Tác phẩm thi VIẾT: Có một con đường mang tên “Mẹ” - Tác giả: Thích Nữ Tường Chơn

Nghe đọc bài:

Có một con đường mang tên “Mẹ”


Thời kinh sáng vừa xong, con điện Mẹ. 


Tháng trước, đang loay hoay với công việc, nghe tin có bà cụ đối diện chùa mới té cầu thang không qua khỏi. Con bất giác giật mình, hình như lâu rồi mình không nói chuyện với mẹ. Vội vàng cầm máy điện liền cho mẹ, mẹ bắt máy lên rồi bảo: “Điện gì điện hoài vậy!(Mẹ cười)”, biết chỉ là đùa thôi, nhưng ngay lúc đó thật sự con đã vỡ oà… Về sau, cứ có thì giờ là con lại gọi cho mẹ. Đôi khi điện cũng chẳng nói chi, nhưng dần thì thành thói quen lúc nào chẳng hay. Chỉ sợ sau cuộc gặp gỡ qua màn hình đó sẽ là lần gặp cuối, nên con luôn tranh thủ nhất có thể để nhìn ba, nhìn mẹ, nhìn người con thương, nhìn người thương con. 



Gia đình mình Cách nhau một nửa địa cầu, nên giờ giấc cũng trở thành khoảng cách. Mẹ bảo hôm nay đau nhức tay chân, hôm qua đi làm mà tưởng như không chịu nổi, nhưng may nhờ hít thở ra vào dài và sâu, nên mẹ thấy cơ thể nó được điều hoà lại. Con lo lắm! 


Thế mà cũng 12 năm rồi từ ngày mẹ dắt con lên chùa xin sư phụ xuất gia. Con còn nhớ, lúc ấy vào chùa, buổi trưa nắng của những ngày cuối tháng 7, chùa vắng bóng người, con và mẹ chỉ gặp được một sư lớn tuổi đang ngồi sàng gạo ở góc sân. Sư hỏi con và mẹ đi đâu và gặp ai? Mẹ nói là đưa con đến xin đi tu. Rồi sư còn hỏi là chị áo đen (mẹ) hay áo lam (con) đi tu. Con và mẹ bật cười. Cho đến hôm nay, câu chuyện ấy vẫn luôn là kỉ niệm đẹp và sẽ được nhắc đến mỗi khi có cơ hội nói chuyện về “con đi tu”. Mẹ đưa con đến chốn không môn. 



Sự có mặt của Con đã thành một kì tích của cô gái sắp sửa đôi mươi. Nghe mẹ kể, đã đến ngày sinh rồi mà con vẫn chưa chịu ra, cả ông và chú của con phải đèo mẹ trên chiếc xe máy mượn nhờ, băng qua những con đường nhấp nhô đất cát lẫn đá sạn... Và kết quả của sự bể dâu ấy chính là những vết nứt, những lớp da bị rạn không thể hồi phục và một vết sẹo chạy dài trên bụng mẹ, được may bởi những đường kim mũi chỉ chưa có kỹ thuật thẩm mỹ tiên tiến của thời đó… Nhưng, con biết, tất cả những tổn thương đó, đều là vì sự tồn tại của con. Chắc con là đứa ngỗ nghịch lắm mới làm cho mẹ đau đớn thân thể như vậy! Người ta bảo, "cửa sinh là cửa tử và cũng may sao trời Phật che chở, con được thuận lòng ra đời và mẹ được bình an. Mẹ đưa con đến cuộc đời.



Mẹ có con lúc mẹ vừa tròn 18, cái tuổi vẫn còn mơ mộng và hoài bão, nên mẹ rất trẻ. Khi con chớm tuổi vào đời thì cũng là lúc mẹ đã có cả 3 chị em con. Và nếu như con không được ở chùa thì chẳng biết đến bao giờ con mới nhận ra: “Mẹ” - cũng chỉ là một người bình thường, và cũng là lần đầu đến với cuộc đời rồi làm mẹ, nên mẹ cũng vẫn còn bỡ ngỡ và phải học cách làm mẹ - Vì Con. Mẹ không thể là “the Hero” hay là “superman” để đáp ứng hết tất cả những điều con muốn, vì mẹ đang dành dụm từng đồng từng cắt, tính toán chi li cho những giai đoạn nuôi lớn ba cuộc đời chị em con. Nên, chiếc váy màu hồng công chúa kia, thôi đành để lại ngoài hàng chợ; những chuyến du lịch mùa hè như chúng bạn, thôi để năm tới sẽ đi… nó đành trở thành sự tiếc nuối và quá khứ bởi một lời hứa là “Để lúc khác mẹ sẽ cho”. Lời hứa ấy lớn dần theo con qua năm tháng, đã có lúc ghét mẹ vì sự ích kỉ, ki bo, thất hứa. Vì “Mẹ không như những người mẹ mà con thấy, con muốn”… Nhưng, giờ đây, lời hứa ấy lại hoá thành những tâm tư của con gửi đến mẹ. Con nhận biết rằng, mẹ vẫn luôn là “Mẹ” và “Mẹ không như những người mẹ mà con thấy, con muốn”, hơn thế điều đó đã đưa con bước đến cuộc đời như ngày hôm nay - “Cuộc đời người tu sĩ”.



Con đi tu, bức thư của mẹ kẹp vào bộ đồ lam mà mẹ mua, con còn giữ. Cứ mỗi lần con mất phương hướng, thì đó chính là la bàn định vị lại đường con đi. Ở cái tuổi 17, mẹ đã từng đi qua, mẹ sợ con suy nghĩ chưa chín chắn, mẹ lo con buồn giận gia đình, hay chuyện của tuổi mới lớn ... "Con cứ ở chùa, con cứ sống theo sự chỉ dẫn của quý sư...”; “Con hãy xem quý sư như là mẹ của con…”; “…nhưng nếu con muốn về, ba mẹ sẽ đưa con về, con đừng lo xấu hổ hay ngại gì cả, vì đây là nhà của con, ba con tối qua khóc với mẹ"… Và thật sự, khi cầm trên tay bức thư này, con biết, từng dòng chữ cũng đã thấm nhoè nước mắt của mẹ. Mẹ tạo cho con một niềm tin và chỗ dựa vững chắc trong hành trình sống với ước mơ của mình. Và điều đó cũng có nghĩa “gác lại những ước mơ cho bản thân” là quyết định của mẹ, chỉ để cùng thực hiện và sống với ước mơ của con. Mẹ đưa con đến nơi thành công và không sợ hãi.



Ở nhà, hễ có đau mẹ đưa đi khám để hết bệnh, mẹ khỏi lo. Nhưng ở chùa, là con của Phật rồi, chỉ muốn khoe những điều tốt đẹp với mẹ thôi, cho nên có nhứt bởi cái răng sâu; hay có đau sốt bởi cái tay sưng tấy do côn trùng cắn thì con vẫn giấu, dù mẹ có đang ở trước mặt con. Con đau đớn và khóc vì vết thương trên thân thể mình, nhưng mẹ khóc và cảm thấy bất lực vì chẳng thể lo được cho con. Và con, lại cắn thật chặt đôi môi, nén hết sự tủi thân và tự ái của mình vào trong, vì không muốn mẹ thấy con Phật mà yếu đuối rồi chịu đựng nhiều hơn… Tình thương của mẹ chính là liều thuốc bổ tốt nhất để con có thêm năng lượng vượt qua hết những bệnh nhiễm ở cuộc đời.



Con đường đủ đầy ánh sáng và nhiều sự ưu tiên hơn hết chính là con đường mang tên “Mẹ”. Nhưng hiện tại, con đang bước trên con đường, lí tưởng và tương lai mang tên Như Lai. Và vì biết là rất khó, nên sau này, trên bước đường đó, con luôn mong mẹ sẽ là người đồng hành cùng với con. Vượt qua được những thử thách của cuộc đời rồi, thì tu thân hành đạo chính là chí hướng và là con đường tiếp theo mà con với mẹ sẽ cùng đi. Để dù có là ở đâu, thời gian nào, hay khoảng cách có bao xa thì nơi quay về của con với người con thương, con thân luôn chỉ có một – là Tam Bảo.

Download Android Download iOS
TP.HCM: Tưởng niệm lần thứ 25 Thiền sư Duy Lực – Tổ sư thiền Việt Nam

Sáng ngày 01/01/2025 (Nhằm mùng 2 tháng Chạp năm Giáp Thìn) tại chùa Phật Đà (Quận 3, TP.HCM) Môn đồ pháp phái Tổ sư thiền đã trang nghiêm làm lễ tưởng niệm lần thứ 25 cố Thiền sư Hòa thượng Thích Duy Lực, người sáng lập pháp môn Tổ sư thiền tại Việt Nam.

Đức tính của Bồ tát Quán Thế Âm trong tôn dung của người nữ

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt thì hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm trong thân tướng người nữ là phổ biến nhất, có lẽ đây là phương thức thờ phượng chính yếu của người Việt đối với đức Quán Thế Âm từ ngàn xưa.

TP.HCM: Lễ hằng thuận tại chùa Thiên Tôn

PSO - Ngày 30/12/2024 (nhằm ngày 30/11/Giáp Thìn), Ban Hướng dẫn Phật tử TP.HCM kết hợp chùa Thiên Tôn tổ chức lễ Hằng Thuận cho Phật tử Thanh Minh Trí, thế danh Nguyễn Hồng Sơn và Phật tử Hạnh Quang, thế danh Nguyễn Thị Bảo Châu.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online