Mỗi chuyến đi là một hành trình phụng sự và tu tập. Ba ngày về Bắc tham dự lễ ra mắt sách Tĩnh Tư Ngữ và đi cứu trợ bão lũ vừa qua, với tôi là một trải nghiệm sâu sắc, ý nghĩa, để lại nhiều dư vị ngọt ngào.
Từ Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi cùng bay ra Đông Anh, Hà Nội, đến với ngôi chùa Long Hưng - Trung tâm Biên phiên dịch Tư liệu Phật giáo Quốc tế. Tại đây, buổi lễ ra mắt bộ sách Tĩnh Tư Ngữ (5 tập) của Ni trưởng Chứng Nghiêm đã diễn ra trong không khí trang nghiêm, hoan hỷ, ấm áp và nhiều cảm xúc. Với tâm từ bi rộng lớn và trí tuệ sâu sắc, từng trang sách của Sư Bà đều chuyển tải những thông điệp nhân văn, đầy ý nghĩa. Đọc sách với tâm "tĩnh lặng tư duy", mọi người sẽ dễ dàng cảm nhận được đằng sau từng con chữ là trái tim từ bi vô lượng, luôn hướng về chúng sanh với tình thương không biên giới của tác giả.
Ni trưởng Chứng Nghiêm, một vị "Bồ tát Quán Thế Âm" thời nay, suốt đời tận hiến cho sự nghiệp từ thiện, giáo dục, y tế, nhân đạo, bảo vệ môi trường, “vì Phật giáo, vì chúng sinh”. Ni trưởng và Hội Từ Tế đã có mặt ở hàng trăm quốc gia trên thế giới, gieo hạt từ bi, giúp đỡ những người khó khăn. Hình ảnh Ni trưởng là nguồn cảm hứng bất tận cho người con Phật trên bước đường cống hiến, phụng sự nhân sinh. Bởi lẽ đó, đến tham dự lễ ra mắt sách của Ni trưởng là một vinh dự lớn cho những ai muốn trải rộng tâm yêu thương, học theo hạnh nguyện lợi tha của Ni trưởng.
Buổi lễ càng trở nên ý nghĩa hơn với nghi thức khởi điểm là khoá lễ cầu nguyện quốc thái dân an, cầu siêu cho những hương linh xấu số trong cơn bão lũ số 3 Yagi vừa tàn phá miền Bắc. Với truyền thống "thương người như thể thương thân" của văn hoá Việt Nam và tâm từ bi cứu khổ của người con Phật, hàng ngàn trái tim đã nhất tâm trì tụng tôn kinh Phổ Môn, đồng thời toả sáng tình người bằng những nghĩa cử cao đẹp. Tổng số tịnh tài mà đại chúng phát tâm hỷ cúng để gửi đến đồng bào bị thiên tai là 1,5 tỉ đồng. Mặc dù lượng tịnh tài còn khiêm tốn so với tổn thất do bão lũ gây ra, nhưng mỗi đồng, mỗi phong thư, đều chứa đựng tấm lòng yêu thương, sự cảm thông vô hạn của chư Tăng Ni, người Từ Tế và quý Phật tử đối với đồng bào vùng lũ. Đó là nghĩa tình, là sự sẻ chia thật ấm áp giữa con người với con người.
Trong dòng chảy bất tận của cuộc sống, hành động thiện nguyện như giọt nước thanh lương, tưới mát tâm hồn nhiệt não, khổ đau của con người. Đến với xã Xuân Long, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn ở vùng cao, chúng tôi tận mắt chứng kiến những ngôi nhà bị tốc mái, những triền núi bị sạt lở, kéo theo sự tàn phá cái ăn, cái mặc, cũng như cuộc sống của người dân. Thương cảm là thế, nhưng giữa tình cảnh khó khăn, chúng tôi vẫn nhìn thấy nụ cười lạc quan của người dân nơi đây. Họ không gục ngã trước sóng gió cuộc đời, mà vẫn giữ vững niềm tin vào tương lai, vào tình người thiêng liêng, cao quý. Chính điều đó đã tiếp thêm năng lượng tích cực cho chúng tôi, những người may mắn ở vùng an toàn và các tình nguyện viên Hội Từ Tế để tiếp tục hành trình gieo hạt yêu thương.
Với tôi, chuyến về Bắc đã thành tựu viên mãn, kết quả đạt được "hơn cả một buổi ra mắt sách" như dự kiến ban đầu của đoàn miền Nam. Tinh thần phụng sự của người Từ Tế thực sự đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong tôi. Họ trang nghiêm, một lòng hướng thiện, luôn ý thức, đoàn kết, giữ gìn nề nếp quy củ, sẵn lòng giúp đỡ những người xung quanh khi cần.
Đời người là vô thường, mọi thứ đều tạm bợ, nhưng chắc chắn tình yêu thương, sự sẻ chia sẽ còn mãi. Mong rằng, hạt giống từ bi mà Ni trưởng Chứng Nghiêm đã gieo mầm từ sáu thập niên trước đã đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái ở khắp nhân gian, ngày càng lan toả rộng hơn nữa, xoa dịu mọi đau thương, mất mát của nhân loại.
Thích Tuệ Nhật, 16/9/2024.