06/09/2024 09:08

Phương pháp tu tập trong Kinh Đại Bát Niết Bàn

Nghe đọc bài:

PSO - Kinh Đại Bát Niết bàn thuộc hệ thống kinh điển Bắc truyền, là bộ kinh ghi lại những lời giáo huấn cuối cùng của Đức Phật cho hàng đệ tử. Kinh này được chia ra Nam truyền Niết bàn và Bắc truyền Niết bàn. Tuy có khác về hình thức nhưng nội hàm của kinh vẫn giữ nguyên. Nội dung phương pháp tu tập trong Kinh Đại Bát Niết bàn để thực hành ba yếu tố: Chánh tri kiến trong nhận thức, sự nương tựa cao quý khi Như Lai nhập diệt và con đường Phạm hạnh thanh tịnh.

Đại Bát Niết Bàn Kinh là bộ kinh ghi lại những lời giáo huấn cuối cùng của Đức Phật cho hàng đệ tử.

DẪN LUẬN

Kinh Đại Bát Niết bàn hàm chứa vô lượng nghĩa, trình bày hết thảy nghĩa lý cao thâm của Phật giáo Đại thừa, đánh tan hết thảy sở nghi của đại chúng trước việc đức Như Lai thị hiện nhập Niết bàn. Bên cạnh đó, kinh chỉ rõ hay khẳng định lại quá trình tu tập của một hành giả đang bước đi trên con đường Bồ tát hạnh, từ phương diện nhận thức đến thực hành.

Mở đầu kinh là quang cảnh Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở tại rừng Ta La Song Thọ nơi thành Câu Thi Na, cùng với tám mươi ức trăm ngàn vị đại Tỳ kheo. Bấy giờ nhằm ngày Rằm tháng hai vào lúc sáng sớm sắp nhập Niết bàn. Khi biết tin Đức Phật sắp nhập Niết bàn, hết thảy chúng sanh đều rúng động, sanh tâm sầu khổ, tề tựu về rừng Ta La Song Thọ để dâng phẩm vật cúng dường cũng như thính pháp từ Thế Tôn lần cuối cùng. Đức Phật vì xót thương đại chúng mà giảng bày pháp nghĩa, yếu chỉ Đại thừa.

Trong khuôn khổ nội dung bài viết, chúng tôi không trình bày chi tiết, sớ giải nghĩa lý từng phẩm, mà chỉ tập trung khai thác những vấn đề mang tính đặc thù, cốt lõi chỉ có trong Kinh Đại Bát Niết bàn.

Kinh Đại Bát Niết bàn hàm chứa vô lượng nghĩa, trình bày hết thảy nghĩa lý cao thâm của Phật giáo Đại thừa, đánh tan hết thảy sở nghi của đại chúng trước việc đức Như Lai thị hiện nhập Niết bàn. – (ảnh: sưu tầm)

TỔNG QUAN VỀ ĐẠI BÁT NIẾT BÀN KINH
Giải thích đề kinh

Đại Bát Niết bàn Kinh, Phạn ngữ Mahā Parinirvāṇa sūtra. Kinh là tên chung của Thánh giáo. Đại nghĩa là lớn, Bát Niết bàn nghĩa là diệt độ. Đại còn có nghĩa là Pháp thân, cho nên kinh này nói: “Gọi là Đại, tức là tánh của nó rỗng toang giống như hư không, tánh đó tức là pháp tánh, pháp tánh tức pháp thân”. Diệt tức là giải thoát, giải thoát hai thứ: Phiền não và sanh tử dứt hẳn, khỏi hoạn lụy của nhân quả này, tức là nghĩa giải thoát. Nói là Độ, tức là Ma-ha Bát-nhã, cho nên Đại luận nói: “Tin là có thể nhập, trí có thể độ” [1].

Lịch sử truyền thừa và phiên dịch Đại Bát Niết bàn kinh

Đại Bát Niết bàn Kinh là bộ kinh ghi lại những lời giáo huấn cuối cùng của Đức Phật cho hàng đệ tử. Kinh này được chia ra Nam truyền Niết bàn và Bắc truyền Niết bànNam truyền Niết bàn là bản kinh ngắn trong tạng Nikaya ghi lại những lời dạy cuối cùng của Thế Tôn trước khi diệt độ. Bắc truyền Niết bàn là bản kinh tóm tắt những pháp cốt tủy của đạo giải thoát, nói rõ pháp thân thanh tịnh vô tướng, hàm tàng các đức tánh chân thường, chân lạc, chân ngã, chân tịnh, diệu dụng không cùng [2]. Về lịch sử truyền dịch, kinh Niết bàn được biết có 9 bộ:
1. Bồ-tát Nê-hoàn Kinh, 2 quyển, Chi-lâu-ca-sấm đời Hậu Hán dịch.
2. Đại Bát Nê-hoàn Kinh, 2 quyển, Chi Khiêm đời Ngô dịch.
3. Phương Đẳng Bát Nê-hoàn Kinh, 2 quyển, Trúc Pháp Hộ đời Tây Tấn dịch.
4. Đại Bát Nê-hoàn Kinh, 6 quyển, Pháp Hiển và Giác Hiền đời Đông Tấn dịch.
5. Phật Di Giáo Kinh, 1 quyển, Cưu-ma-la-thập đời Diêu Tần dịch.
6. Đại Bát Niết bàn Kinh, 40 quyển, Đàm Vô Sấm đời Bắc Lương dịch
7. Bát Nê-hoàn Kinh, 20 quyển, Trí Mãnh đời Lưu Tống dịch.
8. Tứ Đồng Tử Tam Muội Kinh, 3 quyển, Xà-na-quật-đa, đời Tùy dịch.
9. Đại Bát Niết bàn Kinh hậu phần, 2 quyển, Nhã-na-bát-đa-la dịch [3].

Phái Niết bàn lập tông dựa trên hai bản dịch gọi là Bắc bản và Nam bản. Bắc bản là kinh được dịch ra tiếng Hán bởi thiền sư người Ấn hiệu Đàm Vô Sấm (385-433) tại Bắc Lương vào năm 422 niên hiệu Huyền Thỉ thứ 10 [4]. Về hình thức, toàn bộ Bắc bản có 13 phẩm chia thành 40 quyển và được các ngài Tuệ Trung và Đạo Lãng ghi chép lưu truyền đến ngày nay. Nam bản là sự hợp bản của Đại Bát Nê-hoàn kinh 6 quyển do Đại sư Pháp Hiển dịch với bản Niết bàn kinh 40 quyển của Đàm Vô Sấm do các ngài Tuệ Quán, Tuệ Nghiêm, Tạ Linh Vận biên soạn tại Giang Nam: “嚴迺共慧觀謝靈運等。依泥洹本加之品目。文有過質頗亦治改” (Tuệ Nghiên cùng với các vị Tuệ Quán, Tạ Linh Vận… dựa vào kinh Nê-hoàn mà thêm vào các mục, văn chương có chỗ nào thô nghĩa liền sửa lại)[5]. Dựa vào bản dịch này mà về sau Bảo Lượng khoảng giữa triều Tề và Lương (444-509), Trí Tạng đời Lương (454-522) soạn ra các bản nghĩa sớ giúp cho Niết bàn tông ngày một trở nên hưng thịnh tại Giang Nam.

Như vậy, sự khác biệt nội dung giữa hai bản Nam Bắc là không thay đổi. Bản Nam khác Bắc chủ yếu về hình thức trình bày. Một mặt, bản Bắc vì do ngài Đàm Vô Sấm dịch nên lối văn giữ lại nguyên bản theo Phạn ngữ. Bản Nam do ngài Pháp Hiển dịch nên lối văn có thêm một vài mục để phù hợp với văn phong truyền thống của văn học Trung Hoa (có thêm phần tựa). Do đó, không nên so sánh sự sai khác hình thức và nội dung của hai bản dịch này mà sanh ra phân tích đúng sai khác biệt giữa hai bản. Tại Việt Nam, Nam bản do Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch ra Việt ngữ phân làm 42 quyển chia thành 2 tập 29 phẩm [6] (tập 1 từ phẩm 1 đến phẩm thứ 21 và tập 2 từ phẩm 22 đến phẩm 29). Bắc bản do Đoàn Trung Còn và Nguyễn Minh Tiến dịch ra Việt ngữ với 40 quyển chia làm 13 phẩm [7].

Toàn bộ hệ thống giáo lý Đức Phật chỉ dạy là những phương pháp tu tập và hành trì, chuyển hóa tâm thức nhiễm ô thành thanh tịnh, từ phàm phu ngu si bước lên địa vị bậc Thánh, từ phiền não khổ đau thành Niết bàn an lạc.

PHƯƠNG PHÁP TU TẬP
Sự nương tựa cao quý khi Như Lai nhập diệt

Những việc cần làm của đại chúng khi đức Như Lai nhập diệt, được Đức Phật căn dặn đầy đủ trong các phẩm Kinh, trong đó có Phẩm Di Giáo – Phẩm thứ hai mươi sáu. Lúc bấy giờ, ngài A Nan vì đại chúng thưa hỏi Đức Phật bốn điều:
(1) Sau khi Phật nhập Niết bàn Lục quần Tỳ kheo làm việc ô tha gia, cùng Xa Nặc ác tánh, các Tỳ kheo làm thế nào để cùng họ cộng trụ và chỉ dạy họ?
(2) Đức Như Lai còn thời dùng Phật làm Thầy, Đức Như Lai đã diệt độ rồi lấy gì để làm Thầy?
(3) Lúc Phật còn nương nơi Phật mà trụ, Như Lai đã diệt độ nương gì để trụ?
(4) Sau khi Phật diệt độ, lúc kết tập pháp tạng, đầu các kinh phải để những lời gì?” [8].

Từ những câu hỏi trên, Đức Phật đã lần lượt ân cần chỉ dạy đại chúng những nghĩa lý tối hậu, nhờ đó giải quyết hết thảy nghi lầm, lấy đó làm chỗ sở y trên bước đường tu tập khi sắc thân Như Lai không còn hiện hữu trên đời.

Ngoài ra, khi hành trì đọc tụng, người viết có nhận thấy chỗ nương tựa cao quý khi Đức Phật nhập diệt chỉ có trong Kinh Đại Bát Niết bàn, chính là Tứ y pháp. Trong Phẩm Tứ y – thứ tám, ngài Ca Diếp Bồ tát thuật lại lời dạy của Đức Phật: “Các Tỳ kheo phải y theo bốn điều: Y theo pháp không y theo người, y theo nghĩa không y theo lời,  y theo trí không y theo thức, y theo kinh liễu nghĩa không y theo kinh chẳng liễu nghĩa” [9].

Đức Phật đã giảng giải cặn kẽ Tứ y pháp trên, đơn cử như trong việc y theo pháp không y theo người: “Này Ca-Diếp! nếu là người phá giới vì lợi dưỡng mà nói Như Lai là vô thường biến đổi, thời không nên nương tựa với người ấy” [10]. Ở đây nhấn mạnh người phá giới và ham mê lợi dưỡng, giảng dạy Phật pháp một cách lệch lạc, văn nghĩa không chuẩn xác thì không nương tựa. Đây là điều hết sức quan trọng trong quá trình tu tập của một hành giả, vì nếu không hiểu sâu sắc nghĩa lý trên, rất dễ đi vào con đường tà kiến, hành trì sai lầm.

Chánh tri kiến trong nhận thức

Toàn bộ hệ thống giáo lý Đức Phật chỉ dạy là những phương pháp tu tập và hành trì, chuyển hóa tâm thức nhiễm ô thành thanh tịnh, từ phàm phu ngu si bước lên địa vị bậc Thánh, từ phiền não khổ đau thành Niết bàn an lạc. Trong quá trình tu tập, khi nhận thức đúng đắn, có chánh tri kiến, thì hành giả mới có thể bước vào đạo lộ giải thoát.

Bốn pháp Thường, Lạc, Ngã, Tịnh

Kinh Đại Bát Niết bàn nhấn mạnh đến bốn pháp Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Khi nhận thức đúng đắn về bốn pháp trên, hành giả không còn nghi tâm, không có sự chấp thủ, bám víu, trí tuệ sáng suốt, vững bước trên con đường học Bồ tát hạnh tu Bồ tát đạo. Trong phẩm Thánh hạnh – thứ mười chín, Đức Phật dạy cho Ca Diếp Bồ tát và đại chúng về ý nghĩa chữ “Thường” chỉ cho Phật tánh không biến đổi; Như Lai pháp thân không biến đổi, thường trú tịch diệt; Tam bảo – Phật, Pháp, Tăng cũng mang ý nghĩa thường trụ không biến đổi.

Theo Kinh Đại Bát Niết bàn, “Lạc” chỉ cho sự an vui tối thượng khi đoạn trừ tất cả phiền não, thành tựu hết thảy công hạnh Bồ tát và giáo hóa vô lượng chúng sanh. “Ngã” chỉ cho Phật tánh, Như Lai tạng, Đức Phật dạy Ca Diếp Bồ tát: “Này thiện nam tử! Ngã tức là nghĩa Như Lai tạng. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh tức là nghĩa của ngã. Nghĩa của ngã như vậy từ nào tới giờ thường bị vô lượng phiền não che đậy, vì thế nên chúng sanh chẳng nhận thấy được” [11]. Chữ “Tịnh” chỉ cho sự thuần khiết, không ô nhiễm, trong sạch hoàn toàn.

Bốn pháp Thường, Lạc, Ngã, Tịnh chỉ cho đức tính của Đại Bát Niết bàn. Chỉ có hàng đại Bồ tát mới thể nhập thấu suốt bốn pháp Thường, Lạc, Ngã, Tịnh: “Lại này thiện nam tử! Vô sở đắc của đại Bồ tát gọi là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, vì đại Bồ tát thấy Phật tánh nên đặng Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Do đó nên gọi Bồ tát là Vô sở đắc”[12].

Phật tánh và Nhất-xiển-đề

Nhất-xiển-đề là khái niệm mới trong Kinh Đại Bát Niết bàn. Nhất-xiển-đề chỉ cho hạng hư mầm Phật, không thể phát tâm Bồ đề, khó có khả năng tu tập thành Phật; dù có tu tập cũng rất lâu xa mới có kết quả. Kinh văn: “Hạng Nhất-xiển-đề đoạn diệt tất cả căn lành, tâm họ không vin niếu tất cả pháp lành, nhẫn đến không sanh một niệm lành” [13].
Trong chánh kinh nhiều lần Đức Phật đưa ra các định nghĩa về Nhất-xiển-đề, cũng như tâm xu hướng đến Nhất-xiển-đề: “Phật bảo Thuần Đà: Nếu có Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, nói lời thô ác, chê bai chánh pháp, tạo tội nặng nề, trọn chẳng ăn năn, tâm không hổ thẹn, người như vậy gọi là xu hướng con đường Nhất-xiển-đề.
Nếu người phạm bốn tội trọng, năm tội nghịch, tự quyết định biết phạm tội trọng như vậy, mà tâm chẳng biết sợ sệt hổ thẹn, chẳng bằng lòng phát lồ, ở nơi chánh pháp trọn không lòng hộ trì kiến lập, chê bai khinh tiện, nhiều lời lỗi lầm, người như vậy cũng gọi là hướng đến đường Nhất-xiển-đề.
Nếu lại có người nói rằng: Không Phật, không Pháp, không Tăng, người như vậy, cũng gọi là hướng đến đường Nhất-xiển-đề.” [14].

Nếu như hiểu Phật tánh là khả năng có thể thành Phật ẩn tàng trong mỗi chúng sanh, thì dù hạng Nhất-xiển-đề, hay có tâm xu hướng đến Nhất-xiển-đề cũng đều làm chánh nhân cho sự giác ngộ giải thoát. Hạng Nhất-xiển-đề chia ra làm hai: Một là hạng đặng căn lành hiện tại, hai là hạng đặng căn lành đời sau.

Đức Như Lai biết rõ hạng Nhất-xiển-đề những kẻ hiện tại có thể đặng thiện căn thời thuyết pháp cho. Những kẻ đời sau đặng thiện căn Đức Phật cũng thuyết pháp cho họ, nay dầu vô ích nhưng để làm nhơn cho đời sau. Do đây nên đức Như Lai vì hạng Nhất-xiển-đề mà giảng thuyết pháp yếu. Lại có hai hạng Nhất-xiển-đề: Một là hạng lợi căn, hai là hạng trung căn. Hạng lợi căn nơi đời hiện tại có thể đặng thiện căn, hạng trung căn thời đời sau sẽ đặng. Chư Phật không bao giờ thuyết pháp mà không lợi ích” [15].

Tư tưởng Phật tánh và Nhất-xiển-đề được chánh kinh đề cập rất nhiều. Đức Phật đã vì đại chúng, khéo léo giải thích tường tận, cũng như chỉ rõ những quan điểm sai lầm, con đường lệch lạc dẫn dắt hành giả rời xa thánh đạo.

Kinh Đại Bát Niết bàn chứa đựng nhiều nghĩa lý uyên áo, tiến trình nhận thức và con đường thực tập phạm hạnh của một hành giả được Đức Phật chỉ dạy cặn kẽ. Tùy vào năng lực của mỗi cá nhân, hành giả cần thọ trì đọc tụng, khéo tư duy nghĩa lý kinh và nỗ lực thực tập.

CON ĐƯỜNG PHẠM HẠNH THANH TỊNH
Phát tâm lập nguyện của các vị Bồ tát

Đọc qua Kinh Đại Bát Niết bàn, chúng ta dễ dàng thấy được những hình ảnh hết sức gần gũi của các vị đại Bồ tát, với những lời phát nguyện tha thiết hộ trì Chánh pháp trước Đức Phật cũng như đại chúng. Những hành giả đang bước đi trên con đường học Bồ tát hạnh, tu Bồ tát đạo sẽ lấy đó làm nền tảng, làm sở nhân trong quá trình tu tập.

Tâm phát thì chúng sanh mới có thể độ, nguyện lập thì Phật đạo mới có thể thành. Bước đầu tiên và cũng là quan trong nhất của một hành giả tu theo Đại thừa là phát Bồ đề tâm – phát tâm, lập nguyện, với mong muốn thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh. Chỉ khi phát tâm, lập nguyện hành giả mới có con đường, mục tiêu để đi, có đích để đến, không như thế thì Thánh đạo khó thành, thậm chí bị sa đọa.

Đơn cử như trong Phẩm Sư Tử Hống Bồ tát – thứ hai mươi ba, Đức Phật có dạy cho Sư Tử Hống Bồ tát và đại chúng lời phát tâm, lập nguyện của chư đại Bồ tát: “Lại nguyện rằng: Mong chư Phật, chư Bồ tát luôn có lòng hoan hỷ đối với tôi, nguyện tôi đủ năm căn lành. Nếu có chúng sanh nào chặt chém đánh đập giết hại tôi, đối với kẻ nầy, tôi khởi lòng đại từ, lòng vui mừng, vì nhờ họ mà tôi được thêm lớn công hạnh Bồ đĐề. Nếu không có họ, tôi làm sao được quả vô thượng Bồ đề.
Lại nguyện rằng: Đời đời tôi được khỏi những thân nữ, thân hai căn, không căn; không bị làm nô lệ, không gặp chủ hung ác, không thuộc dưới quyền vua chúa ác; chẳng sanh vào nước ác.
Nếu được thân xinh tốt, dòng họ cao sang, giàu có, nguyện tôi không có lòng kiêu mạn.
Nguyện tôi thường được nghe mười hai bộ kinh và thọ trì, đọc tụng, biên chép, giải thuyết. Lúc tôi giảng thuyết cho chúng sanh, nguyện cho thính gỉa đều kính tin không nghi, chẳng sanh ác tâm đối với tôi […]” [16].

Phát tâm, lập nguyện là bước đầu tiên nung nấu ý chí mãnh liệt để thực tập và hành trì. Khi tâm nguyện đủ lớn, trong quá trình thực tập, dù có gặp chướng duyên, khó khăn, trắc trở như thế nào cũng cố gắng vượt qua, hoàn thành tâm nguyện chính là đích đến của Niết bàn an lạc.

Huân tu Lục độ vạn hạnh, các công đức thù thắng

Quá trình tu tập của một hành giả đi từ nhận thức đúng đắn đến hành động đúng đắn. Khi hành giả đã có đầy đủ những hành trang tư lương, từ sự nương tựa cao quý khi Đức Phật nhập diệt, đến Chánh tri kiến trong nhận thức và sự phát tâm lập nguyện; việc thực hành Lục độ vạn hạnh (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ) cũng như huân tu các công đức thù thắng khác, là một quá trình đầy gian nan, như người lội vào biển lớn, khó sang đến bờ bên kia.

Gọi là huân tu, vì các công hạnh không thể thành tựu trong sớm chiều, mà phải tích lũy các Ba-la-mật trong vô số kiếp. Nhờ sức hộ trì của Tam bảo cũng như sự nỗ lực nơi tự thân, hành giả dần bước vào đạo lộ của bậc Thánh – con đường Đức Phật đã đi, đích Đức Phật đã đến.

Khảo sát qua Kinh Đại Bát Niết bàn, Đức Phật đã chỉ dạy tận tình, tỉ mỉ cho thính chúng những việc cần làm để huân tu, thành tựu các công đức lành. Đơn cử như: “Phật bảo Ca Diếp Bồ tát: Đại Bồ tát phải nên ở nơi kinh Đại Niết bàn này chuyên tâm tư duy năm thứ hạnh: Một là Thánh hạnh, hai là Phạm hạnh, ba là Thiên hạnh, bốn là Anh nhi hạnh, năm là Bệnh hạnh. Nầy Thiện-nam-tử ! Đại-Bồ-Tát thường nên tu tập năm thứ hạnh này. Lại có một hạnh, chính là Như Lai hạnh, cũng chính là kinh Đại thừa Đại Niết bàn” [17].

Trong các hạnh mà Thế Tôn chỉ dạy (Thánh hạnh, Phạm hạnh, Thiên hạnh, Anh nhi hạnh, Bệnh hạnh) có đầy đủ quá trình tu tập Lục độ vạn hạnh của một vị Bồ tát. Khi tu tập chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều nghi tâm, sự chướng duyên, ma sự. Bằng trí tuệ thậm thâm không thể nghĩ bàn, đức Như Lai bậc nhất thiết trí đã khéo léo giảng giải, giúp đại chúng dứt sạch chướng nghi, sanh hỷ tâm. Hành giả trải qua vô số kiếp thực tập và hành trì, chứa đủ các công hạnh sẽ trở thành bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

KẾT LUẬN

Kinh Đại Bát Niết bàn chứa đựng nhiều nghĩa lý uyên áo, tiến trình nhận thức và con đường thực tập phạm hạnh của một hành giả được Đức Phật chỉ dạy cặn kẽ. Tùy vào năng lực của mỗi cá nhân, hành giả cần thọ trì đọc tụng, khéo tư duy nghĩa lý kinh và nỗ lực thực tập. Thành Phật – thể nhập Đại Bát Niết bàn, là kết quả cuối cùng, là đích đến mà một hành giả tu theo giáo lý Phật Đà luôn hướng tới.

Chú thích:
[1] Sa-môn Quán Đãnh (Thích Đạt Ma Viên Diệu dịch) (2012), Đại Bát-Niết bàn kinh huyễn nghĩa, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.9.
[2] Thích Huệ Đăng (2014), Khai thị luận kinh Đại Bát Niết bàn, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.5.
[3] Thích Thanh Kiểm (2020), Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, Nxb. Dân trí, Hà Nội, tr.113.
[4] Thích Thiện Quang,Thích Tín Thọ(2020), Giáo trình sử Phật giáo Trung Quốc, Nxb. Thuận Hóa, Thừa Thiên Huế, tr.46.
[5] Nguyễn Minh Tiến(2019),Tổng quan về kinh Đại Bát Niết bàn, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.19.
[6] 1. Phẩm Tựa, 2. Phẩm Thuần Đà, 3. Phẩm Ai Thán, 4. Phẩm Trường Thọ, 5. Phẩm Kim Cang Thân, 6. Phẩm Danh Tự Công đức, 7. Phẩm Tứ Tướng, 8. Phẩm Tứ Y, 9. Phẩm Tà Chánh, 10. Phẩm Tứ Đế, 11. Phẩm Tứ Đảo, 12. Phẩm Như Lai Tánh, 13. Phẩm Văn Tự, 14. Phẩm Điểu Dụ, 15. Phẩm Nguyệt Dụ, 16. Phẩm Bồ Tát, 17. Phẩm Đại Chúng Vấn, 18. Phẩm Hiện Bịnh, 19. Phẩm Thánh Hạnh, 20. Phẩm Phạm Hạnh, 21. Phẩm Anh Nhi Hạnh, 22. Phẩm Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương Bồ Tát, 23. Phẩm Sư Tử Hống Bồ Tát, 24. Phẩm Ca Diếp Bồ Tát, 25. Phẩm Kiều Trần Như, 26. Phẩm Di Giáo, 27. Phẩm Ưng Tận Hườn Nguyên, 28. Phẩm Trà Tỳ, 29. Phẩm Cúng Dường Xá Lợi.
[7] 1. Phẩm Thọ mệnh, 2. Phẩm Kim cang thân,  3. Phẩm Danh tự công đức, 4. Phẩm Như lai tánh, 5. Phẩm Nhất thiết đại chúng sở vấn,6. Phẩm Hiện bịnh, 7. Phẩm Thánh hạnh, 8. Phẩm Phạm hạnh, 9. Phẩm Anh nhi hạnh, 10. Phẩm Quang minh biến chiếu cao quí đức vương bồ tát, 11. Phẩm Sư tử hống bồ tát, 12. Phẩm Ca diếp bồ tát, 13. Phẩm Kiều trần như.
[8] Thích Trí Tịnh dịch (2013), Kinh Đại Bát Niết bàn, Tập 2, XXVI. Phẩm Di Giáo, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.673.
[9] Thích Trí Tịnh dịch (2013), Kinh Đại Bát Niết bàn, Tập 1, VIII. Phẩm Tứ Y, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.208.
[10] Thích Trí Tịnh dịch (2013), Kinh Đại Bát Niết bàn, Tập 1, VIII. Phẩm Tứ Y, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.209.
[11] Thích Trí Tịnh dịch (2013), Kinh Đại Bát Niết bàn, Tập 1, XII: Phẩm Như Lai Tánh, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.239.
[12] HT. Thích Trí Tịnh dịch (2013), Kinh Đại Bát Niết bàn, Tập 1, XX. Phẩm Phạm Hạnh, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.564.
[13] HT. Thích Trí Tịnh dịch (2013), Kinh Đại Bát Niết bàn, Tập 1, VII. Phẩm Tứ Tướng, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.163.
[14] HT. Thích Trí Tịnh dịch (2013), Kinh Đại Bát Niết bàn, Tập 1, XVII. Phẩm Đại Chúng Sở Vấn, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.348.
[15] Thích Trí Tịnh dịch (2013), Kinh Đại Bát Niết bàn, Tập 1, XX. Phẩm Phạm Hạnh, xb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.653.
[16] Thích Trí Tịnh dịch (2013), Kinh Đại Bát Niết bàn, Tập 2, XXIII. Phẩm Sư Tử Hống Bồ Tát, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.263.
[17] Thích Trí Tịnh dịch (2013), Kinh Đại Bát Niết bàn, Tập 1, XIX. Phẩm Thánh Hạnh, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.389.

Tài liệu tham khảo:
1. Sa-môn Quán Đãnh (Thích Đạt Ma Viên Diệu dịch, 2012), Đại Bát-Niết bàn kinh huyễn nghĩa, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
2. Thích Huệ Đăng (2014), Khai thị luận kinh Đại Bát Niết bàn, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
3. Thích Thanh Kiểm (2020), Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, Nxb. Dân trí, Hà Nội.
4. Thích Thiện Quang, Thích Tín Thọ (2020), Giáo trình sử Phật giáo Trung Quốc, Nxb. Thuận Hóa, Thừa Thiên – Huế.
5. Nguyễn Minh Tiến (2019), Tổng quan về kinh Đại Bát Niết bàn, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
6. Thích Trí Tịnh dịch (2013), Kinh Đại Bát Niết bàn, Tập 1,2, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

ĐĐ. Thích Nhuận Giác

Download Android Download iOS
Lễ Bế mạc và trao giải Hội thi Giáo lý Phật tử TP.HCM năm 2024

Chiều ngày 22-12-2024, tại Việt Nam Quốc Tự, quận 10, TP.HCM, Hội thi Giáo lý Phật tử TP.HCM đã khép lại trong không khí trang nghiêm, hoan hỷ và đầy cảm xúc với lễ bế mạc và trao giải thưởng. Đây không chỉ là dịp tôn vinh những nỗ lực vượt bậc của các Phật tử mà còn là lời khẳng định cho giá trị bền vững của giáo lý Phật Đà trong đời sống cộng đồn

Lan toả của dòng Lâm Tế Gia Phổ tại tổ đình Giác Lâm

Tổ đình Giác Lâm là “Tổ đình của chi phái Lâm Tế, dòng kệ của Mộc Trần Đạo Mân ở Gia Định và cả Nam Kỳ lục tỉnh”. Chư tiền bối Tổ sư tại tổ đình Giác Lâm tiếp nối truyền thừa qua các thế hệ, phát triển dòng Lâm Tế Bổn Ngươn tại Nam Bộ, Trung Bộ.

Cà Mau: Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh khánh thành cầu và tặng quà cho đồng bào nghèo xã Tân Đức

Sáng nay, ngày 22/12/2024 tại huyện Đầm Dơi tỉnh Cà Mau, Ni sư Thích Nữ Diệu Chánh, Phó Ban Trị sự, Trưởng ban Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh, phối hợp cùng chánh quyền địa phương tổ chức khánh thành cầu nông thôn và tặng 60 phần quà đến đồng bào xã Tân Đức.

Lễ Bế mạc và trao giải Hội thi Giáo lý Phật tử TP.HCM năm 2024

Chiều ngày 22-12-2024, tại Việt Nam Quốc Tự, quận 10, TP.HCM, Hội thi Giáo lý Phật tử TP.HCM đã khép lại trong không khí trang nghiêm, hoan hỷ và đầy cảm xúc với lễ bế mạc và trao giải thưởng. Đây không chỉ là dịp tôn vinh những nỗ lực vượt bậc của các Phật tử mà còn là lời khẳng định cho giá trị bền vững của giáo lý Phật Đà trong đời sống cộng đồn

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online