04/09/2024 10:17

Thiểu dục tri túc - Cách sống hạnh phúc giữa đời thường

PSO - Ngồi lắng lòng lại để cảm nhận từng hơi thở trong ta, nghe những thanh âm của cuộc sống và nghĩ về cuộc đời của những người ngoài kia, phần nhiều họ khổ đau là do không đạt được những gì mình mong muốn. Mọi người phần nhiều thường đua chen, chạy theo vật chất, danh lợi không biết bao nhiêu cho vừa. Người thiếu thốn tham muốn đã đành, nhưng người dư giả, tiền bạc nhiều vô kể, thế mà vẫn còn tham muốn. Ðể đối trị lòng tham, Phật khuyên chúng ta phải thực hành hạnh “Thiểu dục và Tri túc”. Trong kinh Di Giáo có nói: “Tri túc chi nhơn, tuy ngọa địa thượng du vi an lạc, bất chi túc chi nhơn, tuy xứ thiên đường diệt bất xưng ý”. Nghĩa là: Người biết đủ, dù nằm trên đất cũng vẫn thấy an lạc; trái lại, người không biết đủ, dù ở cung trời cũng không vừa ý. Vậy muốn có được một cuộc sống an vui, thanh thản, hạnh phúc chúng ta cần phải Thiểu dục và Tri túc.

Ðể đối trị lòng tham, Đức Phật khuyên chúng ta phải thực hành hạnh “Thiểu dục và Tri túc”.

Thiểu dục: Là ít muốn, Tri túc: Là biết đủ. “Thiểu dục Tri túc”, tức là ít ham muốn và biết đủ. Pháp này thuộc về lĩnh vực đạo đức, giới hạnh, được Đức Phật chứng nghiệm sau thời gian sáu năm khổ hạnh rừng già, bốn mươi chín ngày đêm thiền định, Ngài thấy được con đường trung đạo là từ bỏ hai trạng thái khổ hạnh thái quá và sung sướng thái quá. Hai cực đoan này không đem lại lợi ích. Vì vậy, Đức Phật không khuyên hàng đệ tử của mình phải tu khổ hạnh, ép xác hay sống một cách sung sướng, trụy lạc. Con đường đó không đưa đến sự giác ngộ.

Một lần, Đức Phật hỏi Tỳ kheo Sona đã từng chơi đàn trước khi ông xuất gia:

– Thầy nghĩ thế nào, này Sona? Khi những sợi dây đàn tỳ bà của Thầy quá căng thẳng, trong khi ấy, đàn tỳ bà của Thầy có phát âm hay sử dụng được không?
– Thưa không, bạch Thế Tôn.

– Thầy nghĩ thế nào, này Sona? Khi những sợi dây đàn tỳ bà của Thầy quá chùng, trong khi ấy, đàn tỳ bà của Thầy có phát âm hay sử dụng được không?

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

– Nhưng này Sona? Khi những sợi dây đàn tỳ bà của Thầy không quá căng thẳng, không quá chùng xuống, nhưng vặn đúng mức trung bình, trong khi ấy, đàn tỳ bà của Thầy có phát âm hay sử dụng được không?

– Thưa được, bạch Thế Tôn.

Như vậy, Thiểu dục Tri túc trước hết không phải là một chủ trương mang tính khổ hạnh, ép xác như một số người lầm tưởng. Thiểu dục là đối với những cái chưa có, vì nhu cầu bản thân, vì lợi ích cho mình và nhiều người mà mong cho có, thì chúng ta nên thọ dụng. Không vì tham vọng nung nấu trong lòng mà mong cầu cho nhiều. Tâm càng mong cầu càng thấy mình thiếu thốn, không thiếu món này thì thiếu món kia, cảm thấy khổ sở, khó chịu. Chớ lầm tưởng rằng một khi lòng tham muốn được thỏa mãn là hết tham muốn. Ngạn ngữ có câu: “Bể kia dễ lấp, túi tham khó đầy”, để chỉ ra rằng lòng tham con người là vô hạn, lòng ham muốn không chỉ gây hại cho con người về vật chất và tinh thần, có khi nó còn làm cho con người đánh mất cả nhân cách và lòng tự trọng của chính mình.

Thiểu dục Tri túc giúp chúng ta có cái nhìn bình đẳng đối với hạnh phúc. Vì hạnh phúc không phụ thuộc vào vật chất nhiều hay ít, giàu hay nghèo mà phụ thuộc vào thái độ và sự cảm nhận của chính chúng ta.

Đức Phật dạy “Thiểu dục” và “Tri túc” là cốt yếu ngăn ngừa con đường sai lầm, chặn đứng lòng tham lam, độc ác không bờ bến của chúng sinh đang sống trong cõi đời vật dục, chứ không phải chủ trương ngăn chặn sự tiến triển của con người trên đường lợi người, lợi vật, ích nước, ích dân. Nhận thấy tai hại lớn lao của bệnh tham lam nên Đức Phật đưa ra phương thuốc rất công hiệu là “muốn ít” và “biết đủ” để điều trị căn bệnh ấy cho tận gốc. Phương thuốc này sẽ làm yếu dần tâm tham lam, nên các mối dục vọng, tội ác dần dần tiêu diệt, chỉ còn lại tấm lòng từ bi rộng rãi bao la mà thôi.

Ngày nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy nhiều người vì lòng tham vô độ mà phạm pháp, làm đau khổ chính mình và người khác. Người đời đa số thường bị năm thứ: Tài, sắc, danh, thực, thùy chi phối, trói buộc bản thân. Một khi đã tham muốn những thứ ấy thì dễ lao theo vòng xoáy mà bị chôn vùi trong sự ham muốn của mình, bị vật chất, danh lợi sai sử.

Thực tế cho thấy, con người thường nghĩ khi nào được thỏa mãn cái họ ham muốn thì mới thấy hạnh phúc, chưa thỏa mãn thì vẫn cho là bất hạnh. Như vậy, hạnh phúc và bất hạnh trong trường hợp này nằm trong chữ ham muốn: Ham muốn nhiều thì chúng ta sẽ đau khổ nhiều, ham muốn ít thì sẽ đau khổ ít, không ham muốn thì sẽ không có đau khổ. Bớt một phần ham muốn là thêm một phần thảnh thơi, an vui.

Lòng ham muốn làm cho ta khổ bao nhiêu thì Thiểu dục Tri túc lại làm cho ta thanh thản, nhẹ nhàng bấy nhiêu vì ta ít bị vướng mắc bởi ngũ dục, lục trần. Khi nhu cầu giảm bớt và biết đủ, chúng ta sẽ không bị lòng tham điều khiển, dẫn dắt để thỏa mãn cái mong muốn cao xa ngoài khả năng của bản thân. Từ đó, chúng ta không cảm thấy ngột ngạt, khó chịu với thực tại, với những gì chúng ta đang có. Người sống theo hạnh Thiểu dục Tri túc là người hạnh phúc nhất, bởi chúng ta được tự tại trong đời sống mà không bị điều gì gò bó, gán ép. Chúng ta sẽ tự chủ trong mọi thứ, dù có thất bại cũng không nản lòng hay tuyệt vọng.
Thiểu dục Tri túc giúp chúng ta có cái nhìn bình đẳng đối với hạnh phúc. Vì hạnh phúc không phụ thuộc vào vật chất nhiều hay ít, giàu hay nghèo mà phụ thuộc vào thái độ và sự cảm nhận của chính chúng ta. Một người nghèo nếu biết vận dụng giáo lý Thiểu dục Tri túc thì hạnh phúc hơn một người giàu không biết vận dụng giáo lý Thiểu dục Tri túc, vì người giàu vẫn thấy khổ với cái khổ không bao giờ biết đủ của họ.

Trong kinh Di Giáo, Phật dạy: “Này các Tỳ kheo! Nếu các ông muốn thoát khỏi sự khổ não, nên suy nghiệm hai chữ “Tri túc”. Hễ biết đủ thì ở cảnh nào cũng yên vui. Người không biết đủ, tuy giàu mà nghèo; người biết đủ tuy nghèo mà giàu. Người không biết đủ thường bị năm thứ ham muốn lôi kéo, làm người biết đủ thương hại”. Đó là những gì mà Đức Phật muốn gửi gắm chúng ta qua lời dạy về pháp Thiểu dục Tri túc để chúng ta hành trì tu tập đạt đến sự giác ngộ, giải thoát viên mãn.

Mỗi chúng ta hãy tự nhìn nhận lại xem tâm của mình đang cất giữ những gì, nếu những điều đó không tốt ta cố gắng vứt bỏ từ từ, tin rằng khi ta làm như thế thì “ngôi nhà” của ta sẽ sạch sẽ, tươi mát hơn.

Hạnh phúc chính yếu của chúng ta là tâm an lạc. Tâm an lạc này phát xuất từ tâm không mong cầu, không ham muốn. Thiểu dục Tri túc giúp con người đoạn trừ lòng tham, mưu sinh bất chính. Khi trong tâm bị câu thúc quá nhiều, quá mạnh bởi ham muốn, con người dễ bất chấp đạo lý thực hiện mọi mánh khóe, thủ đoạn để đạt cho bằng được cái điều ham muốn ấy. Do đó, khi một người biết đủ, ít ham muốn thì ngay những nhu cầu, khát vọng chính đáng cũng không thể làm vẩn đục cái tâm trong sáng, lành mạnh của người ấy thì làm sao có sự tham lam hiện hữu trong cái tâm ấy được. Tâm của con người như chính ngôi nhà của họ, khi đã chất đầy trong đó một thứ gì khác thì không còn chỗ để cất thêm thứ gì được nữa. Chất đầy trong đó sự mong cầu, tham lam, âu lo thì sẽ không còn chỗ cho thanh thản, hạnh phúc. Vậy mỗi chúng ta hãy tự nhìn nhận lại xem tâm của mình đang cất giữ những gì, nếu những điều đó không tốt ta cố gắng vứt bỏ từ từ, tin rằng khi ta làm như thế thì “ngôi nhà” của ta sẽ sạch sẽ, tươi mát hơn.

Hiểu được hạnh Thiểu dục Tri túc, mỗi người hãy biết khả năng của mình để có được những ước muốn tốt đẹp, phù hợp với năng lực của mình và chúng ta cũng nên tập cách sống giản dị trong cách ăn, mặc, ở,… Khi ấy, chúng ta sẽ ít bị ngũ dục chi phối, sai khiến làm cho chúng ta phải tất bật chạy theo để có được những thứ đó. Khi chúng ta ít muốn và biết đủ thì chắc chắn ta sẽ có được sự an lạc, thảnh thơi, vô lo, tự tại giữa cuộc sống tất bật đầy những cám dỗ của ngũ dục. Đó là những gì mà Đức Phật muốn gửi gắm và mong muốn chúng ta đạt được qua lời dạy về pháp Thiểu dục Tri túc.

Liên Diệu

Download Android Download iOS
Lễ Bế mạc và trao giải Hội thi Giáo lý Phật tử TP.HCM năm 2024

Chiều ngày 22-12-2024, tại Việt Nam Quốc Tự, quận 10, TP.HCM, Hội thi Giáo lý Phật tử TP.HCM đã khép lại trong không khí trang nghiêm, hoan hỷ và đầy cảm xúc với lễ bế mạc và trao giải thưởng. Đây không chỉ là dịp tôn vinh những nỗ lực vượt bậc của các Phật tử mà còn là lời khẳng định cho giá trị bền vững của giáo lý Phật Đà trong đời sống cộng đồn

Lan toả của dòng Lâm Tế Gia Phổ tại tổ đình Giác Lâm

Tổ đình Giác Lâm là “Tổ đình của chi phái Lâm Tế, dòng kệ của Mộc Trần Đạo Mân ở Gia Định và cả Nam Kỳ lục tỉnh”. Chư tiền bối Tổ sư tại tổ đình Giác Lâm tiếp nối truyền thừa qua các thế hệ, phát triển dòng Lâm Tế Bổn Ngươn tại Nam Bộ, Trung Bộ.

Cà Mau: Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh khánh thành cầu và tặng quà cho đồng bào nghèo xã Tân Đức

Sáng nay, ngày 22/12/2024 tại huyện Đầm Dơi tỉnh Cà Mau, Ni sư Thích Nữ Diệu Chánh, Phó Ban Trị sự, Trưởng ban Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh, phối hợp cùng chánh quyền địa phương tổ chức khánh thành cầu nông thôn và tặng 60 phần quà đến đồng bào xã Tân Đức.

Lễ Bế mạc và trao giải Hội thi Giáo lý Phật tử TP.HCM năm 2024

Chiều ngày 22-12-2024, tại Việt Nam Quốc Tự, quận 10, TP.HCM, Hội thi Giáo lý Phật tử TP.HCM đã khép lại trong không khí trang nghiêm, hoan hỷ và đầy cảm xúc với lễ bế mạc và trao giải thưởng. Đây không chỉ là dịp tôn vinh những nỗ lực vượt bậc của các Phật tử mà còn là lời khẳng định cho giá trị bền vững của giáo lý Phật Đà trong đời sống cộng đồn

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online