Ni trưởng Thích Nữ Chúng Liên (tịnh xá Ngọc Kỳ, phường An Xuân, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) tên khai sinh là Lê Thị Như Hoa, sinh năm 1954 tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Năm 1970, khi tròn 15 tuổi, Ni trưởng xuất gia tu học tại tịnh xá Ngọc Lộ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; sau đó được trụ trì tịnh xá Ngọc Lộ gửi vào học tại các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Phan Rang, Bình Định và Quảng Nam (tịnh xá Ngọc Kỳ, thành phố Tam Kỳ), được sự dìu dắt của cố Ni trưởng Huỳnh Liên và các Ni, tịnh xá Ngọc Kỳ trở thành điểm dừng chân học đạo, giảng đạo và thực hiện hoài bão lớn là giúp đỡ người nghèo của Ni trưởng từ năm 1974 đến nay.
Xuất thân từ một người con của vùng đất Quảng Trị nghèo khó, chứng kiến nhiều cảnh đời bất hạnh ở quê nhà và Quảng Nam (quê hương thứ hai của Ni trưởng) là một tỉnh thuộc nam trung bộ, quanh năm hạn hán, lũ lụt xoay vần; với trình độ Phật học và chữ tâm của người học đạo, Ni trưởng đã thấm nhuần giáo lý nhà Phật từ bi hỉ xả, cũng như ứng dụng theo Hồ Chủ tịch “yêu thương nhân dân sâu sắc, khi dân chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc, mọi người còn khổ thì Bác ăn không ngon, ngủ không yên…”, Ni trưởng đã nuôi hoài bão làm sao giúp đỡ được nhiều người dân nghèo, nhiều hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn. Với hoài bão dấn thân vì Đạo pháp và Dân tộc, từ những ngày đầu mới xuất gia Ni trưởng là một thành viên tích cực trong phong trào phụ nữ đòi quyền sống, một tổ chức tiến bộ công khai yêu nước trước năm 1975 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cố Ni trưởng Huỳnh Liên (người thầy đầu tiên và có ảnh hưởng rất lớn trong đạo nghiệp của Ni trưởng Chúng Liên) ở khu vực miền trung cách đây hơn 40 năm. Chính những năm tháng máu lửa được rèn luyện trong phong trào đấu tranh vì hòa bình thống nhất đất nước, đã làm cho Ni trưởng Chúng Liên phát nguyện đồng cảm với đồng bào còn nhiều cơ cực, nhọc nhằn, đáng thương và cần được san sẻ kịp thời.
Những năm tháng đầu khi bắt tay vào công tác từ thiện xã hội, Ni trưởng luôn trăn trở, nhất là gặp không ít khó khăn trong công tác vận động nguồn ủng hộ từ những nhà hảo tâm, mạnh thường quân, những tấm lòng nhân ái; nhưng bằng sự quyết tâm, tần tảo, bản thân Ni trưởng cùng Ni chúng tịnh xá Ngọc Kỳ đã làm đủ các công việc như từ làm hương, đèn sáp, khai hoang trồng rau, may khâu liễn đến thu gom phế liệu bán để có nguồn kinh phí cho hoạt động từ thiện. Sự chắt chiu cùng với sự khéo léo vận động trợ giúp của các Ni sư, Phật tử tại tịnh xá, kêu gọi mỗi nơi một ít cùng nguồn quỹ dành dụm ít ỏi, ban đầu Ni trưởng hướng đến là trẻ em nghèo, khuyết tật, những gia đình trên địa bàn phường và thành phố gặp khó khăn, tai nạn. Vừa quyết tâm, kiên trì vận động nguồn quỹ để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác từ thiện xã hội, vừa học tập nâng cao trình độ Phật học của mình, năm 1988, Ni trưởng tốt nghiệp Cao cấp Phật học Việt Nam (nay là Học viện Phật giáo Việt Nam), vai trò nào Ni trưởng cũng chuyên tâm, cố gắng. Trong những năm đầu, vận động trung bình mỗi năm được hơn 1 tỷ đồng cho công tác từ thiện, đến nay trung bình mỗi năm vận động quỹ trên 4 tỷ đồng (gồm tiền và hiện vật). Nguồn vận động, Ni trưởng sử dụng đúng mục đích, ủng hộ đúng người, đúng đối tượng như: Cấp học bổng cho học sinh nghèo học giỏi; hỗ trợ khoan giếng nước sạch cho người nghèo; tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo; mở lớp dạy chữ Braille cho người mù; xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết hưởng ứng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” của UBMT các cấp; cấp xe lăn cho người tàn tật; ủng hộ quỹ đục thủy tinh thể đem lại ánh sáng cho người dân nghèo… Điều mà Ni trưởng lo lắng không chỉ giúp đỡ vượt qua cái khó trước mắt mà còn nghĩ đến việc tạo cho họ việc làm ổn định trong tương lai để tự nuôi sống chính bản thân, giảm bớt gánh nặng cho chính sách an sinh của xã hội. Vì thế, người mù được hỗ trợ học nghề và tài trợ công cụ sản xuất, từ đó người mù có thu nhập ổn định qua những mặt hàng như tăm tre, chổi đốt, đũa, cơ sở xoa bóp của người mù… từ sự động viên và ủng hộ của Ni trưởng.
Qua nhiều năm thầm lặng với công việc tình nguyện của mình, không chỉ đem tấm lòng thiện nguyện đến với những mảnh đời bất hạnh, khó khăn, Ni trưởng được các cấp Mặt trận, chính quyền và Giáo hội tin tưởng giao những chức vụ quan trọng. Năm 2007 đến năm 2017 Ni trưởng giữ chức vụ Phó ban Đại diện (nay là Ban Trị sự) GHPGVN thành phố Tam Kỳ; Trưởng Ban Từ thiện xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Nam; Phó Chủ tịch Hội Từ thiện thành phố Tam Kỳ; Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Tam Kỳ khóa VIII, khóa IX. Được đảm nhận những vai trò khác nhau trong Giáo hội và là Đại biểu hội đồng nhân dân Thành phố, đó cũng là điều kiện thuận lợi cho Ni trưởng mở rộng được sự vận động nguồn quỹ của mình, với trách nhiệm rất lớn, cần điều tiết hợp lý quỹ thời gian hàng ngày để vừa hoàn thành nhiệm vụ được giao, vừa vận động để những hoàn cảnh khó khăn ngày càng được giúp đỡ nhiều thêm. Bằng uy tín, trách nhiệm, kiên trì, sự động viên của Ni trưởng Thích Nữ Hội Liên – Trụ trì tịnh xá Ngọc Kỳ và sự giúp sức của Sư tri sự Thích Nữ Liên Quán, mọi nhiệm vụ dường như ngày càng hoan hỷ. Vừa tích cực vận động quỹ từ thiện cho tịnh xá vừa cùng Ban Từ thiện xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh thực hiện các chương trình an sinh xã hội, cứ thế mỗi năm Ni trưởng vận động được từ 8 đến 10 tỷ đồng cho công tác từ thiện nhân đạo. Nguồn quỹ vận động được, Ni trưởng luôn khách quan, minh bạch tạo được niềm tin, chữ tín đối với tập thể và cả người ủng hộ.
Với quyết tâm, sự tự nguyện của Ni trưởng, cùng với “khéo” vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, những tấm lòng từ bi của Tăng Ni, Phật tử và nhân dân. Hàng năm, tịnh xá Ngọc Kỳ tổ chức phát trên 200 suất học bổng cho các học sinh, sinh viên nghèo học giỏi với số tiền hàng trăm triệu đồng; xây dựng nhà nuôi trẻ mồ côi, cơ nhỡ, nuôi dưỡng 10 em học sinh các cấp, 5 em học đại học và rất nhiều hoàn cảnh khó khăn khác từ miền xuôi đến miền núi. Rất nhiều em học sinh được Ni trưởng cưu mang, nuôi dưỡng nay đã trở thành những bác sĩ, những công chức nhà nước đang cống hiến chất xám cho xã hội như: Em Lê Chí Linh là kỹ sư môi trường đang công tác tại thành phố Nha Trang; em Lê Văn Hoài Trân tốt nghiệp Đại học Y khoa, đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh; em Lê Thị Cẩm Hà tốt nghiệp Đại học, đang công tác tại Kho bạc quận 9, TP Hồ Chí Minh; em Phan Thị Cẩm Hương tốt nghiệp Đại học, đang công tác tại Ngân hàng, TP Đà Nẵng; em Phan Việt Khoa, Trần Viết Tài cùng tốt nghiệp Đại học và công tác tại Đà Nẵng; 3 anh em Vương Tấn Mạnh, Vương Thị Vui, Vương Thị Tính ở huyện Thăng Bình gia đình có người anh và bố mất tích trong cơn bão Chanchu năm 2006 được Ni trưởng cưu mang, giúp đỡ nay đều tốt nghiệp Đại học và công tác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam… còn nhiều nữa mà Ni trưởng chia sẽ: “không thể nhớ hết”.
Những việc làm thường xuyên là thế, tuy nhiên khi những hộ nghèo trong tỉnh và các tỉnh lân cận bị thiên tai, bão lũ, hoặc nhà cửa bị sập, tốc mái, những người bị tai nạn lao động… là Ni trưởng Chúng Liên cấp tốc vận động các mạnh thường quân cùng bà con Phật tử trong và ngoài nước chung tay ủng hộ, san sẻ những khó khăn để họ kịp thời vượt qua cơn hoạn nạn, ổn định cuộc sống. Gần như tất cả các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không có nơi nào Ni trưởng chưa đặt chân tới, cũng như không có hoàn cảnh thương tâm nào xảy ra ở tỉnh (khi Ni trưởng biết) mà vắng đi đoàn từ thiện của tịnh xá, nhất là các gia đình gặp thiên tai trên địa bàn các huyện miền núi, vùng cao của tỉnh. Không dừng lại ở việc hỗ trợ những nhu yếu phẩm trước mắt để người dân vượt qua cái đói ban đầu; Ni trưởng luôn trăn trở làm sao để về lâu dài họ ổn định được cuộc sống; thế rồi những hàng tạp hóa, xe nước mía được chuyển đến tặng tận tay trao tặng những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để họ tiếp tục duy trì cuộc sống.
Với khả năng tổ chức, kinh nghiệm vận động của một nữ tu phát nguyện dấn thân làm việc thiện, cảm nhận và đau xót trước những mảnh đời nghèo khó của bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã khiến Ni trưởng Chúng Liên không khỏi đau lòng, liền thành lập chương trình “Bát cháo tình thương” một bước phát triển mới đã duy trì được 25 năm qua. Những ngày đầu thành lập, chương trình đã gặp không ít khó khăn về kinh phí thực hiện, như tiền mua gạo, muối, rau, củ, quả… Đôi lúc, những khó khăn ấy tưởng chừng phải tạm ngưng, nhưng với lòng quyết tâm phải duy trì, thực hiện cho bằng được, Ni trưởng đã kiên trì, “khéo” vận động mọi người, doanh nghiệp và bà con Phật tử chung tay hỗ trợ. Ban đầu, mọi người rất e dè, nhưng theo thời gian, thấy việc làm của Ni trưởng thiết thực và đầy ý nghĩa nên kẻ ít người nhiều, người góp công, góp của, người thì góp gạo, góp củi… chương trình được duy trì, ngày càng mang được nhiều “bát cháo tình thương” đến tận tay bệnh nhân nghèo kịp thời, đúng lúc, để họ yên tâm trị bệnh. Chương trình “Bát cháo tình thương” trong những ngày đầu chỉ đến được 1 bệnh viện; hiện nay, chương trình cũng đã loan tỏa đến 6 bệnh viện trên địa bàn tỉnh, với kinh phí trung bình mỗi ngày 15 triệu đồng/6 bệnh viện. Không những thế, Ni trưởng còn dành thời gian vào thăm hỏi, động viên những người bệnh nặng, giúp họ thêm động lực để vượt qua bệnh tật, đáp lại, những bệnh nhân nghèo khi hết bệnh cảm kích tấm lòng bao dung, độ lượng của Ni trưởng, tự nguyện đi vận động mọi người cúng dường ủng hộ chương trình. Vì thế, “Bát cháo tình thương” ngày càng tạo được tiếng vang lớn, hằng ngày vào mỗi buổi sáng sớm đã có hàng trăm suất đến tận tay bệnh nhân nghèo. Bên cạnh đó, Ni trưởng còn vận động ủng hộ các bệnh viện còn thiếu trang thiết bị phục vụ cho bệnh nhân như: xe lăn, xe chuyển bệnh nhân…
Từ “Bát cháo tình thương” ấm lòng những người bệnh, người nuôi bệnh tại các bệnh viện của Ni trưởng. Nay, cũng có rất nhiều người đang lặng thầm làm việc thiện bằng cả trái tim như thế; cùng chung tay, kết nối với nhau, góp sức giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh để họ có thêm nguồn động lực vươn lên trong cuộc sống. “Bát cháo tình thương” của một nữ tu đã loan tỏa đến “Bát cháo tình thương” của những câu lạc bộ, cá nhân tự nguyện, doanh nghiệp đến các Hội, đoàn thể trong hệ thống chính trị đối với người nghèo. Sau 10 năm chương trình được triển khai cùng với những việc làm đầy nhân văn, thiện tâm của Ni trưởng, năm 2004 Ban Chuyên đề Đài truyền hình Đà Nẵng thực hiện thước phim tài liệu dài hơn 20 phút “Tấm lòng người Sư nữ” do Trí Trung đạo diễn như một thông điệu gửi đến mọi người là “sống trên đời sống, cần có một tấm lòng”!
Nhận xét về người học trò của mình, Ni trưởng Thích Nữ Hội Liên – Trụ trì tịnh xá Ngọc Kỳ bộc bạch: “Học trò Chúng Liên là người có tâm tính tốt, không chỉ giỏi đi vận động để làm từ thiện mà còn là một người đệ tử có chữ tín cao, tần tảo, hết lòng lo cho việc chung nhà chùa và thường xuyên quan tâm đến mọi người, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, gặp bất hạnh”.
Được Ni trưởng Trụ trì tịnh xá Ngọc Kỳ tin tưởng giao phó nhiệm vụ vừa hướng dẫn Ni chúng, Phật tử tu học, vừa thực hiện công tác từ thiện xã hội, với vai trò trách nhiệm của mình, Ni trưởng Chúng Liên luôn tuân thủ, thực hiện với tấm lòng đầy hoan hỷ, vì Phật sự chung, không phân biệt ranh giới giữa đạo và đời.
Ngày nay, giữa lòng thành phố Tam Kỳ, tịnh xá Ngọc Kỳ hiện diện một cách uy nguy, là nơi tôn nghiêm để Ni chúng hệ phái khất sĩ, Phật tử đến tụng kinh, lễ Phật… Bên cạnh đó, hằng ngày nơi đây còn là địa điểm cung cấp hàng trăm bát cháo tình thương cho bệnh nhân nghèo trong tỉnh, và là điểm kết nối giữa các mạnh thường quân với bà con nghèo, khó khăn. Hy vọng trong thời gian tới, với sự nỗ lực không ngừng của Ni trưởng Thích Nữ Chúng Liên cùng Ban Trị sự và bà con Phật tử, nhất là sự phát tâm ủng hộ, góp sức của các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong và ngoài nước, Ni trưởng Chúng Liên và tịnh xá Ngọc Kỳ sẽ càng làm được nhiều điều ý nghĩa hơn nữa cho bà con nghèo tại vùng đất “lắm nắng, nhiều mưa” này.
Những việc làm của Ni trưởng đã khẳng định tinh thần “Lá lành đùm lá rách” của người dân Việt Nam nói chung và người xứ Quảng nói riêng, thể hiện qua sự yêu thương, giúp đỡ, sẻ chia với nỗi đau của những mảnh đời khó khăn, bất hạnh. Tạo hóa có cái lý tương sinh tương khắc, có tính nghệ thuật cao của sự tương phản, khi xã hội hiện nay càng vẫy vùng trong sự vô cảm, bộc lộ sự tham lam của một bộ phận người dân thì cái tốt, cái thiện càng thu hút được sự chú ý dù không cần phô trương hay diễn thuyết. Với bản thân, Ni trưởng Thích Nữ Chúng Liên luôn phát nguyện cố gắng hết sức tinh tấn tu hành, hoằng pháp lợi sanh, thực hiện những lời Phật dạy, không phụ lòng sự tin tưởng giao phó của chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội, luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình để xứng đáng là người con ưu tú của Như Lai.
Ghi nhận công đức, đóng góp tích cực cho Đạo pháp và Dân tộc cùng với đạo hạnh của Ni trưởng Thích Nữ Chúng Liên, tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII diễn ra vào tháng 11 năm 2017, Ni trưởng được Đại hội tấn phong lên hàng Giáo phẩm Ni trưởng.
Bên cạnh là một người giữ vai trò trụ cột trong công tác từ thiện xã hội của Phật giáo tỉnh, cũng như tại tịnh xá Ngọc Kỳ, Ni trưởng Thích Nữ Chúng Liên còn tích cực tham gia hoạt động ở Hội đồng Nhân dân phường An Xuân (TP. Tam Kỳ), đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Vì thế thời gian qua, các cấp chính quyền, Mặt trận đã kịp thời ghi nhận, tuyên dương, khen thưởng những đóng góp của Ni trưởng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; chung tay góp phần giải quyết những vấn đề an sinh xã hội; góp phần phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn phường An Xuân, thành phố Tam Kỳ và tỉnh Quảng Nam, cũng như công tác xã hội, từ thiện, góp phần vào xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều bằng tuyên dương công đức, bằng khen, giấy khen, huy hiệu, kỷ niệm chương, huân chương được Ni trưởng treo ngăn nắp tại phòng khách của tịnh xá, như lưu giữ những bước chân thầm lặng của mình trong hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội suốt chặng đường dài đã qua.
Với 64 tuổi đời, 49 tuổi đạo, đến với cửa Phật khi mới 15 tuổi, luôn tâm nguyện “phục vụ chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật” – Ni trưởng Thích Nữ Chúng Liên là tấm gương về nghiêm trì giới luật, gìn giữ đạo hạnh, luôn giữ gìn đoàn kết, hòa hợp, xây dựng hệ phái phát triển đúng chánh pháp, gìn giữ bản sắc, những biệt truyền của hệ phái và thực hiện đúng với Hiến Chương của GHPGVN, phương châm “Đạo Pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”. Những việc làm của Ni trưởng, đặc biệt công tác từ thiện xã hội có sức lan tỏa rất lớn, đóng góp thiết thực vào công tác an sinh xã hội.
Phật sự đầy thiện tâm, thầm lặng, góp phần chung đưa Phật giáo tỉnh Quảng Nam trở thành tổ chức tôn giáo tiêu biểu và có đóng góp cho công tác từ thiện xã hội lớn nhất trong nhiều năm qua./.
Huỳnh Thị Thu Thủy
Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam
The post Quảng Nam: Ni trưởng Thích Nữ Chúng Liên – đồng hành cùng chính quyền trong hoạt động từ thiện xã hội appeared first on Phật sự Online Miền Trung.