Logic học Phật giáo (Nhân minh học Phật giáo) là một nội dung lớn trong hệ thống triết học Phật giáo. Logic học Phật giáo vừa có sự phát triển nội tại do nhu cầu truyền giáo có phương pháp, vừa kế thừa những phương pháp lập luận sẵn có của Ấn Độ cổ đại. Những phương pháp lập luận ấy vốn là tinh hoa của triết học Ấn Độ, đến Phật giáo nó lại được “chưng cất” một lần nữa để rồi có sức lan tỏa khắp lục địa châu Á, đây cũng là một trong những phương pháp tư duy logic, khoa học của người Phương Đông.
Việt Nam là một nước có số dân theo Phật giáo khá lớn. Những công trình nghiên cứu tiếp cận Phật giáo vơi tư cách là một tôn giáo, một hệ thống triết học ở ngước ta đã có khá nhiều, nhưng những công trình nghiên cứu về Logic học Phật giáo còn rất ít. Vì vậy, nghiên cứu để chỉ ra giá trị của Logic học Phật giáo là một nhu câu cấp thiết.
Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết này, dựa trên những nghiên cứu của mình TS. Phạm Quỳnh đã viết cuốn sách Logic học Phật giáo với mong muốn giới thiệu về giá trị sử dụng của môn học học này đến với bạn đọc quan tâm tới triết học Phật giáo nói riêng và phương thức tư duy phương Đông nói chung.
Cấu trúc cuốn sách gồm ba chương:
Chương 1: Logic học Phật giáo - nguồn gốc hình thành và sự phát triển
Chương 2: Những nội dung cơ bản của logic học Phật giáo
Chương 3: Giá trị nhận thức của logic học Phật giáo.
Nhận thấy cuốn sách là giáo trình nghiên cứu chuyên sâu về logic học Phật giáo, giúp cho Tăng Ni sinh, quý Phật tử, những học giả, nhà nghiên cứu quan tâm đến Phật giáo nhất là nghiên cứu về logic học Phật giáo có một tài liệu tham khảo đáng tin cậy. Nhà sách Phật giáo Vĩnh Nghiêm đã đề nghị tác giả cho tái bản cuốn sách và cố gắng biên tập, hiệu chỉnh và thiết kế một cách cẩn thận, kỹ càng nhất.
Trân trọng giới thiệu, gửi tới độc giả ấn phẩm này.
Khánh Hưng