Tăng Ni, cư sĩ và doanh nhân Việt Nam trải nghiệm giao lưu tập đoàn Phúc Trí tại Đài Loan

Nghe đọc bài:

PSO - Từ ngày 26 đến 31/07/2024 (nhằm ngày 21/06 - 26/06 năm Giáp Thìn) đã diễn ra chuyến thăm, giao lưu, khảo sát, trải nghiệm, học tập các mô hình doanh nghiệp xã hội tại Đài Loan (Trung Quốc) của nhóm Tăng Ni, cư sĩ Việt Nam.

Đoàn dưới sự hướng dẫn ĐĐ. Thích Thiện Xuân - Trụ trì tu viện Linh Thứu (H.Củ Chi, TP.HCM), Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoằng pháp trẻ, Trưởng Phân ban đặc cách các Đạo tràng Bát quan trai và lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp, hiệu trưởng, giảng viên, giáo viên tư thục 3 miền tại Việt Nam, số lượng khoảng 70 vị.

Chiều tối ngày 25/7, đoàn đáp xuống sân bay quốc tế Đào Viên (Taoyuan) - Đài Bắc, chuẩn bị cho 1 tuần công tác miên mật. 

Trong 3 ngày 26-27-28/7, đoàn học tập chung lớp Trưởng dưỡng sinh mệnh của Tập đoàn Phúc Trí; khoảng gần 1000 học viên đến từ nhiều nước khác nhau như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia tại hội trường chính trong khuôn viên trường đại học Cần Ích (một trong những cơ sở hợp tác của tập đoàn Phúc Trí).

Buổi sáng và chiều, hội viên được nghe quý Thượng Tọa, quý giảng sư chia sẻ giáo lý ứng dụng vào mọi mặt của đời sống, xoay quanh các nội dung của Tam quy, Ngũ giới, Tứ vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả), 6 Ba la mật (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ), lý tưởng Bồ tát hạnh, Tánh Không… ; các giáo sư, nhà khoa học, đại diện doanh nhân phía Đài Loan chia sẻ những kinh nghiệm, trải nghiệm, những thuận nghịch trong cuộc sống và cách chuyển hóa các cảm xúc tiêu cực, chữa lành tâm lý thông qua: Pháp thiền công án “Quán công niệm ân” cùng nhiều phương pháp khác như: suy nghĩ tích cực, thể dục, lao động, tin tưởng vào nhân quả, phụng sự, sống ý nghĩa an vui mình lợi nhân quần, mở lòng, biết đủ, khai thác tối đa nguồn tâm; quay về bên trong thấy rõ các trạng thái tâm sanh khởi để buông bỏ, hướng ra bên ngoài để hiểu thương cảm thông và chân thành giúp đỡ, nhận ra mối quan hệ tương duyên giữa thân - tâm- cảnh, mối quan hệ tác động qua lại giữa bản thân - mọi người xung quanh - vạn vật vô tình và hữu tình trong trùng trùng duyên khởi của vòng luân hồi bất tận/ sinh mạng chúng sanh là vô tận, để thể nhập và sống hiện tại lạc trú trong mỗi phút giây tỉnh thức của vô ngã từ bi.

Buổi tối, cộng đồng các nhóm sinh hoạt, cùng nhau ôn lại các bài học, nội dung thông điệp thiện lành từ các kịch bản videos clip; cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm trong học tập, công tác, những vấn đề của cuộc sống hàng ngày.

Không khí các buổi thảo luận luôn tràn ngập năng lượng, thái độ tri ân, lan tỏa những điều tử tế; ai cũng cảm thấy yêu đời yêu người yêu bản thân và sống có trách nhiệm với tự thân với cộng đồng hơn, trân trọng kiếp sống làm người và sẵn sàng cho đi, cùng bắt tay hợp tác để phát triển trong phương châm đạo đức - trí tuệ.

Sáng ngày 29, đoàn đến thăm Phân viện Hồ Sơn, Hòa thượng Như Tịnh - trụ trì và đại diện quản chúng, tri sự, giáo thọ sư Tăng đoàn Phúc Trí đón tiếp đoàn trong niềm quý hóa, thân mật, gần gũi, đầy tin tưởng.

Quý thầy cho biết Tăng đoàn Phật giáo Phúc Trí được thành lập từ năm 1992 bởi cố Đại lão HT.Thích Nhật Thường. Hiện nay, Tăng đoàn lên đến hơn 1.500 Tăng sĩ (chưa kể Ni) từ khắp nơi trên thế giới; nhiều thiền môn, học viện, chùa, các trung tâm tu tập lớn quy mô đã được xây dựng tại Đài Loan, Canada, Mỹ, Đức, Nhật…

Buổi chiều, đoàn đến thăm nông trang thuộc tập đoàn Phúc Trí, học hỏi mô hình làm nông nghiệp, doanh nghiệp sạch bền vững, các khu trang trại, du lịch xanh…

Ngài cố Hòa thượng Nhật Thường đã đi nhiều nước phương Đông và Phương Tây để giảng bộ Quảng Luận và không phải ai cũng hiểu được yếu chỉ của Quảng Luận. Tuy nhiên với tinh hoa uyên thâm của pháp, hành giả có duyên học tập và nghiên cứu ít nhiều đều có thể thấy giá trị đích thực của sự ứng dụng về Tánh Không, lý tưởng vô ngã vị tha, các phương tiện quyền biến hóa độ, thấy được Tứ nhiếp pháp (bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự) và lòng từ bi vô tận không phân chia ranh giới của chư Tổ bởi sự thấu triệt Duyên khởi, Bát-nhã. Quảng Luận vì vậy bao hàm cả yếu nghĩa Đại thừa, Kim Cang thừa, Thiền tông trực chỉ.

Ứng dụng Phật học một cách thiết thực, bởi vậy, việc giải quyết các vấn nạn của xã hội: bảo vệ môi trường, tái chế rác thải, sử dụng thực phẩm sạch, nông nghiệp xanh không thuốc hóa học, chăm lo người già tại các viện dưỡng lão, ươm mầm bi-trí-dũng cho thế hệ trẻ, an sinh phúc lợi xã hội, ứng xử văn minh… đều được cộng đồng cư sĩ Phúc Trí thực thi khá hiệu quả. Điều đó thể hiện rõ qua các cơ sở của Phúc Trí cả ở kiến trúc thượng tầng và cơ sở hạ tầng, cách quản lý nhân sự, cách tổ chức vận hành, thái độ bao dung yêu thương cùng nhau sống và làm việc, cùng nương tựa vào nhau, nương tựa và Tăng đoàn vào tứ chúng. Chùa luôn được xây dựng bên cạnh các doanh nghiệp các trung tâm, Tăng sĩ có thể được tự do thuyết pháp và hướng dẫn tại tư gia hay các tổ chức xã hội, Tam Bảo được người dân kính tín bảo hộ, Chính phủ cũng trọng dụng Phật giáo và tạo nhiều điều kiện thuận lợi.

Hầu hết các chùa và tổ chức hội của Tập đoàn Phúc Trí, Tăng Ni cư sĩ đều sẵn sàng tích cực tham gia từ thiện bố thí để đem đạo vào đời, phát huy vai trò tinh hoa của giáo pháp. Tăng đoàn thấu rõ: Đích đến cuối cùng của Phật giáo là giác ngộ giải thoát, chấm dứt sinh tử, cho nên bố thí từ thiện chỉ có vai trò là phương tiện chứ không phải mục đích trong tu tập đời sống Thánh. Từ thiện đúng nghĩa theo Phật giáo chỉ có khả năng phát huy tác dụng khi người bố thí và người nhận phải thanh tịnh, vô cầu vô chấp; hiểu sâu sắc về thái độ xả ly, từ từ bỏ chấp thủ, vô ngã và làm hoàn toàn vì động cơ trong sáng, không vụ lợi toan tính; phát huy lòng từ bi xót thương chân thành nhằm giúp người vượt qua cơn khốn khó cả thân và tâm; từ đó tăng tình đoàn kết, gieo chủng tử thiện lành, truyền cảm hứng trong nhân gian; khích lệ, chuyển hóa người vươn lên tinh tấn trong các thiện pháp tự thân.

Gần Phân viện Hồ Sơn, tại Khu vườn giáo dục Phúc Trí, thuộc tập đoàn Phúc Trí, đoàn được đi thăm và giới thiệu mô hình đào tạo giới trẻ của Phúc Trí. Ngoài các kiến thức căn bản của cấp học, trường nhấn mạnh đến giáo dục đạo đức, giáo dục tự thân, tránh stress, sống gần gũi thiên nhiên, bảo vệ môi trường, giữ nếp sống kỉ luật…. Thầy cũng đưa đi thăm giảng đường thờ Phật nội viên trong trường. Điểm trường này được coi là cái nôi sinh ra tất cả Tăng tài và người hiền trí của tập đoàn Phúc Trí ở cấp cở sở là cư sĩ, các cấp học mần non, cấp 1, cấp 2, cấp 3, đại học… đều nằm trong khuông viên Khu vườn giáo dục Phúc Trí.

Sáng ngày 30/7, đoàn đến thăm Phân viện Đài Trung, chiều thăm chùa Nguyệt Xứng. Tại đây, Hòa thượng đàn đầu đã sắp xếp chư Tăng và cư sĩ Phúc Trí đón tiếp đoàn vô cùng kĩ lưỡng và nồng nhiệt, sự chuẩn bị của nhiều tháng trước đó, đi đâu cũng có tình nguyện viên chào đón và hướng dẫn một cách tận tâm, nhiệt tình, hoan hỷ.  

Tại Phân viện Đài Trung, đoàn được nghe Trưởng Ban điều hành phân viện Đài Trung – Vương Bích Hồng và các cô phụ trách chia sẻ về lớp học “Trường Thanh” – giành cho người lớn tuổi, gần gũi mô hình hình viện dưỡng lão, chăm nom quan tâm người già; hướng đến cộng đồng sống hạnh phúc nhờ người trẻ được huấn luyện để tự nguyện chăm sóc người già và ngưới lớn tuổi dù thân thể suy hao nhưng tinh thần luôn lạc quan yêu đời và biết chấp nhận, biết đủ, người nào khỏe vẫn tiếp tục phụng sự cộng đồng; gắn kết gia đình cộng tu.

Ở tập đoàn Phúc Trí không ngạc nhiên khi luôn gặp các cụ 70-80-85 tuổi nhưng thần thái, minh mẫn, đức tâm cống hiến và sức khỏe như người 25-30-35. Nếu ai đã trải nghiệm nếp sống cộng tu nơi đây hẳn điều này không phải là nói quá hay vu khoát. Nhờ vậy mà những thành viên được trải nghiệm khóa học tập này đều xúc động và cảm thấy cần bung vỡ hết năng lượng tự thân, sống phục vụ và cống hiến hơn nữa một cách tự nhiên với chuyên môn sở trường hơn là đòi hỏi tính toán đối với gia đình, xã hội, công việc… Vì hiểu rằng, hạnh phúc không có tuổi và nó phải được tạo nên bởi thái độ tâm luôn an nhiên, tự tin, lạc quan, bao dung, chân thành, siêu xuất…

Ngày 31/07, đoàn còn đến thăm một số tổ chức phi chính phủ của một số tập đoàn khác xuất phát từ Đài Loan như: Trung Tâm giáo dục Bảo vệ môi trường (Hội Từ Tế - Tzu Chi) của Sư Bà Chánh Nghiêm. Chiều đến thăm Tĩnh Tư Đường Miền Bắc (Triển lãm Tzu Chi Quan Độ - Tzu Chi) cũng của Sư bà Chánh Nghiêm – Hội Từ Tế.

Tại đây, hội người cao tuổi đã tận dụng, tái chế rác thải thành những thành phẩm như: quần áo, cặp sách, túi xách, chăn mền, đồ dùng sinh hoạt… vô cùng chất lượng và hữu hiệu, tinh xảo về kĩ nghệ và mỹ thuật; thái độ làm việc tận tâm, vệ sinh môi trường được đảm bảo, tất cả đều im lặng thánh thiện nhất niệm giữ câu Phật hiệu trong tâm. Các cá nhân của Hội Từ Tế luôn lấy gương của Ni trưởng Chánh Nghiêm, niệm ân sư và cùng gánh vác Phật sự “phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường mười phương chư Phật”, cũng như tinh thần niệm ân của Phúc Trí.

Phật giáo quan niệm bệnh là do thức ăn, do thời tiết, do tâm, do nghiệp; tức là thân bệnh, tâm bệnh và nghiệp bệnh. Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt, số 135 chỉ ra bệnh nghiệp là do các kiếp quá khứ và hiện tại do sát sinh, không có tâm từ, sự sống chúng sinh ân oán giết hại lẫn nhau; tùy theo mức độ nặng nhẹ mà phải chịu trả quả báo kiếp này như thường ốm đau hay chết yểu. Đức Phật luôn nhắc đến mối quan tâm lớn nhất của Ngài là thấy rõ “khổ đau, nguyên nhân mang lại khổ đau và phương thuốc chữa trị các thứ khổ đau ấy”. Điều này thể hiện rõ trong bài kinh Chuyển pháp luân, Tứ diệu đế.

Từ khi loài người xuất hiện thì ngành Y cũng song hành. Y đức là những phẩm chất tốt đẹp ngành Y cần có, liên hệ giữa bệnh nhân, thầy thuốc và cơ sở y tế. Đạo đức Phật giáo là nền tảng của mọi trật tự xã hội. Đức Phật đã từng học tập Y học,. Ngài rất am tường về bản chất và cách trị liệu bệnh tật. Đặc điểm chữa bệnh trong Phật giáo là nhấn mạnh sự tác động thân – tâm – cảnh, 6 căn với 6 trần, trong tinh thần Duyên khởi, Chân Không diệu hữu. Đức Phật là vị lương y thời cổ đại và nhiều đệ tử Phật cũng có khả năng khám chữa bệnh; trong đó phương pháp chữa bệnh bằng tịnh hóa tâm thức, bằng thực hành thiền, ứng dụng những lời dạy của Đức Phật rất được Tăng đoàn Phúc Trí quan tâm vận dụng. Cả Đông y, thuốc Nam và Tây y hiện đại đều công nhận vai trò chữa bệnh của Phật giáo; tìm ra ở đó nhiều sự tương đồng.

Trong suốt lịch sử Phật giáo có rất nhiều vị Y sĩ, các học giả Y tế, và nhiều ngự ynổi tiếng; như ở Trung Quốc, Đại sư Phật Đà Tăng Ha được xem là Quốc Sư nhà Đông Chu. Đại Sư Zhu Fatiao đến Trung Quốc từ Ấn Độ trong Chùa Changshan. Đại sư Faxi sống vào thời đại nhà Đường… Quý Ngài đều có duyên chữa bệnh bằng chuyên môn và dưới tinh thần Phật học, tất cả đều nổi tiếng trong các thời đại mà Quý Ngài xuất hiện; giúp đời và hành đạo đều tốt đẹp. Đó là tinh thần vận dụng Y phương minh (nội minh, ngoại minh, thanh minh, y phương minh, công xảo minh) của người con Phật.

Tinh thần Phật giáo và tư tưởng của Tập đoàn Phúc Trí hay Hội Từ Tế - Đài Loan khẳng định bệnh nhân sẽ đẩy lùi bệnh tật bằng thực hành Pháp, như ứng dụng: phương pháp thực hành Phật pháp, tu tập Bát chánh đạo, Tứ diệu đế, phát triển các ba-la-mật, v.v… Các Trung Tâm ứng dụng Phật Pháp chọn lựa không né tránh bệnh nhân này mà còn nỗ lực chăm sóc kĩ lưỡng, khuyến khích người già người bệnh giúp đỡ lẫn nhau, cùng sống chung với bệnh tật. Có được thái độ ứng xử này là nhờ tinh thần từ bi vô ngã, quán chiếu nhân duyên trong kiếp luân hồi và sự giả tạm của thân Ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức; sắc thuộc tứ đại (đất, nước, lửa, gió); thọ, tưởng, hành, thức thuộc tâm; hay còn gọi là Danh và Sắc).

 Phương pháp Y khoa cổ truyền là: xoa bóp ấn huyệt, đốt ngải cứu, các phương thuốc thiên nhiên (dược thảo, v.v.), Đông y và Nam dược được nói đến nhiều. Thiền sư Không Lộ, Thiền sư Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở Việt Nam có rất nhiều đóng góp trong việc chữa bệnh thông qua các dược liệu thiên nhiên; phòng và chữa bệnh như tinh thần Y phương Minh của Phúc Trí, Tĩnh Tư Đường Miền Bắc của Hội Từ TếGiáo Pháp Phật được coi là loại y dược được toàn hảo nhất với những người có đức tin, tốt cho một tâm trí suy nhược, cơ thể đau yếu. Các Tập đoàn ứng dụng Phật Pháp tin rằng, những căn bệnh có thể được chữa khỏi bằng nỗ lực tu dưỡng trí tuệ và thực hành giáo Pháp. Tâm thanh tịnh rất quan trọng, hướng con người đến những suy nghĩ lành mạnh, hành vi chân thiện, yên vui trong mọi hoàn cảnh; có thể tu tập ngay trong khi bệnh; sống chết tự tại, không áp lực lên bản thân và những người xung quanh. Thiền sư Ottamathara – Myanmar thời hiện đại cũng rất ủng hộ quan điểm này.

Với mục đích khóa học cho doanh nhân ứng dụng Phật pháp “phát triển bền vững, suy nghĩ hướng thượng, thăng tiến tâm linh, trân quý sinh mệnh, hiến tặng hạnh phúc”; lan tỏa lãnh đạo tâm huyết dấn thân tạo dựng môi trường làm việc an vui chính mình, hạnh phúc trong cơ quan đoàn thể của mình, để từ đó dấn thân gánh vác cùng xã hội. Các vấn đề nông nghiệp hữu cơ, môi trường, bệnh viện, giáo dục, y khoa được quan tâm trong chuyến thăm viếng giao lưu lần này đã gây nhiều ấn tượng tốt đẹp cho người hữu duyên.

Chuyến học tập trải nghiệm đã đưa doanh nhân Việt Nam đi thăm các doanh nghiệp hàng đầu tại Đài Loan, tìm hiểu các chiến lược phát triển ứng dụng vào thực tế; thông qua đây tạo cơ hội kết nối, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các doanh nhân, góp phần xây dựng cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đoàn kết và phát triển, nương tựa vào nhau, nương tựa vào pháp và nhân quả dưới sự cố vấn hộ thuẫn từ chư Tăng.

Tập đoàn Phúc Trí (bao gồm cả Tăng đoàn) luôn tạo điều kiện, hứa khả hợp tác hỗ trợ để Tăng Ni sinh Việt Nam sang du học, cùng xây dựng môi trường xã hội hòa bình, tiến bộ, âm đức theo tinh thần lời Phật; đón tiếp các giảng sư, nhà khoa học, Phật tử Việt Nam sang các chùa và các tổ chức xã hội chia sẻ Phật pháp, dạy Kinh Luật Luận, lan tỏa các điều tử tế; hoan nghênh các doanh nghiệp muốn đầu tư, chuyển giao công nghệ giữa hai bên Đài - Việt… Chuyến đi để lại nhiều ấn tượng và kết quả tốt đẹp trong tâm thức các giới, thể hiện mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Đài Loan.

TN Viên Giác

Download Android Download iOS
Tiểu sử Hoà thượng Thích Chơn Minh (1956 - 2024)

Hòa thượng Thích Chơn Minh, thế danh Trần Bạch Mai, sinh năm Bính Thân 1956 tại quận Sa Đéc, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc phường 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) nối dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 40 pháp huý Hồng Hoa, pháp tự Huệ Quang.

Quảng Ngãi: Chùa Phước Long tổ chức “Đêm Hội Trăng Rằm” cho 300 thiếu nhi địa phương

Buổi tối ngày 08/9/2024 (05 tháng 8 Giáp Thìn) Sư cô Thích Nữ Hạnh Tường, trụ trì chùa Phước Long (Hiệp Phổ Bắc, xã Hành Trung huyện Nghĩa Hành tỉnh Quảng Ngãi) cùng chư Tôn đức Ni và các tình nguyện viên, đã tổ chức “Đêm Hội Trăng Rằm” cho 300 thiếu nhi địa phương.

Cà Mau: 1000 bạn trẻ về chùa Vạn Phước huyện Phú Tân tham dự Vui Hội Trăng Rằm

Ngày 8/9/2024 (06 tháng 8 Giáp Thìn) Sư cô Thích Nữ Diệu Minh, Phó Ban Trị sự Phật giáo huyện Phú Tân, trụ trì chùa Vạn Phước (xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân, Cà Mau) đã tổ chức khóa tu Tuổi trẻ Hướng Phật cho hơn 400 thanh thiếu nhi và chương trình Vui Hội Trăng Rằm cho hơn 1000 học sinh huyện nhà.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online