Có người chưa từng làm cha mẹ nhưng chắc chắn rằng ai cũng đã làm con. Chúng ta có được thân người này cho cha mẹ sinh thành và nuôi dưỡng và có cha mẹ ta là nhờ có ông bà, tổ tiên. Tấm lòng hiếu thảo của con cháu với cha mẹ, ông bà đã trở thành một đạo lý, nét đẹp nhân văn của con người.
“Bàn đến đạo hiếu tức là đề cập đến lối sống đạo đức của một cá nhân trong quan hệ gia tộc, quan hệ xã hội, đặc biệt là mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ. Đây không những là tiền đề để xây dựng nếp sống gia phong mà còn là phương châm giáo dục để chúng ta nhận thức rõ truyền thống văn hóa dân tộc và thực hiện nếp sống đạo đức trong xã hội hiện tại”.
Hiếu kính - Giá trị đạo đức ngàn đời là tác phẩm được TS. Thích Hoằng Trí biên soạn nhằm duy trì và phát huy giá trị cao đẹp của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng. Nội dung tác phẩm phong phú, bàn đến nhiều khía cạnh:
Luân lý hiếu kính của Nho gia qua các cổ tịch nói về mối quan hệ huyết thống tông tộc của người Trung Hoa cổ đại, các nghi lễ, chế độ, sắc lệnh được xem là quy phạm truyền thừa hàng ngàn năm. Tinh thần hiếu đạo của Nho gia đặt trên nền tảng tu thân của một cá nhân, mở rộng đến việc ổn định gia tộc và cuối cùng là bình định thiên hạ.
Mối quan hệ xung đột giữa Nho và Phật về quan niệm hiếu kính. Nho gia đứng trên góc độ thế gian để nhìn nhận, nên quan niệm hiếu đạo chỉ giới hạn ở những chuẩn mực do con người của xã hội phong kiến đặt ra. Đó là một xã hội do vua chúa đứng đầu, có quyền định đoạt mọi hoạt động của đời sống. Vua được xem là thiên tử, cho nên bất cứ ai dưới vòm trời này cũng đều chịu sự chi phối của vua, ngay cả những người xuất gia đứng ngoài vòng danh lợi và bổng lộc triều đình.
Phật giáo là con đường xuất thế gian, lấy sự thật làm gốc, lấy giải thoát làm mục tiêu. Các Tăng nhân Phật giáo không chịu khép mình vào bất cứ những quy định nào do chế độ tông pháp phong kiến đặt ra. Họ luôn luôn lấy tinh thần tự giác và giác tha làm đầu, những gì mang lại lợi lạc cho mình và người thì các Tăng nhân thực hiện, những gì đi ngược lại hai lợi ích đó, dù chịu thiệt hại, ngay cả mạng sống, họ cũng không bao giờ bị khuất phục. Chính vì quan điểm đó mà quan niệm hiếu kính của Phật giáo vừa bao hàm vừa vượt thoát phạm vi hiếu kính của Nho gia.
Quan điểm khác nhau về giá trị nhân sinh là nguyên nhân chính để dẫn đến xung đột giữa Phật giáo và Nho giáo, nhất là những chỉ trích của nhà Nho đối với các Tăng nhân. Ban đầu, ý kiến đả kích chỉ mang tính cá nhân, sau đó mở rộng đến triều đình. Nhiều sắc dụ được ban hành nhằm hạn chế quyền tự do tự tại của Tăng nhân, và buộc chư Tăng phải khép mình trong những quy phạm do Nho gia đặt ra. Nhưng cuối cùng, bằng sự cương trực và bất bạo động của các Tăng nhân mà sự xung đột này được hóa giải.
Các kinh điển nói về lòng hiếu kính của Nho và Phật đã ảnh hưởng đến tâm thức và lối sống của người Việt Nam qua mấy ngàn năm nay. Xã hội Việt Nam được xây dựng từ nền tảng gia đình rồi mở rộng đến làng xã và quốc gia. Gia đình hạnh phúc thì xã hội mới bình yên, đất nước mới ổn định. Người con biết thương yêu cha mẹ thì họ mới biết thế nào là yêu dân tộc, yêu đồng bào và yêu Tổ quốc. Những câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ, lời ca tiếng hát của người dân Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn cha mẹ đều có xuất xứ từ những lời kinh Phật. Các tác phẩm văn học, từ văn học bình dân đến văn học bác học cũng đều ca ngợi tình mẫu tử, tấm gương hiếu kính của con cái đối với cha mẹ. Các lễ hội truyền thống Việt Nam cũng nhắc nhở con người sống tử tế với bản thân và có trách nhiệm với những người xung quanh, đặc biệt là cha mẹ mình.
Để mỗi gia đình hạnh phúc, bình yên và xã hội ổn định, phát triển, chúng ta cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục đạo đức nói chung và lòng hiếu kính nói riêng cho mọi người trong cộng đồng, trước hết cho lứa tuổi học sinh, tầng lớp thanh thiếu niên hiện nay. Nhờ đó, giá trị nhân văn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam mới được duy trì và phát huy đúng nghĩa.
Cuốn sách Hiếu kính - giá trị đạo đức ngàn đời đưa đến giá trị lớn, rất thiết thực trong việc giáo dục đạo đức, mỗi gia đình, mỗi người hãy đọc và cảm nhận. Trung tâm Biên phiên dịch tư liệu Phật giáo Quốc tế, Nhà sách Phật giáo Vĩnh Nghiêm xin trân trọng giới thiệu tác phẩm này với độc giả muôn phương.
Vũ Quốc Văn