PSO - Từ ngày 14/07/2024 đến ngày 18/07/2024 (nhằm ngày 09/06 đến ngày 13/06 năm Giáp Thìn) đã diễn ra chuỗi Phật sự của Thiền Sư Ottamathara – Viện chủ hơn 125 trường thiền mang tên Thabarwa tại Myanmar và nhiều nước trên thế giới. Thiền sư nhận được sự đón tiếp nồng hậu, kính quý, chân thành từ các tổ chức, cơ cở, các chùa, chư Tăng Ni tại Sri Lanka trong tình Tăng thân và vì điểm tương đồng của các nước quốc giáo theo truyền thống Nguyên thủy Phật giáo. Hộ độ chính cộng đồng Thabarwa Quốc tế - Thabarwa VN, đại diện Thầy Trần Việt Quân và cô Nguyễn Đoàn Kim Sơn.
Đêm 14/07/2024, Thiền sư Ottamathara đáp xuống sân bay quốc tế Colombo, Trưởng lão Hòa thượng cao cấp của Chính Phủ và Tăng già Sri Lanka - Ven. Talagala Sumanaratana Thero; Tiến sĩ Polgaswatte Paramananda, Viện nghiên cứu Từ điển Phật học và một số chư Tăng, cư sĩ đại diện đón Thiền sư cùng đoàn.
Chiều ngày 15/07, tại chùa Ngài Polgaswatte Paramananda, gần 500 chư Tăng Ni, quý giáo sư, nhà khoa học, giáo viên, học sinh, đông đảo Phật tử; cùng một số quý Trưởng lão đã có mặt tham dự lễ ra mắt cuốn sách thứ hai xuất bản chính thống tại Sri Lanka “Teachings & Questions Answers – Satipatthana meditatinon course” và chúc mừng Thiền sư Ottamathara nhận bằng Tiến sĩ - Tiến sĩ Danh Dự.
Nội dung cuốn sách được team dịch biên soạn chia làm hai phần: Pháp Thoại và Hỏi đáp, bàn về Thiền học Tứ niệm xứ, đặc biệt Thiền Vipassana; là tập hợp những bài pháp, những câu trả lời ngắn của Thiền sư Ottamathara đến hành giả trong khóa Thiền 10 ngày tại Thiền viện Phước Sơn – Đồng Nai, Việt Nam; cả trực tiếp diện kiến và các câu hỏi online, đều được Ngài giải đáp thỏa đáng đến mọi căn cơ.
Cũng như 5-6 đầu sách đã xuất bản tại Myanmar, Malaysia, Việt Nam,… nội dung các bài Pháp của Ngài xoanh quanh: Bát Chánh Đạo, Tứ Diệu Đế, các Pháp số căn bản: Khổ - Vô thường - Vô ngã, Giới - Định - Tuệ, Văn - Tư - Tu, Chánh kiến, Duyên khởi, Nghiệp, Nhân Qủa, Parami (Thiện pháp), Luân hồi Nghiệp báo…; tức bám sát 37 Phẩm trợ đạo. Tuy nhiên, với việc sử dụng “Thanh minh” (trong Ngũ Minh) – ngôn ngữ giản dị, gần gũi, văn phong dễ hiểu và năng lượng Thân Giáo bình an chánh niệm, Thiền sư Ottamathara luôn gây được sự kính quý với nhiều giới và thiền sinh dễ dàng chấp nhận câu trả lời/ khai thị của Ngài để ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày.
Ngài Thiền sư luôn khuyến khích thiền sinh nếu có thể nên xuất gia dài hạn hoặc ngắn hạn bằng các khóa xuất gia gieo duyên để trải nghiệm đời sống thiền môn. Vì đây là môi trường thuận lợi để những hành giả rốt ráo có thể xả ly khỏi thân và tâm, xả ly khỏi đối tượng, con người, không gian, thời gian – Sự Thật Tục Đế, dấn thân trọn vẹn cho lý tưởng giác ngộ phục vụ đạo đời “làm thiện pháp một cách miên mật nghiêm túc không giới hạn”.
Hướng theo lời dạy của Ngài, hành giả sẽ tận dụng kiếp sống làm người ngắn ngủi khi gặp được Chánh Pháp Minh Sư, phát huy năng lực “nguồn tâm”, cống hiến một cách “không mệt mỏi”/ “tự nhiên”/ “tùy duyên thuận Pháp” - chỉ làm và làm trong sự tin hiểu Nhân Qủa để chuyển Nghiệp/ dừng Nghiệp xấu, hướng đến giải thoát sanh tử luân hồi. Và vì vậy, việc hành thiền, nghe pháp, phụng sự Tăng đoàn, phụng sự nhân sinh, là niềm vui, là sự tự nguyện của “người tỉnh thức”. Tu/ xuất gia với ý nghĩa như vậy là “dấn thân hành Bồ-tát đạo” chứ không phải bị động/ yếu đuối/ trốn tránh hay làm gánh nặng cho xã hội; mà ngược lại càng phụng sự cộng đồng, phụng sự chúng sanh nhiều hơn, đúng tinh thần Phật giáo Việt Nam “phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường mười phương chư Phật”. Vì biết ai cũng có Phật Tánh, Pháp ở khắp muôn nơi chỉ cần “Thể nhập Tánh Biết”, buông phân biệt nhị nguyên hí luận và chân thành kham nhẫn với Vô ngã - Từ bi - Bất hại -Trung đạo. Đó cũng là điều Thiền sư Ottamathara thực hiện hơn 25 năm qua, thể nghiệm bằng kinh nghiệm hành đạo thông qua nghiên cứu các yếu chỉ của Kinh Luật Luận.
Phát biểu tại buổi lễ, nhiều ý kiến của Trưởng lão Tăng, quý quan khách học giả, đạo hữu Phật tử, đã bày tỏ niềm tán thán và tri ân sâu sắc đến Thiền sư, đến sự giáo hóa hoằng Pháp và phục vụ an sinh phúc lợi xã hội của Ngài tại Việt Nam, Myanmar và nhiều nước trên thế giới; bảy tỏ sự tin tưởng, tự hào và sẵn sàng yểm trợ cho Thiền sư để Ngài thuận duyên hoằng Pháp tại Sri Lanka; mong muốn có thêm Trung Tâm Thiền Thabarwa tại Sri Lanka.
Cũng tại buổi lễ, Thiền sư Ottamathara, Cô Nguyễn Đoàn Kim Sơn - Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT Bách Khoa Group; sáng lập, cố vấn chuỗi hệ thống Trường Pathway Tuệ Đức; sáng lập, Chủ tịch HĐQT chuỗi hệ thống Trường Xanh Tuệ Đức; sáng lập, thành viên HĐQT Viện Đào Tạo Bách Khoa; sáng lập, Chủ tịch HĐQT Trường Cao Đẳng Quốc Tế Tuệ Đức; diễn giả chương trình Lãnh đạo chính mình, Quy luật gieo hạt, Hạnh phúc tuổi già, Hôn nhân hạnh phúc, Doanh nghiệp hạnh phúc…; tâm nguyện “Đi tìm hạnh phúc của mình trong hạnh phúc của người khác”; thay mặt cộng đồng thí chủ Thabarwa Quốc Tế và Thabarwa VN đã cúng dường gần 100 chư Tăng Ni, nhất là hỗ trợ Tăng Ni sinh Việt Nam, Myanmar, Sri Lanka, mỗi phần trị giá khoảng 500 ngàn VNĐ; cộng đồng Thabarwa Myanmar – VN cũng gửi 500 phần quà (ảnh Phật, vở, bánh kẹo, đồ dùng sinh hoạt) đến các em học sinh và Phật tử trong sự giao lưu ấm áp tình Pháp lữ.
Trước đó, vào buổi sáng, Ngài Thiền sư Ottamathara và Tăng đoàn Thabarwa có đến thăm Trường Đại học Đài Loan đầu tư xây dựng tại Sri Lanka. Qúy Hòa Thượng và quý Sư đã đưa Ngài đi thăm các quần thể xây dựng kiến trúc chùa/ trường, khảo sát các mô hình đào tạo, thăm các lớp học. Đại diện Trường cũng có nhã ý muốn mời Thiền sư và chư Tăng Ni Thabarwa sang cộng tu, giảng dạy, hoằng Pháp, kết hợp giữa các bên để sử dụng nguồn lực và ứng dụng giáo lý Phật đến các cấp học.
Đến với đất nước Sri Lanka xinh đẹp hiền hòa hiếu khách, Tăng đoàn Thabarwa cũng giao lưu thêm với khoảng 500 học sinh tại chùa Ngài Polgaswatte Paramananda quản lý trước khi buổi lễ ra mắt sách bắt đầu. Đoàn cũng có đến chùa lưu giữ quốc bảo Xá lợi Phật của Trưởng lão Ven. Talagala Sumanaratana Thero và thăm, giao lưu hơn 500 học sinh – gia đình Phật tử, lớp giáo lý và sinh hoạt tại chùa; hiểu thêm về mô hình giáo dục gắn kết giữa gia đình – thiền viện/ chùa/ trường đào tạo Phật giáo – trường thế tục/ xã hội. Ngoài ra, chư Tăng Sri Lanka và du học sinh Myanmar, Việt Nam cũng đưa Ngài Ottamathara và đoàn đến thăm một số chùa cổ và các di sản nổi tiếng của Sri Lanka. Thiền sư Ottamathara giành nhiều thời gian chia sẻ Pháp với khoảng 40 Tăng Ni sinh người Myanmar.
Sáng ngày 16/07, Thiền sư Ottamathara và Tăng đoàn Thabarwa Quốc Tế theo lời mời thỉnh của Giám đốc Trung Tâm Trao đổi Văn hóa Pali & Phạn Semkay Ling, Sri Lanka – Tiến sĩ Damenda Porage, Ngài đã có mặt thăm pho tượng Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni do thí chủ Thabarwa VN tiến cúng, trị giá 1.600 usd (gia đình Quang – Mila) và quần thể trụ sở tại đây.
Giám đốc Damenda Porage và Ban điều hành Trung Tâm đã đón tiếp Ngài vô cùng long trọng, trang nghiêm, biết ơn và thành kính theo nghi thức đón khách quý tại đất nước Phật giáo Sri Lanka. Trung Tâm đã và đang là nơi nghiên cứu, lưu giữ, giao lưu văn hóa Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa không chỉ ở Sri Lanka mà còn mở rộng tầm vóc Quốc Tế.
Sáng ngày 17/07, đoàn đến đảnh lễ, vấn an Ngài Hòa Thượng Trưởng Lão Tăng Thống nhánh thứ Nhất của Phật giáo Sri Lanka - Ngài Thibbatuwawe Sri Siddhartha Sumangala, Mahanayaka của Tông phái Malwatta dòng Siyam Nikaya, tại Văn phòng Maha Nayaka Hamuduruwane, Cố đô Kandy. Hòa Thượng hồi năm ngoái lần đầu tiên đã trao sắc phong cho người nước ngoài, danh hiệu “Kammaṭṭhānācariya Saddhamajotika Lokatthacariya Ashin Ottamathera” – “Hoà Thượng Trưởng Lão Cao Quý Có Nhiều Đóng Góp Cho Phật Giáo Thời Hiện Đại” trong tinh thần: Yêu Chuộng Hoà Bình, Bất Hại; Phúc Lợi Xã Hội; Lục Hoà Tăng Đoàn; Chánh Niệm Xả Ly”, vì những đóng góp không mệt mỏi của Ngài Thiền Sư Ottamathara suốt hơn 25 năm qua cho đạo và đời. Buổi vấn an diễn ra trong không khí tràn ngập tình Tăng thân với sự tiếp đón và hộ độ hiếu khách của nhiều Cảnh Sát thường trực.
Được sự chấp thuận của Chính phủ Sri Lanka, sáng ngày 18/08, Thiền sư Ottamathara và Tăng đoàn Thabarwa đón nhận cây bồ đề thiêng được trích từ cây Bồ đề Chính (Jaya Sri Maha Bodhi) ở thánh tích Mahavihara, Sri Lanka.
Cây Bồ đề Chính được chiết từ nhánh phía Nam của cây Bồ đề ở Bồ đề đạo tràng (Bodh Gaya, Ấn Độ), nơi Đức Phật thành đạo; vua Asoka tặng cho vua Devanampiya Tissa tại Sri Lanka vào năm 247 trước Tây lịch. Con gái của vua Asoka là Ni trưởng Sanghamitta đã sang Sri Lanka với mục đích thành lập Ni đoàn, mang nhánh Bồ-đề này qua, trồng ở Anuradhapura (cây Bồ đề "Sri-Maha Bodhi": "Cây Bồ Đề Vĩ Đại Cát Tường"). Hiện là cây có tuổi thọ cao nhất thế giới (hơn 2.300 tuổi) và là quốc bảo của Sri Lanka.
Cội Bồ-đề là danh hiệu chỉ cây cổ thụ tại khu vực Bồ Đề Đạo tràng, nơi đức Phật thiền tọa và chứng đắc quả vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác, là một trong 4 Thánh địa tối cao của Phật giáo. Khi còn tại thế, Đức Phật nói với Ngài thị giả ANan: khi Cư sĩ tới Tịnh xá lễ bái mà không có Ngài ở đó, thì có thể chỉ họ chiêm bái cây bồ đề, vì “thấy cây bồ đề cũng như là thấy Như Lai vậy”.
Chùa Bomaluwa, Sri Lanka - nơi chịu trách nhiệm quản lý coi giữ cây Bồ đề Chính (trích từ nhánh cây Bồ đề nơi đức Phật thành đạo), đồng ý tặng Ngài Thiền sư Ottamathara cây Bồ đề con ươm từ cội bồ đề thiêng này với sự đồng ý của Chính Phủ Sri Lanka kí quyết định. Thắng duyên góp phần gắn chặt tình hữu nghị ba nước Myanmar - Sri Lanka - Việt Nam; lan tỏa tinh thần từ bi trí tuệ của Phật giáo đến Quốc Tế.
Tối ngày 18/08/ 2024 dl, đoàn quay trở lại Ấn Độ chuẩn bị cho khóa nhập Hạ - An Cư Mùa Mưa 3 tháng của Tăng đoàn Thabarwa tại Bodhgaya. Kết thúc chuyến thăm và hợp tác tốt đẹp giữa Tăng đoàn Thabarwa và đất nước Sri Lanka, Phật tử Việt Nam. Cây Bồ đề non sẽ được đón về trồng tại Trung Tâm Thiền Quốc Tế Thabarwa Naypyidaw tại miền Trung Myanmar vào năm sau.
Sau đây là hình ảnh ghi nhận được:
TN Viên Giác