Phật giáo được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sáng lập trên đất Ấn Độ đã trở thành nền triết học, hệ thống tư tưởng, văn hóa phổ quát rộng trên khắp châu Á và mang tính quốc tế. Khi truyền bá phía Đông, Phật giáo đã mang âm hưởng và sắc thái của xã hội Trung Hoa và ảnh hưởng tới các nước thuộc vùng văn hóa Đông Á như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v. Khi nghiên cứu lịch sử xã hội, văn hóa Trung Hoa nói riêng và các nước Đông Á nói chung, chúng ta không thể không đề cập đến những đóng góp to lớn của Phật giáo.
Phật giáo với tư tưởng, xã hội Trung Hoa là tác phẩm được hình thành bởi các bài viết chuyên sâu của các nhà nghiên cứu Trung Quốc và một số học giả các nước khác từ nhiều thập niên trước, nằm trong bộ Hiện đại Phật học tùng san do Trương Mạn Đào chủ biên, được TS. Thích Hoằng Trí dịch sang tiếng Việt.
Trong nội dung tập sách này, yếu tố văn hóa, văn học, nghệ thuật, tư tưởng, xã hội được đề cập phổ biến ở hầu hết các đề mục. Đặc biệt, các bài viết đều nhấn mạnh yếu tố cốt lõi về mối quan hệ giữa Phật giáo với các học thuyết văn hóa xã hội Trung Hoa thông qua các tình tiết mâu thuẫn, hòa nhập và đi đến phát triển trong tinh thần cộng sinh, cộng hưởng.
Với nội dung phong phú, chuyên mục đa dạng, thông qua dịch phẩm này, quý độc giả có cơ hội tiếp cận được những đóng góp to lớn của Phật giáo trong tiến trình phát triển lịch sử văn hóa, tư tưởng, xã hội Trung Hoa. Bộ sách được chia thành hai tập chuyên biệt:
Tập 1 trình bày nội dung Phật giáo với tư tưởng Trung Hoa. Cốt lõi quan trọng của tập 1 nằm ở chỗ bàn về mối quan hệ giữa học thuyết của các nhà tư tưởng và cấu trúc mang tính chủ thể của văn hóa với Phật giáo.
Tập 2 trình bày nội dung Phật giáo với xã hội Trung Hoa. Tập sách này trình bày những vấn đề liên quan đến đời sống Phật giáo, từ đời sống thiền viện để bàn về vấn đề xã hội Trung Hoa, từ chế độ tùng lâm để bàn về vấn đề xã hội Trung Hoa.
Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Á trực tiếp ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa. Văn hóa Phật giáo Việt Nam cũng đã ảnh hưởng sâu đậm từ văn hóa Phật giáo Trung Hoa. Ngày nay, hệ thống kinh điển, nghi lễ thiền môn, tổ chức tự viện, đời sống tùng lâm, phương tiện ngôn ngữ, v.v. của hai quốc gia này có những yếu tố đã bị xóa nhòa ranh giới. Các yếu tố sinh hoạt của Phật giáo Trung Hoa đã và đang tồn tại trong đời sống Tăng sĩ Việt Nam hiện nay.
Vì vậy, để tìm hiểu các giá trị tư tưởng, xã hội Phật giáo Việt Nam, chúng ta rất cần nghiên cứu về mối quan hệ giữa Phật giáo và tư tưởng xã hội Trung Hoa. Bộ sách Phật giáo với tư tưởng, xã hội Trung Hoa sẽ trở thành người bạn tốt của độc giả trên con đường tìm hiểu, nghiên cứu Phật giáo.
Trung tâm Biên phiên dịch tư liệu Phật giáo Quốc tế, Nhà sách Phật giáo Vĩnh Nghiêm xin trân trọng giới thiệu tác phẩm này với độc giả muôn phương.
Vũ Quốc Văn