời vẫn thế. Cho dù Ba có phạm sai lầm gì, có làm đau khổ cho ai nhưng tình cảm của Ba dành cho chúng con vẫn muôn đời không thay đổi. Và chúng con nghĩ rằng tất cả những người Cha trên thế gian này đều như thế chẳng có gì sai khác. Tình Cha chỉ khác với tình Mẹ ở chỗ thể hiện mà thôi, theo chúng con nghĩ là như thế.   

 

Người ta thường nói “Nghĩa tử là nghĩa tận”, sẽ chẳng còn sự hờn trách, oán giận, căm phẫn,..v.. v... với một người đã không còn trên dương thế, tất cả sẽ khép lại, sẽ được hóa giải khi có một trong hai người “ra đi”. Nhưng tại sao dù biết thế người ta vẫn không thể làm hoà với nhau khi người kia vẫn còn hiện hữu. Có phải chăng do bản ngã của ta còn quá lớn, còn quá ngã mạn, chấp chặt cho rằng mình là đúng, tại sao mình phải làm hoà trước, tại sao mình phải tha thứ cho họ,.v..v... để rồi một ngày kia... họ chỉ còn là bức ảnh biết cười thôi. 

 

Dù chữ “Hiếu” đã được truyền dạy, lan tỏa rất nhiều nhất là trong thời đại ngày nay nhưng có lẽ vẫn chẳng khi nào ta có thể làm cho tròn được. Vẫn sẽ có những giọt nước mắt muộn màng, ân hận, sám hối và nuối tiếc. Con thật căm giận chính mình, giờ đây muốn tìm một bức ảnh chụp cùng Ba nhưng vẫn không có, nếu có chăng thì đó chỉ là bức hình cùng di ảnh của Ba mà thôi.

 

Mùa Vu lan năm nay, anh chị em chúng con đã không còn nhìn thấy Ba nữa, mà chỉ có bức ảnh cùng khói hương nơi án thờ làm lòng chúng con bỗng se thắt lại. Chúng con biết rằng dù đang ở nơi nào Ba vẫn luôn muốn chị em chúng con thương yêu nhau, lo cho mẹ vì mẹ đã quá khổ cực suốt ngần ấy năm rồi. Ba ơi! Xin Ba hãy nhẹ lòng, vững bước buông bỏ mọi thứ trên thế gian này mà tái sinh ở một nơi an lành khác Ba nhé! Chúng con sẽ luôn sống tốt với những gì Ba đã dạy và dặn dò chúng con từ thuở nhỏ. Có câu hát rằng: “ngọt ngào đến mấy cũng tan thành mây” nhưng con nghĩ vị ngọt nào rồi cũng sẽ tan chỉ có vị ngọt của tình thân sẽ vẫn còn mãi. Mai này, dù đi đâu, về đâu chúng con vẫn luôn hiểu tình thương của Ba và Mẹ là tình thương cao cả, thiêng liêng và chân thật nhất. 

 

Xin chúc tất cả những người con trên thế gian này có những ngày tháng, những khoảnh khắc hạnh phúc nhất bên cạnh những người thân của mình, chúc mọi người hưởng trọn mùa Vu lan hiếu hạnh trần đầy ý nghĩa!!! 

 




 

Download Android Download iOS
TP.HCM: Tưởng niệm lần thứ 25 Thiền sư Duy Lực – Tổ sư thiền Việt Nam

Sáng ngày 01/01/2025 (Nhằm mùng 2 tháng Chạp năm Giáp Thìn) tại chùa Phật Đà (Quận 3, TP.HCM) Môn đồ pháp phái Tổ sư thiền đã trang nghiêm làm lễ tưởng niệm lần thứ 25 cố Thiền sư Hòa thượng Thích Duy Lực, người sáng lập pháp môn Tổ sư thiền tại Việt Nam.

Đức tính của Bồ tát Quán Thế Âm trong tôn dung của người nữ

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt thì hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm trong thân tướng người nữ là phổ biến nhất, có lẽ đây là phương thức thờ phượng chính yếu của người Việt đối với đức Quán Thế Âm từ ngàn xưa.

TP.HCM: Lễ hằng thuận tại chùa Thiên Tôn

PSO - Ngày 30/12/2024 (nhằm ngày 30/11/Giáp Thìn), Ban Hướng dẫn Phật tử TP.HCM kết hợp chùa Thiên Tôn tổ chức lễ Hằng Thuận cho Phật tử Thanh Minh Trí, thế danh Nguyễn Hồng Sơn và Phật tử Hạnh Quang, thế danh Nguyễn Thị Bảo Châu.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online