“Sinh và tử” hay “Sống và chết” là hai phạm trù mà nhân loại bận tâm nhất. Nhà triết học Andrew Holeck đã nói: “Cái gì là điều kỳ lạ nhất thế gian? Điều kỳ lạ nhất là hàng ngày thấy những người quanh mình đều chết đi nhưng người ta không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ chết”.
Sinh tử vốn là điều mà hàng ngày con người vẫn luôn suy nghĩ, quan tâm và trăn trở. Sống sao cho tích cực, trọn vẹn với thời gian và những gì bản thân đang có. Sống một cách vui vẻ, có ý nghĩa và hữu ích đối với mọi người, với cộng đồng, nhân loại. Chúng ta hãy biến nỗi bận tâm của chính mình thành nỗ lực phục vụ và cống hiến, để đời sống mong manh trở nên có ý nghĩa và giá trị hơn.
Quan niệm về “sống và chết”, mối liên hệ giữa người còn với kẻ mất không chỉ được đề cập đến trong các tôn giáo, tín ngưỡng mà còn xuất hiện trong triết học và không ít các bộ môn khoa học khác. Suy cho cùng điều mà tôn giáo, tín ngưỡng và các ngành khoa học hướng đến chính là giải quyết vấn đề tồn tại và không tồn tại (sống và chết) của con người. Bởi vì, đã là con người chắc chắn ai cũng quan tâm đến sự sống và cái chết của mình.
Bất cứ một đứa trẻ nào đến với cuộc đời đều được sự chào đón trong hân hoan, vui mừng của tất cả mọi người, cha mẹ, người thân. Ngược lại, cái chết của một thành viên trong cộng đồng lại thường khiến cho những người còn lại cảm thấy sợ hãi, thậm chí kinh hoàng. Điểm bắt đầu của sự sống và điểm kết thúc sau cái chết là thực tại bí ẩn. Không ai trong chúng ta dám khẳng định bản thân mình có kinh nghiệm hay hiểu một cách chân thực, chính xác tuyệt đối về cái chết. Những gì chúng ta nói về cuộc sống sau khi chết cũng chỉ là niềm tin cá nhân đối với điều chúng ta nói hoặc trình bày đó mà thôi.
Nhận thức đúng đắn về sự sống và cái chết là một việc làm hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Bởi vì thái độ của con người về việc sinh tử có ảnh hưởng trực tiếp đến từng tế bào của xã hội, tác động đến từng gia đình trên nhiều phương diện, từ đời sống tình cảm đến kinh tế, vật chất, từ trật tự xã hội tới văn hóa cộng đồng. Đặc biệt, trong thời đại phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay, sự phát triển kinh tế, xã hội thỏa mãn nhiều nhu cầu cuộc sống của con người. Nhưng bên cạnh đó, mặt trái của sự phát triển cũng tạo ra không ít những thách thức, rủi ro, áp lực khiến cho con người rơi vào bế tắc, tiêu cực, thậm chí dẫn đến suy nghĩ muốn tự kết thúc cuộc sống. Vì vậy, việc nghiên cứu về sự sống và cái chết có ý nghĩa hiện thực nhân sinh vô cùng quan trọng đối với từng cá nhân cũng như cộng đồng, đặc biệt là giai đoạn lâm chung.
Nhận thấy điều cấp thiết này cũng như những trăn trở của con người thời đại về “cái chết”, Đại đức Thích Quảng Lâm đã biên dịch cuốn sách Những điều cần biết lúc lâm chung là tổng hợp những bài giảng của Hòa thượng Thánh Nghiêm cũng như những giải đáp thắc mắc về việc trợ niệm vãng sinh của Hòa thượng Tịnh Không.
“Điều đáng buồn và đau thương nhất trên thế gian không gì hơn cái chết. Đối với việc chết chóc này, không có ai là không biết rõ, cũng không một ai có thể trốn thoát được. Nhưng nếu chỉ biết cái chết mang đến đau thương mà không biết cách thức để ra khỏi ngôi nhà ba cõi, thoát ly cái chết vĩnh viễn, vậy thì chẳng khác nào đau khổ và buồn thương một cách vô ích,...” Đây chính là một đoạn ngắn được trích trong cuốn sách này. Đây là một cuốn sách vô cùng giá trị và mang ý nghĩa thực tiễn nhân sinh. Chủ đề của cuốn sách nói về công đức niệm Phật, cách thức lo liệu hậu sự, và chuẩn bị sẵn sàng cho lúc lâm chung. Đồng thời, cuốn sách cũng giải đáp được những thắc mắc trong đời sống, trả lời thỏa đáng cho những vấn đề muôn thuở của kiếp người. Nhờ đó, chúng ta tìm được chiếc chìa khóa vàng mở cánh cửa tử sinh, không còn phải trôi lăn lặn hụp trong ba cõi sáu đường. Nội dung cuốn sách không chỉ cho chúng ta cách thức tu tập, hành thiện, sống đời an lạc, thấu hiểu vô thường nên kẻ lầm đường, lạc lối biết quay đầu hướng thiện, hướng thượng.
Lời văn của cuốn sách mạch lạc dễ hiểu, ý tứ rõ ràng sâu sắc, có thể truyền tải rộng rãi đến tất cả mọi người, để bất kể là già trẻ lớn bé, ai cũng đều hiểu được. Qua những suy tư về cái chết, con người sẽ nhận ra giới hạn của kiếp người, tính bất định của sự sống, để rồi sống tốt hơn, làm lợi cho tha nhân nhiều hơn và bình thản đón nhận cả sự sống tươi đẹp cũng như cái chết đến bên mình.
Mong mọi người đều có thể sở hữu cuốn sách này để có thể tự tại đối diện với nỗi sợ hãi nhất của đời người - cái chết. Đồng thời, từ những lý niệm về sự sống và cái chết trong cuốn sách sẽ cho chúng ta kim chỉ nam để xây dựng cuộc đời an lạc, hạnh phúc, mỹ mãn; hướng đến đời sau cũng an lành, tự tại và bình yên.
Bước thời gian