24/10/2024 09:26

Phân tích ý nghĩa và ứng dụng tu tập qua kệ Kinh Pháp Cú số 165

Đức Phật sáng chói giữa đời với mười hiệu [1], được nhân thế tôn xưng là đấng Chánh Biến Tri (Sammāsambuddho), chứng quả vô thượng do Ngài tự ngộ không thầy chỉ dạy. Như Lai đã tự tìm ra một lối đi riêng bằng chính sự tinh tiến dũng mãnh và tuệ giác của mình. Thế nên, Ngài luôn đề cao tinh thần tự bước đi trên đôi chân mình đối với một vị sa môn phạm hạnh. Vì vậy, trong kinh tạng Nikāya, rất nhiều lần, Thế Tôn chú trọng về sự quy hướng nội tại cũng như đề cao giá trị tự thân. Như trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada Sutta) thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikāya), có một phẩm đề cập đến “tự ngã” (Attavaggo) [2], với 10 câu kệ ngắn mà tiêu biểu nhất là kệ ngôn số 165 đã trình bày rất súc tích, sáng tỏ về tinh thần tự giác trên lộ trình tu tập của người con Phật.

KỆ KINH PHÁP CÚ SỐ 165

Nguyên văn Pāḷi 

“Attanā va kataṃ pāpaṃ attanā saṅkilissati;Attanā akataṃ pāpaṃ attanā va visujjhati; 

Suddhi asuddhi paccattaṃ nāñño aññaṃ visodhaye” [3]. (Dh.p – 165)

Dịch nghĩa văn xuôi

“Attanā va kataṃ pāpaṃ”: Việc ác đã được tạo ra do chính bản thân

“Attanā saṅkilissati”: Trở thành ô nhiễm là do bản thân.

“Attanā akataṃ pāpaṃ”: Việc ác đã không được tạo là do bản thân.

“Attanā va visujjhati”: Trở thành trong sạch là do bản thân.

“Suddhi asuddhi paccattaṃ”: Trong sạch hay không trong sạch là tự nơi mình.

“Nāñño aññaṃ visodhaye”: Không người nào có thể làm cho người khác trở nên trong sạch [4]. 

Dựa trên sự hiểu biết của người viết, kệ ngôn này được dịch như sau: Việc ác đã được làm là do chính bản thân, trở thành ô uế là do bản thân; việc ác đã không được tạo là từ bản thân, trở thành trong sạch cũng từ bản thân. Trong sạch (hay) không trong sạch là tự nơi mình, không ai có thể làm cho người khác trở thành trong sạch.

Kệ ngôn 165 được Việt dịch như sau:

Tự mình, làm điều ác / Tự mình làm nhiễm ô,

Tự mình không làm ác / Tự mình làm thanh tịnh.

Tịnh, không tịnh tự mình / Không ai thanh tịnh ai! [5].

(Bản dịch của HT. Thích Minh Châu)

Hoặc: 

Làm điều ác dữ do ta

Với điều ô nhiễm cũng là mình thôi! 

Tự tôi “thanh tịnh bởi tôi”

 Ai người “thanh tịnh cho người”, có đâu! [6]

(Bản dịch của HT. Giới Đức)

Hoặc Tỳ-kheo Thích Phước Thái dịch: 

Làm dữ bởi ta, mà nhiễm ô cũng bởi ta; làm lành bởi ta, mà thanh tịnh cũng bởi ta. Tịnh hay bất tịnh đều bởi ta, chứ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được?

Tự mình làm điều ác / Tự mình sanh nhiễm ô 

Tự mình không làm ác / Tự mình thanh tịnh mình 

Thanh tịnh, không thanh tịnh / Đều do tự chính mình 

Ai thanh tịnh cho ai [7].

Xem qua vài cách dịch của các nhà nghiên cứu, ta có thể thấy các bài dịch của quý ngài có độ tương đồng khá cao.

TÓM TẮT CỐT TRUYỆN KỆ NGÔN PHÁP CÚ

Pháp cú 165 được Đức Thế Tôn thuyết khi ngự tại Jetavana Vihāra, đề cập đến thiện nam Cūḷakāla, là một cư sĩ rất ngoan đạo. Vào ngày trai giới, ông đến chùa nghe pháp. Đêm ấy có bọn cướp đào hang ngầm vào nhà một gia chủ nọ, bị gia chủ phát giác, chúng bỏ chạy tứ tán, một tên cướp chạy đến trước mặt của Cūḷakāla khi ông vừa ra đến bờ hồ múc nước súc miệng rửa mặt và vứt lại gói đồ. Những người rượt đuổi đến nơi thấy tang vật, nghi ngờ ông là kẻ trộm nên định túm lấy đánh ông. Rất may, một vài cô gái giang hồ hạng sang chứng kiến và xác nhận ông không phải là kẻ trộm, nhờ đó ông không bị đánh đập. Sau khi được thả, ông đến tịnh xá thuật chuyện lại cho các Tỳ kheo nghe. Các vị này trình lên Đức Phật và được Phật dạy: “Này các Tỳ kheo! Cư sĩ Cūḷakāla được cứu mạng nhờ cả hai mặt, sự can thiệp của các cô gái giang hồ và chính ông ta vô tội. Chúng sanh ở thế gian này do ác nghiệp gây nên, tự mình chịu khổ não ở địa ngục hay cảnh giới khổ sở khác. Nhưng người làm điều thiện thì tự mình cứu độ, được lên cõi trời hay Niết bàn” [8]. 

GIÁO LÝ CỦA BÀI KỆ NGÔN

Ta là chủ nhân của Nghiệp

Đạo Phật quy trách nhiệm ở nơi con người, mỗi cá nhân đều phải tự chịu lấy kết quả từ nghiệp mình tạo tác. Như lời dạy trong Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt (Cūlakammavibhaṅgasutta): “Này thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình, nghĩa là có liệt, có ưu…” [9]. Cũng hàm chứa ý nghĩa đó, kệ Pháp cú 165 cho chúng ta thấy rõ chính mình là chủ nhân của những hành động thiện hay bất thiện. Thâm ý được cô đọng trong vài dòng kệ ngắn đã khai mở cho ta một sự nhận thức, nghiệm sâu và sáng tỏ được rằng, khổ hay vui, tịnh hay nhiễm đều từ một niệm nơi tâm ý mình mà sanh khởi, không phải từ đâu mang lại cho ta. 

Nói đến nghiệp, trong giáo lý Phật giáo, thân – khẩu – ý giữ vai trò quan trọng hướng đến nghiệp lành hay dữ dẫn dắt con người. Nghiệp (Kamma) nghĩa là “sự tạo tác, tức là chỉ cho hoạt động của thân tâm như hành vi, hành động, hoặc chỉ cho những hoạt động của thân tâm do ý chí sinh ra” [10]. Như trong Kinh Một pháp môn quyết trạch (Nibbedhikasutta), Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, Ta tuyên bố rằng suy tư (sự cố ý) là nghiệp: sau khi suy tư (cố ý), tạo các nghiệp về thân, về lời, về ý” [11], từ đó mà dẫn đến những nghiệp quả sai biệt. Kinh Hoa Nghiêm cũng có câu kệ: “Nếu người muốn rõ biết/ Tất cả Phật ba đời/ Phải quán pháp giới tánh/ Tất cả do tâm (ý) tạo” [12]. Như vậy, tất cả khổ vui trên đời, đều do tâm ta tạo lấy, giải thoát hay ràng buộc chính ta tự quyết định, địa ngục hay Niết bàn cũng đều do ta tự tạo nên.

Câu kệ: “Tịnh, không tịnh tự mình/ Không ai thanh tịnh ai” hàm nghĩa tương đồng với lời dạy: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp”. Thông điệp ấy đã phủ nhận tất cả xu hướng dựa dẫm mà con người ta vẫn luôn bám víu trong đời sống hằng ngày. Người đời thường bị lệ thuộc hoặc là những vật chất bên ngoài, hoặc nặng nề bởi những tình cảm, sự trói buộc của tình thân, luyến ái, cần những chỗ dựa tinh thần đến mức bi lụy. Chỗ dựa tinh thần như một món ăn không thể thiếu để nuôi dưỡng sự tồn tại, nuôi dưỡng ý chí, có khi lại là động lực cho mỗi con người vươn lên trong cuộc sống. Họ nương tựa vào cha mẹ, hoặc ràng buộc với chồng con, người yêu, bạn bè… họ không thể sống nếu như thiếu những người ấy. Có những điểm tựa giúp mình sống tốt hơn, thăng hoa trong đời sống, cũng có những đối tượng làm ta bị phụ thuộc, rồi chấp thủ, muốn chiếm hữu… từ đó phát sinh vô vàn hữu lậu khác, kéo theo một chuỗi hệ quả khổ đau. Bỡi lẽ người “ngu” luôn tự cho rằng: 

Con tôi tài sản tôi 

Người ngu sanh ưu não

Tự ta, ta không có 

Con đâu, tài sản đâu [13]. 

(Dh.p – 62)

Trên thực tế cha mẹ, thầy tổ, người thân không thể gánh vác được đời sống của ta mãi, không ai có thể thay thế được nghiệp lực của ta, cũng không ai gặt hái quả vị giải thoát giúp ta được, như Đức Phật đã từng dạy: 

Một khi tử thần đến

Không có con che chở

Không cha không bà con

Không thân thích che chở [14]. 

(Dh.p – 288)

Hay: 

Cha mẹ hay bà con 

Không ai làm gì được 

Chính nhờ tâm hướng thượng

Đưa ta lên cao cả [15]. 

(Dh.p – 43)

Chỉ có tự mình nỗ lực tu tập, chuyển hóa thân tâm, mới có thể đưa mình thăng tiến trên lộ trình giác ngộ.

Nương tựa chính mình

Như Lai đã khẳng định chúng ta là Phật sẽ thành. Tuy nhiên, chúng ta lại không đủ lòng tin nơi mình, mãi hướng vọng đến những điều xa vời, trong khi muôn pháp chẳng vượt ngoài tâm, mong cầu ánh sáng chân lý ở tận chân trời, mà lại không biết thắp lên ngọn đèn để soi chiếu tự thân. Đức Phật đã nhấn mạnh: “Chính các ngươi là kẻ bảo hộ cho các ngươi, chính các ngươi là nơi nương tựa cho các ngươi” [16] (Dh.p – 380), Ngài luôn đề cao trách nhiệm của bản thân trên con đường sanh tử, không ai có thể tu tập thay ai, không ai cho mình quả vị giải thoát ngoại trừ tự mình đạt được nó. Ngài xác nhận rằng Như Lai chỉ là người chỉ đường: “Này Bà-la-môn, trong khi có mặt Niết bàn, trong khi có mặt con đường đi đến Niết bàn, và trong khi có mặt Ta là bậc chỉ đường. Nhưng các đệ tử của Ta, được ta khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, một số chứng được cứu cánh Niết bàn, một số không chứng được. Ở đây, này Bà-la-môn, Ta làm gì được? Như Lai chỉ là người chỉ đường” [17].

Thậm chí trong Kinh Kalama (Kālāma Sutta), Đức Thế Tôn khuyên mọi người phải có sức kiên định đối với bản thân và chánh pháp, lấy chánh pháp làm nấc thang tiến đạo chứ không tin tuyệt đối vào ai khác, dù cho đó là đạo sư của mình: “…Chớ có tin vì nghe báo cáo, vì nghe truyền thuyết, truyền thống…; vì phù hợp với định kiến… vì vị Sa môn là bậc đạo sư của mình. Chỉ khi nào… Các pháp nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau… hãy từ bỏ chúng và… Các pháp nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc… hãy tự đạt đến và an trú!…” [18]. Thế nên, đối tượng bên ngoài không phải là điểm tựa vững chắc cho ta, nhẫn đến một tôn giáo, tín ngưỡng có mặt để làm nơi hướng đạo, dẫn dắt tâm linh con người, cũng chỉ là phương tiện đưa chúng sinh đến gần tuệ giác, không phải như một tượng đài linh thiêng, ban phước giáng họa cho mọi người. Thế nhưng, khi gặp khó khăn, bất hạnh, đối mặt với những biến cố cuộc đời, do lúc bình thường không học và thực hành lời Đức Phật dạy nên họ thường có tâm lý hoảng loạn, cuống cuồng tìm một điểm tựa, tìm nơi bảo vệ mình. Thay vì đến chùa nghe pháp, tu tập chuyển hóa khổ đau, thay đổi bản thân và hoàn cảnh để có được an lạc, hạnh phúc, con người ta lại đến chùa cầu khẩn, xin phép mầu, mong thần thánh giúp đỡ. Đó là niềm tin đi lệch với ý nghĩa nương tựa vào Tam Bảo. 

Một vị đệ tử Phật, nếu chưa có khả năng xây dựng hải đảo tự thân cho vững chắc sẽ không thể nào chế tác được năng lượng niệm và định trong tự tâm cũng như tìm được nguồn an lạc chân thật. Điều này được phát họa rõ nét qua đoạn di ngôn trong Kinh Đại Bát Niết Bàn (Mahāparinibbāna Sutta), những ngày tháng cuối cùng trước lúc nhập diệt, Thế Tôn cũng đã nói rất rõ với tôn giả Ananda, khi tôn giả vẫn còn trông mong đấng Thiện Thệ sẽ còn ở lại lâu trên đời: “…này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác” [19]. Lời di giáo ấy đã thôi thúc mỗi cá nhân quay về khơi dậy tự tánh viên minh trạm tịch, thắp sáng ngọn đèn trí tuệ và Phật tâm sẵn có để đoạn trừ các lậu hoặc, phá vỡ vô minh. Nương tựa mình, chính là vận dụng hết mọi tiềm lực vốn sẵn của bản thân, để tu tập, chuyển hóa nghiệp lực, điều tâm hướng thượng và thể nghiệm được pháp vị giải thoát.

Người hãy nhiệt tình làm, 

Như Lai chỉ thuyết giảng; 

Người hành trì thiền định,

Thoát trói buộc ác ma [20]. 

(Dh.p – 276)

ỨNG DỤNG TU TẬP CỦA TĂNG SĨ TRẺ THỜI ĐẠI 4.0 

Trở về nguyên sơ cội nguồn lời dạy của Đức Phật, để một thoáng suy tư về đường lối tu tập của hàng ngũ Tăng sĩ trẻ hiện nay trước sự phát triển của xã hội trong thời đại mới, làm sao để sự hành trì của mình hướng đến những nghiệp thiện và không xa rời yếu chỉ Phật dạy? Cánh cửa thông tin mở ra, dẫn dắt lục căn của chúng ta gần hơn với trần cảnh, mạng xã hội trở thành nơi thu hút sự chú ý của giới trẻ nói chung, trong đó có thành phần Tăng Ni sơ cơ học đạo. Đệ tử Phật nếu không giữ được sự kiên định, tự thân không đủ vững chãi thì sẽ có nguy cơ bị cuốn theo, làm uổng phí biết bao thời gian tu tập và học pháp. Đó cũng chính là một hình thức tạo tác, hướng đến nghiệp bất thiện, hay nói cách khác là “tự mình làm nhiễm ô” như câu Pháp cú 165 đã nêu trên. Như vậy thì thật là làm ảnh hưởng đến sự tịnh hóa trong đời sống phạm hạnh, quên mất phận sự chính là phòng hộ tâm, chuyển hóa tâm khỏi những chi phối của phiền não, lậu hoặc và dần rời xa lời dạy của Phật. Đó phải chăng là công án lớn nhất, cần được các hành giả trẻ chiêm nghiệm sâu sắc vào thời điểm này. 

ỨNG DỤNG LỜI PHẬT DẠY VÀO ĐỜI SỐNG TU HỌC CỦA TỰ THÂN

Tự mình, làm điều ác / Tự mình làm nhiễm ô,

Tự mình không làm ác / Tự mình làm thanh tịnh.

Tịnh, không tịnh tự mình / Không ai thanh tịnh ai! [21]. 

Câu kệ ngôn ấy như một lời khuyến cáo, rằng mỗi hành giả phải tự bước đi trên đôi chân của chính mình, quả vị giải thoát là do mình tự đạt đến chứ không ai có thể ban cho. Và không ai khác ngoài chính ta tự quyết định nghiệp quả của mình thông qua những tạo tác của thân – khẩu – ý nghiệp. “Nếu con người tạo nghiệp xấu thì chịu quả báo xấu và tạo nghiệp tốt thì được quả báo tốt, cầu nguyện cũng không thể làm thay đổi được nghiệp lực, nhất là khi nghiệp đã chín muồi, Đức Phật đã khẳng định như vậy” [22]. Người có ý thức cao về trách nhiệm tự thân nên sống trong sự chánh niệm và nhận diện như thế. Chúng ta hãy để thời gian, không gian sống và tu tập là do mình tự làm chủ, không bị nhiễu loạn và phụ thuộc bởi một đối tượng nào khác. Huyền Giác Thiền sư từng có câu: “Thường độc hành thường độc bộ/ đạt giả độc du Niết bàn lộ” [23]. Đệ tử Phật đã muốn đạt đến cứu cánh thì phải biết tự thân nỗ lực, xa lìa nghiệp bất thiện, thanh trừng những phiền não lậu hoặc và vận dụng những pháp lành để tịnh hóa thân tâm, hướng đời sống phạm hạnh của mình về với nẻo sáng của chánh nghiệp. 

Tuy nhiên, muốn biết đâu là chánh nghiệp, trước nhất phải có chánh kiến. Hay nói rộng hơn, con đường giác ngộ của Phật giáo mà mỗi hành giả phải hướng đến là con đường thánh đạo tám nhánh, mà trong đó chánh kiến là dẫn đầu. Trong Kinh Rohitassa từng khẳng định: “…Chân lý trong vũ trụ đều nằm vỏn vẹn trong tấm thân một trượng này. Chánh kiến là yếu tố tất yếu trong Phật Giáo để thành tựu mục tiêu cứu cánh …” [24]. Cũng có thể nói nương theo tinh thần trung đạo mà tu tập mới có thể thăng hoa trên lộ trình trí giác, dùng chánh pháp làm ngọn đèn để soi rọi đường đi và dựa vào sự nỗ lực, tinh tấn dũng mãnh của tự thân mới có thể đi đúng hướng và đến được tận cùng quả vị giải thoát.

“Hãy nương tựa mình và nương tựa chánh pháp” như di huấn mà Đức Phật dành riêng cho mỗi chúng ta. Có câu nói ấy, đệ tử của Phật sẽ vững tin hơn vào bản thân và thành tựu chánh tín đối với giáo pháp không còn nghi ngờ. Tuy nhiên, chân lý chỉ hiển bày với những ai chịu khai mở con mắt tuệ giác, “Tịnh, không tịnh tự mình / Không ai thanh tịnh ai”. Vẫn biết là lời dạy của Phật thậm thâm, nhưng Tăng Ni trẻ chúng ta đã mấy ai chứng hiểu, hành trì đến chỗ chín muồi? Giới trẻ cần được giáo dục sâu sắc về triết lý, kỹ năng sống tự chủ, và ý thức về trách nhiệm bản thân nhiều hơn nữa, mới có thể trở thành một đệ tử Phật chân chính. Quan trọng hơn hết là tự thắp lên ngọn đèn tuệ giác, để soi rọi mọi ngóc ngách các pháp hiện hữu trong và ngoài tâm. Khi tự ta lớn mạnh và vững vàng, mới có thể đem lại lợi lạc cho mình và nhiều người khác, mới có thể nâng cao giá trị tự giác, giác tha và góp phần cho cuộc sống ngày càng thêm thiện mỹ. Đó cũng chính là yếu lý mà Thế Tôn đã dạy trong Dhammapada nói chung và tinh thần trong kệ ngôn 165 nói riêng mà ai trong chúng ta cũng cần thông đạt. 

KẾT LUẬN

Kinh Pháp Cú với 26 phẩm, 423 kệ ngôn liên quan đến hơn 300 câu chuyện giản dị, mộc mạc nhưng chứa đựng cả một hệ thống giáo lý cốt tủy của Phật giáo, truyền tải những bài học sâu sắc về đạo đức, triết lý sống, ý thức trách nhiệm cá nhân và cảnh tỉnh con người giữa cuộc đời đầy dục vọng. Câu kệ ngôn 165 nhắc nhở mỗi người đều phải tự trách nhiệm với đời mình, với những việc làm, hành động mình đã tạo tác. Cuộc đời một hành giả cũng thế, nấc thang tiến đạo có được vươn xa, duy chỉ nhờ vào sự nỗ lực tinh tấn lướt tới của tự thân. Trên đường ngựa đua, dừng lại một phút đã lùi sau mấy dặm, người tu buông lung một sát na thì bao niệm ác dấy khởi câu dẫn mình đến tận cảnh giới bất thiện nào. Chậm một bước chân, đường tới đạo quả càng xa. Muốn tuệ giác quang rạng thì phải tự tìm lửa pháp thắp lên ngọn đuốc trong tự tâm, ngồi mong quả vị cao xa, chi bằng tự thân tinh tấn đi về hướng ánh sáng giác ngộ. 

Không chỉ bài kệ mà người viết tâm đắc và đề cập ở trên, mỗi lời dạy Thế Tôn để lại đều mang một ý nghĩa, một đạo lý thâm sâu, đem lại lợi ích lớn và là hành trang cho cả một đời nếu ai vâng giữ phụng hành. Nhưng Như Lai chỉ là vị đạo sư, nối tiếp con đường còn lại là của chúng ta, phải bước đi mới có thể tới và không ai khác ngoài mình, phải vượt qua những chông gai trắc trở, chiến thắng những phiền não, lậu hoặc bên trong tâm mình, mới có thể xua bóng tối vô minh, khổ đau và trầm mình một cách hạnh phúc thù thắng trong giáo pháp Phật đà.

SC. Thích Nữ Thánh Thảo

Chú thích:

[1] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ 1, Kinh Sa-môn Quả, tr.57.

[2] HT Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 1, Kinh Pháp Cú, Phẩm Tự ngã, tr.63. 

[3] Khuddaka Nikāya, Dhammapadapāḷi, 12. Attavaggo. 

[4] Tỳ kheo Đức Hiền biên soạn, Dhammapada – Kinh Pháp Cú (phân tích từ ngữ Pāḷi), tr.279. 

[5] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 1, Pháp Cú, tr.64. 

[6] Tỳ-kheo Đức Hiền biên soạn, Dhammapada – Kinh Pháp Cú (phân tích từ ngữ Pāḷi), tr.280. 

[7] Thích Phước Thái, Kinh Pháp Cú song ngữ chú giải, tr.123. 

[8] Trưởng lão Thiền sư Pháp Minh dịch, Dhammapādatthakathā – Chú giải Kinh Pháp Cú quyển 3, tr.120; Viên Chiếu, Tích truyện Pháp cú tập 2, tr.254. 

[9] Nguyên tác: “Kammassakā, māṇava, sattā kammadāyādā kammayonī kammabandhū kammappaṭisaraṇā. Kammaṃ satte vibhajati yadidaṃ: hīnappaṇītatāyāti…”, tr.203; HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 2, Kinh Tiểu nghiệp phân biệt, tr.543. 

[10] Thích Quảng Độ dịch, Phật Quang Từ Điển, tập 3, tr.3273a.

[11] Nguyên tác: “Cetanāhaṃ, bhikkhave, kammaṃ vadāmi. Cetayitvā kammaṃ karoti : kāyena vācāya manasā.”, Aṅguttaranikāya”, tr.511 – HT. Thích Minh Châu, Kinh Tăng Chi Bộ, Tr.218.

[12] HT Thích Trí Tịnh, Trí Tịnh Toàn Tập 1 – Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, tr.702.

[13] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 1, Pháp Cú, tr.44. 

[14] Sđd, tr.88. 

[15] Sđd, tr.40. 

[16] Sđd, tr.106.

[17] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 2, Kinh Gaṇaka Moggallāna, tr.329. 

[18] Thích Minh Châu (dịch), Tăng Chi Bộ, tr.214. 

[19] “Tasmātihānanda, attadīpā viharatha attasaraṇā anaññasaraṇā”. HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ 1, 16. Kinh Đại Bát Niết Bàn, tr.584. Đoạn này cũng xuất hiện trong: S, V, 163; III, 42; V,221; Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 6 – Bộ A-Hàm VI – Kinh Tạp A-Hàm Số 2, Tạp A- Hàm Quyển 24, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, tr.335; TK. Minh Huệ dịch, Đại Phật sử 5, tr.211. 

[20] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 1, Pháp Cú, tr.86. 

[21] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 1, Pháp Cú, tr.64. 

[22] Bhik. Samādhipuñño Định Phúc, Cuộc đời và những lời dạy của Đức Phật, tr.153.

[23] Như Huyễn Thiền sư dịch, Chứng đạo ca trực chỉ đề cương, tr.44. 

[24] E: “It is the understanding of oneself as one really is, because, as the Rohitassa Sutta states, these truths are concerned with the one – fathom long body of man. The keynote of Buddhism is this right understanding” – Venerable Nārada Mahāthera, The Buddha and His Teachings, tr.178.

Tài liệu tham khảo:

A. Tài liệu gốc

1. Khuddaka Nikāya, Dhammapadapāḷi, 12. Attavaggo. 

2. Majjhimanikāya, I-IV. (1888-1902). Trenck, V., Chalmer, R., & Rhys Davids, C.A.F, ed., London: PTS. 

3. HT. Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Trường Bộ 1, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam (VNCPHVN), TP HCM. 

4. HT. Thích Minh Châu (dịch, 2012), Kinh Trung Bộ 2, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

5. HT. Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Tương Ưng Bộ 3; 5, VNCPHVN, TP HCM.

6. HT. Thích Minh Châu (dịch, 1996), Kinh Tăng Chi Bộ 2, VNCPHVN, TP HCM. 

7. HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 1, VNCPHVN, TP.HCM, 1999.

8. Thích Tịnh Hạnh (dịch, 2000), Đại Tập 6 – Bộ A-Hàm VI, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Loan.

9. Hòa thượng Thích Trí Tịnh (2011), Trí Tịnh Toàn Tập – Tập 1, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

B. Tài liệu phụ

1. Venerable Nārada Mahāthera (2010), The Buddha and His Teachings, Buddhist Publication Society, Sri Lanka. 

2. Minh Huệ (dịch, 2019), Đại Phật sử 5, Nxb. Hồng Đức. 

3. Bửu Chơn (soạn dịch, 1977), Tự Điển Pāli – Việt, Nxb. Phật giáo nguyên thủy.

4. Thích Quảng Độ (dịch, 2000), Phật Quang Từ Điển, tập 3, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc.

5. A.P.Buddhadatta, Thích Nữ Tịnh Vân (dịch, 2018), Tự học tiếng Pāli, Nxb. Hồng Đức.

6. B.Ananda Maitreya, Thích Nữ Tịnh Vân (dịch, 2005), Pāli căn bản, Nxb. TP HCM.

7. Tỳ khưu Giác Giới (2013), Pāli hàm thụ, Nxb. TP HCM.

8. Tỳ-kheo Đức Hiền (biên soạn, 2017), Dhammapada – Kinh Pháp Cú (phân tích từ ngữ Pāḷi), Nxb. Tôn giáo.

9. Thích Phước Thái (2007), Kinh Pháp cú song ngữ chú giải, Quang Minh Temple, Australia.

10. Trưởng lão Thiền sư Pháp Minh (dịch, 2013), Dhammapādatthakathā – Chú giải Kinh Pháp cú quyển 3, Nxb. TP HCM.

11. Viên Chiếu (2014), Tích truyện Pháp cú tập 2, Nxb. Hồng Đức. 

12. Bhik. Samādhipuñño Định Phúc (2017), Cuộc đời và những lời dạy của Đức Phật, Nxb. Hồng Đức. 

13. Như Huyễn Thiền sư (dịch, 2013), Chứng đạo ca trực chỉ đề cương, Nxb. Tôn giáo.

Download Android Download iOS
Góp phần tìm hiểu cuộc đời và tư tưởng của Huyền Quang - Đệ tam tổ Trúc Lâm

PSO - Thiền sư Huyền Quang không những là một nhà tư tưởng lớn có danh tiếng thời Trần, tài giỏi, đức độ, học rộng, tinh thông Phật pháp, kế thừa nhị Tổ Pháp Loa lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm; mà còn là một nhà thơ của thế kỷ XIII -XIV.

Thiểu dục tri túc - Một góc nhìn về chủ nghĩa tiêu thụ và bảo vệ môi trường của Phật giáo

PSO - Thiểu dục tri túc là phương pháp giáo dục tinh thần cũng như là một nếp sống mà Phật giáo đã xây dựng và thực hành trong hàng ngàn năm qua. Thông qua việc giáo dục về lòng tham cùng lòng biết ơn mà ở đó người con Phật thực hành trừ bỏ lòng tham, nuôi dưỡng biết ơn với những gì mình có, tận dụng và sử dụng chúng hợp lý.

TP.HCM: 245 Phật tử tham dự Hội thi Giáo lý Phật tử 2024 tại quận Phú Nhuận

Sáng ngày 17/11/2024, tại Tổ đình Kim Sơn (phường 2, quận Phú Nhuận, TP.HCM), Ban Trị sự GHPGVN quận Phú Nhuận đã tổ chức Hội thi Giáo lý Phật tử cấp quận, huyện năm 2024 với sự tham gia của 245 thí sinh. Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, có sự chứng minh và tham dự của chư Tôn đức trong Ban Trị sự GHPGVN quận Phú Nhuận cùng đông đảo Ph

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online